PDA

View Full Version : C - Con Dấu của Ơn Chúa



Dan Lee
11-11-2011, 07:25 PM
CON DẤU CỦA ƠN CHÚA

Tôi đã nhiều lần khuyến khích qúi ông bà đọc các Tin Mừng của Tân Ước, Thánh Kinh, và hy vọng là qúi ông bà đang làm việc đó. Khi đọc Tin Mừng thì sẽ thấy, trong cả bốn cuốn, Chúa Giêsu nhiều lần nói bằng các dụ ngôn. Nước Thiên Chúa giống như người đi gieo hạt giống; hoặc Nước Thiên Chúa giống như hạt cải.

Nhiều dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để nói về tiền bạc. Như dụ ngôn về Người Samaritano nhân hậu đã dùng tiền của mình để cứu giúp một người bị cướp đánh rồi bỏ nằm bên vệ đường. Có câu truyện về người đầy tớ hoang phí. Khi ông chủ của hắn biết được thì hắn đã mưu lược cắt xén tiền của chủ. Có dụ ngôn về đồng bạc của bà góa và câu truyện kèm theo. Dụ ngôn hôm nay cũng liên quan đến tiền bạc, về ba người được trao cho một số tiền, có ý để cho họ đầu tư.

Dấu Gía Trị

Nhưng những dụ ngôn này thực sự không phải về tiền bạc. Chúng là những dụ ngôn về các giá trị mà người ta cần có và Chúa Giêsu dùng những cách diễn tả này như một lối giải thích để người ta nhận ra cái gì gía trị và cái gì không gía trị. Do đó Ngài cho chúng ta một giải thích, bởi vì nếu chúng ta hiểu dụ ngôn theo nghĩa đen, người thứ nhất làm được một trăm phần trăm lợi nhuận và đã được hậu thưởng. Người thứ hai cũng làm được như thế. Người thứ ba đã không sinh lời nhưng ông ta cũng không làm mất đi đồng nào. Ông đã chẳng làm cái gì bất hợp pháp; ông cũng chẳng làm điều gì xấu xa, do đó quí vị nói, “Tại sao ông ta lại bị phạt? Ông đã làm sai cái gì? Ông đã giữ tiền lại và hoàn trả đủ số tiền đã được trao cho giữ.”

Nếu tôi có căn nhà, và sẽ đi vắng một thời gian, và tôi nói với người hàng xóm, “Xin ông trông nhà giùm tôi trong thời gian tôi đi vắng?” Tôi sẽ rất hài lòng khi trở về và thấy căn nhà vẫn còn y nguyên giống như lúc tôi đi. Tôi sẽ không trách phạt người đó. Do đó dường như là có sự bất công khi người nhận một yến bạc bị trừng phạt. Nhưng thực ra là không bất công khi chúng ta nhìn với quan điểm chỉ ở gía trị của vật chất. Thí dụ, lấy đồng 25 xu, một phần tư đồng. Có lẽ gía trị lượng kẽm của nó không đáng một xu. Vì vậy nếu quí vị đốt lỏng nó trở lại thành kẽm thì nó chẳng đáng một xu. Nhưng vì nó được chính quyền đóng dấu và qúi vị thấy hình cái đầu của ông Washington được in vào đó; và lúc này nó trị gía 25 xu, gía trị thành hai mươi lăm lần bởi vì chính quyền bảo trợ cho cái đồng kẽm nhỏ đó. Bây giờ nó có thêm gía trị. Nó cũng giống như thế đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta được sinh vào trần gian với những cá tính, biệt tài, khả năng, sức lực hay những cái khác, đó là những khiếu năng tự nhiên và chúng ta dùng những khiếu năng đó. Nhưng các khiếu năng đó tùy thuộc chúng ta.

Ngày In Dấu

Và Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta, “Ngươi sẽ là một trong các môn đệ của ta,” và rồi Ngài đóng dấu trên chúng ta với bí tích Thánh Tẩy. Tức thì cuộc đời chúng ta thay đổi, bởi vì lúc này chúng ta có sự sống của Chúa Kitô trong mình, và toàn thể con người được biến đổi. Chúa bảo chúng ta hãy nhận lấy cái khiếu năng đã ban cho chúng ta, ơn cứu chuộc, và dùng nó để đem tin mừng của Chúa vào thế giới. Các bạn và tôi đã được trao tặng cho cái đó và chúng ta phải dùng nó cho ơn cứu rỗi của chính mình.

Chúa Giêsu Kitô in ấn dấu trên chúng ta và dấu đó có nghĩa là nó không đủ để chỉ nhận ơn thánh trong bí tích Thanh Tẩy và rồi ngồi yên tại chỗ để cho thế giới trôi qua; chúng ta phải xử dụng ơn thánh. Chúng ta phải ứng dụng ơn của Chúa để tăng triển trong ơn thánh, lớn lên trong tình yêu của Chúa, chu toàn trách nhiệm đặt trên chúng ta như là những tín hữu Công Giáo. Chúng ta phải cầu nguyện nhiều hơn; chúng ta phải lãnh nhận các bí tích, phải tuân giữ các giới răn, phải thực hành bác ái, yêu thương tha nhân. Tất cả các thực hành này đòi phải được thể hiện nơi mỗi người chúng ta. Đòi buộc chúng ta phải đón nhận những gì đã trao ban cho chúng ta và đem ứng dụng chúng trong đời sống, chứ không chỉ lấy rồi ngồi không. Thiên Chúa ban cho chúng ta các ơn thánh và khiếu năng để giúp cho phần rỗi của mình và nếu chúng ta không dùng cho nên, chúng ta sẽ không lãnh nhận được phần rỗi.

Ngày Phát Xét

Khi thời phán xét đến, và ngày ấy sẽ đến, mọi người chúng ta sẽ được đưa ra trước tòa phán xét và Thiên Chúa sẽ hỏi, “Ngươi đã làm gì với đời sống linh thiêng ta trao cho ngươi?” Và chúng ta sẽ phải trả lời. Nếu chúng ta nói, “Con đã dùng đời sống linh thiêng đó và làm tăng triển gấp trăm gấp ngàn lần lên,” Thiên Chúa sẽ thưởng công cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta dùng đời sống linh thiêng đó và đứng trước tòa phán xét của Chúa, Chúa Giêsu Kitô sẽ hỏi, “Ngươi đã làm gì với đời sống linh thiêng ta trao cho ngươi?” Nếu câu trả lời của chúng ta là, “Chẳng làm gì cả”, chúng ta sẽ không hội đủ điều kiện để được cứu rỗi. Chúng ta được kêu gọi dùng đời sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để đầu tư sinh lời qua những thực hành, qua những kinh nguyện hằng ngày, qua các bí tích, chu toàn các giới răn của Chúa. Và rồi khi chúng ta đứng trước tòa phán xét, Thiên Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta, “Khá lắm! ngươi là đầy tớ tốt và trung tín.” Xin Chúa chúc lành cho qúi vị.

Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch