PDA

View Full Version : T - Tiếng gọi và ơn gọi



Dan Lee
12-15-2011, 08:39 PM
Tiếng gọi và ơn gọi


Cuộc sống con người là quà tặng bất ngờ và thú vị của Thượng đế. Cuộc sống ấy vốn dĩ rất phức tạp, phong phú và đa dạng. Cuộc sống đó có nhiều tiếng gọi và nhiều ơn gọi, vì thế, tiếng gọi và ơn gọi cũng rất đa dạng và phong phú, gắn liền với vận mệnh cuộc đời của con người. Có người bước theo tiếng gọi đi tu và sống ơn gọi đời tu như làm linh mục, ma xơ, tu sĩ. Có người chọn sống giữa đời thường với đời sống hôn nhân gia đình, làm bác sĩ, kỹ sư, diễn viên, ca sĩ v.v… Vâng, có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu tiếng gọi và ơn gọi. Đâu là mối liên hệ giữa tiếng gọi và ơn gọi nơi cuộc đời của một con người? Làm thế nào để con người thời đại hôm nay nhận ra và can đảm dấn thân cho tiếng gọi và ơn gọi đời mình với cả tình yêu và trách nhiệm?

Trước tiên, nói đến tiếng gọi và ơn gọi là nói đến người gọi và người được gọi. Trong cuộc sống đời thường, có lẽ mỗi người trong chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm về việc cất tiếng gọi một ai đó hay được một ai đó gọi tên mình.

Khi cất tiếng gọi một ai đó là muốn tạo lập một mối liên hệ, muốn trao cho người được gọi một thông tin, một yêu cầu, một sứ vụ. Dựa vào Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đã cất tiếng gọi các tổ phụ, ngôn sứ và trao cho các ngài những trọng trách, những sứ vụ quan trọng.

Thiên Chúa đã cất tiếng gọi tổ phụ Abraham hãy rời bỏ nhà cửa, đất đai, xứ sở, đi đến một miền đất xa lạ, để trở thành người cha chung của một dân tộc đông như sao trên trời và như cát bãi biển.

Thiên Chúa cũng đã hiện ra trong bụi gai đang bốc cháy và sai Môsê đến giải phóng dân Israel thoát khỏi ách nô lệ lầm than gần 500 năm bên Ai Cập.

Ngoài ra, Thiên Chúa cũng đã cất tiếng gọi Êlia trong sự tĩnh lặng của làn gió hiu hiu, để khích lệ và an ủi.

Chúa đã cất tiếng gọi cậu bé Samuel đang ở trong đền thờ với thầy cả Hêli, để chuẩn bị cậu làm ngôn sứ của Ngài.

Đến thời Tân ước, Chúa Giêsu đã cất tiếng gọi bốn người môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đang đánh cá bên bờ biển hồ. Chúa cũng đã gọi Mathêu đang ngồi ở bàn thu thuế: “Hãy theo Thầy”. Và ngay lập tức, họ đã đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu dù không biết tương lai sẽ đi đến đâu, về đâu.

Vâng, tiếng gọi và ơn gọi luôn gắn liền với vận mệnh cuộc đời của con người.

Tiếp đến, kinh nghiệm về tiếng gọi và ơn gọi của những con người trong dòng chảy lịch sử cứu độ năm xưa cũng là những bài học ý nghĩa cho con người thời đại hôm nay. Vậy thì, làm thể nào để con người thời đại hôm nay nhận ra và can đảm dấn thân cho tiếng gọi và ơn gọi đời mình?

Đây là một lộ trình chọn lựa đòi hỏi sự khôn ngoan nhận định và can đảm chấp nhận của mỗi cá nhân.

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy: có những người vì tình yêu đã bỏ qua một bên sự giàu có của gia đình để chọn lựa kết hôn với một người không môn đăng hộ đối với gia đình mình. Có những người can đảm từ bỏ nhà cửa sang trọng, vật chất tiện nghi, nghề nghiệp ổn định, vị trí xã hội cao trọng để hy sinh dấn thân cho lý tưởng làm linh mục, ma xơ, tu sĩ, hoặc trở nên những nhà truyền giáo trong những vùng đất xa xôi ở Châu Phi … mà phục vụ mọi người. Vâng, ơn gọi là một bậc sống, một hồng ân, là cả một cuộc đời của con người.

