PDA

View Full Version : H - Hiệp Thông Với Chúa Trong Cầu Nguyện (CN 23 TN năm A)



Dan Lee
09-03-2011, 12:53 PM
Hiệp Thông Với Chúa Trong Cầu Nguyện (CN 23 TN năm A)


Gần đến ngày chuẩn bị tưởng niệm mười năm vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, lòng người Hoa Kỳ luôn buồn đau thương tiếc. Nhớ lại buổi sáng hôm ấy, bọn không tặc đã cướp 4 phi cơ thương mại Mỹ, đâm vào Toà Tháp Đôi New York và trụ sở Bộ Quốc Phòng, làm thiệt mạng cả ngàn người vô tội. Toàn thế giới lên án cuộc khủng bố và gửi điện chia buồn đến Chính Phủ và nhân dân Hoa Kỳ.

Nhận được tin khủng khiếp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II liền vào ngay nguyện đường cầu hồn cho các nạn nhân. Trên toàn liên bang Hoa Kỳ, từng nhóm người thắp nến tưởng nhớ, khẩn nài Thiên Chúa che chở, chúc lành Mỹ Quốc “God bless America”. Những giờ canh thức, cầu nguyện; các thánh lễ cùng buổi tưởng niệm người chết trong cuộc khủng bố, được tổ chức liên tục khắp nơi. Thậm chí, Tổng thống George W. Bush đã chọn ngày 14/9 sau đó là ngày Cầu Nguyện và Tưởng Nhớ chung.

Trong đau khổ, con người luôn cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Một trong số các nạn nhân, ông Alfred Barca, ngay trước khi Toà Tháp Đôi sụp đổ, đã gọi phone nhờ Tổng Đài Điện Thoại MCI chuyển lời cuối cùng cho gia đình ông biết rằng: giữa tình thế nguy kịch, ông và 50 người khác vẫn quy tụ lại với nhau cầu nguyện, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bất hạnh thay, họ đã chết sau đó, chìm theo sự tan tác của buildings, vùi xác mình trong đống gạch vụn.

Hành động cuối cùng của họ trước giờ phút nguy tử vẫn là Cầu Nguyện. Họ cần sức mạnh của Thiên Chúa trợ lực trong khoảnh khắc nghiệt ngã. Họ mong sự nâng đỡ của Ngài giữa bao thất vọng của tử thần vây quanh. Chính lúc ấy, họ vẫn tin Thiên Chúa đang hiện diện “vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20).

Một trong các chủ điểm chính của Bài Phúc Âm tuần này là Hiệp Thông Cầu Nguyện. Chủ điểm này như đã được minh hoạ rõ nét phần nào với các hình ảnh trên đây. Để có thể nhận thức rõ hơn, ta cùng nhau suy nghĩ: Cầu Nguyện giúp ta liên kết, gắn bó thường xuyên với Chúa. Sống đời cầu nguyện thật ích lợi biết bao. Hãy tìm gặp Ý Chúa trong mọi nơi mọi lúc.

A. Cầu Nguyện: liên đới mật thiết với Chúa.

Xưa nay có khá nhiều định nghĩa về Cầu Nguyện. Một trong những giải nghĩa thông dụng, dễ hiểu nhất, chính là: Cầu Nguyện, hướng lòng lên cùng Chúa, gắn bó tâm tư mật thiết với Ngài.


Lịch sử lập quốc Hoa Kỳ đã một lần trải qua thời kỳ Nội Chiến Civil War 1860-1865. Thời ấy, Tổng Tống Abraham Lincoln đang lãnh đạo một đất nước bị phân rẽ vì Sự Kỳ Thị Chủng Tộc. Các tiểu bang miền Bắc chủ trương mọi công dân đều hưởng quyền bình đẳng, trong khi phe hiếu chiến của một số tiểu bang miền Nam muốn duy trì chế độ Nô Lệ trên người da đen. Cuộc chiến tranh Nam-Bắc bùng nổ, nhiều chiến sĩ đổ máu, huynh đệ tương tàn.

Tổng thống A. Lincoln đêm ngày thổn thức cầu khẩn cùng Thượng Đế: “Lạy Chúa! Con xin đặt mọi niềm tín thác nơi Chúa. Chỉ mình Ngài mới có thể cứu đất nước này khỏi hư vong”.

Đúng thế, sau đó liên quân miền Bắc đại thắng, các tướng lãnh binh lính miền Nam đầu hàng thua cuộc. Tuyên ngôn Giải Phóng Nô Lệ được ban hành, chấm dứt bao thân phận khốn khổ. Vị Tổng Thống nỗi tiếng nhất Hoa Kỳ đã khôn ngoan xử thế, biết bám chặt vào Thiên Chúa trong cầu nguyện: xin Ngài nâng đỡ, giúp ông can đảm mạnh mẽ. Và ông đã thành công.

Mục sư Martin Luther King Jr., trong một đêm đang ngon giấc, bất thình lình nhận cú phone đe doạ của kẻ lạ mặt buộc ông phải ngừng đấu tranh nhân quyền cho người da màu, nếu không sẽ bị ám sát. Tỉnh thức, mục sư King thầm thỉ hướng nguyện xin Thiên Chúa trợ lực, vì nếu ông buông tay chịu sự khuất phục của họ, sẽ không còn ai dám can đảm bước lên tiếp tục cho chính nghĩa. Trong sự tín thác vào Chúa, Martin Luther King Jr. đã can đảm bước tới chấp nhận đổ máu, nhờ đó quyền bình đẳng chủng tộc đến nay được tôn trọng đầy đủ trên đất nước Hoa Kỳ.

