Log in

View Full Version : DÐ - Di Sản Quý Báu



Dan Lee
06-02-2011, 05:59 PM
DI SẢN QUÝ BÁU


Trong năm 2007, tin tức ở Hoa Kỳ đều đề cập đến cái chết của bà tỉ phú Leona Helmsley, một chuyên gia đầu tư về địa ốc và khách sạn, bà hưởng thọ 87 tuổi. Tài sản bà để lại khoảng 4 tỉ đô la, mà chồng bà và người con trai duy nhất thì đều đã chết, do đó tài sản này được chia cho một quỹ từ thiện mang tên hai vợ chồng của bà, và chia cho các thân nhân với một số điều kiện nào đó. Điều làm người ta ngạc nhiên là trong di chúc, bà đã để lại $12 triệu cho con chó cưng của bà, trong khi người em trai của bà được có $10 triệu và hai cháu nội mỗi người $5 triệu.1

Câu chuyện này cho thấy tình cảm là điều rất quan trọng trong đời sống, bà Helmsley nghĩ đến con chó nhiều hơn người thân bởi vì nó là nguồn vui của bà trong khoảng 8 năm.

Nếu chúng ta từ trần, chúng ta muốn để lại gì cho người thân yêu?

Từ tuần trước (Chúa Nhật V PS) cho đến tuần này, Hội Thánh cho chúng ta nghe những đoạn phúc âm được trích từ lời giã biệt của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, trước khi Người bị bắt, và chịu chết. Khi suy nghĩ về những lời ấy, chúng ta thấy đó không phải là di chúc của một người sẽ chết giống như loài người chúng ta, nhưng đó là lời nhắn nhủ của một người sống. Và Hội Thánh đưa những lời tạm biệt này vào các tuần Phục Sinh là vì chúng ta chỉ thấy được ý nghĩa của những lời ấy sau khi Đức Giêsu sống lại. Ngoài ra, Hội Thánh đang chuẩn bị cho một cuộc từ giã khác vào tuần sau khi chúng ta mừng lễ Thăng Thiên – Đức Giêsu lên trời. Chúng ta thử tìm hiểu xem, “di chúc” của Đức Giêsu có gì đặc biệt?

Trong lời giã biệt của Đức Giêsu có một vài điểm quan trọng làm nền tảng cho đức tin Kitô Giáo. Trước hết, Đức Giêsu tiết lộ cho chúng ta biết về sự tương quan mật thiết giữa Người và Chúa Cha, “Hãy tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” Trong bài Phúc Âm tuần này Đức Giêsu cho biết một Đấng An Ủi, là Thần Khí sự thật, được Chúa Cha ban cho các môn đệ mà thế gian không thấy và cũng không biết Người, “Nhưng anh em biết Người bởi vì Người luôn ở giữa anh em, và sẽ ở trong anh em”. Đức Giêsu nói câu này khi Người đang sống giữa các môn đệ, như vậy, câu này ám chỉ rằng Người và Chúa Thánh Thần là một.

Qua lời giã biệt, Đức Giêsu tiết lộ cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mặc khải quan trọng nhất của Kitô Giáo và cũng là mầu nhiệm khó hiểu nhất. Nhưng chúng ta tin bởi vì đây là một mặc khải của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thì lời của Người phải có một giá trị, và quan trọng hơn nữa, chúng ta có thể nhận thấy giá trị ấy trong đời sống hiện tại.

Về Thiên Chúa Ba Ngôi, các nhà thần học tóm lược rằng tương quan giữa Ba Ngôi là một tương quan tình yêu, và từ tình yêu đó phát sinh ra mọi sự. Từ sự tạo dựng vũ trụ, sự cứu chuộc nhân loại đến sự duy trì vũ trụ, tất cả đều xuất phát từ tình yêu giữa Ba Ngôi. Chúng ta không thể hiểu hết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng chúng ta thấy Tình Yêu Thiên Chúa phảng phất trong các sinh hoạt của loài người, thí dụ, tình yêu vợ chồng đem lại sự sống mới, tình yêu gia đình giữa cha mẹ và con cái đem lại sự yên vui hạnh phúc, tình yêu xã hội giữa những người trong một quốc gia sẽ đem lại sự bình an, thịnh vượng.

