PDA

View Full Version : T - Tình yêu của Thiên Chúa Không Loại Trừ Ai



Dan Lee
08-12-2011, 07:10 PM
TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG LOẠI TRỪ AI



Thưa quí vị,

Khi lưu đày sang Babylone, dân Do thái bị tước đoạt hầu như mọi sự: đất đai, tổ quốc, quê hương, đền thờ, tự do… Trên đất khách quê người, họ còn bị đe doạ mất luôn cả niềm tin tôn giáo, truyền thống cha ông. Họ nghi ngờ nền phụng tự của mình. Liệu Thiên Chúa họ thờ xưa nay có phải là Thiên Chúa thật không? Bởi vì các thần thánh của người Babylone xem ra mạnh sức hơn và do đó chân thật hơn. Đế quốc Babylone đã chinh phục Israel. Cai trị Israel với bàn tay hà khắc. Sức mạnh của họ hiện diện mọi nơi. Vì vậy nhiều cư dân Giêrusalem cũng như Do thái trong các thành thị đế quốc Ba tư dần dần bỏ đức tin và nghiêng theo tập tục của dân ngoại, kẻ chinh phục họ, ngõ hầu được nhiều ân huệ, chức vị. Như vậy cuộc lưu đày Babylone đã phá huỷ tinh thần của nhiều người Do thái, con cháu Abraham. Sự kiện giống hệt chúng ta ngày nay. Không có ơn Chúa chúng ta chẳng thể nói mạnh, mình sẽ trung thành với Ngài đến đâu? Sống đua đòi thế gian sẽ dẫn tới phản bội Chúa, hình thức này, kiểu cách khác, chẳng làm sao tránh khỏi. Đó là kinh nghiệm ngàn đời, không cần bàn luận.

Tuy nhiên ngay ở giữa cuộc lưu đày và trong khủng hoảng lớn về đức tin, Thiên Chúa vẫn chọn lựa cho Ngài một nhóm nhỏ trung thành. Họ hy vọng liều lĩnh rằng Thiên Chúa vẫn ở với tuyển dân và ngày nào đó sẽ cứu vớt, đưa họ trở về đất hứa. Hiện thời họ cố gắng hết khả năng bảo vệ mình và con cháu khỏi những ảnh hưởng của dân ngoại. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng được cuộc chiến đấu của ho cam go thế nào không? Chắc chắn họ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Cuộc vật lộn không phải dễ dàng và nhanh chóng. Nó kéo dài hằng ngày trong nhiền năm tháng. Điều này vẫn đúng với chúng ta ngày nay, nếu muốn truyền lại cho con cháu và các thế hệ mai sau đức tin tinh tuyền của cha ông? Xin nhớ lời thánh Phaolô người ta ưa thích những điều tầm phào hơn Lời Thiên Chúa. Hay như các tông đồ trong bài Phúc Âm tuần vừa qua: Đức tin của chúng ta luôn phải đối phó với sóng gió của biển đời dương gian, chỉ khi nào Chúa ở trên thuyền, sóng gió mới bị dẹp tan. Hơn một lần trong cuộc sống chúng ta đã phải kêu cầu Chúa. Con cháu sau này cũng vậy, cho nên chúng ta ngay từ bây giờ luôn phải kiện cường đức tin cho chúng. Việc đó chính là bác ái và yêu thương! Xin đừng giả dối, yêu thương bằng miệng lưỡi chứ không bằng việc làm. Đức tin của thế hệ tương lai phản ánh đức tin của thế hệ hiện tại, cũng như chúng ta phản ảnh niềm tin kính của cha ông mình.

