PDA

View Full Version : H - Hội Nhập Văn Hoá Với ĐGH Gioan Phaolo II



Dan Lee
05-11-2011, 08:54 PM
HỘI NHẬP VĂN HOÁ VỚI ĐGH GIOAN PHAOLO II

Trong Những Chương Trình Truyền Thụ Chất Máu Việt
"Chỉ khi nào đi vào lòng một nền văn hóa và qua một nền văn hóa, Ðức Tin Công Giáo mới thực sự tham dự vào lịch sử và kiến tạo lịch sử." (ÐGH Gioan Phaolô II trong tông huấn "Người Tín Hữu Giáo Dân" #44)

"Tôi là người con của tổ quốc Ba Lan. Tôi yêu tổ quốc tôi. Tôi đã không dửng dưng với những áp bức mà tổ quốc tôi phải gánh chịu, thì nay tôi cũng không dửng dưng với những thử thách mới trước sự tự do mà tất cả chúng ta đang đối diện... Chúng ta đang vượt qua Biển Ðỏ."


Xứ Sấm Sét là một truyện ngắn của nhà văn Võ Ðình diễn tả thật sâu xa tâm tình "biết đâu nguồn cội." Truyện kể về một người đàn bà tên là Lan lấ y chồng Mỹ gốc Ðức-Anh, sống với nhau tại miền nam Tennessee vùng rừng núi South Mountain nơi có những cơn mưa bất ngờ và nhiều sấm sét như ở Việt Nam. Ông Jim rất yêu vợ, nhưng nhiều lúc thấy vợ thật xa lạ, cuộc sống mỗi ngày mỗi thêm tẻ nhạt mà không hiểu tại sao. Còn bà Lan thì "trên 30 năm đã cười đã khóc, đã chờ đợi, đã tuyệt vọng ở xứ người. Sức đam mê như một nỗi khát khao vô tận, cho đến ngất ngư mà chính bà cũng không ngờ vực được."

Ông Jim để ý mỗi lần đi lên núi về, vợ mình có vẻ vui hơn. "Vợ ông yêu núi không chỉ vì đó là bối cảnh của những chuyến cuốc bộ bồi bổ cho sức khoẻ... vợ ông cũng đã tìm được trên núi ấy một xúc động nào đó."

Một ngày kia khi bà Lan đi lên núi một mình thì trời đổ mưa lớn, sấm sét dữ dội. Ông Jim hốt hoảng đi tìm vợ. Và ông đã tình cờ khám phá ra bí mật bao trùm người vợ bấy lâu nay: bà đang ôm một gốc sồi già với một nỗi say mê hút hồn "lơ lửng không cùng, vượt thoát khỏi những tình cờ của kiếp sống, những sắp đặt của con người, bà sẽ nương theo huyết mạch cây sồi già để bơi về cội nguồn miên viễn... như thể cơ thể bà, toàn lẽ hiện hữu của bà đang được tu dưỡng bởi tinh túy và hơi ấm tiết ra, phóng ra, từ thân cây đại thụ."

Thì ra trong tiềm thức bà Lan luôn thấy mình khát khao một cái gì sâu thẳm. Bà đang theo chim Tiên Âu Tổ Mẫu bay về núi, bám lấy gốc rễ mà tìm về cội nguồn. Gốc cây sồi như là "biểu tượng" dẫn vào nguồn nhựa sống vô biên ở dưới. Bà muốn theo mạch nhựa sống để tìm lại sức sống của mình, nối lại được vào dòng sinh mệnh dân tộc để tìm lại căn tính thật của mình. Bà có thể nhìn thấy trong thị kiến một dòng sống đang chảy tới trải dài suốt mấy ngàn năm lịch sử bi hùng, từ Nguồn giếng "Việt Tỉnh", tích tụ tinh anh của bao thế hệ tổ tiên đã đúc nặn nên bà, là hồn dân tộc. Ừ đúng rồi. Ở Xứ Sấm Sét, mưa bão tả tơi, bà Lan là người Việt vẫn nghe được lời gọi của hồn thiêng sông núi mà tìm về căn tính, cội nguồn, như tâm tình bài hát "Em đi qua chuyến đò" :

"Tôi vui chơi giữa đời, biết đâu nguồn cội. Cây chưa thu bóng dài, mà tôi thu bóng tôi.

Tôi vui chơi giữa đời, biết đâu nguồn cội. Tôi thu tôi bé lại, làm mưa tan giữa trời."