Nếu tình yêu đem lại sự tốt lành, ngược lại, sự dữ sẽ xảy đến khi không có tình yêu. Chúng ta cũng lại thấy chân lý này ngay trong sinh hoạt xã hội. Vợ chồng đổ vỡ đi đến ly dị là vì hai người không còn yêu nhau. Chiến tranh đưa đến chết chóc là vì dân tộc này thù hận hoặc không tôn trọng quyền lợi của dân tộc khác.

Đây là những chân lý xưa như trái đất, ai cũng biết và ai cũng thấy xảy ra hằng ngày đến độ nhiều người không để ý và không cho đó là quan trọng, chưa kể ngày nay chúng ta bị ảnh hưởng của một thế giới thiên về sự hưởng thụ.

Sự hưởng thụ đề cao giá trị vật chất trên giá trị tinh thần. Thí dụ, vợ chồng coi tài sản, vật chất quan trọng hơn tình nghĩa. Điều nguy hiểm là chúng ta sẽ kiệt quệ theo đuổi vật chất vì lầm tưởng rằng vật chất sẽ đem lại hạnh phúc. Nhưng nếu bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu thì bản chất của chúng ta cũng là tình yêu, bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên loài người, và chỉ có tình yêu mới thoả mãn được con người. Một gia đình có hạnh phúc hay không là nhờ ở sự hoà thuận, thương yêu nhau chứ không phải vì giầu sang, hưởng thụ.

Khi loài người tìm cách xa rời Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc để đi tìm những phần thưởng của thế gian thì dường như hạnh phúc lại bỏ trốn. Christina Onassis là con gái của nhà tỉ phú Hy Lạp Aristotle Onassis, sau những biến cố xảy ra cho gia đình, bà nói, “Hạnh phúc thì không dựa trên tiền của. Và bằng chứng hiển nhiên nhất là chính gia đình của tôi!”2 Khi bà lên 10 tuổi thì bố mẹ ly dị. Trong thập niên 1970, chỉ trong hai năm, bà mất tất cả những người thân yêu ruột thịt. Anh của bà từ trần trong tai nạn máy bay năm 1973, và sau đó không lâu, mẹ của bà tự tử vào tháng 10, 1974, và năm tháng sau đó cha của bà từ trần vào tháng 3, 1975. Tất cả gia tài đồ sộ của dòng họ Onassis được để lại cho bà, nhưng chính cuộc đời bà cũng không có hạnh phúc. Năm 1970, bà kết hôn với một người mà hôn nhân chỉ kéo dài có 9 tháng. Năm 1975, bà tái hôn và lâu được 14 tháng. Năm 1978 bà tái hôn lần thứ ba và chỉ kéo dài có vài ngày. Bà tái hôn lần thứ tư và hôn nhân kéo dài hơn ba năm thì bà tự tử khi 38 tuổi, để lại một đứa con gái duy nhất mới 3 tuổi.

Khi chúng ta thực sự suy nghĩ về hạnh phúc và khao khát hạnh phúc, chúng ta mới thấy được di sản quý báu mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta, không phải là quyền thế, không phải là danh vọng hay giầu sang vật chất, không phải là bí quyết nào đó để thành công vĩ đại, mà là một di sản rất có ý nghĩa, đó là tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Di sản này có một giá trị rất thực tế. Trong cộng đoàn chúng ta có một bà mẹ và không may bà đã mất một người con trai khi anh còn trẻ. Tôi được biết, hàng tuần, tối thiểu một lần, bà lái xe xuống nghĩa trang cách nhà bà cũng khoảng 20 phút để chăm sóc ngôi mộ của người con trai. Chắc chắn trong lúc nhặt cỏ dại, tưới cây, bà đã tâm sự với người con trai của mình dù anh ta đã chết. Anh chết đã lâu chứ không phải mới đây, và bà đã liên lỉ thi hành công việc này từ lúc anh từ trần cho đến bây giờ. Điều gì đã giúp bà thực hiện được công việc này hàng tuần? Câu trả lời hiển nhiên là tình thương giữa mẹ và con.

