PDA

View Full Version : DÐ - Đồng tiền bà góa



Dan Lee
08-03-2011, 08:41 AM
Đồng tiền bà góa


Cỡ đâu ba bốn giờ chiều ngày hôm đó, một chiếc xe taxi dừng lại vội vàng trước nhà. Cửa xe mở ra, người ta khiêng ra một thanh niên ốm yếu chỉ còn da bọc xương mặc cái áo thun và quần đùi đen, ló ra hai ống chân như hai cây tre cong queo, tím tái. Một người xốc nách anh thanh niên, hai người hai bên đỡ hai chân của anh, họ khiêng anh đi như chạy vội vào trong nhà. Sau đó là một tiếng hét kinh hoàng rồi những âm thanh hỗn độn chao đảo dội ra ngoài căn nhà. Ngay sau đó có tiếng bước chân chạy vội vàng rầm rập và giọng một phụ nữ hoảng loạn hớt hải ào từ đầu ngõ chạy về phía căn nhà, giọng của chị gào lên thảm thiết vang cả xóm:

- Trả lại chồng cho tôi! Trả chồng tôi lại cho tôi!

Chị bước ba bước là đã lao đến được thềm nhà. Người ta vừa ghé vào quán cóc bán hàng của chị ở gần chợ mà báo cho chị biết ủy ban phường đã cho xe đem chồng chị đi thủy lợi về nhà rồi. Nhưng không phải là chồng chị nguyên vẹn như lúc ra đi mà chỉ còn là cái xác. Anh bị ngã nước trong rừng rồi sốt rét cấp tính chết chỉ trong vòng chưa đầy ba ngày phát bệnh.

Tiếng khóc đòi chồng của người đàn bà trẻ ai oán xoáy trong chiều muộn, nghe nặng nề hơn bất cứ thứ tiếng đòi nợ nào. Đám đông hiếu kỳ kéo đến ngày một nhiều đứng chật cả miếng sân trước nhà rồi tràn cả ra ngoài ngõ. Họ kéo đến nhiều mà không ồn ào như những trường hợp khác. Chỉ có những tiếng xầm xì xót xa dùm của những phụ nữ, có cái im lặng thu vào đầy trong ánh mắt sự cảm thông của nhóm đàn ông. Có cái nhấp nhô mà không lộn xộn của đám trẻ nhóc. Có cái không khí quan trọng mà lại nghi ngờ, nghiêm trang mà lại muốn tò mò, tưởng chừng như mọi người đều tạm ngưng công việc để đến xem người đàn bà đang vật nài gào khóc mất chồng. Người đàn bà trẻ xem chừng đã đuối sức quá rồi, chị lả người đi rồi quỵ xuống bất tỉnh. Những người đàn bà khác vội hè nhau xốc chị lên đưa vào trong buồng, ở đó người ta đã nghe vẳng ra từ lúc nãy tiếng khóc của con nít, tiếng khóc oa oa của đứa bé chưa đầy tám tháng tuổi. Và chị, năm ấy chị chưa hết tuổi hai mươi hai.

Sau khi đem vào trong buồng và đánh gió xức dầu cho chị, vài người đàn bà lớn tuổi ngồi nán lại với chị, dỗ dành an ủi. Đám đông bên ngoài cũng dãn dần, mang những tiếng xầm xì bàn tán về theo những bước chân tản ra rồi khuất vào sau những cánh cổng khép lại. Những người trong xóm vẫn còn nhớ cách đây hơn một năm, ở căn nhà ấy đã có một đám cưới không linh đình xa xỉ nhưng đầy đủ và ấm áp của đôi thanh niên trẻ thật đẹp đôi. Anh làm việc trên phường phụ trách phần văn nghệ. Chị là con của một gia đình chỉ có hai mẹ con. Từ nhỏ chị đã phải nghỉ học theo mẹ bươn chải vất vả kiếm miếng ăn cho hai mẹ con. Tuy nhà nghèo khổ nhưng hai mẹ con lại rất thương nhau và chị luôn thấy mình may mắn vì có mẹ. Hơn nữa chị lại được trời phú cho một giọng hát xuất sắc. Từ bé chị đã thích hát, hát ở mọi nơi mọi lúc, ngay cả trong lúc đang phụ mẹ đẩy xe bán dạo hay lúc nấu cơm giặt áo bên hông nhà. Chị thấy cuộc sống bớt cực nhọc, cơn mệt mỏi tan theo từng câu hát, và những ước mơ thì lại như được chắp thêm đôi cánh bay lên theo từng nốt nhạc. Chị cứ ca hát hồn nhiên như thế và rồi tiếng hát ấy lọt vào tai anh. Anh mời chị lên phường trình diễn văn nghệ, và họ bén duyên từ đó. Ngày cưới, chị làm cô dâu thật đẹp, lúc rước dâu từ đầu ngõ đi bộ vào nhà, người ta đứng ở các cửa nhà dõi theo chị e ấp đi bên anh. Có tiếng xuýt xoa trầm trồ chỉ chỏ, có những đôi mắt long lanh của các cô gái mới lớn thầm nghĩ bao giờ đến lượt mình. Pháo nổ dòn tan ở cổng nhà có bảng “Tân Hôn”. Anh hân hoan nắm tay đón chị bước vào nhà. Sau lễ gia tiên, mọi người chuẩn bị một bữa ăn nhẹ và chờ đến chiều ra nhà thờ làm lễ. Bỗng người ta nghe vang một tiếng đổ ầm khô khốc và tiếp theo là những tiếng loảng xoảng của đổ vỡ liên tiếp rền rĩ. Nhịp tim của nhiều người cũng loảng xoảng theo tiếng vỡ tan của ly tách chén bát. Cái tủ kiếng cao quá đầu người trưng bày bát đĩa ngày thường vẫn kê dựa vào vách tường, hôm cưới người ta kéo nó ra giữa nhà làm bàn thờ gia tiên. Một cánh tay của ai đó vướng vào lôi cái tủ ngã đè lên bàn để đồ dẫn cưới, tất cả bể tan tành. Chị đứng run lẩy bẩy, mặt trắng bệch. Anh ôm lấy chị thật chặt:

- Em đừng sợ, có anh đây, em đừng sợ!

Mười tháng sau, một đứa bé trai chào đời trong hạnh phúc của gia đình hai bên. Cũng lúc đó trên phường lại lo tập họp cho đủ quân số đi làm thủy lợi. Anh bị bắt buộc phải xung phong làm gương. Lần lữa mãi, khi con được hơn hai tháng, người ta không cho anh viện lý do con thơ nữa, anh có tên trong danh sách phải đi đợt này về vùng Tân Biên - Tân Châu gần biên giới. Ngày tiễn anh đi, trên phường bắc loa oang oang từ năm giờ sáng không khác gì buổi tiễn người đi bộ đội. Chỉ khác là anh không mang súng và xe chưa lăn bánh thì nỗi nhớ vợ con đã dâng đầy trong lòng. Những người trong ban chỉ đạo kia thì vẫn vô tâm hoặc cố tình không nhìn đến nỗi buồn của anh và những bạn cùng chuyến. Loa phường lại phát ra lời nhạc khó tin: “Ăn cơm muối rau rừng chan nước suối, vẫn mơ về ngày mai sáng tươi …” Anh chan nước suối với rau rừng được ba tháng thì hết. Đúng một năm rưỡi sau ngày cái tủ kiếng bị vỡ, cuộc đời của anh cũng vỡ tan, trăm năm hạnh phúc của anh và chị bị gọt dũa còn vỏn vẹn được một năm hai tháng.

Không biết bằng cách nào chị đã đủ sức lực để lo ma chay cho anh. Đám tang xong, chị cũng buông người ra, chùng xuống như dây đàn căng hết cỡ được nới lỏng. Ôm con vào lòng mà chưa biết cuộc sống ngày mai sẽ ra sao với mẹ góa con côi. Người chết đã ra đi nhưng người sống vẫn phải sống, phải ăn, phải mặc và phải chịu luôn cả những dư luận vốn đã không ngọt ngào với những góa phụ. Buổi sáng cuối năm đi chợ, bà hàng rau quen biết sau khi thăm hỏi xã giao kề tai chị nói:

- Chị nói em nghe, năm nay tang tóc thế kia, cố mà ở riết lấy trong nhà, đừng đi thăm nom chúc tết, dông cả năm đấy.

Chị vâng dạ. Cũng chẳng thấy buồn lắm. Thì năm nay khỏi ăn tết vậy, xóm làng có kiêng có lành, lệ đã vậy, mà con chị cũng còn bé chưa biết tết là gì. Mà lạ, lúc trước không thấy ai nói gì, bây giờ bỗng thấy người ta lại săm se mà xì xào bói toán:

- Gò má chị ấy cao nhỉ.

- Ừ, mắt lại hơi xếch.

Tướng sát phu rành rành ra đấy làm chị không dám đi ngang qua nhà ông tướng số gần đó, chỉ sợ bị soi mói tướng đi mà ra thêm tội nào khác của chị nữa cũng không chừng.

Lại còn có hôm người ta lại kháo nhau:

- Dạo này bà đó lung tung lắm.

- Lung tung làm sao?

- Hôm kia thấy ngồi sau xe ông nào, miệng cười toe. Chồng chết để tang chưa được ba năm kia mà.

- Khổ! Trẻ người thế kia, chịu sao nổi!

Sau này biết được, người đàn ông cho chị ngồi sau xe ấy giúp chị đi tới lui chạy giấy tờ để nhận tiền đền bù việc chồng chị đi thủy lợi cho nhà nước chẳng may bị thiệt mạng. Chỉ có thế mà có người còn dám cả quyết nhìn thấy chị đi cùng với đàn ông lên khu trung tâm thành phố rồi còn dắt nhau vào nhà hàng ô-ten gì đó to lắm, chả đi hú hí thì vào đấy làm gì chứ! Chị nghe thấy hết cả nhưng chỉ im lặng. Chị là đầu đề cho nhiều người làm câu chuyện để đưa tin trong những lúc rảnh rỗi, để tiếp khách, để giết thời gian trong lúc chờ người mua hàng … và để thấy mình sống tốt hơn chị, may mắn hơn chị. Như hôm nọ đi lễ, vào nhà thờ thấy chỗ trống, chị nhẹ nhàng vào ngồi. Bà ngồi bên cạnh trông thấy chị đã ngồi dịch hẳn ra rõ xa, tay cầm quạt phẩy phẩy nhiều cái rõ mạnh vào mặt ghế như quét đất, như thể ngồi cạnh người dơ dáy như chị sẽ bị vấy bẩn và càng ra sức đọc kinh to tiếng hơn như ăn năn tội dùm cho chị luôn tiện.

Ấy thế nhưng chị vẫn phải sống, vẫn phải ở cái xóm này để làm dâu và nuôi con. Con ngõ trong hẻm này từ lâu đã hư hại nhiều. Họp tổ dân phố lần nào cũng có đề nghị xin sửa chữa mà mãi vẫn không được thông qua. Khi người ta quyết định chia đều ra cho tất cả nhà trong xóm đóng tiền để tráng thêm lớp nhựa thì chị hoảng. Vét hết trong nhà cũng không có dư bao nhiêu tiền, mà lại biết bao nhiêu việc cần đến tiền để tiêu. Chị đành phải nói thật với ông tổ trưởng để xin giảm chỉ tiêu. Người ta đã dị nghị cho rằng chị lãnh tiền đền bù chồng chết nhiều lắm mà chị gom nén dấp diếm để hưởng ưu tiên, và cho rằng như thế là không công bằng. Có người còn bảo chị không đóng tiền thì đừng sử dụng con đường này, tìm ngõ khác mà leo vào nhà. Chị im lặng, chịu đựng.

Hơn ba tháng sau con ngõ đã tráng nhựa mới sạch sẽ, nhưng chỉ qua một mùa mưa là đã lại xuất hiện lồi lõm ổ gà. Người lạ vào ngõ hoặc dân trong xóm đêm hôm đi về rất dễ bị lạng quạng sa vào đấy. Cũng từ đấy đêm nào cũng có người bắt gặp chị ngoài đường với một bao tải trong tay. Trên đường rong ruổi bán hàng dạo, mỗi ngày chị lại tha về một ít gạch đá nhặt đươc trên đường, rồi mỗi đêm chị lại mang ra một ít chen kín lại các ổ gà. Bây giờ mỗi buổi sáng ra người ta lại đếm thấy ít ổ gà hơn hôm trước, thay vì phải nhiều hơn lên vì mùa mưa vẫn chưa hết. Việc làm của chị vẫn lặng lẽ như chị. Cũng có người trông thấy và biết, cũng có người không biết ai đã dư công rỗi việc mà tốn sức cho cái tài sản chung ấy. Nhưng tuyệt nhiên không ai lên tiếng để bênh vực cho chị một lời, hình như người ta không cần quan tâm để nói tốt dùm cho bà góa dù chỉ một câu.

Một hôm nhà chị bị mất trộm. Nghe có vẻ buồn cười vì nhà chị nằm trong danh sách những nhà nghèo nhất xóm. Lúc trộm cạy cửa, chị đang ngủ và khi nghe những tiếng sột soạt bất thường chị giật mình nhưng không sợ, cứ nằm im. Lúc thấy bóng thằng trộm thoáng qua dưới bếp, chị bật dậy quát:

- Ai ?

Tiếng động vụt im lặng, chị quơ mùng chui ra, tay vớ thanh củi căng mắt lần xuống bếp. Mở đèn lên, chả thấy gì. Chị vừa quay lại nhà trên đã nháng thấy cái bóng thậm thọt không lẫn vào đâu ấy, bóng thằng Chiến thọt. Trong tranh tối tranh sáng và trong cái khoảng thời gian chưa đầy mười giây đối diện chị thấy nó chắp tay lạy chị. Thay vì hô hoán lên, chị bước lùi lại ba bước đủ chỗ cho thằng Chiến lẻn ra ngoài theo lối nó chui vào. Sáng ra chị mở nắp nồi gạo, hai chỉ vàng đã biến mất. Khi tin loan ra người ta lại nhao nhao và nhớ lại chuyện góp tiền sửa đường, nhưng người ta đã quên rằng chuyện đó cách nay cũng đã ngót nghét năm năm. Năm năm bà góa chắt chiu dành dụm được hai chỉ vàng để dành cho con đi học. Bây giờ thằng trộm lấy hết, chị biết nếu khi đêm chị hét toáng lên là cả xóm đã ùa đến trói cổ được thằng trộm rồi, nhưng mà chị cũng biết thằng Chiến nghèo hơn cả chị, vợ nó nghe đâu mới phát hiện bị ung thư phổi.

Có người biết kẻ trộm là ai thì lên giọng với chị:

- Tôi mà là chị thì tôi đến tận nhà nó đòi lại của, hai chỉ vàng chứ có phải ít!

Chị lắc đầu:

- Thôi, chả ai muốn trộm cắp, thằng Chiến phải làm thế tự nó cũng thấy nhục lắm rồi.

Gần một năm sau vợ Chiến chết, Chiến bỗng trở thành góa bụa như chị, nhưng nó không muốn sống ở đấy nũa. Chiến bán nhà về quê ở. Hôm trước khi đi nó sang nhà chị, ậm ực nghèn nghẹn mãi mới thốt ra được câu xin lỗi và xin trả lại chị hai chỉ vàng. Chị lắc đầu xua tay bảo nó cầm về quê mà nuôi con.

Thời gian trôi đi, lúc này chị đã già lắm rồi, trên đầu đã hai thứ tóc. Con trai của chị năm nay cưới vợ, đó là lần thứ hai trong đời chị cảm thấy thật hạnh phúc. Cuộc đời của chị có lẽ chỉ gói trọn một khái niệm sống đơn giản là không nặng nhẹ hơn thua. Chị đã đi gần hết cuộc đời mình bằng sự vững lòng cậy trông, xài cho đến hết đồng tiền của bà góa vì một lòng tin rằng, những gì chị trao ra vì danh Thiên Chúa thì rồi Ngài cũng sẽ trả lại cho chị phần thưởng xứng đáng. Trong ngày cưới của con trai, chị mỉm cười mãn nguyện.

(Nội san Chân Lý tháng 2.2011)