PDA

View Full Version : S - Sửa Lỗi Cho Nhau



Dan Lee
09-02-2011, 05:54 PM
Sửa Lỗi Cho Nhau


Thời đại hôm nay là thời đại kinh tế thị trường. Mọi quan hệ giữa người với người đều dựa trên lợi nhuận kinh tế. Tôi quan hệ với anh tôi có lợi điều gì? Tôi làm việc này tôi có hưởng được lợi lộc gì? Tôi đầu tư công sức vào việc này, tôi sẽ được lời lãi bao nhiêu? Thế nên, những việc không có lợi, người ta thường tìm cách tránh né. Người ta thường suy xét thiệt hơn. Không ai dại gì gánh nợ cho người khác. Không ai dại gì can thiệp vào chuyện của người khác. Con người hôm nay là vậy, nhưng bác ái kytô giáo không cho phép chúng ta dửng dưng với đồng loại. Một tình yêu đích thực không thể làm ngơ trước nguy hiểm của người mình yêu. Đức ái đòi hỏi phải dấn thân và làm cho người anh em của mình được sống và sống ngập tràn hạnh phúc.

Một cuộc sống hạnh phúc đích thực không hệ tại ở tiền bạc, danh vọng, lạc thú mà quan yếu ở tâm hồn bình an. Bình an ở tại lòng người. Lòng người không chạy theo điều gian dối. Không chạy theo thói xa hoa trụy lạc. Không làm điều bất chính hay vương vấn lỗi lầm mới có bình an tâm hồn.

Như vậy đứng trước những hành vi xấu xa tội lỗi của anh em, tôi nên làm ngơ hay nói sự thật. Tôi nên giúp họ nhận ra điều sai lỗi hay tôi theo chủ nghĩa “mackeno”. Tôi có bổn phận giúp người anh em tìm lại bình an tâm hồn khi sống theo đạo lý làm người, và làm con Chúa hay tôi để họ mãi sa lầy trong vũng bùn tội lỗi và bóng đêm của gian tà.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải can đảm và kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi cho nhau là hành vi bác ái, là giúp anh em mình sống đúng phẩm giá làm người, là nỗ lực đưa anh em mình trở về nẻo chính đường ngay. Sửa lỗi cho nhau không chỉ là điều cần thiết mà còn là bổn phận của các bậc làm cha mẹ, anh chị, hay của những người có nghĩa vụ giáo dục và hướng dẫn người khác. Vì “nuôi con chẳng dạy chẳng răn – Thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”.

Nhưng sửa lỗi khác với trừng phạt. Sửa lỗi cần kín đáo, tế nhị, còn trừng phạt thường mạt sát, hạ bệ và công khai. Người được sửa lỗi là người được yêu thương. Người bị trừng phạt là người bị loại ra khỏi xã hội và cộng đồng nhân loại.

Thế nên, sửa lỗi anh em trong đức ái không có nghĩa là dò xét, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít ra nhiều. Càng không được kể lỗi lầm của anh em ra bất cứ ai, mà cần ý thức rằng “nhân vô thập toàn”, là người ai cũng có lầm lỗi, là người ai cũng có khiếm khuyết, nên cần cảm thông hơn là kết án, nên giúp họ làm lại cuộc đời hơn là tẩy chay.
Bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra những bước sửa lỗi anh em.

- Bước thứ nhất là đối thoại. Đối thoại là giúp họ nhận ra việc họ làm, lời họ nói là sai. Đối thoại để họ nhận ra lầm lỗi, để họ ý thức được việc họ làm, lời họ nói là xấu, là sai với đạo lý làm người.

- Bước thứ hai cần thêm người khác tác động. Có thể là bạn bè thân hữu của người phạm lỗi, hay có thể là người có uy tín trong cộng đoàn. Người khác tác động là người có liên quan đến người phạm lỗi chứ không phải bạ ai cũng nói, gặp ai cũng chia sẻ, làm như thế người có lỗi chỉ thêm mặc cảm vì lỗi của mình, và oán ghét chúng ta hơn là biết ơn chúng ta.

- Bước thứ ba là đưa ra cộng đồng. Người ta vẫn thường nói “xã có phép tắc của xã. Làng có khuôn phép của làng”. Mỗi một đơn vị đều có những lề thói giúp nhau sống kỷ cương và đảm bảo an ninh xã hội. Thế nên, cộng đồng sẽ giúp cho con người sống tốt hơn và cho môi trường sống được lành mạnh và an bình hơn

- Bước thứ tư : hãy cùng nhau hợp lời cầu nguyện cho họ. Trên hết mọi sự là hãy cầu nguyện cho người anh em chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta vì nhu cầu cộng đoàn và cho cộng đoàn sẽ được Chúa chấp nhận.

Như vậy, bác ái kytô giáo không cho phép chúng ta dửng dưng hay làm ngơ trước lầm lỗi của tha nhân, nhất là những lầm lỗi có thể gây ảnh hưởng xấu trong cộng đoàn, hay mất an ninh cho xã hội. Dửng dưng hay làm ngơ là chúng ta thiếu tình yêu liên đới với tha nhân và thiếu trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ sự trong sạch cũng như sự lành mạnh cho cộng đoàn.

Bác ái kytô giáo đòi hỏi chúng ta cảm thông với yếu đuối của tha nhân, nhưng không dung dưỡng sự xấu trong cộng đoàn. Chúng ta không được thanh trừng hay tẩy chay anh em nhưng phải thanh tẩy môi trường chúng ta đang sống khỏi những thói hư tật xấu, những tệ nạn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống chung của cộng đoàn.

Xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng khiêm tốn để nhận ra sự yếu đuối tội lỗi của mình mà sẵn lòng đón nhận lời góp ý, sửa lỗi của anh em. Vì “kẻ dám chê ta mới thật là thầy và là bạn ta, còn kẻ nịnh hót, tâng bốc ta chỉ làm hại cuộc đời ta”.

Xin Chúa soi lòng mở trí để chúng ta luôn dám nói sự thật với anh em, cho dẫu sự thật mất lòng nhưng là cách tốt nhất để kiện toàn anh em nên trọn hảo hơn. Amen.

Lm.Jos Tạ duy Tuyền