PDA

View Full Version : S - Suy nghĩ về trí thức - Nhân lễ kính thánh Augutinh.



Dan Lee
08-02-2011, 04:09 PM
Suy nghĩ về trí thức - Nhân lễ kính thánh Augutinh.


Thánh Augutinh là một giám mục Phi châu, đứng đầu một giáo phận nhỏ thuộc Phi châu. Ngài sống từ năm 354 đến năm 430. Như thế, lịch sử thánh nhân thuộc về một địa lý nhỏ và một thời gian đã xa.

Thế mà, ngài đã ảnh hưởng sâu rộng trên khắp toàn cầu và qua mọi thời đại. Nguyên nhân ảnh hưởng là trình độ trí thức của ngài. Trí thức trong tư tưởng và trí thức trong đời sống.

1/ Trí thức trong lãnh vực tư tưởng

Tư tưởng của thánh Augustinh để lại trong 252 cuốn sách lớn nhỏ, 509 bài giảng đủ loại, và 207 lá thư xa gần. Những tư tưởng bất hủ của ngài thường được trích từ ba cuốn sách nổi tiếng của ngài sau đây: Những thú nhận, Thành trì của Thiên Chúa, về Chúa Ba Ngôi.

Nội dung tư tưởng phần lớn tập trung vào ba lãnh vực: Triết học, thần học, linh đạo.

Hình thức ngài dùng để diễn tả nội dung là rất phong phú. Tất cả đều mang dấu ấn của một người học cao về văn chương và hùng biện.

Đọc những tác phẩm của thánh Augutinh, người nghiên cứu thấy: Phần, mà ngài nhận được bởi người khác, là rất đa dạng. Phần, mà ngài tự suy nghĩ ra, là rất sâu sắc.

Ngài đã là giáo sư ở Thagaste, ở Carthage , ở Roma, ở Milan .

Ngài có quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè trí thức, trong đó có thánh Ambrôsiô.

Trí thức của thánh Augutinh được nhận thấy ở điểm chung này là: Say mê đi tìm sự thật, lẽ phải và đức khôn ngoan. Đối tượng là Thiên Chúa và con người.

Sau khi đã mải miết đi tìm ở các trường phái, các trường học, các học giả, thánh nhân đã đi tìm nơi Đức Kitô. Ngài thú nhận: Chỉ Đức Kitô mới cho ngài thấy rõ sự thực, lẽ phải và sự khôn ngoan. Chỉ Đức Kitô mới là thầy chỉ cho ngài thấy con đường phần rỗi. Đức Kitô dạy ngài qua gương đạo đức của mẹ ngài là thánh Monica, qua Lời Chúa và trong nội tâm sâu thẳm của ngài.

Ngài ghi lại tất cả cuộc đời thăng trầm của ngài một cách rất khiêm nhường.

Với những tư tưởng trí thức trộn vào những kinh nghiệm bản thân, thánh Augutinh đã phản bác các bè rối một cách trí thức và đạo đức. Cũng với trí thức và đạo đức, ngài đã lập cộng đoàn tu viện ở Thagaste, đã sống đời mục vụ khi làm giám mục ở Hippone. Tại đây, ngài cũng đã trí thức trong lối sống của ngài.

2/ Trí thức trong lãnh vực đời sống

Nhận ra trình độ trí thức trong lãnh vực tư tưởng thì tương đối dễ. Nhận ra trình độ trí thức trong lãnh vực đời sống thì không luôn dễ. Không dễ, nhưng vẫn nhận ra được, nếu dựa vào tiêu chuẩn sau đây:

Biết phân định cái đúng cái sai.

Biết chọn lựa điều nào tốt, điều nào trước, điều nào nên.

Với tư cách người mục tử và thầy dạy, thánh Augutinh phân định người nào đi lên, kẻ nào đi xuống trên đường đạo đức theo thái độ của họ đối với ba đối tượng này: Tạo vật, bản thân, Thiên Chúa. Người nào không dính bén tạo vật, trở về với mình và vượt qua mình, để tìm kiếm Chúa, người đó được kể là người đi lên. Trái lại, kẻ nào bỏ xa Chúa, theo ý mình, để bám vào tạo vật, kẻ đó là kẻ đi xuống.

Theo thánh Augutinh, đi xuống thì tự mình làm. Còn đi lên thì phải nhờ đến ơn thánh Chúa.

Căn cứ theo các thái độ đó, người mục tử đánh giá được tình trạng thiêng liêng của từng con chiên, từng cộng đoàn đức tin, từng hoạt động tôn giáo.

Một chọn lựa đã được thánh Augutinh hay nhắc tới, đó là đời sống bên trong hơn đời sống bên ngoài. Chúa Giêsu xưa khi còn ở trần thế, đã lo cho đời sống bên ngoài của con người, nhưng lo cho đời sống bên trong nhiều hơn. Trong mục vụ, thánh Augutinh lo cho đời sống bên ngoài của con chiên bằng nhiều cách, nhất là bằng cách dạy bảo, cảnh báo, khuyên răn. Nhưng điều quan trọng hơn ngài luôn cố gắng là, lo cho con chiên đi vào nội tâm mình, để gặp gỡ Đức Kitô. Trong cố gắng ấy, ngài thường nhấn mạnh đến đời sống phục vụ trong yêu thương, tình nghĩa theo gương Đức Kitô.

Chính Đức Kitô mới là Đấng dạy dỗ nội tâm và đổi mới con người bên trong. Vì thế, mục đích sau cùng, mà ngài nhắm tới trong mọi bài giảng, là dẫn con người đến với Đức Kitô.

Có thể nói, những phân định và lựa chọn trên đây phải được coi là rất trí thức. Áp dụng vào đời sống bản thân là việc trí thức. Áp dụng vào đời sống mục vụ cũng là việc trí thức.

3/ Nhìn vào Hội Thánh Việt Nam

Thánh Augutinh là niềm tự hào của giáo phận Hippone, của Hội Thánh Phi châu, của Hội Thánh toàn cầu.

Nếu nhìn Hội Thánh Việt Nam qua gương trí thức của ngài, chúng ta sẽ thấy chúng ta còn nhiều điều phải cố gắng thêm.

Bước đầu của trí thức là biết nhận thấy vấn đề.

Trong lãnh vực tư tưởng cũng như trong lãnh vực đời sống, trí thức vẫn là một tiếng gọi. Dù đối thoại, dù đối kháng, chúng ta cần phải trí thức. Nhất là trí thức Phúc Âm. Những chọn lựa đạo đức, nếu thiếu chiều sâu trí thức, sẽ khó có thể làm cho Chúa được vinh quang trên đất nước Việt Nam hôm nay một cách hữu hiệu và lâu bền.

Trên đất nước Việt Nam hôm nay và ngày mai, trí thức đang và sẽ phát triển ở mọi tầng lớp. Trí thức cũng đang được khát khao ngay ở thôn quê bình dân nghèo túng.

Ước mong Công giáo Việt Nam khi hiện diện và đồng hành, sẽ không thiếu một đội ngũ trí thức tầm cỡ đi đầu. Vừa trí thức trong đạo, vừa trí thức ngoài đời. Khối trí thức ấy sẽ sát cánh kề vai với các trí thức xã hội, để cùng với tất cả đồng bào, xây dựng quê hương chung là Việt Nam yêu mến của chúng ta.

Chúng ta thành khẩn dâng lên Chúa mong ước trên đây với tâm tình cầu nguyện khiêm cung.

ĐGM Bùi Tuần