PDA

View Full Version : DĐ - Dị nhân



Dan Lee
12-17-2011, 03:04 PM
Dị nhân




Ngày xưa chúng ta được biết những câu chuyện lạ về “Nam hải Dị nhân”. Dị nhân là con người “khác thường”, không giống ai. Có người được coi là một “hiện tượng” về một lĩnh vực nào đó, có người “bị” coi là cấp tiến. Nói chung, có nhiều cách “kỳ dị”, nhưng kỳ dị muốn nói ở đây mang tính cách tốt và tích cực.

TỪ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ…

Sau vài chục thế kỷ nhân loại khao khát mong chờ Đấng Cứu Thế, nay người ta chợt thấy một con người “khác thường” nên họ hỏi để biết đích xác Thánh Gioan có phải là Đấng Thiên Sai mà họ mong đợi hay không. Vì người ta “nghi ngờ” nên mới phải hỏi: “Ông là ai?”. Và hỏi thì cần được trả lời.

Đó là câu hỏi của một số tư tế và Lêvi được những người Do Thái sai đi điều tra rõ ràng, và họ đã trực tiếp “ba mặt một lời” thẩm vấn chính ông Gioan. Ông chỉ lắc đầu và cười. Họ càng thấy lạ, họ hỏi ông có phải là người kia hay ông nọ, ông Gioan vẫn một mực từ chối: “Không”. Không hiểu họ ác ý hay thiện ý mà vẫn không thỏa mãn, họ hỏi tới tấp, vả lại họ còn phải trả lời cho những người đã sai họ đi, thế nhưng Thánh Gioan vẫn không nhận mình là gì khác mà chỉ nhận mình là “tiếng hô trong hoang địa” (Ga 1:23) và nói mình “không đáng cởi quai dép” cho Đấng đến sau ông (Ga 1:27). Đó là “tính cách “độc đáo” của Thánh Gioan mà không thể lẫn lộn với ai khác.

…TỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ

Sau khi phục sinh một người thanh niên đã tắt thở, Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ (Lc 7:14-15). Thấy vậy mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7:16). Dân chúng đã thấy “dị nhân” Gioan, nay lại thấy một “dị nhân” khác: Chàng thanh niên Giêsu. Thế là lời đồn đại về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.

Nghe đồn, các môn đệ của ông Gioan báo cho ông biết tất cả những việc ấy. Thế rồi chính ông Gioan ngạc nhiên nền liền sai 2 môn đệ đến hỏi Chúa: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:18-19). Họ đến gặp Đức Giêsu và nói: “Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:20). Lúc ấy, Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và làm cho nhiều người mù được thấy. Chắc hẳn Ngài cũng lắc đầu và cười, nhưng Ngài không nói thẳng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:22).

Chúa Giêsu có cách nói “độc đáo”, Ngài như con tắc kè vậy. Tại sao? Con tắc kè có thể thay đổi màu sắc tùy môi trường để kẻ thù không thể phát hiện. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Thế mới “độc chiêu”, vì trả lời “có” hay “không” chưa chắc là khôn khéo. Thật tuyệt với “chiêu tắc kè”.

Gioan Tiền hô đã thiếu tự tin nên mới sai đệ tử đến hỏi Chúa Giêsu: “Ông là ai?”. Chúng ta cũng vậy, nhiều lúc chúng ta đã và đang thiếu tự tin và “nghi ngờ” không biết có phải Chúa đang hành động giữa các sự kiện cuộc đời hay không. Chính Thánh nữ Têrêsa có lúc chìm trong “bóng tối khô khan” đã phải thốt lên: “Nếu có Chúa thật, xin tha thứ cho con”. Một ca khúc của cố nhạc sư Hùng Lân thật ý nghĩa, như một lời nhắc nhở chúng ta: “Chúa có mặt trong lịch sử cuộc đời, Chúa có mặt trong lịch sử đời tôi…”.

Cuối cùng, Chúa Giêsu “láy” thêm: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì Tôi” (Lc 7:23). Con người quá yếu đuối, không chỉ nghi ngờ người khác mà đôi khi còn nghi ngờ cả chính mình.

Lạy Chúa, xin nâng đở và hướng dẫn chúng con trong Chân lý Thiện hảo của Ngài, xin giúp chúng con nhận ra Chúa và can đảm thi hành Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa của chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU