PDA

View Full Version : N - Nỗi Cô Đơn Trống Vắng



Dan Lee
12-20-2011, 08:09 PM
NỖI CÔ ĐƠN TRỐNG VẮNG



Đôi khi trong lòng có sự cô đơn trống vắng. Lúc bấy giờ thấy lòng mênh mang một nỗi buồn thật rộng lớn như vô hạn không biên giới. Cái nhìn và sự suy tư cũng khác hẳn. Tất cả yếu ớt, không trung thực, không chính xác.

Nỗi cô đơn trống vắng có khi đến từ ngoại cảnh. Nó gieo vào lòng người ta như một thứ luơng thực làm cho cơ thể bị thay đổi, biến dạng. Ngoại cảnh xâm chiếm lòng người khiến họ phải thua. Họ thua vì nó mạnh hơn. Nó mạnh hơn vì nó mang theo cái vô hình đột nhập vào giác quan. Ai cũng đã hơn một lần ở vào tình trạng này. Lúc bấy giờ thấy mình yếu đuối hơn lúc khác, dễ nản hơn lúc khác, và cũng dễ thay đổi hơn lúc khác.

Thực tại là ngoại cảnh xâm chiếm lòng người như một nỗi day dứt khó diễn tả. Bộ mặt của nó thì không thay đổi nhưng cái ruột của nó có một nội dung gì đó hơi khác với mỗi người. Nếu ta vùng dậy đi nơi khác thì dần dần có sự thay đổi về tâm lý, thay đổi cõi lòng….Và lôi kéo được cả thực tại ngoại cảnh đi theo nữa.

Chẳng ai thích nỗi cô đơn trống vắng trong nỗi buồn. Nhưng nhiều khi nó cứ tiếp tục mãi nơi lòng mình. Rồi nó điều khiển tâm trí mình nữa. Cái đó mới là nguy hiểm. Cái liên tục ấy mới là cái khó dứt. Như một cơn nghiện rồi sẽ đến cao điểm của nó. Nỗi cô đơn trống vắng có cái tệ hại chỗ đó. Mà càng để nó xâm chiếm lòng mình thì nó càng đột phá, nó càng gặm nhấm tới xương tuỷ thì thôi. Cô đơn trống vắng có thể giết chết người ta. Trong vườn Giếtsimani, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Linh hồn Thầy lo buồn đến chết được”. Buồn muốn chết đi được là nỗi buồn kinh khủng lắm. Nỗi buồn xé nát tâm can. Nỗi buồn khó mà vực dậy được.

Buồn và cô đơn thường đi đôi với nhau. Vì cô đơn nên buồn và ngược lại. Cái buồn nhiều khi cũng khó định nghĩa. Và nguyên nhân cũng rất lạ. Có khi tự nhiên buồn. Hoặc nhìn mây gió mà buồn. Nhìn người ta mà buồn. Nhìn mình mà buồn. Tất cả đều có thể diễn ra trong lòng người. Tất cả đều có cái nguy hiểm của nó.

Ngoại giới và lòng người có sự tương tác. Lòng người chịu ảnh hưởng bởi ngoại giới chứ ít khi và có khi chẳng bao giờ ngoại giới chịu ảnh hưởng bởi lòng người, trừ ra ngoại giới là chính ai đó. Càng tiến sâu vào lãnh vực tâm linh càng thấy cõi lòng người ta phức tạp và dầy cộm những nỗi niềm. Ở đó phải ẩn chứa một thế giới huyền bí, thế giới của tự do chủ quan, thế giới của sự suy tư, sáng tạo. Nỗi cô đơn trống vắng đụng chạm tới những vấn đề này. Qua đó nó cũng nảy sinh những điều gắn liền với lãnh vực ấy của chủ thể tự do. Và từ đó, nó cũng hình thành một quan điểm, hoặc hành động tốt xấu.

Nội giới của ta tuy chật hẹp về không gian nhưng lại rất rộng về mặt tương quan. Khi mang theo nỗi cô đơn trống vắng thì ở đấy chứa đầy mối tương quan, ở đấy có nhiều chiều kích với không gian ngoại giới. Thành thử ra, chưa bao giờ sự cô đơn trống vắng của mình lại không hướng tới một đối tượng khác ở gần hay ở xa. Điều khó hiểu là tại sao lúc bấy giờ người ta vẫn chưa tìm đến đối tượng ấy ngay mà lại để cho lòng mình cứ mênh mang nỗi buồn trống vắng. Có khi đối tượng ngay trước mắt mà ta cứ buồn. Có khi chọn được đối tượng vừa ý mà lòng vẫn buồn, vẫn cô đơn. Phải chăng đối tượng ấy là thực tại giới hạn nên người ta không cảm nghiệm thấy sung sướng bao nhiêu và cụ thể là chẳng lấp đầy được nỗi cô đơn trống vắng của họ.

Người mẹ đang buồn, cô đơn vì mong chờ đứa con đi xa trở về nhà. Bà chỉ chờ đợi tiếng gõ cửa là bà sẽ ra mở cửa ngay. Và bà cứ đnh ninh rằng bất cứ tiếng gõ cửa nào trong lúc bà đang có tâm trạng này thì sẽ là tiếng gõ cửa của đứa con bà. Có nghĩa là lúc này đây, tiếng gõ cửa sẽ làm bà thoả mãn, tiếng gõ cửa sẽ giúp bà hết buồn, sẽ lấp đầy nỗi cô đơn trống vắng của bà. Thì lập tức có tiếng gõ cửa. Bà ra mở cửa ngay. Bà gặp một người ăn xin ! Bà càng buồn bực hơn trước. Đối tượng bà mong chờ thì đúng (tiếng gõ cửa) nhưng đâu có đáp ứng được nhu cầu bà đang mong chờ?

Rất nhiều khi trong cuộc sống chúng ta rơi vào hoàn cảnh như thế. Chúng ta cứ mong chờ thì lại càng buồn và cô đơn hơn, thậm chí đạt được đối tượng rồi, tình trạng lại tệ hại hơn. Ước mơ của ta không chính xác. Và ước mơ của ta chỉ giới hạn trong cái giới hạn thì lòng mình càng bứt rứt khó chịu. Ngay cả khi hưởng xong một thú vui nào đó người ta cũng buồn và rất buồn nữa.

Lạy Chúa, khi chúng con bị cô đơn trống vắng làm cho nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng,

Khi chúng con khát khao điều gì mà chẳng đạt được, chẳng tìm thấy,

Xin cho con nhớ đến giây phút cô đơn và đau khổ của Chúa trên thập giá, đến nỗi Chúa đã phải thất lên: “Lạy Cha, sao Cha đành bỏ con?”

Để chúng con luôn biết sống phó thác, vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng. Amen.



Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn