PDA

View Full Version : N - NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN 11 – 20



Dan Lee
08-02-2011, 03:27 PM
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN 11 – 20


Ngụ ngôn 11

Mưa. Mưa to nhà dột nhiều. Mưa nhỏ nhà dột ít. Lúc này dột chỗ này, lúc khác dột chỗ khác. Có lúc dột khắp nơi. Chủ nhà lấy thùng hứng chỗ này, thấy nhà khô được ít lâu. Rồi lại dột chỗ khác. Chủ nhà lấy thau hứng.

Một hôm mưa to hơn mọi khi. Nhà dột khắp nơi. Hai ba xô, bốn năm thùng, sáu bảy chậu, cuối cùng cả nhà toàn nước. Chủ nhà buông tay đứng nhìn, nhưng lòng vẫn tự hào nghĩ: “Dột thế nhưng ta vẫn hơn thiên hạ nhiều.”

Tạnh mưa. Chủ nhà leo lên nóc nhà định hàn mấy chỗ dột.

Nhưng mà than ôi, có còn mái nhà đâu? Nó đã bị ai dỡ mất tự lúc nào. Nhà còn được che đôi chút là những tàn cây rậm rạp từ nhà bên cạnh phủ qua!

Ngụ ngôn 12

Con chồn ngồi trong bóng tối nhìn ra. Chú thỏ đi qua. Chồn gọi to: “Thỏ ơi”, chú thỏ nghe tiếng chồn sợ quá phóng chạy mất. Lần thứ nhì thỏ đi qua. Chồn không gọi to nhưng chỉ thì thầm: “Thỏ ơi thỏ à”. Thỏ nghe tiếng êm ái, nhưng biết là tiếng của chồn, nên cũng vội co giò phóng nhanh vào hốc núi. Thỏ thừa biết là dù có êm ái đến bao nhiêu thì cái loại âm thanh ấy cũng là của chồn hay sói thôi.

Chồn tức giận nghĩ cách khác để bắt thỏ. Lúc ấy có con rùa đi ngang qua. Chồn nhảy ra chặn con rùa lại và bảo: “Tao sẽ ăn thịt mày nếu mày không giúp tao chuyện này”. Rùa hỏi chuyện gì. Chồn bảo mày cứ ngồi đây, chờ thỏ đi qua, mày dụ thỏ ở lại giùm tao. Rùa sợ hãi nên chấp nhận liền.

Thỏ nhởn nhơ đi qua, vừa đi vừa hát. Chợt trông thấy con rùa, thỏ cười khinh khi. Rùa nói: “Tôi buồn quá, đi chẳng tới đâu cả. bạn ở lại chơi với tôi mấy phút”. Thỏ hỏi: “Chơi trò gì?” Rùa tinh quái: “Chạy đua ấy mà”. Thỏ đinh ninh mình sẽ thắng nên nói: “Tôi nhắm mắt chạy cũng nhanh hơn bạn”. “Vậy bạn nhắm mắt lại đi”.

Thỏ vừa nhắm mắt, rùa la to “Chuẩn bị, 1…2…”. Rùa vừa la “3…” là chồn phóng ra vồ lấy thỏ. Và dĩ nhiên chồn cũng tóm luôn chú rùa vừa chậm chạp vừa khờ dại, tưởng mình là “trung gian đối thoại”!

Ngụ ngôn 13

Bố bảo: “Con học giỏi vào cho nhà ta nở mặt nở mày”. Mẹ bảo: “Tốn bao nhiêu tiền cũng học, học đủ thứ chuyện để khoe với hàng xóm”.

Lớn lên một chút, con oằn vai vì sách vở, con nặng trí vì nhồi bao nhiêu thứ trong đầu. Cuối cùng con thành đạt. Bố nở mặt mẹ nở mày (không hề kẻ lông mày).

Người quen của bố khen: “Đúng con nhà tông”. Người quen của mẹ ca tụng: “Đầu tư thật không phí”.

Đêm về con khóc. Không ai nhìn thấy chiều nay một bà cụ chỉ gậy vào mặt con: “Học cho nhiều vào, đầu lú cả rồi. Thấy bà bị cướp, sao con ngồi im ru?”

Ngụ ngôn 14

Con diều bay cao, cao thật là cao. Chỉ vào chim sẻ, diều bảo: “Mày nhỏ xíu, chẳng có màu sắc gì, lại bay thấp, thôi về nhà ngủ đi”. Thấy chim nhạn chao cánh, diều cười: “Bay thế mà cũng bay. Xem ta lượn rực rỡ đây này”. Bay ngang chỗ chim én, diều bảo: “Báo mùa xuân à? Một con én làm gì được mà đòi loan với báo? Cứ ở đấy mà loan tin, mà cầu hoà bình”.

