PDA

View Full Version : H - Hình ai đây?



Dan Lee
10-13-2011, 04:50 PM
HÌNH AI ĐÂY?


Khi thấy Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ, chữa khỏi bệnh cho nhiều người, được dân chúng tung hô và đi theo rất đông, nhóm người Pha-ri-sêu quyết định tiêu diệt Người cho bằng được. Để có thể thực hiện âm mưu đó, họ đã nghĩ ra nhiều cách, mà một trong những cách đó là gài bẫy Người. Đã từng có chuyện gài bẫy Đức Giê-su về việc ném đá người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 2-11). Họ nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?". Họ nghĩ rằng với câu hỏi của họ, trả lời cách nào thì Đức Giê-su cũng dính trấu. Trả lời là cứ ném đá người phụ nữ thì mâu thuẫn, đi ngược với lời dạy của chính Người là phải yêu mến, tha thứ cho nhau kể cả kẻ thù của mình; không những thế, còn phạm luật Rô-ma (It-ra-el đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ, chỉ những người đại diện cho luật pháp Rô-ma – như tổng trấn Phi-la-tô, chẳng hạn – mới được quyền kết án tử hình). Còn nếu tha, thì lại phạm luật truyền thống của It-ra-en là luật Mô-sê. Đằng nào cũng kẹt! Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 22, 15-21), nhóm người Pha-ri-sêu lại một lần nữa gài bẫy Đức Ki-tô bằng cách chất vấn Người về việc nộp thuế cho Xê-da. Nếu Người trả lời là nên nộp thuế thì sẽ bị họ kết án là ôm chân ngoại bang, quay lại làm hại dân tộc mình. Còn nếu bảo không, thì lại vướng vào tội chống đối chính quyền bảo hộ. Chỉ cần Đức Ki-tô trả lời là họ có cớ “xử” Người ngay.

Cả 2 lần, Đức Giê-su đều biết rõ tận tim đen bọn người Pha-ri-sêu chỉ muốn gài bẫy để có cớ làm tội Người, nhưng cả hai lần chúng đều thất bại thảm hại, tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, bỏ đi một nước. Lần trước, khi nghe Đức Ki-tô nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi", thì: "Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi " (Ga 8, 8-9). Còn lần này, khi nghe Đức Ki-tô nói "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa", thì: “Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi” (Mt 22, 22). Ấy cũng bởi vì "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22, 19). Điều này chứng tỏ bọn người Pha-ri-sêu cũng chẳng khác gì Xa-tan cám dỗ Chúa trong sa mạc, bị Người quở mắng: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi"(Lc 4, 12).

Tuy nhiên, lần này, ngoài việc khiến bọn Pha-ri-sêu thất bại nhục nhã, Đức Ki-tô còn muốn gửi đến tất cả mọi người (từ những kẻ chưa tin đến những người đã tin tưởng vào Người, kể cả những kẻ chống đối) một thông điệp: Hãy sống trọn hảo bổn phận của một công dân nước trần thế (đối với thế quyền), đồng thời với bổn phận công dân Nước Trời (thần quyền). Người không chỉ dạy bảo, khuyên nhủ, mà còn làm gương trong suốt cuộc sống tại trần gian, như việc nộp thuế đền thờ, Người đã dạy thánh Phê-rô: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh" (Mt 17, 27). "Của Xê-da, trả về Xê-da” là vậy đó, và chính những điều này đã khiến Phi-la-tô khi luận án đã phải thốt lên đến lần thứ ba: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết"(Lc 23, 22), rồi rửa tay để chứng tỏ mình không kết án người vô tội, và trao trả lại cho đám quan quyền Do thái xử án Đức Ki-tô.

Cứ kể với đám người Pha-ri-sêu, trả lời họ "của Xê-da, trả về Xê-da” đã là quá đủ; nhưng Đức Ki-tô còn đi xa hơn, sâu hơn, bởi ngoài đám người muốn thử thách Chúa, còn có những người khác là những môn đệ cùng với những kẻ tin và đi theo Người. Vì thế, Người tiếp tục dạy: “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Của ai thì trả về cho người đó – rất công bằng và chí lý! Người Ki-tô hữu ngày hôm nay cùng lúc mang trên vai hai bổn phận: bổn phận công dân nước trần thế + bổn phận công dân Nưới Trời, thì phải khắc ghi trong tâm khảm châm ngôn sống "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Chúa không dạy ta hãy lánh xa đời, mà hãy sống Đạo giữa đời. Sống làm sao cho tốt Đạo đẹp đời mới thực sự đẹp lòng Thiên Chúa. Những ai sống được như vậy thì “Nước Trời là của họ”, tất nhiên.

Còn một điều rất lỳ thú mà kẻ viết bài này rất tâm đắc: Đó là câu Đức Ki-tô hỏi đám người Pha-ri-sêu khi Người đòi xem đồng tiền nộp thuế: “Hình ai đây?” Vào thời điểm câu hỏi ấy xuất phát, thì chỉ nhằm mục đích dồn đối phương vào chân tường; nhưng với chúng ta ở thế kỷ XXI này, đặt giả thử có ai đó cũng hỏi như vậy, thì chúng ta trả lời sao đây? Có hai trường hợp xảy ra: Nếu “ai đó” chỉ vào những ảnh tượng chúng ta mang trên ngực mà hỏi, thì câu trả lời thật dễ dàng: “Hình Thiên Chúa”. Tuy nhiên, ngày nay ít người còn có thói quen tốt mang ảnh tượng Chúa trên người, và trường hợp thứ hai sẽ xảy ra, nếu “ai đó” cắc cớ chỉ vào mặt chúng ta mà hỏi “Hình ảnh ai đây?”, liệu chúng ta có trả lời suông sẻ không, hay lại cho “ai đó” là người “mát điện”? Đừng vội kết án người ta là “mát điện”, bởi có khi chính “ai đó” là lương tâm của chúng ta (mà lương tâm lại là nơi Thiên Chúa hiện dịên), vậy có khác chi là Thiên Chúa đang hỏi chúng ta như xưa Người hỏi đám người Pha-ri-sêu. Hoá cho nên, muốn trả lời được khi bị cật vấn: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?", xin hãy nhớ lại Thiên Chúa dựng nên con người “giống hình ảnh Người” và khi chịu phép Thánh Tẩy còn được mang danh hiệu Ki-tô hữu nữa.

Vâng, thật rõ ràng là "Hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa" đã được đóng ấn trên thân xác mỗi con người Ki-tô hữu. Vậy thì vấn đề bảo dưỡng thân xác cùng với cuộc sống ở trần gian chẳng phải là “của trần thế trả về trần thế” đó sao? Còn “Hình ảnh và danh hiệu Ki-tô hữu” là “của Thiên Chúa (thì hãy) trả về Thiên Chúa”. Nói tóm lại, mỗi Ki-tô hữu mỗi ngày hãy nhìn lại mình mà tự vấn: "Hình ảnh và danh hiệu này là của ai đây?", để từ đó bảo dưỡng thân xác khoẻ mạnh, hầu sống cho xứng đáng với danh hiệu Ki-tô hữu gắn trên hình ảnh của Thiên Chúa (là chính cái thân xác cần bảo dưỡng ấy). Chỉ có như thế mới thực sự là đã thực hành Lời Chúa dạy "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Tóm lại, hãy sống tốt đời đẹp Đạo, hay nói cách khác, hãy chu toàn cùng lúc bổn phận công dân nước trần thế và bổn phận công dân Nước Trời. Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.