Trong cuộc đấu tranh để giữ vững niềm tin tinh tuyền ở những điều kiện gay go nhất, họ quyết định dùng chiến thuật cho “xe đi vòng vòng” ( xin coi các phim chinh phục miền tây của nước Mỹ). Họ tụ họp thành những nhóm nhỏ, nâng đỡ lẫn nhau trong phụng vụ và cương quyết chống lại các ảnh hưởng ngoại lai, tức các thần, các phong tục Ba tư. Nhiều người đã chịu tử đạo vì trung thành với đức tin của cha ông. Nhờ vậy họ có thể sống còn mà trở về quê hương. Đối với những ai có cơ hội trở về, thấy mình rất ngỡ ngàng vì có những thay đổi nơi quê cha đất tổ. Các dân ngoại đã chiếm hữu đất đai, phong tục đã thay đổi, đức tin pha trộn nhiều yếu tố khác lạ. Liệu họ lần nữa phải cho xe (bò) đi vòng vòng, như đã làm trên đất nước Babylone? Nhiều gia đình trên thực tế đã làm như vậy theo cổ xúy của các tiên tri! Họ thành lập nhóm còn “sót lại” trên toàn cõi đất nước (chúng ta có thể suy ra từ thái độ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Canaan: Thầy chỉ được sai đến các con chiên lạc của Israel mà thôi). Họ nghiệt ngã tẩy chay tất cả những gì không phải là do thái, kể cả hàng xóm láng giềng của mình.

Hậu quả là những cộng đoàn khép kín, cứng nhắc, mà tiên tri Isaia phải can thiệp (bài đọc 1). Vị tiên tri vô danh này (Isaia III) mở một con đường cho những ai “Làm điều chính trực, thi hành điều công minh”, “vì nhà ta là nhà cầu nguyện cho muôn dân”. Ông nhắc nhở người Do thái rằng tình yêu của Thiên Chúa không loại trừ ai, trái lại, bao gồm mọi linh hồn, mọi dân tộc. Ngài đã tuyển chọn dân Israel để tuân giữ các lề luật của giao ước mà nhiều lần Ngài đã ký kết. Kẻo họ không còn khả năng nhận ra những nhu cầu của mình để canh tân thường xuyên. Vì tiên tri không có ý định nơí lỏng đức tin theo phong trào, nhưng luôn trung thành với Thiên Chúa. Tuy nhiên ông kêu gọi dân tộc (và cả chúng ta nữa) không nên hẹp hòi. Nhưng phải theo gương Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài trải rộng khắp địa cầu chứ không chỉ riêng Israel. Hết những ai sống trên đất nước đều hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa. Tinh thần Isaia III giống hệt như thánh Mattheo mà chúng ta sẽ bàn tới sau. Vị tiên tri tuyên bố “ người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng vụ Người và yêu mến Thánh Danh cũng trở nên tôi tớ của Người. Hết những ai giữ ngày Sabát mà không vi phạm, cùng những ai tuân giữ giao ước của ta đều được ta dẫn lên núi thánh”. Nhiều nhà chú giải Kinh thánh đã dùng bản văn này để gợi ý bên ngoài Giáo hội hữu hình vẫn có ơn cứu độ, bằng những con đường mà chỉ một mình Thiên Chúa biết. Chúng ta nên có cái nhìn khóang đạt như tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi, đừng hẹp hòi đóng khung Ngài vào trí khôn bần tiện của mình, chúng ta sẽ gặp nhiều sai lầm bởi những phán đoán hồ đồ, tưởng tượng. Nhất là khi chúng ta sống trong các quốc gia đa tôn giáo, như Hoa Kỳ, Việt Nam. Bên cạnh tôi là gia đình do thái làm bánh “ Kosher Pizzas” rất ngon. Người có đạo thường lui tới thưởng thức. Isaia III tin rằng Thiên Chúa kêu gọi dân Do thái, để mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, chứ không chỉ riêng dân Israel. Không phải dân Do thái tốt lành hơn các dân tộc khác mà chỉ vì Thiên Chúa đã tuyển chọn họ, trao cho họ công bố tình yêu của Ngài. Chúng ta cũng vậy đừng kiêu căng phong mình thánh thiện, mà phải khiêm tốn vì tất cả là do ơn thánh Chúa: Tout est grace (thánh Therèse de Lisieux). Nhiều tu sĩ nam nữ không hiểu hết chân lý này nên sống ngông ngênh, tự mãn, khinh dể người khác.