THẰN LẰN CỤT ÐUÔI

Cách đây mấy năm một hôm tôi dẫn gia đình người em với đứa cháu mới 15 tháng đi chợ. Ðứa bé chưa hề biết nói. Vậy mà khi đi ngang qua tiệm bán đồ chơi, tự nhiên tôi thấy nó lắp bắp muốn phát âm một điều gì. Tôi để ý theo tay chỉ của nó thì nhận ra nó đang bập bẹ chữ "Turtle" trong đám đồ chơi Ninja Turtles! Mọi người cười vui, nhưng trong bụng thì lo lắm. Thì ra con cháu mình được Tivi khuôn đúc dậy dỗ ấn vào tiềm thức trước khi nó biết phân biệt, trước cả khi nó biết gọi "mẹ ơi", "bố ơi!"

Thầy dậy đầu tiên trong gia đình chưa chắc đã là cha mẹ, mà là những người ngồi đàng sau cái TiVi để nhằm biến thế hệ trẻ thành những "con chó Pavlov" phản ứng vô điều kiện khỏi cần phải mất công suy nghĩ lựa chọn giá trị. Ðứa trẻ lớn lên là "tự nhiên" thích uống Coca Cola, ăn Burger King, mặc áo Polo, đi giầy Nike, Addidas.... Sự "tự nhiên" này là lối đào tạo cho vào tiềm thức, bơm vào máu, do những "bậc thầy" làm tiền nghiên cứu những kỹ thuật tinh vi về quảng cáo từ tâm lý miền sâu. Khó có thể tin được, hãng Nike đã trả mấy chục triệu Mỹ Kim cho Michael Jordan đi giầy Nike múa mấy điệu ném banh trong mấy chục giây trên TiVi. Kỹ thuật "đào tạo chó Pavlov" này đã đồng hóa hình ảnh anh chàng Michael Jordan đầy sức sống thu hút với giầY Nike. "Tự nhiên" người ta tìm mua giầy Nike vì "nghĩ" rằng sẽ tươi mát đầy sức hấp dẫn và thành công tột bậc như vậy .

Ai đang vạch đường và là thầy dậy đào tạo "căn tính" và văn minh Mỹ, nền văn minh vẫn được gọi là "văn hóa fast food - Coca Cola"? Người ta nói tới Dewey, ông tổ của thuyết duy lợi đang được tôn thờ ở xứ này. Huấn luyện viên phải là một người Nga có tên Pavlov với phương pháp biến con người thành con vật phản ứng vô điều kiện. Và dấu hiệu biểu trưng tìm về căn tính này được in trên giấy một đồng Mỹ Kim là con mắt sáng trên ngọn Kim Tự Tháp với hàng chữ đề dưới: "Dấu biểu trưng lớn" (the great seal) và "Trong Chúa chúng ta tin tưởng" (in God we trust). Joseph Campbell đã coi đó như một "biểu tượng" của huyền thoại Mỹ, liên hệ tới Tam Ðiểm có gốc ở Pythagores coi niềm tin là kết quả của lý trí và toán học; và vị chúa có mắt sáng để mà tin tưởng và tìm về có thể là chính thần tiền, vì nằm trên tờ giấy một đồng Mỹ Kim. Tìm về nguồn niềm tin mắt sáng biết đâu lại chẳng có nghĩa là tìm về đồng Mỹ Kim! Ðó là cái khuôn để đúc ra những sản phẩm đồng loạt có tên là người "Mỹ". Phương pháp đào tạo này được gọi là "nút bấm tự động" (anchoring) như được nói tới trong những khóa huấn luyện về quảng cáo "mastering persuasion techniques" của Anthony Robbins.

Thế hệ trẻ có thể đang bị cắt đứt ra khỏi dòng sống Việt mà đi vào một dòng sống khác với một huyền thoại khác. Người Việt có câu nói "thằn lằn cụt đuôi" để diễn tả cảnh giẫy chết của cái đuôi là con cháu lìa khỏi thân xác là dòng sống dân tộc. Ðưa cái đuôi thằn lằn vừa bị đứt nối vài cái đuôi của con chó kiểu Pavlov thì sẽ biến con cháu thành quái vật khủng khiếp là cái chắc!

