PDA

View Full Version : H - Hưu non



Dan Lee
09-03-2011, 09:04 PM
HƯU NON


Con người, dù có cố làm việc mấy đi chăng nữa nhưng đến một lúc nào đó vì lý do sức khỏe, lý do tuổi tác cũng phải nghỉ hưu. Có những công việc nặng nhọc nên tuổi hưu đến khá sớm, ngược lại, ở một số lãnh vực nhẹ nhàng thì tuổi hưu có thể tăng thêm. Hưu sớm, hưu muộn tùy theo công việc thì điều dễ chấp nhận. Đôi khi ai nào đó rơi vào cảnh “hưu non” sẽ ngậm ngùi xót chua.

Vừa qua, có việc phải đi vắng xa một thời gian, nay trở lại với công việc của thường ngày. Vắng chẳng bao lâu nhưng khi về ở nhà có quá nhiều thay đổi và những thay đổi đó lại quá lớn ! Nghe xong những câu chuyện, những biến cố vừa mới xảy đến để rồi lòng đau như thắt : Có phải thật như vậy không ? Có phải chuyện đó xảy ra trong môi trường giáo dục đào tạo không ? Có phải … có phải … và có phải … vậy không ?
Chuyện là có một ông giáo kia, vì thương trò thương đệ nên lên tiếng nói để bảo vệ quyền lợi cho trò và cho đệ. Tiếng nói của ông giáo đưa ra đón nhận được tâm tình hết sức quý báu từ các vị hữu trách : “đồng cảm” chứ không “đồng thuận”. Và vì “đồng cảm” chứ không “đồng thuận” nên ông phải đón nhận cái quyết định về hưu non cho rảnh nợ !

Tất cả những gì xảy đến cho ngày hôm nay vẫn là chuyện tiền và chuyện quyền. Tiền nó luôn gắn với quyền và quyền thì cứ quấn quýt với tiền.

Phần kinh phí lo cho đào tạo vốn đã ít ỏi nay bị cắt xén nên ông giáo đành phải lên tiếng thôi.

Từ ngày ông lên tiếng, ông không nghĩ ra rằng ngày ấy chính là cái ngày định mệnh của đời ông. Từ ngày ấy, người ta toa rập, người ta tìm đủ mọi cách để đẩy ông ra khỏi cái vị trí ông đang nắm giữ. Người ta biết rằng nếu cứ để ông nắm giữ vị trí đó thì người ta sẽ không thôn tính, không điều khiển được đồng tiền nó nằm trong lãnh vực giáo dục của ông.

Ông sống cực kỳ bịnh dị và hết sức nghèo. Hình như chưa bao giờ tôi thấy ông vận một bộ đồ sang trọng hay ướm thử đôi giày Tây. Chỉ đơn giản đôi xăng-đan cũ rích. Ông luôn đứng về phía người nghèo, ông luôn đứng về phía những học trò mà ông đang nhận nhiệm vụ hướng dẫn.

Chuyện gì đến nó phải đến thôi khi lòng con người đã thay đổi.

Một ngày đẹp trời kia, bỗng dưng ông nhận được tờ giấy “cho đi nghỉ dưỡng”. Chỉ có ông và những người có trách nhiệm mới hiểu được tờ giấy đó đến tự đâu. Và do lòng tự trọng, ông đành phải viết một tờ đơn xin từ nhiệm nhưng tiếc thay người trên ông lại không ký. Tưởng chừng được ký cho đúng thủ tục “hành chánh” nhưng ông giáo nhận được lời đáp từ : “Tôi đâu có bổ nhiệm ông đâu mà giờ này tôi phải ký !”.

Đau lòng quá ! Như vậy thì những đứa học trò trong thời gian ông phụ trách ra trường bất hợp pháp ?

Sự kiện ông nghỉ một cách đột ngột để lại nhiều hoang mang trong công chúng. Có lẽ thiệt hại nặng nhất vẫn là bầy trẻ ông đang cưu mang. Giá như ông phạm lỗi gì thì ông phải nhận phần kỷ luật thích đáng, đàng này chỉ vì lên tiếng nói cho sự thật, cho công bằng thôi nên ông đã phải rời chức. Học trò của ông, chúng sẽ đi về đâu, chúng sẽ sống như thế nào và chúng sẽ ra sao khi nhìn thấy một thực trạng đau lòng như thế ngay trong môi trường đào tạo.

Mới đây, trong hai ngày liên tiếp được “may mắn” gặp hai đứa nhỏ ông đang cưu mang đến chia sẻ. Lòng chúng buồn rười rượi nhưng biết làm sao bây giờ. Chúng bảo những ngày này, những ngày đang tựu trường nhưng bầu khí ảm đạm tựa đám tang. Chúng đau khổ lắm nhưng đâu dám nói gì và vì nói ra cũng có được chi đâu.

Nhiều khi cứ không muốn nghe, không muốn thấy nữa nhưng sự thật nó lại phủ phàng.
Ông giáo không phải trẻ mà cũng chẳng phải già, tuổi của ông là tuổi vẫn còn “cày” được cho công lý. Tiếc thay công lý không còn trong môi trường ông sinh sống nữa nên ông đành phải chia xa. Giờ đây, có thể buồn cho sự thay đổi nhưng vẫn tin rằng ông hạnh phúc, ông mãn nguyện vì đã sống những gì mình nói, sống những gì mình truyền rao. Chỉ tiếc cho những kẻ vì chút danh chút phận mà đã đẩy đưa ông ra khỏi chợ đời.
Không chỉ riêng gì ông giáo này bị người ta loại bỏ khi không đi cùng “ê-kíp” nhưng còn nhiều và còn nhiều người nữa cũng đồng thân đồng phận giống ông. Chỉ cần ý tưởng đứng về người nghèo, đứng về công lý thì ngay lập tức những con người mưu cầu danh lợi sẽ chống lại ngay. Khi người ta chống lại thì chẳng sớm thì muộn cũng sẽ về hưu non như ông đó thôi.

Thấp cổ bé họng nên đành chấp nhận cảnh hưu non.
Già mồm, có tuổi, thêm chức nên cứ vẫn phây phây.

Thôi thì hưu non nhưng lòng thanh thản, già rồi mà cứ bám víu làm chi để người đời mai mỉa.

Dưới con mắt của nhiều người thì ông buồn và ông đau thật nhưng ông vẫn mỉm cười cho lối sống thật, cho con người thật của ông. Ông nằm xuống nhưng ông sẽ mỉm cười hạnh phúc. Những kẻ tham quyền cố vị, tham tiền, tham vọng, tham danh nằm xuống sẽ được những gì ? Phải chăng chỉ nhận được là những lời ai oán cho những kẻ vô luân. Chưa cần nằm xuống nhưng nhiều người coi những người hám quyền hám lợi như đã khuất.

Bởi thế mới hiểu được rằng có những người còn sống đó nhưng được người ta coi như đã chết và có những người dù người ta có cố giết đi nhưng vẫn còn sống.
Cuộc đời này có ngần có hạng nhưng sao người ta lại đối với nhau phũ phàng như thế nhỉ ?

Vũ Hưu Dưỡng