Như vậy, vị tiên tri muốn chúng ta huấn luyện cho mình một cái nhìn rộng rãi, bao la, về các hoạt động của Thiên Chúa. Ông kêu mời chúng ta chiêm ngưỡng muôn hình vạn trạng kiểu cách Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại. Không nhất thiết Ngài phải hành động theo một đường lối nào. Chúa Giêsu là thể hiện rõ ràng của tình yêu đó. Cứ chiêm ngắm đời sống của Ngài chúng ta sẽ hiểu tình yêu Thiên Chúa ra sao? Những lời mở đầu của bài đọc một cho chúng ta chìa khoá để tìm ra những linh hồn phụng thờ Chúa. Tuân giữ điều chính trực, thực hiện điều công minh. Dù họ thuộc về chúng ta hay không. Các ngôn sứ thường chỉ cho chúng ta hay Thiên Chúa là ai? Ngài kỳ vọng nơi chúng ta thế nào? Khi suy gẫm về hành vi của Thiên Chúa nơi đời sống của người khác, chúng ta đừng ương ngạnh từ chối họ một cách tiên thiên, nhưng chấp nhận họ vào cộng đoàn Hội Thánh. Thiên Chúa đang cư ngụ trong tâm hồn họ! Isaia III mô tả “ nhà” Thiên Chúa rộng bao la bát ngát đủ để những ngoại kiều thờ phượng Chúa: Đối với tôi xem ra nhà đó vô hạn định. To hơn cái nhìn của tôi nhiều lần. Vậy đó, nhiệm vụ của ngôn sứ là mở rộng tâm hồn và trái tim mọi người cho Thiên Chúa ngự vào. Thiên Chúa của vũ trụ mênh mông hơn biển rộng trời cao.

Thánh Matheo viết Phúc Âm cho cộng đoàn tín hữu tiên khởi gốc Do thái. Ngài chiêm ngắm Chúa Giêsu như Môsê mới, ban lề luật yêu thương để thiết lập Israel mới, tức Hội thánh. Tuy nhiên người ta tìm thấy những trường hợp người dân ngoại cũng tỏ lòng tôn kính trong Tin mừng của ông. Đó là các đạo sĩ đến từ phương đông (2,1 -12), người sĩ quan Rôma (8, 5 - 13) và người phụ nữ xứ Canaan hôm nay. Điều này ám chỉ dụng ý nào? Xin đọc kỹ Phúc Âm. Chúa Giêsu đang ở Tirô và Siđon, miền đất ngoại giáo. Một sự kiện khác thường trong lối hành xử của Ngài. Chúng ta mong đợi Ngài sẽ gặp nhiều chống đối, vì bước đi trong đất thù nghịch. Miền đất này thuộc Do thái xưa kia, nhưng đã bị lân bang chiếm đóng trước khi dân Do thái trở về quê hương. Những người Do thái ở lại đã lập thành những đồn luỹ chắc chắn về niềm tin của cha ông và chiến đấu trong suốt lịch sử để được giữ vững niềm tin ấy. Bây giờ Chúa Giêsu và các môn đệ rao giảng giáo lý mơi lạ, thử hỏi làm sao các ngài không bị chống đối? Và chúng ta ngày nay chẳng ngạc nhiên về thái độ chống dân ngoại còn tồn tại trong Hội Thánh tiên khởi. Thánh Matheo mô tả Chúa Giêsu ngần ngại mở rộng phạm vi sứ vụ của mình: “Ta chỉ được sai đến các con chiên lạc nhà Israel mà thôi”. Dĩ nhiên người đàn bà dốt nát này không hề nghe biết các ưu tiên của dân Do thái. Bà chẳng thể hiểu được lời Chúa Giêsu, nhưng thực tế con gái bà đau nặng, bị quỉ ám khổ sở lắm. Bà chạy đến với Ngài gọi Ngài là con vua Đavit như thói quen của dân chúng. Rõ ràng bà đã bày tỏ đức tin vào Ngài, đức tin mà Ngài hàng mong đợi nơi “ dân riêng của Thiên Chúa”. Bà cũng nhận ra bánh của Thiên Chúa chỉ dành cho tuyển dân chứ không cho mình. Tuy nhiên bà khẩn khoản xin mảnh vụn rơi từ bàn ăn xuống. Đức tin và lòng khiêm nhường của người phụ nữ Canaan đáng được Chúa thương. Vì thế nhiều bình luận gia đã đổi từ những con chó thành chó con để diễn tả tình cảm của Chúa Giêsu đối với bà. Thực tế Chúa Giêsu đã khen bà “ Này bà, lòng tin của bà mạnh thật”! Liệu chúng ta có dám bày tỏ đức tin của mình như vậy khi gặp gian nan khốn khó không? Liệu chúng ta có dám nài nẵng Chúa khi xem ra Chúa hắt hủi mình không? Lạy Chúa, xin giúp chúng con có lòng tin, lòng khiêm nhường như người phụ nữ Canaan. Hằng ngày chúng con cần gương bà để sống am hợp ơn gọi làm con Chúa.

