PDA

View Full Version : C - Chúa biến hình



Dan Lee
08-05-2011, 09:19 PM
Chúa biến hình

Thứ Bảy sau Chúa Nhật XVIII Thường niên A

Lời Chúa: Mt 17,1-9

1Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. 4Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia." 5Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! " 6Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ! " 8Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. 9Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”


Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người (Mt 17,5)

Suy niệm:

Một hôm, một họa sĩ người Ý khá nổi tiếng đang đi bách bộ để tìm hứng sáng tác. Khi đến một khúc quẹo, ông chợt nhìn thấy một bé trai có khuôn mặt hồn nhiên dễ mến. Tự nhiên ông muốn vẽ lại vẻ mặt thiên thần của em. Ông nói với cậu bé rằng : “Này em, em có muốn tôi vẽ chân dung của em không ?” Cậu bé gật đầu đồng ý và theo họa sĩ về xưởng vẽ. Họa sĩ đặt tên cho bức tranh này là : “Tuổi thơ trong trắng”. Ông treo nó nơi phòng khách, và mỗi khi gặp điều gì bực mình, ông lại nhìn lên bức tranh kia và lập tức lấy lại bình tĩnh. Một số người muốn mua bức tranh với giá cao, nhưng dù đang gặp khó khăn, hoạ sĩ vẫn nhất định không bán.

Hai mươi năm sau. Một hôm họa sĩ tiếp tục đi dạo để tìm hứng sáng tác. Khi tới gần khu nhà ổ chuột, tình cờ ông nhìn thấy một gã ăn xin, áo quần bẩn thỉu và có bộ mặt chai lì gian ác, giống như một tên quỉ sứ ! Ông suy nghĩ : “Sao trên đời này lại có một bộ mặt gian ác xấu xa đến thế nhỉ ? Phải chi ta vẽ được bộ mặt quỉ sứ này để so sánh với bộ mặt thiên thần trong bức “Tuổi thơ trong trắng” thì hay biết mấy !

Bấy giờ gã ăn mày chìa tay ra xin bố thí. Họa sĩ yêu cầu gã làm người mẫu cho ông vẽ và hứa sẽ cho gã một số tiền khá. Gã ăn xin lập tức đồng ý. Khi bức tranh đã vẽ xong, gã nhận tiền và ra về. Nhưng khi tới phòng khách, trông thấy bức tranh “Tuổi thơ trong trắng” đang treo trên tuờng, gã liền dừng lại nhìn một lúc lâu, rồi hai dòng lệ từ từ lăn trên gò má. Sau đó gã chỉ lên bức tranh và nói với họa sĩ rằng : “Thưa ông, đây chính là khuôn mặt của tôi hồi còn bé mà tôi nhớ là đã do chính tay ông vẽ. Hôm nay ông lại vẽ khuôn mặt của tôi sau khi nó đã biến dạng !”. Rồi gã thuật lại cuộc đời bất hạnh của gã như sau : “Tôi vốn là một đứa con trai, lại là con một, nên được cha mẹ tôi rất mực cưng chiều. Nhưng cũng vì thế mà tôi đã bị hư hỏng. Khi cha mẹ tôi lần lượt theo nhau qua đời, tôi bán tất cả gia sản và lao mình vào các thú vui trác táng. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã phung phí hết tiền của và phải theo lũ bạn đi trộm cắp. Rồi sau đó tôi bị bắt và phải thụ án trong nhà tù mười năm. Trong thời gian ở tù, tôi đã trải qua nhiều khó khăn gian khổ : Bị đánh đập, ức hiếp và bị bóc lột tàn nhẫn. Nhưng rồi tôi cũng quen dần và cuối cùng chính tôi lại trở thành kẻ hành hạ bóc lột tù nhân mới hay các bạn tù yếu thế hơn tôi. Bây giờ sau khi mãn hạn tù, tôi được thả ra trong tình trạng không một đồng xu dính túi, lại mang thêm bệnh lao phổi thời kỳ thứ ba. Tôi chẳng biết làm gì hơn là phải đi ăn xin”.

Trước tâm sự của một người đã trót phung phí cả tuổi thanh xuân của mình, họa sĩ rất xúc động. Nhưng ông cũng chỉ biết khuyên bảo gã hãy cố gắng ăn ở lương thiện. Ít lâu sau, ông được tin gã đã nằm chết cô đơn tại một góc phố. Họa sĩ đã treo bức tranh “Ác quỉ” mà ông mới vẽ bên cạnh bức “Tuổi thơ trong trắng”. Ông cũng thường giải thích cho bạn bè và những ai thắc mắc về hai bức tranh như sau : “Hai khuôn mặt trong hai bức tranh này thực ra chỉ là một người ! Giữa thiên thần và ác quỉ, chỉ cách nhau 20 năm sống phóng đãng mà thôi !”.

