PDA

View Full Version : T - Thiên đường yêu thương



Dan Lee
09-02-2011, 07:36 PM
THIÊN ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG


Sửa lỗi cho nhau có thể nói là một vấn nạn cực kỳ khó cho mọi con người trong mọi môi trường, thời đại. Bởi lẽ, người nào cũng thấy cái tôi của mình quan trọng và lớn hơn tất cả. Đặc biệt hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang giữ vai trò chủ đạo, làm sao có chuyện dễ dàng đón nhận việc sửa sai. Lý thuyết, nơi nào chẳng nói điều phục thiện, nhưng thực tế để can đảm nhìn nhận khiếm khuyết đã khó, lấy gì nói đến việc cố gắng khắc phục để mà sửa sai? Chính vì thế, điều kiện cần để hy vọng bạn có thể phục thiện đó chính là việc biết mình. Nhân loại chẳng đã có kinh nghiệm: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng đó sao?”.

Điều cần thiết phải là việc nhận biết chính mình. Chỉ khi nào bạn biết và dám chấp nhận sự thật về mình, mới hy vọng vòng tay bạn giang ra, mở rộng, đón nhận người thân cận. Cứ nhìn thái độ của bạn trong việc gặp gỡ tiếp xúc tha nhân là có thể biết mức độ am hiểu của bạn về con người trong những khía cạnh nhân văn. Chỉ những con người biết nhìn nhận sự thật bất khả di dịch về những yếu đuối, mỏng dòn, bất toàn của kiếp người, mới hòng mong sự chấp thuận sự thật bản thân và đón nhận đồng loại.
Tạo hóa đã dựng nên con người có nhau và cho nhau. Thế nên, việc con người tồn tại và phát triển trong vũ trụ không thể loại trừ sự cần thiết phải gắn kết với nhau mỗi ngày. Không ai là một hòn đảo, cũng chẳng ai có thể tự sống một mình. Nhưng sống là phải sống cho và vì nhau, như thế con người mới được phát triển toàn diện nhân cách, cũng như tâm linh.

Giúp đỡ nhau để cùng hoàn thiện không những là việc nên làm nhưng còn là việc cần phải làm trong mọi thời đại, ở mọi môi trường. Vì chưng, tự bản thân, nhân loại không ai là người hoàn thiện mà chỉ là những con người đang bước đi trên con đường rèn luyện nhân cách để trở thành con người trưởng thành toàn thiện. Nếu nói không ai là công chính, thì tất nhiên nhân loại phải giúp đỡ lẫn nhau để nên thánh.

Thật ra, không ai không muốn mình trở nên tốt và tốt hơn. Chẳng phải con người không muốn sửa sai để mà tiến tới, vấn nạn hệ tại ở việc đón nhận khiếm khuyến nằm ở khía cạnh tế nhị, cho nên muốn được chấp nhận cần phải có nghệ thuật, nghệ thuật sửa sai, góp ý. Tri thức nhân loại chẳng phải đã cho ra đời những tuyển tập lời hay ý đẹp, những cuốn sách dạy làm người giúp con người sửa lỗi cho nhau. Nhưng trên hết vẫn là đạo lý của Thiên Chúa, nơi ấy Ngài dạy con người lấy nhân đức yêu thương làm nền tảng để giúp nhau nên thánh: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi!” (Mt 18,15)

Đức Giêsu truyền dạy cho con người phương cách để giúp nhau hoàn thiện. Trước hết đó là sự khéo léo, tế nhị, yêu thương và trách nhiệm. Chẳng có lời lẽ khôn ngoan dịu ngọt nào mà con người không muốn nghe. Chính lời nói dịu dàng khả ái ấy trở nên linh dược chữa lành vết thương đồng loại. Xây dựng không phải để bác bỏ, đá đổ, khinh khi, bêu rếu hay loại trừ nhưng là để yêu thương, nâng đỡ, tôn trọng. Bởi chính khi bạn yêu thương chính là lúc bạn được thương yêu “Dưới đất, anh em cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18, 18). Góp ý, sửa sai là bổn phận, trách nhiệm nhưng không là xét xử. Dù người anh em có sai, có xấu, họ cũng là con cái của Thiên Chúa, là người của Thiên Chúa và thuộc về Ngài. Tha nhân chỉ là bạn, là anh em chứ không phải là người được trao quyền xét xử. Quyền ấy thuộc về Thiên Chúa, của Thiên Chúa!

