PDA

View Full Version : OÔ- Ông chủ tốt bụng



Dan Lee
09-17-2011, 09:08 AM
CHÚA NHẬT XXV- NĂM A

ÔNG CHỦ TỐT BỤNG (Mt 20,1-16)

Theo báo cáo của Bộ Lao Động Thương binh và xã hội, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đến cuối năm 2009, cả nuớc có khoảng 132.262 lao động bị mất việc làm, chiếm 18% lao động làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo, chưa kể 40.348 lao động ở các làng nghề bị mất việc làm và khoảng 100 000 người phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, phó cục trưởng cục việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội), Giám đốc Trung tâm dự báo quốc gia và thông tin thị trường lao động nhận định, năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ cao hơn các năm trước.

Báo cáo “xu hướng việc làm Việt nam” do Bộ Lao động – Thương binh và xã hội công bố cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi 15 đến 24 tăng mạnh từ 4,7 % lên 6% trong khoảng thời gian từ 1997 – 2007. Vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho các tầng lớp, đặc biệt là giới thanh niên ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, khi mà chúng ta phải đối diện với một sự bùng nổ kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Trang Tin Mừng hôm nay ghi nhận một hình ảnh rất hiện sinh: Một ông chủ tốt bụng, chuyên giúp cho những người thất nghiệp có công ăn việc làm. Ông đối xử với họ đầy lòng nhân ái và công bằng.

Ông chủ công bằng và nhân từ

Từ sáng sớm, ông đã chủ động đi ra các ngả đường để tìm người làm công cho mình. Ông thoả thuận tiền công nhật là mỗi đồng cho một ngày. Với một bản hợp đồng: “Thuận mua vừa bán”, làm một ngày lãnh một đồng tiền công nhật. Công nhật thường lệ của một người thợ là một đồng. Đây là giá hai bên thoả thuận, một đồng là tiền cơm 12 ngày, đủ nuôi sống một gia đình có 12 miệng ăn. Các gia đình cận đông thường có nhiều con, nên một đồng nhiều khi chẳng thấm vào đâu.

Trả công cho những người thợ một đồng cũng tạm đủ để nuôi sống họ và gia đình trong một ngày. Ông chủ cất công đi tìm những người làm công, những kẻ thất nghiệp đang đầu đường xó chợ. Bất cứ giờ nào ông chủ cũng tìm kiếm và tạo công ăn việc làm cho họ, để họ có thể nuôi sống bản thân, gia đình và sống đúng với phẩm giá của mình.

Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày hôm nay của công đồng Vaticanô thứ hai đã xác định: “Trong những hoàn cảnh cụ thể, chính xã hội góp phần giúp người công nhân có công ăn việc làm” (Số 67).

Trong vườn nho của Chúa, có chỗ cho tất cả mọi người: trẻ và già, giàu và nghèo, nam và nữ, khoẻ mạnh và yếu đau, có nhiều thời giờ hoặc không tìm ra thời giờ. Vì vậy, khong ai được phép lười biếng, và buông xuôi, lời thúc giục của ông chủ luôn vang lên như một mệnh lệnh: “Cả các ngươi nữa hãy đi làm vườn nho cho Ta”(Mt 20,7). Dù là giờ thứ ba (9 giờ 00 sáng), giời thứ sáu (12 giờ 00 trưa), giờ thứ chín (3 giờ 00 chiều ), hay thậm chí là giờ thứ mười một (5 giờ 00 chiều). Tất cả đều được ông chủ tốt đón nhận với mức lương phù hợp với mình. Cuối ngày ai cũng lãnh được một đồng, người làm trước làm sau không quan trọng cho bằng là mỗi người đều được tôn trọng và được ông chủ đối xử bằng tình yêu quảng đại của ông, với các người làm thuê. Ông chủ thì tốt lành, còn đám công nhân thì sao ?

Tin mừng ghi nhận, họ phàn nàn, kêu trách Chúa

Con người qua bao đời vẫn thế, đố kỵ, ghen ghét, thù hằn. Sống mạnh được yếu thua: “Cá lớn nuốt cá bé”, những quốc gia giàu có, thường đàn áp các nước nghèo và khoảng cách giàu nghèo ngày càng được mở rộng. Người thì của cải ăn không hết, kẻ thì áo rách khố ôm, như một Lazarô, hằng ngày, ngồi ăn xin trước cửa nhà các Phú hộ.

Các cuộc đình công của các anh chị em trong giới công nhân, ngày một gia tăng, họ đòi quyền lợi của họ, các xí nghiệp phải tăng lương, rút ngắn giờ làm, đồng lương chết đói trong một cuộc sống khi mà giá cả bất ổn định, hay là cơn bão giá mà không gì có thể cứu vãn được. Sống trong một vũ trụ bao la này, con người ai cũng có quyền lợi, và trách nhiệm như nhau, người trước hết hay sau hết, đều được hưởng ân ban từ trời cao đổ xuống. Chỉ tiếc một điều là chúng ta quá phí ơn của Chúa, và con người không biết chia sẻ với những người khác, nhất là những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn ta.

Công đồng Vaticanô II đã dạy: “ Nhờ việc làm, con người giúp nuôi sống mình và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ lẫn nhau, có thể thực thi bác ái và góp phần vào công cuộc sáng tạo kiệt tác của Thiên Chúa. Hơn nữa, nhờ việc làm con người cộng tác vào chính công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm với chính hai bàn tay mình tại Nazareth (Gaudium et Spes 67 )

Hướng đi cho mỗi người

Khi chú giải dụ ngôn này, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã nhấn mạnh:“ Đây là vườn nho, đây là cánh đồng mà các tín hũu được mời gọi để thực thi sứ mạng. Chúa Giêsu muốn họ, như Người đã muốn các môn đệ của Người, hãy là “ Muối đất”, và hãy là “ Ánh sáng” cho thế gian” (Mt 5, 13-14). Mỗi chúng ta được Chúa trao cho, kẻ 5 nén bạc, người 2 nén bạc và người một nén bạc. Chúa không muốn đào lổ để chôn cất, nhưng Chúa muốn con cái mình tích cực, nổ lực và cật lực để phát triển, phát huy và phát lãi cho Chúa, 5 nén thành 10 nén, 2 nén thành 4 nén, một nén thành hai…

Thiên Chúa qua mọi thời vẫn thế: đầy lòng yêu thương, công bằng và hay tha thứ. Cách nhìn của Chúa khác xa với con người: “Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Chúa cao hơn đường lối của con người bấy nhiêu”(Is 55,9). Thiên Chúa quảng đại vô cùng, Ngài sẵn sàng ban phát một cách nhưng không cho con cái mình. Đồng bạc Nước Trời, ngân hàng một vốn ngàn lời cho phần rỗi của tất cả mọi người, hãy đến dù là giờ thứ 11.

Lm Giacôbê Tạ Chúc