PDA

View Full Version : N - Nén bạc hy sinh



Dan Lee
09-16-2011, 09:05 PM
NÉN BẠC HY SINH

Ghen tỵ là căn bệnh nguyên thuở của mọi thời đại. Ngay cả Tổng lãnh thiên thần Luxiphe khi xưa, cũng chỉ vì ghen tức, kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa nên đã phản bội, chống đối, quay lưng lại với Ngài. Nguyên nhân dẫn đến ghen tỵ thật ra là vì quá ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân, không muốn ai hơn mình, mình phải hơn mọi người cho nên không biết có bao nhiêu câu chuyện bi thương xảy ra nhan nhản hằng ngày trên thế giới.

Câu chuyện dụ ngôn hôm nay là một bằng chứng thật xác thực, lột tả đến tận cùng những khía cạnh tinh tế nhất trong tính cách con người. Căn cứ trên sự công bằng của lẽ thường, Đức Giêsu đã trao trả tiền công cho mỗi người đúng như những gì Ngài thỏa thuận. Người làm giờ thứ nhất, cho đến người làm giờ sau cùng, ai nấy được trả theo đúng như hợp đồng. Cách hành xử thật là công minh, chính đại vậy mà bị xem là ngạo ngược, lạ đời, không thể lý giải nổi chỉ vì công sức bỏ ra chênh lệch mà lợi nhuận thu được hoàn toàn như nhau. Cho nên người làm công giờ thứ nhất phân bua, khiếu nại cũng là hiển nhiên. Hỏi đến, có ai lại không thấy sự “bất công quá đáng” trong việc chi trả như vậy. Công sức mệt nhọc từ sáng đến chiều cũng chỉ được y như người làm giờ sao cùng, cái gọi là vớt vát, kể ra là “bất công” thật. Nhưng xét lại, đúng như lời Đức Giêsu tuyên bố, Ngài không hề làm sai những gì đã hiệp ước. Riêng việc chi trả cho người khác thế nào, là hoàn toàn thuộc vào quyền tự do của Ngài. Ngài là chủ, có quyền chi trả cho ai những gì theo ý Ngài muốn, chỉ cần không làm thiệt hại, bất công với ai là được.

Câu hỏi chất vấn của Đức Giê su dành cho người làm công giờ một cũng chính là câu hỏi dành cho từng người chúng ta, mỗi khi chúng ta so bì, tính toán, ganh đua, ghen tỵ với người khác. Nếu cứ ngồi đó mà nhìn những cái được, cái có của người để rồi so đo với mình rồi đâm ra buồn phiền, trách móc thì có lẽ trách móc muôn đời vẫn chưa hết. Bởi mỗi người là một con người, với những tính cách và khả năng khác biệt, không ai giống ai. Thiên Chúa là chủ, Ngài có quyền trao ban cho ai những gì tùy ý Ngài. Tại sao tôi lại phân bì những điều tôi không có thay vì chấp nhận chính mình, chân nhận sự thật về mình để rồi cố gắng phát huy những gì đã tốt nên tốt hơn, những gì chưa có thì hãy làm cho có.

Vậy đấy, điểm chính yếu để hoàn thiện bản thân, thì con người lại loại bỏ, chỉ đi truy tìm những cái phụ, những điều không cốt yếu để rồi mãi luẩn quẩn trong vòng ganh tỵ, ghen ghét. Cái tham vọng muốn nổi trội, hơn người đã gây ra biết bao sóng gió, bi kịch. Ước gì nhân loại ai cũng lắng nghe được tiếng Thiên Chúa nói với mình: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn…” ( Mt 20, 13) có lẽ thế giới bớt tội lỗi. Nếu cảm nhận được phần Thiên Chúa ban cho mình, và bằng lòng với những gì mình có để mà làm lợi lên từ đó, nhân loại đã bớt lầm than. Khổ nỗi con người, ai cũng muốn làm Thiên Chúa, ai cũng muốn điều hành công việc của Ngài, để rồi tự tiện cắt đặt, phân chia, xét xử, kết án người khác theo ý mình. Quên Thiên Chúa có quyền tùy ý định đoạt những gì là của Ngài (x. Mt 20, 15), đã khiến cho con người ngày càng lún sâu vào bi kịch của hận thù và tội ác.

Quả vậy, đôi khi nhìn thấy Chúa nhân lành, cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người ác mà con người đâm ra oán trách. Thấy những hành vi tội lỗi của người ác mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn ban ơn lành cho họ, chờ đợi ngày họ hoán cải, từ bỏ tội lỗi, trở về với lòng thương xót, nhân lành của Ngài mà nhiều người không thể tin nổi, cũng như không tìm ra được lời giải đáp. Cho nên câu hỏi “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà anh đâm ra ghen tức” (Mt 20, 15) của Đức Giê su đã chọc thẳng vào thói quen xấu cố hữu của nhân loại. Muốn vượt thắng điều đó, trên hết chỉ có yêu thương. Nhìn nhận tha nhân chính là mình, là hình ảnh của Thiên Chúa mới hòng mong thế giới bớt hận thù, ghen ghét.

Chỉ có một câu nói về Thiên Chúa, đó là câu nói yêu thương. Yêu thương chính là chìa khóa giải mã tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa. Mọi hành động, lời nói, việc làm của Đức Giêsu đều qui hướng về Thiên Chúa là Cha yêu thương. Muốn hiểu Ngài, yêu mến, kết hiệp và sống với Ngài cần phải học yêu thương, tha thứ. Khi tự nhận bản thân đi chệch khỏi đường ray của quĩ đạo yêu thương, chính là lúc nhận biết mình đã xa rời Thiên Chúa.

Lạy Chúa, ghen tỵ là điều không tốt, nhưng để từ bỏ nó chẳng dễ chút nào. Thế nhưng, tranh đua với những cái còn cái mất trên trần gian cũng chẳng đem lại lợi ích gì nếu một mai có nằm xuống, buông xuôi hai tay, cũng trả tất cả phù vân về lại với phù vân mà thôi. Vào đời, Ngài đã dạy con sống yêu thương và cố gắng hết mình với ân huệ Thiên Chúa ban. Chỉ vì ích kỉ, ghen ghét, ganh đua hơn thiệt mà con cứ lầm lũi luẩn quẩn trong những vòng xoáy của buồn bã, than thân trách phận hay oán trách Thiên Chúa. Xin dạy con hiểu rằng, kiên nhẫn và yêu thương chính là bí quyết Thiên Chúa dùng để chờ đợi tha nhân hoán cải. Tin tưởng hy vọng vào điều đó, hiểu được tấm lòng Thiên Chúa giúp con biết kiên nhẫn đợi chờ, khiêm nhường chu toàn bổn phận, bằng lòng với ân huệ, con kiên vững bước về trời với nén bạc được trả bằng yêu mến, hy sinh.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.