PDA

View Full Version : A - Anh em hãy cho họ ăn



Dan Lee
07-29-2011, 07:44 PM
CHÚA NHẬT 18 TN-A (Mt 14, 13-21)

“ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN”

Trong cuộc sống có biết bao nhu cầu cần thiết, như ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, nhu cầu được chữa lành bệnh tật phần hồn và phần xác, nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức..., nhất là nhu cầu được sống và sống hạnh phúc.

Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mesia đến cứu độ trần gian, vì yêu thương nhân loại, Ngài luôn quan tâm đến mọi nhu cầu của con người. Sau những lần đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cảm thấy mệt nhọc, Ngài cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng lấy lại sức và cầu nguyện. Nên sau khi rao giảng, “Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt” (Mt 14, 13-21). Dân chúng cũng có nhu cầu được lắng nghe lời Chúa, khao khát được nghe những lời hằng sống của Chúa. Khi thấy Chúa Giêsu lên thuyền rời xa họ, dân chúng đã đoán được nơi Ngài sẽ đến. Vì vậy, họ đã đi theo Người: “đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người” (Mt 14, 13). Dân chúng đã đi và đến trước nơi Chúa đến. “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14).

Chúa “chạnh lòng thương” là phản ứng của người có lòng trắc ẩn, hay thương xót, cảm thông với những nhu cầu, với những hoàn cảnh éo le, đau khổ của đám đông dân chúng. Vì thế, mặc dù chính Chúa cũng có nhu cầu đang cần được nghỉ ngơi, cần ở một mình để cầu nguyện với Chúa Cha, nhưng Ngài đã quên nhu cầu của mình mà lo cho những nhu cầu của đám đông. Ngài đã đón tiếp họ và “chữa lành các bệnh nhân của họ”. Chúa không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác, Ngài còn chữa lành bệnh phần hồn. Ngài giảng dạy họ nhiều điều, an ủi động viên và nhất là ban cho họ lời hằng sống. Đám đông say mê lắng nghe Lời Chúa quên đi mệt nhọc, quên cả đói, quên cả thời gian, làm các môn đệ của Chúa phải lo lắng. Các ông thấy trời đã xế chiều nên lại gần thưa với Chúa Giêsu: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14, 15).

Thấy dân chúng đói khát, ốm đau bệnh tật phần hồn phần xác, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ”. Ngài chữa lành cả phần hồn phần xác. Vì vậy, trước lời đề nghị của các môn đệ là “giải tán đám đông”, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn. Vì yêu thương dân chúng, Chúa Giêsu không nỡ để họ nhịn đói mà về, sợ họ bị xỉu dọc đường: “Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến” (Mc 8, 3). Chúa đã yêu cầu các môn đệ cho họ ăn: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16). Các môn đệ không hiểu được ý định của Chúa, các ông hiểu một cách rất thực tế, vì các ông không có đủ tiền để mua bánh cho đám đông chừng năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và con trẻ. Nhu cầu của đám đông thì quá lớn, khả năng của các ông thì quá hạn hẹp, nên các ông đã thưa với Chúa: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” (Mt 14, 17). Chúa đã mời gọi các ông cộng tác với Người để nuôi dưỡng dân chúng bằng cả việc chữa trị, nuôi dưỡng phần hồn và phần xác. Nên “Người bảo:‘Đem lại đây cho Thầy!’ Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng” (Mt 14, 19-20). Vì chạnh lòng thương Chúa không nỡ để đám đông dân chúng ra về trong tình trạng mệt nhọc đói khát. Nên Chúa đã cầm lấy năm cái bánh và hai con cá để làm phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Sau khi nhân bánh ra nhiều Chúa sai các môn đệ phân phát cho dân, “ai nấy đều được ăn no nê” (Mt 14, 20).

Qua việc Chúa làm phép lạ “hóa bánh ra nhiều” Chúa mạc khải cho ta biết quyền phép vô biên và lòng thương yêu vô cùng của Chúa đối với loài người chúng ta. Chúa luôn quan tâm đến mọi nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của con người. Chúa hy sinh thì giờ, sức khỏe, hy sinh cả những nhu cầu riêng tư để giảng dạy, chữa bệnh phần hồn, phần xác cho dân chúng. Vậy, chúng ta chạy đến với Chúa, lắng nghe Người giảng dạy, hãy đặt hết niềm tin tưởng, vững lòng trông cậy, phó thác mọi sự trong tay Chúa, vì Người quyền phép vô biên và yêu thương vô cùng. Người không nỡ để những ai, khiêm tốn biết chạy đến với Người và hết lòng tin tưởng, phó thác nơi Người phải đau khổ, ốm đau bệnh tật, đói khát phần hồn phần xác. Chúa sẽ ra tay chữa lành những bệnh tật phần xác, ban lời hằng sống để chữa lành bệnh tật phần hồn. Ngài ban cho chúng ta của ăn nuôi dưỡng phần xác và mọi nhu cầu chính đáng trong cuộc sống trần gian.

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi xưa: “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16), vẫn luôn là lệnh truyền của Chúa đối với chúng ta hôm nay: “chính anh em hãy cho họ ăn”. Bởi thế giới hôm nay còn biết bao người đói khát về mọi mặt: về tâm linh về tinh thần và vật chất. Là kitô hữu, chúng ta có bổn phận đem Tin Mừng giới thiệu cho người chưa biết Chúa, họ là những người đói khát “đói khát tâm linh”, giúp họ tìm đến với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và được “no say lời Chúa”, được hưởng ơn cứu độ Người ban và được sống hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời. Với những người đau buồn sầu khổ “đói khát tinh thần”, chúng ta hãy học nơi Chúa gạt bỏ nhu cầu riêng tư để lắng nghe những ai cần chia sẻ, biết nói lời an ủi, động viên, khích lệ, làm cho cuộc sống của tha nhân được vui tươi phấn khởi. Với những người nghèo đói vật chất, chúng ta có bổn phận chia cơm sẻ áo, làm phúc bố thí giúp cho người nghèo đói, những người cô đơn, tàn tật có cơm ăn, có nước uống, người ốm đau có thuốc chữa bệnh. Chúng ta luôn có bổn phận làm thế giới này bớt đi người đau khổ do thiếu hiểu biết, do chưa biết Chúa, không được lắng nghe Lời Chúa, do thiếu những lời ủi an chia sẻ, do thiếu lương thực, nước uống, do thiếu thuốc chữa bệnh...

Jos. Hồng Ân