PDA

View Full Version : H - Hồng thập tự



Dan Lee
10-20-2011, 06:10 PM
HỒNG THẬP TỰ

Cả thế giới – không phân biệt sắc tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo – đều lấy hình ảnh chữ thập làm biểu tượng cho tình yêu thương, lòng bác ái. Tổ chức “Hồng thập tự” (chữ thập đỏ) đã nói lên điều đó. Còn trong toán học thì chữ thập biểu thị sự gom lại, tập hợp lại (tính cộng). Khi quân dữ kết án tử Đức Giê-su, chúng cũng dùng cây thập tự để treo Người lên như những tội nhân phạm trọng tội khác. Có lẽ cổ nhân dùng thập tự để treo tội nhân cũng chỉ nhằm phơi bày hết hình hài của họ để bêu riếu, nhục mạ, mà cách phơi bày tiện dụng nhất chỉ có thể là treo tội nhân thẳng đứng lên cho mọi người thấy rõ. Muốn vậy, phải dùng thanh gỗ ngang để cột (hoặc đóng đinh) hai tay vá dùng cây gỗ dọc chôn xuống đất để đỡ cho thanh gỗ ngang. Thế là người đứng gần cũng như kẻ đứng xa đều có thể nhìn rõ tội nhân để mà chế nhạo, phỉ báng.

Hai cây gỗ đóng hình chữ thập trở thành cái giá (thập giá) treo tội nhân cho đến chết, nó đã thành một hình cụ giết người, một biểu tượng của tội ác do con người tạo ra (ngày xưa ở Việt Nam, các cụ vẫn gọi cây thập tự treo Chúa Giê-su là cây thập ác). Không ai có thể ngờ được một dụng ý độc ác của con người lại được Thiên Chúa mạc khải thánh ý của Người: Đức Giê-su bị treo lên như vậy là Người vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha (cây gỗ đứng) dang rộng hai tay kéo mọi người lên (thanh gỗ ngang). Cũng giống như tấm bảng viết INRI (Giê-su Nadaret – vua Do thái) quân dữ đóng phía trên đầu Chúa Giê-su nhằm chế nhạo Người, thì lại cho mọi người biết chính dân Do thái đã giết Vua của dân tộc họ, nói cách khác Vua Do thái đã chết vì tội lỗi của dân mình. Trở lại với hình ảnh thập tự trong toán học biểu thị sự gom lại, cũng có nghĩa là tập hợp các phần tử lại thành một mối, và nếu các phần tử đó là con người thì chẳng phải đây là dấu chỉ sự đoàn kết yêu thương nhau đó sao? Rõ ràng từ một biểu tượng của tội ác, cây thập tự treo Chúa trên Núi Sọ năm xưa đã trở nên biểu tượng của Tình Yêu mà tổ chức Hồng thập tự quốc tế đã lấy làm biểu tượng cho mục đích và hoạt động của mình.

Người Ki-tô hữu phải ý thức khi chiêm ngắm Thánh giá thì cũng chính lá lúc được trực diện với hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu Giê-su Ki-tô đang dang rộng hai tay mời gọi mọi người hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Một cách cụ thể, Người đang muốn nói với tất cả chúng ta: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” – Mt 22, 37-39). Cây Thánh giá hình chữ thập chính là biểu tượng cho hai điều răn quan trọng nhất ấy: Cây gỗ dọc là thân mình của mỗi Ki-tô hữu đang đứng thẳng vươn tới Thiên Chúa, thanh gỗ ngang là hai cánh tay dang rộng ôm lấy anh em trong yêu thương đùm bọc nhau. Nói khác đi, Đạo (con đường) Ki-tô chỉ có 2 chiều: chiều thẳng đứng chỉ sự công minh chính trực của Thiên Chúa là điều phải vươn tới và chiều nằm ngang chỉ tình cảm thương yêu đối với tha nhân là điều phải thực hiện trong cuộc sống.

Rõ ràng 2 điều răn đã liên kết chặt chẽ với nhau trở nên một điều răn quan trọng nhất: “Mến Chúa yêu người”, cũng như 2 thanh gỗ đóng hình chữ thập nhuộm đỏ máu Chúa Ki-tô đã trở nên một Biểu-Tượng-Tinh-Yêu: HỒNG THẬP TỰ. Vâng, quả thực là Đạo Công Giáo chỉ sống và thực hành duy nhất một điều răn bao trùm lên tất cả: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. Muốn “mến Chúa” thì tiên vàn phải biết “yêu người” (“đói cho ăn, khát cho uống, rách cho mặc, tiếp rước khi là khách lạ, viếng thăm khi bị cầm tù…), vì chỉ có “yêu người” mới thực là “mến Chúa”, bởi "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40).

Cũng vì thế, nên ngay từ hồi những hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo trên mảnh đất chữ S này, những anh em không cùng tín ngưỡng, kể cả những người không tín ngưỡng (vô thần) đều gọi Ki-tô Giáo là Đạo Yêu Thương, Đạo Bác Ái. Ngày nay, chúng ta hãnh dịên vì điều đó, thì lại càng phải làm sao cho điều đó trường tồn và phát triển đến thiên thu vạn đại. Muốn được như vậy, hẳn nhiên là phải thực sự trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, cũng tức là phải làm thế nào cho mình trở nên một THẬP-TỰ-GIÊSU giữa đời. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện một phóng viên ngoại quốc sau khi xem cuốn phim Việt Nam “Chuyện tử tế” (đạo diễn Trần Văn Thuỷ) trình chiếu trong liên hoan phim Đại Dương (Pháp), đã hỏi: “Người Ki-tô hữu Việt Nam có thể làm gì cho dân tộc mình?” Nhà đạo diễn đã trả lời: “Với tôi điều người ta mong đợi ở các Ki-tô hữu là niềm tin của họ và cách họ sống điều họ tin”. Chính điều này cho thấy tin Đạo là một chuyện, nhưng còn phải biến niềm tin ấy thành hành động sống Đạo giữa đời, đem đến cho đời những điều tốt lành của Đạo, hay nói cách khác là sống tốt Đạo đẹp đời. Chỉ có như thế mới xứng đáng với “Hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa” ở ngay chính con người của mình: Ki-tô hữu.

Là Ki-tô hữu, tức là một Thập-tự-Kitô, phải chăng là đang thi hành sứ mệnh "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20). “Vì sứ mệnh này tiếp diễn, và qua dòng lịch sử làm sáng tỏ sứ mệnh của chính Chúa Ki-tô, Ðấng đã được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Ki-tô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Ki-tô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết, để rồi toàn thắng nhò sự sống lại của Người. Chính các Tông Ðồ trong niềm hy vọng cũng đã bước đi trên đường lối đó, đã chịu nhiều nghịch cảnh và đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội. Nhiều khi máu các Ki-tô hữu còn là hạt giống nữa” (SL Truyền Giáo, số 5).

“Máu các Ki-tô hữu còn là hạt giống nữa” ư? Vậy thì máu Ki-tô hữu đổ ra nhuộm đỏ thân mình trở thành một Hồng Thập Tự Ki-tô, há chẳng phải là ”hat giống Tin Mừng” đó sao? Chính những hạt giống Tin Mừng ấy sẽ trưởng thành và đơm bông kết trái trên cánh đồng TRUYỀN GIÁO vậy. Ôi! Lạy Chúa, xin soi sáng và thêm sức cho con nên một cành nho trổ sinh nhiều hoa trái, để con thực sự trở thành một HỒNG-THẬP-TỰ-KITÔ-HỮU giữa đời thường, Ôi! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.