Những nhà nhận định tâm lý xã hội đều kết luận rằng lý do sâu xa nhất của những hiện tượng giới trẻ đi hoang, băng đảng, phá vỡ gia đình, là vì bị khủng hoảng căn tính (identity crisis). Tình trạng cũng giống như một người "mát" quên căn cước lý lịch: không biết mình sinh ra ở đâu và con cái nhà ai nữa! Cũng giống như một người lái xe mà không có "thẻ ID", ngày xưa thường được gọi là giấy có thể "đi đông đi tây" (d'identité). Muốn về nguồn mà có ai chỉ cách về làm sao đâu. Mà có muốn trở thành Mỹ hoàn toàn thì cũng chẳng giống ai, vì mũi vẫn còn tẹt, da vẫn còn vàng. Và khi tưởng đã trở thành "Mỹ" hoàn toàn rồi thì lại khám phá ra một sự thật khác: Mỹ chỉ có nghĩa Mỹ-gốc Anh, Mỹ-Ðức, Mỹ-Ba Lan, Mỹ-Pháp, Mỹ-Ý, Mỹ-Do Thái... với những khuôn mẫu gia sản mang sang từ Âu Châu và bắt mọi lớp dân khác đến đây phải hòa tan trong lò luyện kim để mà đổ vào cái khuôn đúc sẵn đó. Chứ còn Mỹ thực sự phải là người Da Ðỏ bị đẩy vào ở trong sa mạc Arizona từ khuya rồi. Vậy đã có Mỹ-Anh, Mỹ Ðức, thì cũng phải có Mỹ-Việt mới đúng chứ. Một người trẻ khi thấy mình không giống ai, nghĩa là không thuộc về lớp dân của mình, cũng không được xã hội mới nhận vào như là thuộc về họ, thì tự nhiên sẽ tụ họp thành nhóm để mà bù trừ tâm lý căn bản của con người là "thuộc về". Lên án tuổi trẻ là mất gốc lai căng, mà cũng không biết cái gốc nó nằm ở đâu, và làm thế nào để có thể về được gốc, thì là một vấn đề hóc búa rồi vậy. Ðào tạo thì phải có khuôn, mà chưa tìm ra khuôn, hoặc cứ tranh luận hay đả kích về khuôn này khuôn kia "rối đạo", thì không trách gì con cháu cứ tiếp tục hát Kinh Khổ "Biết Ðâu Nguồn Cội" : Em đi qua chuyến đò vượt biên mà thấy mình như Bà Lan trong truyện Xứ Sấm Sét. Mình không có khuôn để đào tạo thì đã mặc nhiên khoán con cháu mình cho người khác dẫn đi rồi!

KHUÔN MẪU VÀ ÐƯỜNG LỐI HUẤN LUYỆN CĂN TÍNH CỦA CÁC DÂN TỘC

Ðiển hình nhất trong chương trình huấn luyện căn tính dân tộc phải là người Do Thái. Qua cả hai phong trào Do Thái Ðạo (Judaism) thời lưu đầy Babylon, cũng như phong trào Sion (Zionism) thời vận động về lập quốc sau gần hai ngàn năm lang bạt, họ luôn đặt ưu tiên hàng đầu chương trình huấn luyện căn cước. Những người lãnh đạo phong trào không mất giờ với những cuộc bàn cãi dài dòng vô bổ, mà chú tâm vào việc đào tạo thế hệ trẻ bằng việc nỗ lực thiết lập các trường học để truyền thụ căn cước Do Thái. Bộ Kinh Do Thái phải được dạy bằng chính ngôn ngữ Do Thái. Bộ Kinh Tin (set of beliefs) mới là điểm tụ tinh thần của một dân tộc và là cục nam châm thu hút và biến chế được mọi tinh hoa khoa học khác.

Hướng đạo sinh Do Thái, sau thời gian huấn luyện những gì căn bản nhất để được gọi là một người Do Thái, phải đeo ba lô đi bộ ba ngày trong gian khổ đến một địa điểm để tuyên thệ. Và khi tuyên thệ xong, họ được phát một cuốn Kinh dân tộc.

Phim Emerald Forest diễn tả rất hay về lối sống của các thổ dân Nam Mỹ. Ðứa bé đến tuổi làm người lớn phải qua một nghi lễ "chết đi và sống lại." Sau khi được học tập đầy đủ những gì căn bản nhất của lớp dân mình, đứa trẻ được dẫn lên vào một hang động, tức là đi vào huyền nhiệm để có thể nối được vào cuống nhau lớp dân mình và nối được vào dòng sống siêu việt. Ở đó nó phải đương đầu với kiến lửa, rắn rết, bọ cạp, để mà sống sót.

