PDA

View Full Version : Y - Yêu mến Chúa



Dan Lee
05-23-2011, 11:07 PM
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH, năm A

Yêu mến Chúa

Ga 14, 15-21



Có một nghịch lý rất chặt chẽ và hợp lý: “ yêu mến Chúa là giữ điều răn của Chúa “, ngược lại “ giữ các điều răn của Chúa là yêu mến Chúa “. Bài Tin mừng Chúa nhật VI Phục sinh, năm A, thánh Gioan cho chúng ta biết mối liên hệ giữa lòng yêu mến Chúa và việc giữ các giới răn, những điều luật của Chúa. Do đó, không ai có thể nói mình yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ các giới răn, các điều luật của Chúa. Và đã giữ những Lời Chúa dạy, thì người ấy đồng thời cũng yêu mến Chúa.

Xét cho cùng giữ giới răn của Chúa là tuân giữ mười điều luật của Giao Ước. Đây là chính giới răn Thiên Chúa đã khắc ghi vào bia đá và trao cho Môsê để Ông Môsê truyền cho dân tuân giữ. Đạo Công Giáo từ Cựu Ước cho tới thời Tân Ước luôn dạy con người phải tuân giữ mười điều răn của Chúa và những Lời Thiên Chúa dạy bảo. Ngày nay, Đạo Công Giáo nói tới Phúc âm, Tin mừng, nói tới mười giới luật, sáu luật Hội Thánh buộc, Tám Mối Phúc, Giáo luật vv…Đứng trước rất nhiều điều như thế, nhiều khi người Kitô hữu không hiểu đâu là điều chính đâu là điều phụ thuộc, những thắc mắc, phân vân ấy Chúa Giêsu đã giải đáp từ xưa: “ Điều quan trọng, điều chính yếu là lòng yêu mến, mến Thiên Chúa và yêu tha nhân “. Yêu người sẽ gặp Chúa và tôn kính mến Chúa sẽ gặp người.

Người Kitô hữu thực tế có rất nhiều cách để biểu tỏ lòng yêu mến Chúa. Tuy nhiên, điều cụ thể nhất vẫn là tuân giữ những điều Chúa đã truyền, cách riêng là lòng mến Chúa và yêu người. Quả thực, nếu theo Chúa, người môn đệ không yêu mến anh chị em thì làm sao họ có thể mến Chúa, Đấng mà họ không được thấy nhãn tiền.

Đối diện với một thế giới đang vươn tiến, đang chạy đua về kỹ thuật, đứng trước một số rất đông người chỉ ham mê danh lợi, của cải vật chất và tìm kiếm danh vọng, tìm kiếm lợi nhuận…người môn đệ Chúa phải có thái độ nào đối với những người xung quanh, đặc biệt những người nghèo khổ ? Người môn đệ Chúa phải sống sự sung mãn của Chúa sống lại: ” Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em “ ( Ga 4, 20 ) “ Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống “ ( Ga 14, 19 ). Người Kitô hữu phải cảm nghiệm sâu xa lời thánh Phaolô viết cho tín hữu Galát: ” Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức kitô sống trong tôi “ ( Gl 2, 20 ). Thánh Gioan đã viết: ” Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy “ ( Ga 14, 21 ).

Vâng, người Kitô hữu chỉ có thể kéo dài sự sống khi họ sống yêu thương và chia sẻ. Sự sống kéo dài không phải là đời sống tạm bợ ở trần gian mà là sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Trước một thế giới mà nhiều người hầu như đánh mất căn tính con người của mình, người Kitô là người sống sự sống của Chúa, người Kitô hữu sống tình thương chia sẻ, sống bác ái và sống bằng những nghĩa cử tốt đẹp, tỏa sáng. Người Kitô hữu có rất nhiều cách để biểu lộ lòng mến của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là yêu mến anh chị em, đặc biệt những người khó nghèo, những người thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Chúa dạy nhân loại, Chúa dạy chúng ta hãy mến Chúa, hãy yêu người. Kính Chúa và yêu người là giới răn quan trọng để biểu lộ chúng ta là con Chúa. Chúa đã truyền dạy: ” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con “ và “ Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau “.

Kính Chúa không chỉ bằng việc thờ phượng Ngài trong nhà thờ, trong thâm tâm mà nó còn phải được biểu lộ ra bên ngoài bằng việc yêu mến anh em. Bởi vì, Đạo Công Giáo là Đạo Tình Thương. Đạo Công Giáo không chỉ nói yêu thương bằng môi miệng nhưng còn phải biểu lộ ra bên ngoài bằng những nghĩa cử bác ái yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn sống Đạo Yêu Thương bằng chính cuộc sống yêu thương của chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:


1.Đạo Công Giáo là Đạo gì ?

2.Tại sao lại gọi Đạo Công Giáo là Đạo Kitô ?

3.Mến Chúa sẽ gặp ai và yêu người sẽ gặp ai ?

4.Tại sao Mến Chúa và yêu người lại gồm tóm trong một giới răn ?

5.Tại sao người Kitô hữu lại sống sự sống của Chúa Phục Sinh ?

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT