PDA

View Full Version : T - Thần Học Về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi



Dan Lee
06-14-2011, 07:01 PM
Thần Học Về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi



Phải thú nhận rằng trong quá khứ phần này có tính cách khô khan nhất trong thần học, và tệ hơn nữa, không liên hệ gì đến đời sống đạo cả. Tại sao như vậy? Lý do của cuộc khủng hoảng ở tại phương pháp trình bày trong các sách giáo khoa, có tính cách hộ giáo hơn là suy tư về đức tin. Thực vậy, các sách giáo khoa thường chia thiên khảo luận về Thiên Chúa làm hai phần: De Deo uno và De Deo Trino. Phần De Deo Uno nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa từ những luận cứ lý trí; tiếp đến là sự suy diễn các ưu phẩm của Thiên Chúa, dựa vào phương pháp loại suy. Còn phần De Deo Trino cố gắng giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua những phạm trù "bản thể", "ngôi vị", "tương quan" nhằm trình bày rằng mầu nhiệm ấy không đi ngược lại với những nguyên tắc của lý trí.

Lối trình bày như vậy đã biến mầu nhiệm Thiên Chúa thành một vấn đề siêu hình; không những là nó không ảnh hưởng gì đến sống đạo của các tín hữu, nhưng khuyết điểm trầm trọng hơn cả là hình ảnh Thiên Chúa như vậy không phải là Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh.

Cho dù biết những khuyết điểm như vậy, nhưng việc tìm ra một phương pháp mới không phải là dễ. Phải nói rằng sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, các nhà thần học bắt đầu viết lại các triệt về Giáo Hội, rồi sang thập niên 70, về đức Ki-tô, và mãi đến thập niên 80, mới thấy những tác phẩm mới về Chúa Ba Ngôi. Nói thế có nghĩa là đã có nhiều yếu tố bên ngoài góp phần vào việc đổi mới này.


1) Công đồng Va-ti-ca-nô II không có một văn kiện nào dành riêng cho Chúa Ba Ngôi. Nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiện diện trong hiến chế về phụng vụ, trong hiến chế về Giáo Hội, trong sắc lệnh về truyền giáo. Sau Công đồng, việc canh tân Giáo Hội học lại càng làm nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần qua các đặc sủng và sự thông hiệp họa theo sự thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

2) Khi viết lại chương về Ki-tô học, người ta nhận thấy rằng muốn hiểu rõ sứ mạng của đức Ki-tô cần phải khởi đầu từ mầu nhiệm của Thiên Chúa, "đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con một của mình cho nó"; khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa được mạc khải qua lời nói và cuộc đời của đức Giê-su, chứ không phải từ những suy luận siêu hình.

3) Một yếu tố khác nữa không kém quan trọng là từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, việc học hỏi Thánh Kinh được đẩy mạnh hơn, nhờ đó hình ảnh về Thiên Chúa có tính cách sống động hơn, vì không còn bị gắn với những phạm trù triết học. Sự khảo cứu thời đại các giáo phụ cũng mở ra những chiều hướng khác nhau để trình bày mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Những yếu tố vừa nói đã mở đường cho việc đổi mới những sách trình bày về Thiên Chúa. Nói chung sự đổi mới hệ tại điều mà nhà thần học Karl Rahner gọi là sự chuyển hướng từ Ba Ngôi nội tại (Trinitas immanens) sang Ba Ngôi cứu chuộc (Trinitas oeconomica). Nói thế có nghĩa rằng thay vì suy luận dài giòng để tìm hiểu bản chất nội tại của Ba Ngôi qua các phạm trù "bản thể, ngôi vị, tương quan", cần phải trình bày Ba Ngôi Thiên Chúa trong nhãn giới lịch sử cứu độ: Thiên Chúa Cha đã sai đức Ki-tô, Con của Ngài đến cứu chúng ta, và đã ban Thánh Thần để thánh hóa nhân loại, theo như cơ cấu của Kinh Tin kính. Việc trình bày mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cần được lồng trong chương trình cứu chuộc, và phải nhắm đến việc đưa con người đến gặp gỡ Ngài.

Từ đó, mầu nhiệm Ba Ngôi không phải chỉ bị thu hẹp trong một chương của thần học tín lý, nhưng bao trùm tất cả các phần của thần học. Thực vậy, nếu Thiên Chúa mạc khải của đức tin Ki-tô giáo là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì không những là trong bản thể nội tại của Ngài, nhưng là mọi tác động cứu độ, mọi tương quan với con người đều mang dấu vết của Ba Ngôi.

Dưới viễn ảnh ấy, không lạ gì mà một số vấn đề thần học đã được đặt lại. Thí dụ như vấn đề tạo dựng; Kinh Thánh cho ta thấy rằng sự tạo dựng không phải chỉ là tác động của một Chủ Tể càn khôn theo như quan điểm của triết học. Thánh Gio-an và thánh Phao-lô đều nói đến vai trò tác tạo của đức Ki-tô, Ngôi Lời: mọi sự đều tác tạo bởi Ngài và vì Ngài. Ngoài ra, thánh vịnh 104 đã chẳng nói rằng vạn vật sinh tồn là nhờ thần khí đó sao? Nếu Chúa rút thần khí lại thì mọi vật sẽ ra hư vô; và khi Ngài thổi Thần khí thì muôn vật được canh tân. Giáo Hội cũng được nhìn trong tương quan của Ba Ngôi: không những từ những quan niệm "Dân Thiên Chúa" (Ngôi Cha), nhiệm thể đức Ki-tô (Ngôi Hai), "đền thờ của Thánh Thần" (Ngôi Ba), nhưng nhất là mầu nhiệm thông hiệp nơi Ba Ngôi phải là khuôn mẫu của sự thông hiệp trong Giáo Hội. Nơi Thiên Chúa, sự duy nhất về bản tính được kết hợp với sự đa diện của Ba Ngôi vị; trong Giáo Hội cũng vậy, sự duy nhất về đức tin, cậy, mến không bóp nghẹt sự đa diện về chức phận, ngôn ngữ, văn hóa.

Cha Yves Congar có lần đã nêu ra nhận xét như sau:

“Một Giáo Hội lấy khuôn mẫu từ Chúa Cha sẽ tạo ra một Giáo Hội học có tính cách gia trưởng (paternalisme): các giáo sĩ mới là những người tác động, còn các giáo dân thì chỉ lãnh nhận thụ động”.

Một Giáo Hội lấy khuôn mẫu từ Nhiệm thể đức Ki-tô cũng đưa đến kết quả tương tự, nghĩa là hàng phẩm trật giữ vai trò lãnh đạo thay mặt đức Ki-tô, còn các giáo dân chỉ biết tuân phục như những chi thể.

Một Giáo Hội lấy khuôn mẫu từ Thánh Linh thì sẽ tràn đầy sinh lực sức sống vì nhận được bao linh ân, song lại có nguy cơ trở thành hỗn độn.

Vì vậy muốn có quân bình, Giáo Hội học phải lấy khuôn mẫu từ sự thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa, tuy có thứ tự nhưng không phải là cấp bậc quân giai; có sức sống nhưng không phải là xô bồ hỗn tạp.

Nhà thần học Hans Urs von Balthasar thì lại chú trọng sự mạc khải của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Thập giá: nơi đây, không những chúng ta chứng kiến sự bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đến mức tột đỉnh, nhưng chính nơi đây chính Thiên Chúa cũng đã mạc khải Ba Ngôi trong tác động cứu độ nhân loại. Urs von Balthasar thêm rằng muốn hiểu được điều này, điều kiện tiên quyết là con người phải tới gần núi Can-va-ri-ô với tâm tình đức tin: tùy theo mức độ biết lắng nghe đức tin (auditus fidei), mà con người mới có thể tìm hiểu đức tin (intellectus fidei). Hiểu như vậy, mầu nhiệm Ba Ngôi không phải chỉ là một vấn đề suy tư với những phạm trù siêu hình như trước đây, nhưng nó trở nên bí quyết đời sống nội tâm thánh thiện của người Ki-tô hữu.

Những sách tu đức học gần đây khai thác rất nhiều đề tài Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn; nơi đó Ngài chờ đợi chúng ta đến hội kiến, đàm đạo và hiến dâng, theo lời nguyện của chân phước Elizabeth de la Trinité, nữ tu dòng Các-mê-lô. đó là chưa nói đến các tác giả của thần học giải phóng trình bày Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như khuôn mẫu của cộng đồng xã hội.

Chúng tôi xin giới thiệu vài tác phẩm, tạm gọi là sách giáo khoa, phản ánh chiều hướng trình bày nói trên đây. BERTRAND DE MARGERIE La Trinité chrétienne dans l'histoire Paris 1975 Les perfections du Dieu de Jésus Christ Paris 1981. YVES LABBÉ Essai sur le monothéisme trinitaire Paris 1987. WILLIAM HILL The Three Personed God: the Trinity as a Mystery of salvation Washington 1982. JOHN O'DONNELL The Mystery of the Triune God, London 1988. WALTER KASPER Le Dieu de Jésus Christ Paris 1983, nguyên tác bằng tiếng đức xuất bản năm 1982 tại Mainz - đặc biệt Louis Bouyer không viết một bộ sách về Chúa Ba Ngôi, nhưng là ba quyển dành cho từng vị, tất cả đều xuất bản ở Paris: Le Père invisible 1976, Le Fils éternel 1974, Le Consolateur, Esprit Saint et vie de grâce 1980. Sau đó tác giả bổ túc với hai quyển: Mysterion. Du mystère à la mystique 1986. La connaissance de Dieu dans l'Ecriture.

Như đã nói trên đây, sự chuyển hướng quan trọng về thần học mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II hệ tại việc nhấn mạnh đến tác động trong lịch sử cứu độ (Trinitas oeconomica) hơn là yếu tính nội tại (Trini-tas immanens) như các sách cổ truyền.

Nói thế không có nghĩa là lối trình bày cổ điển không còn giá trị nữa. Một đàng, sự đối thoại giữa lý trí và đức tin luôn phải được duy trì: chính vì vậy và không thiếu tác giả tiếp tục đào sâu thêm ý nghĩa của các khái niệm triết học đã được dùng trong lịch sử để giải thích mầu nhiệm. Thí dụ như: ngôi vị (persona) : ANTONIO PAVAN - ANDREA MILANO (a cura) La Trinità dei teologi e dei filosofi. L'intelligenza della persona di Dio, Napoli 1987; - "hữu thể" (esse): GHISLAIN LAFONT Dieu, le temps et l'être Paris 1986; DOMINIQUE DUBARLE, Dieu avec l'être. De Parménide saint Thomas. Essai d'ontologie théologale, Pa-ris 1986. Đàng khác, sự đối thoại với các tôn giáo nhất thần cũng đòi hỏi Ki-tô giáo xác quyết rằng chỉ có một chứ không phải là Ba Thiên Chúa. Phải cố gắng trình bày làm sao để cho thấy rằng mầu nhiệm Ba Ngôi chỉ là một vẻ độc đáo của niềm tin Ki-tô giáo vào một Thiên Chúa duy nhất. Ta có thể kể đến tác phẩm điển hình của ANDRE MANARANCHE Le monothéisme chrétien, Paris 1985.

Trong bài này, chúng tôi đã không đả động gì đến các tác phẩm viết về Chúa Thánh Thần, vì đây là đối tượng của một thiên mới của thần học: Pneumatologie.

Để kết luận, tưởng nên nhắc đến dự án của các Cha Dòng Chúa Ba Ngôi (Trinitarios) ở Salamanca, Tây Ban Nha, về việc chuẩn bị xuất bản một quyển từ điển về Chúa Ba Ngôi (El Dios cristiano). Ngoài ra thư tịch của các sách báo viết về đề tài này đã được gom góp thành hai quyển Bibliotheca Trinitariorum, do nhà xuất bản Saur (Munich London Paris) 1984 và 1988.

Kim Thao, OP.