Cả hai đường lối huấn luyện trên đều nhấn mạnh yếu tố phải học tập những gì căn bản nhất về căn tính dân tộc: từ bộ kinh tin được thể hiện ra thành một đạo sống, phong tục lễ nghi. Rồi phải thực tập trải qua gian khổ, tập cho biết chết đi, biết hy sinh chịu đựng thì mới có thể làm người lớn được.

Vậy mà ở xã hội Âu Mỹ, giới trẻ được nhồi một não trạng rất bất thường và bệnh hoạn. Làm "người nhớn" có nghĩa là biết buông thả phóng túng không muốn thuộc về ai nữa, biết hưởng thụ bừa bãi. Dấu chỉ tập làm "người nhớn" là thuốc, rượu, quần áo. tình dục, xe hơi thoát ly quyền cha mẹ....

Người Việt mình có bốn lễ nghi quan trọng nhất là Quan Hôn Tang Tế. Những lễ nghi này là nét diễn tả thường xuyên nhất của một nền văn hóa. Trong bầu khí hiện tại, muốn tìm ra một chương trình đào tạo căn cước cho thế hệ trẻ, thiết tưởng không thể nào bỏ sót điểm này. Chẳng hạn chương trình Thêm Sức có thể tương đương và thay thế lễ Quan, phải bao gồm được hai nét căn bản huấn luyện đứa trẻ trở thành người lớn là thời gian thử lửa gian khổ và những gì căn bản nhất để được gọi là một người Việt. Tức là phải cụ thể hóa một chương trình huấn luyện theo căn tính Việt.

CĂN BẢN THẦN HỌC TU ÐỨC VỀ CĂN TÍNH VIỆT TRONG ÐỨC TIN CÔNG GIÁO

Những người học về tâm lý tu đức ngày nay hầu như ai cũng có kinh nghiệm về chương trình Viết Nhật Ký do Ira Progoff khai sáng. Tôi chỉ có thể tìm ra con người thật của tôi là ai khi tôi bắt đầu đối diện với những gì đang, đã và sẽ xẩy ra trong đời tôi. Những biến cố như những nấc đá dẫn tôi xuống nguồn. Ngồi nhìn lại đời mình trong một cái nhìn nhất quán, tự nhiên tôi nhận ra một sợi chỉ mầu nối liền tất cả những gì xem ra rời rã nhất thành một lịch sử thánh thiêng. Chương trình Progoff bắt tìm lại và đối thoại với những biến cố tưởng chừng đã chìm sâu trong tiềm thức, kể cả bối cảnh liên hệ trước khi mình sinh ra đời. Nghĩa là tìm lại liên hệ cha mẹ, dòng dõi tổ tiên của mình. Bất cứ một cuộc trắc nghiệm tâm lý nào ngày nay cũng theo nguyên tắc này. "Ðã có câu truyện thánh về đời sống dân Chúa, thì cũng có câu truyện thánh của mỗi người Kitô" (Ðường Ði Tới Nguồn, trang 16).