Thực tế nghiệt ngã của kiếp người còn cho chúng ta thấy: có những người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp lại không cảm nhận được hạnh phúc thật sự khi sống với một người chồng được mai mối trong khi bản thân không hề có tình yêu đến từ sự rung động chân thành của nhịp đập trái tim. Họ cảm nhận một cuộc sống nặng nề, bất an, và không có hạnh phúc trong tâm hồn. Hay cũng có những người sống ơn gọi đời tu nhưng lại trớ trêu nhận ra mình không hạnh phúc. Vì vậy, đã xuất hiện một sự hối hận muộn màng và một cuộc đời kéo lê trong những sai lầm, bất hạnh.

Vậy thì, điều cốt lõi quyết định ơn gọi của cuộc đời mỗi con người đó chính là việc lắng nghe tiếng lòng của mình: Tôi đang thật sự yêu ai? Tôi đang thật sự muốn cái gì? Tôi sống trên đời này để làm gì? Cái gì là quan trọng nhất đối với tôi trong cuộc đời này?

Khởi đi từ những câu hỏi chất vấn lòng mình như thế, con người sẽ tìm ra một định hướng, một lối sống và một đáp trả thích hợp cho tiếng gọi và ơn gọi của Thiên Chúa dành cuộc đời của mình.

Vâng, có rất nhiều tiếng gọi và ơn gọi nhưng vẫn chỉ có một cuộc đời. Vì thế, không ai có thể sống thay cho cuộc đời của chúng ta mà chỉ có chính bản thân chúng ta chọn lựa hạnh phúc hay đau khổ cho vận mệnh cuộc đời của mình. Điều này hệ tại đến việc lắng nghe tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa.

Thế nhưng việc lắng nghe và tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa là điều không phải dễ dàng. Đó là cả một quá trình suy nghĩ, cầu nguyện không ngừng. Nhiều lúc con người cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng vì không biết mình sống để làm gì, mình đang muốn cái gì. Những lúc như thế, con người cần hướng lòng về Thiên Chúa, để xin Ngài mở ra cho chúng ta một con đường, một hướng đi tìm về nguồn cội Chân – Thiện – Mỹ, nguồn cội của tình yêu vĩnh cửu.

Cuối cùng, thời khắc rất gần với việc kỷ niệm biến cố Chúa Giáng sinh làm người và mừng năm mới 2012 giúp chúng ta cảm nhận rằng, đã có một Thiên Chúa dám chấp nhận dấn thân cho tiếng gọi của tình yêu cứu độ nhân loại.

Ngài đã chấp nhận thân phận con người, sống ơn gọi làm một người bình thường như mọi người, chỉ trừ tội lỗi, vì yêu thương nhân loại bằng một tình yêu nhưng không và yêu cho đến cùng. Điều này làm nổi bật tiêu chuẩn để phân định ơn gọi đời mình, đó là: Tình Yêu. Có những người mưu sinh vất vả với những nghề nặng nhọc như quét rác, lượm ve chai, bán vé số, đánh giày nhưng họ vẫn cảm nhận được hạnh phúc, vì động lực làm việc chính là tình yêu: tình yêu của những người vợ, người mẹ bươn chải kiếm tiền để lo cho chồng đang bệnh nặng, lo cho con đang trên bước đường học vấn...

Phải chăng, thông điệp cốt lõi nhất nơi biến cố Chúa giáng sinh làm người là tiếng gọi của tình yêu tự hạ để dấn thân phục vụ tha nhân? Gương tự hạ của Ngôi Lời nhập thể đã thật sự trở thành động lực tình yêu cho bạn, cho tôi và cho tất cả mọi người như thế nào? Tiếng gọi và ơn gọi dành cho mỗi người chúng ta là được làm con Thiên Chúa và là anh em với nhau! Bạn đón nhận tiếng gọi và ơn gọi đó như thế nào?

Tâm Thương