PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành (cn 4 PS năm A)



Dan Lee
05-14-2011, 10:34 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành (cn 4 PS năm A)


Kính thưa quí ông bà anh chị em, khi nói đến sự đau lòng sám hối vì sự lầm lỗi, thì hơn ai hết Thánh Phêrô có một kinh nghiệm trong vấn đề này, bởi vì sự chối bỏ Thầy mình. Sự sám hối của thánh nhân qua dòng suối nước mắt và sự đáp trả bằng sự dấn thân loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa đến độ đầu rơi máu đổ; cho nên khi viết về những lời khuyên bảo, kêu mời ăn năn sám hối và tin vào Đức Kitô phục sinh, Thánh Phêrô đã có một sự xác tín sâu sắc, khiến những người nghe đau đớn, sám hối về những lỗi lầm họ đã phạm đối với ông Giêsu trong vụ án trước đó mấy ngày. Để rồi, sau khi nghe sự rao giảng của Phêrô, mọi người đau đớn trong long, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ: “Thưa các ông chúng tôi phải làm gì?” Phêrô và các Tông Đồ đã quả quyết trả lời: “ Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội”. ( Cv 2, 37-38).

Vậy thì, để trở thành môn đệ của Chúa Kitô, trở thành người Kitô hữu, trở thành con chiên của Chúa thì không có con đường nào khác hơn là: sự sám hối trở về, chịu phép thanh tẩy; hay nói khác đi là: “ Tìm được đường về cội nguồn của CHÂN-THIỆN-MỸ”. Và một khi đã chọn Chúa làm người hướng dẫn, lãnh đạo thì phải tiên quyết bước theo con đường Chúa đã đi; nghĩa là con đường của đau khổ thập gía. Đây là con đường cần thiết và hữu ích của ơn cức độ vì: nếu không thì Chúa Giêsu đã chọn con đường khác rồi, biết rằng đường này không ai muốn chọn, vì là đường đau khổ, cho nên Thánh Phêrô mới khuyên nhủ mọi người trong bài đọc 2: “ Thưa anh em, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là điều ân phúc trước mặt Thiên Chúa” (1Pr 2,20). Hiểu như thế thì, đã là người Kitô hữu phải sống và làm chứng cho sự thật, lẽ phải, nói điều tốt, điều hay, nói thẳng, nói thật. Khi làm những điều đó ta chấp nhận hậu quả đau khổ, thiệt thòi mất mát. Tất cả những điều không hay xẩy đến cho ta, ta chấp nhận vui vẻ hân hoan thì đó là một công phúc, nên thánh là ở chỗ đó, hơn người là ở chỗ đó; còn nếu làm điều xấu hay những sự sai trái thì đương nhiên lãnh lấy hậu quả xấu, trước mặt người đời đã đành , mà còn trước mặt Thiên Chúa mới đáng sợ chứ.

Sống đức tin là hoạ theo gương Người Mục Tử nhân lành là Đức Kitô. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” (Ga 10,c14). Khi ta nghe những lời nói của người Mục Tử nhân lành nóivới chúng ta có vui mừng không? Làm sao mà ta không vui mừng cảm động lên được, bởi vì chúng ta có Vị Mục Tử nhân lành dẫn dắt, chăm sóc, nâng niu từng con chiên một, và còn hơn thế nữa; Vị Mục Tử tốt lành đó đã hy sinh tính mạng cho tôi, cho anh cho chị, để tất cả chúng ta được sống và sống dồi dào. Chúa Giêsu đã đánh đổi tất cả vì tình yêu, cho tình yêu , với tình yêu. Chúa đã đánh đổi bằng cách: “Bỏ trời cao, không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá”(Pl 26-8).

Vị Mục Tử tuyệt vời của chúng ta là vậy, và ngày hôm nay hình bóng vị mục tử đó là ai? Thưa, hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những ai đóng vai trò lãnh đạo bất cứ ai, nhóm nào, hội đoàn nào, gia đình nào, quốc gia nào, đều phải diễn tả được hình ảnh của vị Mục Tử nhân lành; cách riêng hiểu theo nghĩa chặt là những vị mục tử trong giáo hội. Giờ đây ta hãy xem vị Mục tử nhân lành đã nói gì, nếu không phải là: “Thầy đã làm gương cho anh em, vậy anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Làm gì đây, nếu không phải là đến lượt chúng ta phải hy sinh tính mạng cho anh em? Nhưng nói cho cùng, ngày hôm nay các vị mục tử trong Giáo Hội, dù có hy sinh đến đâu đi chăng nữa thì chưa đến nỗi đổ máu, hy sinh thí mạng sống vì đoàn chiên như một số trường hợp đặc biệt của một số vị mục tử như: Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero, tổng giáo phận San Salvador, là vị giám mục của người nghèo, của công lý và sự thật. Ngài là tiếng nói kiên cường bất khuất cho những người nghèo, bất công, bị bỏ rơi. Và ngài đã phải trả giá bằng mạng sống của ngài vào ngày 24/03/1980, trong lúc đang dâng thánh lễ tại nguyện đường của bệnh viện Chúa Quan Phòng. Ngài đã bị chính quyền và quân đội giết hại bằng một phát đạn bắn vào ngực.

Rồi chúng ta cũng có những vị mục tử khả kính như: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mới được nâng lên hàng chân phước, rồi Đức Giáo Hoàng đương kim, Bênêđíctô thứ 16. Đức cố hồng y Phanxicô xaviê Nguyễn Văn Thuận, hay Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt… Nhưng bên cạnh cũng không thiếu những vị mục tử mà như Chúa Giêsu đã cảnh báo trước: kẻ xa lạ, làm thuê, trèo qua lối khác, là trộm cướp. Giáo Hội đau lòng, mọi người đau lòng và đặc biệt Chúa đau lòng về những vị mục tử như thế. Ước mong những vị mục tử ấy trở lại mà bước theo vị Mục Tử tối cao, mà sự đòi hỏi của tất cả các vị mục tử phải bước theo.

Vậy, Chúa Nhật 4 mùa phục sinh còn gọi là Chúa Nhật Chúa Nhân Lành- khánh nhật truyền giáo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị mục tử; cách riêng cho các vị mục tử trong giáo hội luôn noi theo gương vị Mục Tử nhân lành tối cao là Đức Giêsu Kitô, để dìu dắt và hướng dẫn đoàn chiên Chúa tới đồng cỏ xanh tươi, và suối nước trong lành, tức là các bí tích, ân sủng của Chúa, và hy sinh tính mạng vì đoàn chiên của Chúa, noi gương vị Mục Tử Nhân lành. Amen. Hallêluia.

Lm Phaolô Cao Thế Bình, SDD