Diều đang thích chí cười hềnh hệch thì bỗng chú bé quăng dây diều, chạy đi coi đám Sơn Đông mãi võ. Con diều bị gió thổi bay là là rồi vướng vào bụi gai. Chim sẻ hỏi: “Sao không bay nữa?” Diều khóc: “Tôi mà bay cái gì, chỉ nhờ thằng bé giật dây thôi”

Ngụ ngôn 15

Khi cướp xông vào nhà, người nhà ngồi bó gối nhìn chuông báo động và những dụng cụ chống trộm. Họ không biết có nên lên tiếng hay không. Họ chờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn để họ biết phải làm gì. Trộm cười mỉa, vơ vét hết tài sản, rồi đến bắt tay từng người, hỏi móc: “Có ý kiến gì không?” Đại diện người nhà hát lên bài “Hồng hồng đỏ đỏ”. Rồi vỗ tay vang rền.

Khi trộm đi rồi, tiếc của, người ta vào phòng ngồi khóc, than trách sao Chúa Thánh Thần không hiện ra giúp đỡ mình. Bỗng họ nghe tiếng Chúa Thánh Thần: “Ta đã hối thúc các ngươi chỉ làm việc đơn giản là ấn nút chuông báo động và ấn nút cho chiếc cửa sắt khoá lại, sao các ngươi không làm mà chỉ lo hát bài ca ngợi người chống đối Ta?”

Ngụ ngôn 16

Mèo ngồi im trong xó bếp chờ chuột ló đầu ra để xơi tái. Chuột thập thò chẳng dám bò ra kiếm đồ ăn dù bụng đã đói meo. Bỗng chuột nghĩ ra một kế tàn nhẫn. Nó chặn bắt con thằn lằn, nấp dưới gầm tủ, ngoạm đầu thằn lằn và thò đuôi con vật bị bắt này ra ngoài. Nó nghĩ rằng mèo sẽ tưởng đó là đuôi chuột nên nhảy đến chộp lấy, và cuối cùng chỉ ăn được thằn lằn, còn nó lợi dụng cơ hội mèo say sưa, sẽ bò đi…

Không ngờ mèo tinh ranh hơn nhiều. Nhìn lướt qua, mèo biết ngay đấy là đuôi thằn lằn. Biết mưu mô của chuột, mèo bảo con trai: “Mẹ sẽ dụ chuột cho nó chú ý, con vòng ra sau tủ ngậm đuôi nó cho mẹ”.

Chuột trong lòng hí hửng chờ mèo mẹ vồ thằn lằn, không ngờ cả cái đuôi của nó bất ngờ nằm trong miệng chàng trai mèo nhỏ nhắn. Hắn hết hồn nhả con thằn lằn ra và lạy như tế sao. Mèo mẹ nhìn nó và chậm rãi nói: “Nếu sợ chết thì cứ trốn, đừng có đem người cùng nhà ra làm vật tế sinh, nhớ nhé”.

Ngụ ngôn 17 (Cảm hứng từ bài giảng “Truyền Thông” của Cha An Thanh CSsR)

Sau những ngày hạn hán, cây rừng xác xơ. Một ngày sau cơn hạn hán, rừng mở hội giao mùa. Chim muông ca hát líu lo, tiếng ca vút cao làm say đắm muôn loài. Rồi những bước luân vũ của loài sư tử, loài trăn Nam Mỹ và cả loài báo Úc châu, đẹp mê hồn. Và rồi muôn loài mê mẩn nhìn dáng biểu diễn màu sắc của loài công từ khắp muôn nơi.

Bỗng có một chú chim sâu nhỏ bé cất tiếng hát. Các con thú nhìn chú chim non chê trách: “Bạn có phải là ca công chuyên nghiệp đâu nào?” Có tiếng khác vọng lại: “Bạn cũng chỉ là tân binh, hót với chả hát”. Và lại có tiếng cười: “Bạn có đăng ký làm ca công chính thức chưa? Hay cũng chỉ là của nhóm nào gửi tới?”

Chú chim bé nhỏ chỉ mỉm cười không nói. Bất chợt chú cất tiếng ca, tiếng ca nhẹ nhàng, không điêu luyện nhưng xoáy sâu vào lòng muông thú. Chẳng ai hiểu vì sao tiếng ca của chú chim sâu nhỏ bé lại tuyệt vời đến thế. Rồi cuối cùng, chúa tể sơn lâm bước đến và bảo: “Bài hát tuyệt vời vì lời ca nói lên sự thật này: Đấng Tạo Hoá là Chúa tể muôn loài”.

Ngụ ngôn 18

Đèn chùm trong Nhà Thờ toả sáng rực rỡ. Đã sáng vậy rồi mà đèn còn muốn rực rỡ hơn nên đồng ý cho tên trộm vào lấy các vật dụng trong nhà thờ, miễn là mỗi lần trộm vào ăn cắp đồ thì gắn thêm cho đèn chùm vài vật trang trí.