Ta thấy rõ: qua tâm tình cầu nguyện, Tồng Thống Abraham Lincoln và Mục sư Martin Luther King Jr. dám bước đi trong Chúa và Chúa dẫn đưa các danh nhân ấy đạt thành công cho lý tưởng nhân quyền.

B. Sống đời cầu nguyện: đi trong chính lộ, tìm được an vui.

Người kitô hữu sống thánh giữa đời, biết lấy đời sống cầu nguyện hàng ngày như phương thế để nên trọn lành, tìm lại trong mình nguồn an ủi, đỡ nâng.


Bà Marthe Robin, một bệnh nhân bại liệt Pháp Quốc, được Chúa in Năm Dấu Thánh trên mình. Trong đau đớn bệnh tật, bà không ăn gì suốt 50 năm dài, chỉ uống nước lã qua ngày. Liên tục cầu nguyện trên giường bệnh, mỗi ngày Thứ Năm bà dọn mình sốt sắng Rước Chúa vào lòng. Nhiều người đến thăm, đều xác nhận bà sống bằng Thánh Thể Chúa, lương thực thần linh.
Suốt thời gian sau biến cố 11/9/2001, toàn dân Hoa Kỳ khắp 50 tiểu bang tìm dến Chúa thường xuyên hơn. Họ vào nhà thờ, chùa chiền, hội đường hay đền thờ để cầu nguyện. Nhan nhãn nơi phố xá, những khẩu hiệu “In united we pray”, “In prayer we stand” như nhắc nhở muôn tâm hồn hãy nén thương đau, kín múc sức thiêng trợ lực hơn.

Các tu sĩ sống đời nội tâm, cũng thường xuyên tiếp xúc thân thương với Thiên Chúa trong cầu nguyện, để định hướng cho mình một Nguồn Thật rõ ràng, Đấng đưa họ vào chính lộ ngàn đời.


Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống đời ẩn tu trong đan viên Lisieux, Pháp Quốc. Chị không làm việc gì lớn lao, không đi truyền giáo, chỉ kết hợp với Chúa trong cầu nguyện, trong hy sinh nhỏ bé. Ấy thế mà, Chị cứu rỗi được nhiều linh hồn chưa biết Chúa, giúp cho Nước Chúa trị đến.
ĐGH Gioan XXIII, vị Giáo Hoàng quyết định khai mở Công Đồng Chung Vaticanô II. Giữa bao công việc bận rộn của Toà Thánh, Ngài không lãng quên cầu nguyện chút nào. Trước khi họp chung các nghị phụ toàn thế giới, ĐGH đã âm thầm đến nhà nguyện ở Loretto (Ý), xin Đức Mẹ chúc lành cho việc tổ chức Thánh Công Đồng Vaticanô II luôn tốt đẹp.
Đức Hồng Y Fulton Sheen, một nhà giảng thuyết lừng danh của Tổng Giáo Phận New York, Hoa Kỳ. Ngài quen sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội: phát thanh, truyền hình, báo chí …để tôn vinh, ca vang Danh Chúa. Thói quen thường nhật của Ngài: mỗi sáng đều suy tư, sống nội tâm kết hiệp với Chúa lâu giờ, trước khi bắt đầu một ngày mới cho sinh hoạt tông đồ.

Thật nguy hiểm biết bao, khi kẻ sống trong bậc tu trì, thiếu phút cầu nguyện trong đời tu. Không gắn bó với Chúa từng ngày, từng đêm: đời thánh hiến của họ như thuyền không lái, như buồm không gió, luôn lạc hướng sai lầm, “vụng tu dễ chìm”.


Tu sĩ Luthero, dòng Augustine, mãi hăng say phục vụ bên ngoài, quên bổn phận dâng Lễ, kinh nguyện thường xuyên sớm tối. Cuối cùng, ông rời bỏ nhà Dòng, đi kết bạn sống chung, rủ rê lôi kéo nhiều người lạc xa đường lối Giáo Hội. (trích “Lữ Hành trên Đường Hy Vọng”)

C. Hiệp Thông cầu nguyện với Lòng Tin.

Ta đã biết: Lời Chúa và Thánh Thể là nguồn mạch nuôi sống linh hồn mọi kitô hữu.

Ta nhận thức mạnh mẽ hơn: Cầu Nguyện là lẽ sống cho những người có niềm tin.

Không cầu nguyện, tín hữu thiếu Lửa hâm nóng nội tâm, thiếu Ánh Sáng soi đường để sống đạo đúng. Bởi thế, Chúa mời gọi chúng ta:


Hãy hiệp thông cầu nguyện với nhau luôn luôn, vì:

“Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”(Mt 18:19)
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở trong Thầy”(Ga 15:4-5).
Hãy cầu nguyện với lòng Tin chân thành, vì:

Chúa ở giữa chúng ta khi ta cùng nhau cầu nguyện nhân danh Chúa (Mt 18:20).
Chúa ở trong ta, khi ta tin nhận Thịt, Máu Ngài với lòng thanh khiết.
Chúa ở cùng ta, khi ta tìm gặp Ngài, xin Ngài đỡ nâng (Mt 11:28-29).

D. Lời Nguyện kết thúc.


Lạy Chúa Giêsu!

“Con hướng về Chúa như đất khô mong mưa nguồn, như tuần phiên mong chờ sáng, như con thơ mong mẹ hiền”(Nguyên Kha).

Xin đến đỡ nâng con giữa bao đau khổ muộn phiền, “xin tiếp tục thi ân, để hồn chúng con mãi no nê” (Tv 144:16), Chúa ơi!!!

AMEN.

Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.