Ở mọi môi trường, con người vẫn mời gọi nhau, khuyến khích nhau xây dựng tình bác ái huynh đệ, nhưng chẳng cộng đoàn nào trên trần gian này có yêu thương nếu như Đức Kytô đã chết nơi từng cá vị. Lý thuyết và thực tiễn cách nhau ở cây cầu hành động. Hành động càng nhiều, càng sống động, càng thật, càng thực tế thì cây cầu càng ngắn. Ngược lại, lý thuyết càng nhiều, càng được tô vẽ mà hành động phản chứng thì chẳng khác nào sợi chỉ kéo căng, đến cùng cực rồi cũng sẽ đứt.

Hãy cứ xây dựng và giúp nhau nên tốt, nhưng chỉ có một con đường duy nhất để thành công đó là yêu thương. Nếu đi chệch hay bước sai, chọn lầm, thì muôn đời vẫn không thể có cộng đoàn bác ái đích thực trên trần gian. Có chăng chỉ là ước mơ, hoài bão. Thật vậy, không có người trần nào công chính, tất nhiên chỉ thiên đàng mới có yêu thương!

Kiên nhẫn, chờ đợi là yếu tố quan trọng không thể thiếu trên con đường sửa sai. Hành trình xây dựng con người không phải ngày một ngày hai nhưng là cả cuộc đời. Hãy cứ chờ đợi và yêu thương, kết quả hãy phó mặc cho Thiên Chúa!

Sửa lỗi cho nhau, tế nhị, khéo léo giúp nhau chu toàn ơn gọi làm người hoàn thiện là lời kêu gọi tha thiết của Đức Giêsu trong mọi thời đại. Ở đâu có yêu thương, nơi ấy có thiên đàng, là chính Thiên Chúa ngự trị. Sở dĩ người ta khó đón nhận lời góp ý của nhau cũng chỉ vì bản thân không muốn phục thiện, đôi khi cũng có phần của thái độ, cung cách của người góp ý. Đức Giêsu đã căn dặn, điều cần hơn hết trong việc sửa sai chính là thái độ chân thành, thiện chí chứ không phải lối hành xử hống hách, kiêu căng, tự đắc. Như thế không những phản tác dụng mà còn bôi nhọ lên bản chất tinh tuyền nguyên thủy của nó.

Lạy Chúa, nhìn nhận khiếm khuyết, bất toàn của mình xem chừng đơn giản nhưng thực tế lại là điều cực khó. Bởi cái tôi, cái tự ái, cái ta lớn hơn tất cả. Biết mình để chấp nhận mình, đón nhận mình đã thành công một nửa trên con đường hoàn thiện, phần còn lại tùy thuộc vào ơn ban và sự nỗ lực cố gắng bản thân. Xin giúp con nhận biết mình, để mà khắc phục sửa sai hầu mở lòng với người. Chỉ khi nào con cảm nhận thiếu thốn sự cảm thông, tha thứ, con mới nhận biết cần thiết phải thông cảm, thứ tha đến mức nào. Xin giúp con lấy con đường yêu thương làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động sống. Đừng để con lầm tưởng đang cùng bước đi với Ngài trên con thuyền lý tưởng, lại phải hụt hẫng khi nhận ra mình đã bỏ xa Thiên Chúa chỉ vì tự cao, tự đại. Xin sửa dạy con, trong thinh lặng, ở tận cõi lòng của Thiên Chúa. Chỉ mình con với Chúa, mỗi ngày trong mọi thời khắc, cho con yêu thương và tha thứ hầu con có thể sống tha thứ, yêu thương .

M. Hoàng Thị Thùy Trang.