Ngọn đèn chầu nhỏ bé không hài lòng nên nhắc đèn chùm hãy quên quyền lợi riêng mà cùng hiệp thông bảo vệ Nhà Thờ. Đèn chùm cười mỉa mai: “Chú nhỏ bé, có ai nhìn chú đâu mà phải lo chứ? Tôi đây ai cũng nhìn nên tôi cần phải chăm chút cho thân tôi. Chú đừng có phàn nàn.” Cứ thế, đèn chùm mỗi ngày một đẹp rực rỡ, còn tài sản Nhà Thờ ngày một vơi đi.

Tên trộm ăn cắp mãi rồi Nhà Thờ cũng hết tài sản. Cuối cùng hắn tháo luôn cầu dao điện và lấy cả dây điện trong Nhà Thờ. Điện cúp, đèn chùm tắt, chẳng còn vẻ rực rỡ thường ngày, chẳng ai buồn nhìn lên nó.

Ngọn đèn chầu lúc bấy giờ lại toả sáng hơn, tuy nhỏ bé nhưng ánh sáng đẹp dịu dàng. Đèn chùm buồn rầu nhìn đèn chầu và nói: “Tôi chẳng còn gì. Lúc tôi rực rỡ, người ta nhìn tôi chẳng nhìn Chúa Giêsu. Lúc tôi tắt đi, chẳng ai còn nhìn tôi, và nhờ chú mà họ nhận ra Chúa Giêsu đang ngự đó. Tôi hoá ra chỉ là đồ trang trí mà thôi.”

Nói xong, đèn chùm bật khóc nức nở.

Ngụ ngôn 19

Chủ nhà có giấy mời đi dự dạ hội ở xa. Người đầy tớ chặn ngay cửa và bảo: “Ông không được đi.” Chủ nhà hỏi tại sao, tên đầy tớ trả lời: “Không biết. Chỉ thấy bảo vệ nói là ông không được ra khỏi nhà”.

Chiều đến, chủ nhà lại đi, lần này đầy tớ không nói gì. Vé xe đã nhờ bảo vệ mua. Các khoản tiền đã nhờ đầy tớ trả. Mất một lần rồi chẳng lẽ lại mất lần nữa? Chắc đầy tớ cũng biết thế nên cho chủ nhà đi. Khi chủ nhà ra đến trạm xe buýt, bảo vệ đến nói nhỏ: “Về nhà ngủ cho khoẻ”. Rồi tự tay bỏ hành lý chủ nhà lên xe ôm.

Nhiều năm sau, khi cả ba đều về già, ông chủ nhà vẫn ung dung thư thái dù ít được đi đó đi đây, còn anh đầy tớ và anh bảo vệ vì lúc trẻ quá đa đoan nên về già hom hem lụ khụ bệnh tật liên miên. Chủ nhà nhân hậu thỉnh thoảng cũng hay giúp đỡ ít nhiều.

Một hôm ông chủ nhà vui miệng hỏi: “Sao lúc đó hai anh đối xử với tôi như thế?”. Anh bảo vệ và anh đầy tớ vừa khóc vừa nói: “Dạ, vì số tiền ông chủ đưa nhờ mua vé và các thứ, tụi tôi thua cá độ đá banh trước đó hết rồi, có mua được vé đâu mà để ông chủ đi! Vả lại cũng sợ ông chủ đi đây đi đó thì chuyện của tụi tôi ai cũng biết, xấu hổ lắm.”

Ngụ ngôn 20

Mùa thu không đến ở xứ này nhưng mỗi độ thu phân, một số loài cây cũng học được thói gian ngoa, giả vờ thay màu lá cho vàng để sánh vai với cây cỏ muôn phương. Lá đã úa vàng mà muốn xanh lại thì không thề, nhưng khi lá xanh mà muốn hoá ra vàng cũng là điều không dễ. Vậy cho nên các loài cây gian ngoa ấy phải họp bàn mưu kế.

Cây thứ nhất bảo: “Hay là mình đừng hút nước từ rễ, để lá tự úa đi”. Cây thứ hai nói: “Làm vậy có mà chết à? Dù sao ta cũng có tiếng là đỉnh cao cái đẹp”. Cây thứ ba đề nghị: “Hay nhờ chủ vườn mua sơn màu vàng sậm phun lên”. Cũng có lý. Thế là quyết định phun sơn được đưa ra. Nhưng một con sâu nằm dưới lá nghe được, sợ phun sơn lên thì nó sẽ chết dí, nên trong lúc thập tử nhất sinh nó nghĩ ra diệu kế mà các cây lá đều vỗ tay tán thành và thực hiện ngay tắp lự.

Con sâu bảo: “Chả phải sơn phết gì cả, các bác cứ cho vẽ khẩu hiệu treo ngay trước cổng vườn: Lá đã vàng theo mùa thu trông rất nên thơ!”

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
(Viết tặng các bạn học viên các lớp Truyền Thông DCCT)