Tuy giữa người chết và người sống có một cách biệt không cùng, nhưng tình yêu đã đưa họ lại với nhau. Nếu tình yêu đã liên kết chúng ta ở đời này thì cũng chính tình yêu liên kết chúng ta ở đời sau. Đây là một sự thật. Đây không phải là một hy vọng hão huyền, bởi vì, Đức Giêsu, là Tình Yêu, đã chiến thắng sự chết, đã phục sinh và đang sống giữa chúng ta. Nhờ Chúa Giêsu, tất cả người chết và người sống đều có thể liên kết với nhau. Chúa Giêsu tương tự như một cây cầu bắc ngang qua sự sống và sự chết. Đây là điểm độc đáo của Kitô Giáo. Đây là niềm hy vọng có thực của những người theo Chúa Kitô, bởi vì Người đã chiến thắng sự chết – Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Tình Yêu đem lại sự sống – sự sống đời đời.

Để hưởng di sản của Đức Giêsu, chúng ta cần những gì?

Tình yêu cần được đáp trả bằng tình yêu. Thiên Chúa không mong muốn gì nơi chúng ta hơn là tình yêu. Và chúng ta có thể biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa qua sự thờ phượng, qua những hình thức đạo đức, tỉ như cầu nguyện, đọc kinh, xem lễ, và giúp đỡ Giáo Hội.
Tuy nhiên, trong bài phúc âm hôm nay, có một điểm quan trọng mà Đức Giêsu đã nói đến hai lần, “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ tuân giữ các giới răn của Thầy” (c. 15a), và dường như sợ rằng chúng ta sẽ quên đi lời dặn dò ấy, Đức Giêsu lập lại, “Ai biết các giới răn của Thầy và tuân giữ các giới răn ấy, đó là người yêu mến Thầy” (c. 21). Giới răn ấy là gì? “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em” (15:12).

Chúa Giêsu biết rằng yêu mến Chúa qua hình thức đạo đức thì chưa đủ, bởi vì chúng ta có thể tự hào về sự đạo đức của mình – tôi đi lễ hàng ngày, tôi lần chuỗi hàng ngày, tôi là thừa tác viên của nhà thờ, tôi gia nhập các đoàn thể đạo đức, tôi tốt lành hơn những người khác! Sự tự hào ấy sẽ khiến chúng ta trở nên mù quáng, không thấy được khuyết điểm của mình và rồi con đường theo Chúa Kitô sẽ trở nên một phương tiện để vinh danh chính mình. Điều đó trái ngược với con đường của Chúa Giêsu. Chúa đã yêu thương người khác đến độ hy sinh bản thân thì sự yêu thương tha nhân của chúng ta phải đạt được mục đích đầu tiên và trước hết là thay đổi chính mình để trở nên giống Chúa Kitô.

Khi từ trần, chúng ta sẽ để lại gì cho người thân yêu?

Trong tuần qua, CĐCGVN tại TGP Galveston-Houston vừa mất đi một nữ tu dòng Đa Minh trong một tai nạn xe hơi, vì một thanh niên 19 tuổi, say rượu lái xe vượt stop sign và đâm thẳng vào xe của chị, chỗ ngồi lái. Nữ tu Têrêsa Cecilia Đỗ Thanh Hương, mới 36 tuổi, đã từ trần sau khi được đưa vào bệnh viện cứu cấp. Chị bị tai nạn khi trên đường đến nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để chuẩn bị cho các em lớp Thêm Sức. Trong các Thánh Lễ cầu nguyện cho chị, số tín hữu tham dự rất đông. Một nữ tu thì chẳng có tài sản, của cải gì để lại, nhưng chị đã mãi mãi để lại một hình ảnh thật đẹp cho hậu thế, bởi vì, chị đã hy sinh cả cuộc đời cho tình yêu: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta thấy được điều quan trọng nhất của đời sống, và quyết tâm thể hiện lòng mến Chúa bằng những hành động bác với đối với tha nhân.

Pt Giuse Trần Văn Nhật

(Mến tặng các nữ tu Đa Minh - Houston, TX)

1. http://cityroom.blogs.nytimes.com/2007/08/29/leona-helmsleys-unusual-last-will/
2. http://www.people.com/people/archive/article/0,,20065001,00.html