Đức tin của người đàn bà đã được Chúa đáp lời. Có thể nói bà đã thắng được Chúa “Bà muốn thế nào sẽ được như vậy”, mặc dầu bà là người không có đạo, không được hưởng gia sản của giao ước! Chúng ta nên tin thật vào sức mạnh của cầu nguyện mà thực hành theo đúng lòng tin của mình. Kinh thánh thường tỏ rõ sức mạnh vô song của lời cầu nguyện. Vậy thì tại sao chúng ta còn hoài nghi? Người phụ nữ Canaan dù không được giáo dục về đức tin nhưng đã thoáng thấy sức mạnh của nó, nên đã không ngần ngại nài nẵng Chúa, cho dù Chúa xua đuổi gọi là “chó”, (tiếng phổ thông Do thái gọi dân ngoại). Chúng ta làm sao? Có thực bụng gọi Ngài là Thiên Chúa, đấng ban bánh cho mọi người ? phải chăng tiệc Thánh Thể hôm nay gợi ý câu truyện Tin mừng này? Nếu vậy chúng ta sốt sắng cử hành thánh lễ với lòng sùng mộ chứ không phải hình thức bên ngoài. Rất nhiều lần chúng ta chẳng chứng kiến người ngoài Giáo hội, chẳng ghi danh vào tổ chức tôn giáo nào, nhưng lời nói, hành động của họ chứng tỏ chịu ảnh hưởng tinh thần Chúa Kitô? Thiên Chúa đã tìm ra những lối, những phương thức nuôi dưỡng họ trong sự thật và chân lý. Làm sao họ hành xử được như vậy nếu không có Chúa hướng dẫn?

Cho nên thánh Phaolô trong bài đọc hai đã nuôi hy vọng trở lại của đồng bào mình: “Thưa anh em tôi xin ngỏ lời với anh em, là những người gốc dân ngoại, với tư cách là tông đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi. Mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào của tôi phải ganh tỵ, và tôi cứu được một số anh em đó…Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý”.

Cộng đoàn thánh Mattheo đang lớn mạnh, gồm cả dân ngoại, nơi cộng đoàn loan báo về Chúa Giêsu. Họ trở lại làm môn đệ Chúa. Câu chuyện hôm nay là dấu vết của tình hình cộng đoàn. Nó giúp các tín hữu gốc Do thái chấp nhận anh chị em tân tòng mà trước kia họ gọi là “chó”. Họ được nghe về đức tin của người đàn bà, lòng khiêm nhường của bà ta thừa nhận ân huệ ưu tiên của dân Do thái và tình yêu rộng mở của Thiên Chúa, đón nhận hết thảy các linh hồn qua trung gian Đức Kitô. Người phụ nữ Canaan là bằng chứng Thiên Chúa vươn tới mọi dân tộc, kể cả những người ở ngoài tôn giáo truyền thống. Mặc dầu bà không thuộc nhóm môn đệ Chúa nhưng lòng xác tín của bà vào Đấng được xức dầu là dấu chỉ Thiên Chúa hành động ngoài dự kiến của nhân loại. Chúng ta có khuynh hướng xếp hạng các tâm hồn trong và ngoài Giáo hội. Nhưng nếu một linh hồn ngoài Giáo hội lại bày tỏ đức tin mãnh liệt vào Chúa Giêsu thì chúng ta là ai mà dám hạn chế hoạt động của Thiên Chúa trên trái đất này? Amen.



Lm Jude Siciliano, OP