PDA

View Full Version : B - Bầu khí gia đình



Dan Lee
09-07-2011, 07:08 AM
Bầu khí gia đình


Trong quyển sách “Ai chỉ huy ?” tác giả Gianni Rodari ghi lại câu chuyện dí dỏm như sau:

Tôi hỏi một em bé :

- Trong nhà em, ai là người chỉ huy ?

Em bé im lặng nhìn tôi không nói gì. Tôi năn nỉ hỏi thêm :

- Em nói đi mà, trong nhà ai là tướng chỉ huy ? Ba em, hay là má em ?

Một lần nữa, em bé nhìn tôi ngơ ngác như không hiểu gì. Tôi hỏi thêm :

- Em có biết chỉ huy là gì không ? Dĩ nhiên là em biết rồi. Vậy hãy nói đi, ai là người chỉ huy trong nhà em ?

Em vẫn chỉ chăm chú nhìn tôi, làm tôi muốn bực mình, tôi tự hỏi hay là em bị câm chăng ? Nếu vậy thì tội nghiệp em quá ! Thế rồi em quay lưng cắm đầu chạy cách tôi thật xa, rồi quay lại, lè lưỡi nhìn tôi cách đùa cợt chọc ghẹo vừa cười vừa nói:

- Trong nhà em, không có ai chỉ huy cả. Bởi vì chúng tôi thương mến nhau rất nhiều.

Các bạn thân mến, câu trả lời ngây thơ của em bé diễn tả một trực giác rất sâu xa. Vấn đề giáo dục và trưởng thành của tuổi trẻ bắt đầu ngay từ trong bầu khí gia đình. Nó như hơi thở, như cơm ăn, nước uống, thấm nhập vào đời sống con người. Ai lại không hiểu được hậu quả tai hại của những sơ suất và những hành động thiếu khôn ngoan trong đường lối huấn luyện tuổi trẻ. Nó như những vết thương khó chữa lành, và nếu có được chữa lành cũng còn phải mang vết sẹo cả đời. Đó là những vết thẹo được hàn gắn bởi thương của tình thương. Vì thế chỉ có tình thương chân thành mới hàn gắn và chữa lành lại được những vết thương đó.

Trên thực tế, có hai đường lối giáo dục, hoặc là bằng hình phạt, đánh đập để buộc con cái phải thi hành những gì cha mẹ ra lệnh, hoặc là bằng phương pháp đề phòng, tức là dùng lý trí và tình thương thuyết phục để con cái được xác tín về giá trị việc phải làm, việc nên làm, để rồi tự động nó sẽ làm mà không cần phải có người theo dõi hoặc quan sát nó luôn nữa.

Qua nhiều thế kỷ, kinh nghiệm cho thấy phương pháp giáo dục thứ hai là đường lối hữu hiệu hơn cả, và cũng chính là nghệ thuật giáo dục của Don Bosco đối với các bạn trẻ.

Dưới mái gia đình, trong mọi hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, các phụ huynh cần phải biết chọn một trong hai đường lối giáo dục nói trên, hoặc là dùng áp lực của quyền bính, hoặc là dùng sức mạnh của tình thương.

Bạn thử tưởng tượng đến cảnh trong một gia đình sau đây.

Em Lan ngồi vào bàn cơm, vụng về vướng tay làm rơi đũa xuống đất. Mẹ em giận dữ ra lệnh:

- Lan, cúi xuống nhặt đũa lên ngay !

Em bé nổi ương, xịu mặt, cứ ngồi yên rồi đáp lại:

- Không, con sẽ không nhặt đũa lên.

Mẹ em càng nổi giận quát lớn tiếng:

- Mày lộn xộn, lại còn nổi ương nữa à ?

Một lần nữa với tất cả sự cứng đầu ở tuổi lên ba, nó nhất định trả lời không.

Mẹ em phải làm gì bây giờ đây ? Xem ra bà đã thua cuộc. Nếu bà đánh nó để bắt nó phải vâng lời, bà sẽ cảm thấy nhục hơn nữa, vì đó chỉ là điều vô ích, và sẽ bị chồng khiển trách. Nếu bà nhượng bộ, cúi xuống nhặt đũa lên cho con, em bé sẽ càng lên mặt tự hào và lần sau cũng sẽ tiếp tục như vậy. Dĩ nhiên em sẽ bắt đầu cảm thấy mình là bà chủ con trong nhà. Đó là khởi điểm của những sự xích mích nho nhỏ trong gia đình.