Nói một cách khác, Chúa vẫn tỏ mình ra và tôi chỉ có thể gặp được Chúa, đi tới nguồn, tìm lại con người thật của tôi, qua những cảm nghiệm đời tôi, qua lịch sử dân tộc tôi, những gì đã xẩy ra liên hệ làm thành một di sản trải dài bao ngàn năm. Trong máu thịt của tôi còn mang theo nhiễm thể di truyền của tổ tiên không biết qua bao nhiêu đời. Sống đức tin Công Giáo một cách cụ thể như là một người Việt, với lối suy tư và hành động theo cách thế của người Việt, cùng mang trách nhiệm liên hệ trong dòng sinh mệnh dân tộc Việt. Như vậy, càng sống là người Công Giáo Việt cách trung thực, thì càng trở nên chứng nhân đích thực của Tin Mừng. Vì chính Chúa Giêsu đã là căn bản và là khuôn mẫu trong việc nhập thể và nhập thế. Ngôi Lời đã mang thân xác, do một người mẹ Do Thái, trong bối cảnh lịch sử Do Thái, sinh trưởng trong môi trường văn hóa và truyền thống Do Thái, với lối suy tư và tình cảm theo kiểu Do Thái, giữ phong tục Do Thái, ăn đồ ăn Do Thái và nói tiếng Do Thái, để gọi là sống đạo. Vậy thì đưa chất liệu văn hoá dân tộc vào một chương trình giáo dục tôn giáo chẳng những cần thiết mà còn có tính cách bắt buộc nếu tôi muốn tìm lại căn tính, tìm lại con người thật của tôi. Vì làm người Công giáo không phải ở trên trời rớt xuống, mà là một người cụ thể, trong một gia đình và một dân tộc cụ thể. Lm. Vũ Ðình Trác đã từng đề cập tới kiểu kiến trúc mái cong của nhà thờ Phát Diệm như một hội nhập văn hóa tiêu biểu. Tôi vẫn tự hỏi tại sao Phật Giáo cũng là đạo từ Ấn Ðộ được truyền sang Việt Nam, mà đã biến cái mái cong Việt Tộc thành mái chùa, còn Công Giáo thì không? Tại sao đạo Công Giáo đã vào Việt Nam cả ba trăm năm mà những chương trỉnh huấn luyện ngay cả như chủng viện cũng chỉ nhằm đào tạo nhân sự cho những đơn vị giáo xứ có sẵn hơn là hướng tới một chính sách truyền giáo hòa nhập độ rung dân tộc. Ðể rồi hễ nói tới truyền giáo thì chỉ nghĩ tới đi lên xứ Thượng. Và tại sao đạo Công Giáo phát xuất từ Do Thái, mà những kiểu kiến trúc nhà thờ và những diễn tả phụng tự lại mang nét của Âu Châu. Có ai thử mang nét Việt vào một chút một chút liền bị coi là "rối đạo".

Lịch sử truyền bá Tin Mừng đã bắt đầu từ Do Thái với Chúa Giêsu là người Do Thái. Khi đi vào thế giới Hy Lạp, Tin Mừng đã mang nhiều nét diễn tả của nền văn hóa Hy Lạp mà ai cũng nhận ra nơi Phúc Âm theo Thánh Gioan và các thư của thánh Phaolô. Rồi khi Tin Mừng lan rộng tới Âu Châu, thì đúng là đã "mang thân xác" văn hóa và phong tục Âu Châu, khiến nhiều người vẫn tưởng rằng đạo Công Giáo là đạo của Tây Phương.

Vậy tại sao đạo đã diễn tả qua những nét văn hóa của Hy Lạp, Roma, Tây Ban Nha, thì lại không rối đạo? Chẳng hạn như lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu "mặt trời công chính" đã được chọn vào ngày 25.12 của đêm đông giá lạnh là để "rửa tội" cho phong tục thờ thần mặt trời của đế quốc Roma.

Nhà văn Quyên Di có lần nói với tôi rằng chúng ta có nhiều người Công Giáo viết văn, mà chưa có nhà văn Công Giáo. Bước chân vào một tiệm sách thì càng thấy câu nói đúng hơn, càng tủi hơn. Bao giờ người Công Giáo mới "nối được vào cuống nhau dân tộc" như kiểu nói của linh mục Phạm Văn Tuệ? Bài học của Matteo Ricci về chữ hiếu tôn kính tổ tiên vẫn còn đó, khiến một tỷ người Trung Hoa vẫn còn xa vời tầm tay với của đạo Công Giáo.

Dựa theo mô thức giáo dục của Aylward Shorter trong cuốn Toward A Theology of Inculturation (Hướng tới một Thần học Hội nhập Văn Hóa) một chương trình giáo lý Việt Nam phải có ba nhiệm vụ:


- enculturation: nhiệm vụ huấn luyện thành một người mang những nét căn bản nhất của nền văn hóa Việt.

- inculturation: nhiệm vụ huấn luyện để lãnh nhận đức tin như một người Việt.

- acculturation: nhiệm vụ huấn luyện để thăng hoa văn hóa, vượt qua sự đóng kín tự mãn. Trong nghĩa này, đức tin Công Giáo sẽ làm giầu cho văn hóa Việt; và đồng thời văn hóa Việt cũng góp phần làm kho tàng đức tin Công Giáo thêm phong phú.

TÔNG HUẤN VỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA

Ðức Thánh Cha Gioan PhaoLô II đã là người quyết liệt đẩy mạnh đường lối hội nhập văn hóa vào chương trình giáo dục tôn giáo. Qua kinh nghiệm đời Ngài là một người Ba Lan sống trong một hoàn cảnh văn hóa giữa Âu Á, và trong một môi trường xã hội phải phấn đấu một sống một còn, việc hội nhập Phúc Âm vào văn hóa không còn là chuyện thêm thắt vào cho vui vẻ cửa nhà, mà là cốt lõi của con đường nhập thể trong nền văn hóa dân tộc mình.

Trong thông điệp về Giáo Lý Trong Thế Giới ngày Nay (Catechesi Tradendae) ngày 16.10.1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dùng tiếng "hội nhập văn hóa" (inculturation). Ðây là lần đầu tiên từ ngữ này được dùng trong một văn kiện tông huấn. Ngài viết:

"Hội nhập văn hóa diễn tả rất đúng yếu tố mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta có thể nói về giáo lý cũng như truyền giáo, là được kêu mời mang sức mạnh của Tin Mừng vào chính tâm điểm của văn hóa và các nền văn hóa. Vì thế, giáo lý phải tìm hiểu những nền văn hóa này và những cấu trúc của văn hóa; phải học những cách diễn tả, và kính trọng những gía trị sâu xa của họ.... Tin Mừng không thể tách lìa nền văn hóa đang hội nhập, giống như Kinh Thánh đã hội nhập môi trường, và cụ thể hơn, Chúa Giêsu thành Nazareth cũng đã hội nhập môi trường văn hóa của Ngài, cũng như Tin Mừng vẫn tiếp tục hội nhập văn hóa qua các thế kỷ" (#53).

"Tuy nhiên cũng với khôn ngoan thận trọng, phải biết dùng một số những yếu tố tôn giáo hay không tôn giáo, đã có sẵn trong gia tài văn hóa dân tộc, mà giúp hiểu hơn toàn bộ mầu nhiệm Kitô. Giảng viên giáo lý chân chính nên biết rằng giáo lý phải "mang thân xác" trong các nền văn hóa và môi trường khác nhau...." (#53).

Thông điệp về Truyền Giáo "Sứ Mạng Ðấng Cứu Thế" (Redemptoris Missio) ngày 7.12.1990, một lần nữa nhắc lại:

"Tiến trình hội nhập Tin Mừng vào văn hoá các dân tộc là một tiến trình dài. Không phải chỉ lo thích nghi một số điểm bề ngoài, mà phải có nghĩa biến thể sâu xa trong những giá trị văn hóa đích thực, qua việc hòa nhập vào Kitô Giáo, và hội nhập Kitô Giáo vào các nền văn hóa."

Ðã đến lúc dung nạp văn hóa vào chương trình giáo dục tôn giáo, không như một cái gì phụ thuộc thêm vào, mà là hội nhập từ trong cấu trúc, như lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông huấn "Người Tín Hữu Giáo Dân" ngày 30.12.1988:

"Chỉ khi nào đi vào lòng một nền văn hóa và qua một nền văn hóa, Ðức Tin Công Giáo mới thực sự tham dự vào lịch sử và kiến tạo lịch sử." (#44)

HỘI NHẬP GÌ CỤ THỂ TRONG MỘT CHƯƠNG TRÌNH ÐÀO TẠO?

Nhưng Văn Hóa là gì để mà hình thành một chương trình đào tạo thế hệ trẻ vào căn tính đó?

Công Ðồng Vatican II đã dành cả chương 2 của hiến chế Giáo Hội trong Thế Giới Ngày nay (Gaudium et Spes) để đề cập tới việc phát triển văn hoá:

"Ðặc điểm của con người là chỉ đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa là nhờ trau dồi những ưu phẩm và giá trị của căn tính. Vì vậy, mỗi khi đề cập đến cuộc sống nhân loại, căn tính và văn hoá liên kết với nhau hết sức chặt chẽ.

Theo nghĩa tổng quát, chữ "văn hóa" chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình, cũng như đời sống chính trị, trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn." (#53)

Như vậy dân tộc có văn hóa là dân tộc có một đạo sống có thể làm cho con người theo đó mà đạt hết cỡ người, sống tròn đầy sung mãn. Một chương trình hội nhập văn hóa không thể không xây trên những gỉ đã làm nên con người Việt và tình tự dân tộc: những truyện huyền sử, những biểu tượng căn bản phát nguồn từ những truyện thiêng, những biến cố lịch sử, anh hùng dân tộc, những phong tục và lễ nghi , ca dao tục ngữ, văn chương, nghệ thuật, ca vũ... Vì thế những bài học trong sách giáo khoa phải có phần cảm nghiệm từ những điểm trên. Ðây cũng chính là phương pháp giáo lý hiện nay của Sadlier, Benziger, Silver Burdett, Brown...Bắt đầu từ những cảm nghiệm sống, những hình ảnh, dẫn tới Lời Chúa.

Cũng trong cuốn Toward A Theology of Inculturation, Aylward Shorter đề nghị ngay một mô thức thực hành :

"Một chương trình giáo lý đòi hỏi chất liệu lấy từ những đề tài văn hóa như điểm khởi hành cho mỗi bài học, và phải co giãn đủ để giảng viên có thể dùng những tài liệu này dung nạp với cảm nghiệm của học sinh. Những đề tài cần phải được điều hợp để nói lên đạo sống của dân chúng, nhưng đồng thời bác cầu tới Tin Mừng Cứu Rỗi. Tuy nhiên, sự thành công của chương trình tùy thuộc phần lớn vào sự khéo léo của giảng viên trong lớp học. Họ phải được huấn luyện để biết cách xử dụng những chất liệu cho xứng hợp." (Orbis Books, trang 163)

Những nét căn bản nhất của một nền văn hóa nằm trong những truyện thiêng của dân tộc. Ðó là bộ kinh tin chung cho một dân tộc. Vì thế đối với Việt Nam, các truyện thiêng từ bộ Kinh Tiên Rồng như truyện Hồng Bàng, Trầu Cau, Bánh Dầy Bánh Chưng, Việt Tỉnh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử, tức là những truyện thuộc loại cổ điển Việt trong Lĩnh Nam Trích Quái và Việt Ðiện U Linh Tập, phải được khai triển và áp dụng thành một Ðạo Sống, vì:

"Truyện thiêng là nền tảng cho văn minh, cho trật tự luân lý, cho các sáng tác nghệ thuật, và cho việc đoàn kết các phần tử.... Mất truyện thiêng thì sẽ lung lay, mà lung lay thì mất cân bằng. Khi đã bỏ bộ kinh thiêng thì không còn gì chắc chắn để mà giữ, không còn luật luân lý, không còn gì vững bền cả!... Cứ xem những dân tộc thiểu số, khi chạm trán với văn minh mới của dân da trắng, liền bị rã. Vì những truyện thiêng cũ bị mất tin tưởng, nên họ liền bị vỡ mảnh ra từng miếng, và trở thành nơi phát sinh tội ác và tâm bệnh... Bài học này cũng đúng với cả xã hội Âu Mỹ, khi huyền thoại bị khoa học mới khai trừ, thì cũng bắt đầu phát sinh tội ác, bạo động, tâm bệnh, tự tử, xì ke, bỏ nhà đi hoang.." (Joseph Campbell, Myths to live by, Bantam Books, trang 9).

Ai cũng hô hào về nguồn, nhưng chẳng ai biết đường nẻo nào mà về nguồn cội cả, vì hang xuống "Giếng Việt" đã bỏ hoang và bị lấp từ lâu. Thì nay khoa tâm lý miền sâu đã khám phá ra con đường đó qua những truyện thiêng. Vì truyện thiêng của mỗi dân tộc là bộ biểu tượng dẫn tới nguồn, giống như những chiếc gương (self image) soi vào đó để có thể nhận ra mình là ai thật (true self). Khi con cháu mặc cảm nhìn vào những truyện thiêng cứ tưởng là những cái gương mẻ rồi bỏ sọt rác, hoặc để người khác lấy đi thì nguy cơ phá sản đã cầm chắc trong tay. Như vậy, Ðường Ði Tới Nguồn cũng là nẻo để Tôi đi tìm Tôi, tìm ra căn tính của mình để sống tự tín sung mãn vươn cao, không còn là những con ma đói đi kiếm cháo lú bơ thừa sữa cặn thật tội nghiệp! Hoặc nói theo kiểu tu đức ngày nay là đường nẻo cái phàm ngã tìm ra cái chân ngã, cái tiểu ngã tìm ra cái đại ngã.

"Mất bộ truyện thiêng là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên, và không còn căn bản gì cho việc hình thành tiền đồ dân tộc. Dân tộc đó quả thực là đã mất." (Wallace Cliff, Jung and Christianity, Crossroad, trang 60).