Theo thánh Phaolô thì đến ngày Tận Thế, mọi người đều được biến hình : “Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt, và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15, 51.53). - “Đức Giêsu Kitô sẽ dùng quyền năng mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Tuy nhiên việc Đức Giêsu biến hình còn dạy rằng : chúng ta còn có một cuộc biến hình khác, được thực hiện ngay từ bây giờ, trong nếp sống, cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta.

Sự biến hình trong ngày Tận Thế có liên quan mật thiết với sự biến hình hiện tại. Sự biến hình ngày sau là công việc của Thiên Chúa, còn sự biến hình ngay bây giờ lại là công việc của chúng ta. Thế nhưng sự biến hình ngày sau lại căn cứ trên sự biến hình bây giờ như Đức Giêsu đã dạy : “Bấy giờ, ai đã làm lành thì sẽ sống lại để được sống. Còn ai đã làm dữ thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Nếu muốn sau này ta cũng được Chúa biến hình nên sáng láng tốt lành như Đức Giêsu hôm nay, thì ngay từ bây giờ ta phải thực hiện việc thay hình đổi dạng để mỗi ngày nên giống Đức Giêsu hơn.

Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!

Tối hôm đó, sau khi từ giã bà con thân thuộc và bạn bè đến dự liên hoan chúc mừng, bà Magarita mới có thời giờ nói chuyện riêng với tân linh mục Gioan Boscô. Bà âu yếm nhìn con và nói: “Hỡi Gioan con yêu của mẹ. Hôm nay con đã trở thành linh mục của Chúa, và đã được diễm phúc dâng Thánh Lễ đầu đời. Con đã thuộc trọn về Chúa và đã là người của Chúa rồi. Vậy bắt đầu từ bây giờ, con không cần phải lo gì cho mẹ nữa. Nhưng hãy chú tâm thực hiện điều này là : Tìm làm vinh Danh Thiên Chúa và cứu rỗi cho các linh hồn” … Gioan đã ghi lòng tạc dạ những lời bà mẹ đạo đức của mình vừa khuyên nhủ, và đã làm theo lời khuyên dạy ấy. Ngài đã dành tất cả thời giờ và sức lực cho công việc tông đồ là giáo dục các thanh thiếu niên. Cuối cùng Ngài đã được Giáo hội tôn phong làm thánh để nên gương sáng cho các tín hữu chúng ta.

Vậy để cho Lời Chúa phát huy tác dụng là biến đổi chúng ta trở nên tốt lành thánh thiện, chúng ta phải làm gì ?

Phải ý thức giá trị của Lời Chúa : Mở rộng tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, rồi suy niệm để tìm hiểu ý Chúa muốn và xin ơn Chúa giúp thực thi ý Chúa (x. Lc 8,15).

Phải đổi mới đời sống : đổi mới cách suy nghĩ, nói năng và hành động theo gương Chúa làm, theo lời Chúa dạy. Nhất là tập sống bác ái yêu thương (Ga 13,35-35). Cụ thể là khiêm nhường phục vụ tha nhân (Ga 13,15).

Phải sống Lời Chúa dạy : Mỗi lần dự lễ, cần lắng nghe Lời Chúa phán qua các bài đọc Cựu Ước và Tân ước, nhất là nghe bài giảng của vị chủ tế để áp dụng Lời Chúa vào đời sống. Lời Chúa sẽ tỉa sạch các thói hư tật xấu của ta (Is 18,5 ; Ga 15,2). Lời Chúa là ngọn đèn và là ánh sáng chỉ đường cho ta (Tv 119,105). Lời Chúa sẽ làm phát sinh hoa trái bác ái (Ga 15,5). Nhờ Lời Chúa, ta sẽ sống bác ái như kinh “thương người” đã đề ra.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ mình ra trước mặt ba môn đệ thân tín trên ngọn núi cao để củng cố đức tin của các ông khi gặp thử thách sau này. Hôm nay con cũng sấp mình như các môn đệ Chúa xưa, để tôn vinh Thiên tính của Chúa, để cảm tạ Chúa đã cho con nếm trước hạnh phúc đời sau. Xin Chúa cho con một chút niềm tin chói sáng, một lý tưởng rạng ngời, một chút tình yêu tha thiết, để con cảm nghiệm thấy ở bên Chúa thực là hạnh phúc như các môn đệ Chúa xưa.

Lạy Chúa, hiện giờ chưa tới lúc chúng con được biến hình vinh quang, nhưng đang là lúc chúng con cần được biến đổi để nên giống Chúa nhờ sự ăn năn sám hối tội lỗi. Nhờ đó, chúng con sẽ sống đẹp lòng Chúa Cha vì đã vâng nghe lời Chúa con. Xin Chúa cho mọi người biết lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn vâng theo ý Chúa, để trở nên tốt hơn.