Chắc hẳn mẹ đứa bé sẽ không khỏi phân vân tự hỏi, phải làm sao bây giờ ?

Đây là trường hợp cụ thể cần được áp dụng nguyên tắc đầu tiên của phương pháp đề phòng. Đó là: Trong những xung khắc giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ chính là người thua cuộc.

Thật vậy, chúng ta đừng quên rằng, áp đặt ý riêng của cha mẹ trên con cái chỉ là điều vô ích. Hành động của bà mẹ trên đây là khởi điểm của cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình, dựa trên một thách đố không lời, nhưng cả hai bên đều có thể hiểu được. Tức là, để xem, ai là người điều khiển, chỉ huy trong nhà ?

Cuộc chiến tranh lạnh đó không đem lại lợi ích gì hơn ngoài những vết thương tâm hồn càng thêm sâu đậm. Chấp nhận gây nên những xung khắc cha mẹ sẽ buộc lòng phải dùng đến hình phạt để sửa trị con cái, vì thế càng làm cho con cái thêm lòng oán hận, và ngấm ngầm tìm cách trả đũa. Cũng đừng quên rằng tuổi trẻ thường rất tinh ranh hơn người lớn. Một khi đã bị thương tổn, chúng rất khôn khéo trong việc tìm mọi mánh lới để trả thù, cả đến những việc khờ dại, thiếu khôn ngoan nữa. Đến nỗi cha mẹ chỉ còn biết lắc đầu than trách không biết phải làm gì với con cái. Đó chính là hoa trái của phương pháp giáo dục dựa trên hình phạt.

Đường lối giáo dục của Don Bosco rất đơn giản. Hình phạt, những lời đe dọa, ra lệnh, được thay thế bằng tình thương, sự tộn trọng nhân vị và tinh thần cộng tác. Tuổi trẻ cần được hướng dẫn trong sự tự do, cần có người lãnh đạo tốt, chứ không muốn có những người kiểm soát luôn đi kèm. Người lãnh đạo tốt là người biết đối thoại chỉ đường, giúp vạch rõ hướng đi, biết đưa ra những đề nghị thích hợp, đồng thời cũng biết thông cảm những yếu đuối và khích lệ những cố gắng, lưu tâm đến những bước tiến nho nhỏ. Đó cũng chính là trách nhiệm của cha mẹ và các bậc thầy dạy.

Tuổi trẻ cần đến sự hướng dẫn của cha mẹ, mặc dù thái độ bên ngoài nhiều lúc tỏ ra như bất cần. Tuy nhiên, các bạn trẻ thường chỉ chấp nhận nếu được tôn trọng và được đối xử như người bằng vai. Trái lại, chúng sẽ cảm thấy nhân vị mình bị tổn thương nặng nề mỗi lần bị đánh đập, quở trách một cách bất công phi lý.

Bà mẹ của Lan trong trường hợp trên đây, có thể tránh được sự xung khắc và sự phát ương cứng đầu của cô bé một cách dễ dàng và ổn thỏa hơn bằng một cái nhìn nhân từ, âu yếm, bằng một nụ cười khích lệ, hoặc bằng một lời nói khôi hài, bằng lời mời cộng tác của đứa bé, thay vì bằng thái độ nóng giận và những lời dọa nạt. Và dĩ nhiên em sẽ tự nhận sự vụng về của mình và sẽ tự cúi xuống nhặt đũa lên mà không cần được ai sai bảo. Sự việc nhỏ bé ấy sẽ được giải quyết một cách tự nhiên nhẹ nhàng, không gây tiếng to tiếng lớn, cũng không là sự thua thắng của ai cả.

Việt Nam có câu: “ Một nhịn, chín lành “. Biết nhịn và thực tình tha thứ đúng chỗ, đúng lúc, không phải là thua cuộc, cũng không hẳn là yếu nhược; trái lại là sức mạnh, là thắng cuộc, bởi vì chiến thắng đầu tiên là tinh thần tự chủ, là khắc phục được tính nóng giận của chính mình.


-----------

Cf * FERRERO Bruno, Quando i genitori perdono, in Genitori Felici con il sistema di Don Bosco , LDC (1997) p. 28 - 30.