Truyện Các Anh Hùng Tử Ðạo cũng cần phải được lồng vào chương trình như những chiếc gương và như những chứng nhân sống động của đức tin Công Giáo trong đạo sống Việt, đã trở thành khuôn mẫu đích thực được cả thế giới Công Giáo công khai xác nhận. Mục đích của việc phong thánh là để giới thiệu những mẫu sống đáp ứng đúng thời điểm với những khát khao của thời đại. Vì thế hình thành một đường tu đức của Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam theo đạo sống dân tộc trong việc huấn luyện tôn giáo là một điều hiển nhiên cần thiết.

THỜI ÐIỂM MỘT TRÁI TIM MỚI VÀ MỘT TINH THẦN MỚI

Biến cố 117 vị tử đạo được tôn phong hiển thánh ngày 19.6.1988 đã tạo nên niềm hãnh diện và phấn khởi. Các Ngài là chứng nhân đạo sống Việt tộc hài hòa với Ðức Tin Công Giáo một cách tròn đầy. Biến cố này càng khiến người Công Việt Công Giáo hứng khởi Khơi Nguồn Việt Ðạo, tin tưởng một cách mãnh liệt vào căn cước lý lịch Việt Nam và Công Giáo của mình. Ðây là thời điểm để hình thành một chương trình và cũng là một phong trào đào tạo căn tính Việt cho một thế hệ trẻ. Ðưa sắc thái Công Giáo làm giầu cho văn hóa Việt, và góp văn hoá Việt vào kho tàng Công Giáo.

Ðuôi thằn lằn bị cụt có thể đang giẫy chết. Cành cây Việt có thể đang héo, hoa trái tàn lụi. Tinh thần có thể đang lụn bại thê thảm. Trái tim có thể đã thành đá hay đã ngưng đập vì mạch máu không còn chảy tới! Làm thế nào để tạo lại một trái tim mới và một tinh thần mới?

Trong hai ngày 14 và 15 tháng 8.1991, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ tọa đại hội qui tụ khoảng một triệu giới trẻ tại Czestochowa Ba Lan. Ðề tài đại hội: "Chúng con đã lãnh nhận tinh thần con cái." (Roma 8:15). Ðức Thánh Cha kêu gọi việc đào tạo lại một thế hệ mới:

"Hỡi các bạn trẻ, chúng con đừng sợ nên thánh. Chúng con hãy bay lên thật cao."

Ðối với người Việt, Ðức Thánh Cha như đang vẽ ra trước mắt hình ảnh chim tiên là hình ảnh của mỗi người trong tiềm thức đang vụt cánh bay lên. Vì là những con cái được mang cùng một sức sống của tổ tiên, của chính Thiên Chúa. Nối được vào mạch sống từ nguồn cội đó thì mang được một trái tim mới và một tinh thần mới. Khơi được nguồn sống từ hồn dân tộc thành một đạo sống, thành một đường lối huấn luyện. Và sâu xa hơn nữa, nối được vào Nguồn Suối Tình Yêu viên mãn là chính Thiên Chúa. Ðó là trách vụ của chương trình giáo dục tôn giáo.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một mẫu sống căn tính trong dòng sinh mệnh dân tộc mình. Trong bài giảng ngày 9 tháng 6.1991 kết thúc cuộc trở về thăm quê hương Ba Lan lần thứ tư, và cũng là lần thứ nhất sau khi Ba Lan được tự do, Ngài nói với một giọng đáng cho người Việt Công Giáo khắc ghi:

"Tôi là người con của tổ quốc Ba Lan. Tôi yêu tổ quốc tôi. Tôi đã không dửng dưng với những áp bức mà tổ quốc tôi phải gánh chịu, thì nay tôi cũng không dửng dưng với những thử thách mới trước sự tự do mà tất cả chúng ta đang đối diện... Chúng ta đang vượt qua Biển Ðỏ."

Ðức Giáo Hoàng đã và đang minh chứng hùng hồn cho con đường trở về nguồn cội với tinh thần dân tộc như căn bản sống đức tin Công Giáo. Còn tôi, người Việt Công Giáo chả lẽ cứ tiếp tục hát bài "em đi qua chuyến đò ...vượt biên ...ối a biết đâu nguồn cội"?!

Tác giả: Trần Cao Tường, Lm.