PDA

View Full Version : C - Chia sẻ Lời Chúa tháng 05/2011



Dan Lee
05-03-2011, 09:42 PM
CHIA SẺ Lời Chúa (tháng 5.2011)

Mỗi người chúng ta có ít nhất là 1 hay nhiều bà mẹ: mẹ ruột, mẹ nuôi, mẹ ghẻ, mẹ vợ, mẹ chồng, mẹ tinh thần, mẹ đở đầu... Ngoài ra, chúng ta còn có 1 bà Mẹ chung nữa: đó là Mẹ Maria. Trong tháng 5, giáo hội mời gọi và khuyến khích chúng ta như sau: “Các tín hữu hãy nhớ, lòng tôn sùng chân thành không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại 1 sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ 1 đức tin chân thật. Ðức tin dẫn đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ”. Chớ gì cuộc đời của mỗi người chúng ta là: chuổi hạt mân côi dâng lên Mẹ Maria, với những hạt Thương (5 sự thương), hạt Sáng (5 sự sáng), hạt Vui (5 sự vui), hạt Mừng (5 sự mừng).

Chúa Nhật 2 phục sinh: (1.5.2011) Lòng Chúa thương xót.

ÐGH Gioan Phaolô 2 đã định ngày Chúa Nhật2 phục sinh là lễ kính lòng Chúa thương xót. Sứ điệp này được bày tỏ qua 2 lần Chúa hiện ra với các tông đồ sau khi phục sinh, để giúp các ông vượt qua nỗi lo sợ và chiến thắng sự nghi ngờ. Sợ hãi là mất tự tin, đức tin chưa đủ mạnh để làm chứng nhân, hoang mang, mất phương hướng, dao động, bất an, e ngại. Hoài nghi là niềm tin đang bị thử thách, có nguy cơ sụp đổ, là đêm tối của tinh thần, bị đặt vào tình thế phải thoát khỏi bóng tối để trở về phía ánh sáng hoặc sống trong tăm tối mãi mãi. Chúa đã hiện đến ban cho các ông ơn bình an và sức mạnh thần linh, để giúp các ông can đảm rao giảng lời Chúa. Chúa đã ban cho các ông niềm tin vào Chúa sống lại. Vì từ niềm tin này, giáo hội được thành lập và được sai đi loan báo tin mừng cứu độ con người khỏi mọi nỗi lo sợ và hoài nghi.

Chúa Nhật 3 phục sinh: (8.5.2011) Gặp được Chúa.

Hai môn đệ trên đường đi về làng Emmaus là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta: chán chường, mệt mỏi, trở về tình trạng cũ, hết hi vọng, vô vọng. Kinh nghiệm đức tin ở mọi thời và mọi nơi không thiếu những lúc bị chơi vơi, lạc hướng, chao đảo trước bao thứ thử thách và cám dỗ thật cam go. Chúa bỏ tôi rồi sao? Chúa có hiện hữu thật không? Nếu có ngài, thì cuộc đời của tôi sẽ không ra như thế, biết bao ngang trái vẫn dẫy đầy! Buông xuôi, lưỡng lự, phân vân, ánh sáng lời Chúa cũng vội vụt tắt! Nhưng chúng ta đâu có ngờ, Chúa phục sinh vẫn đang đồng hành với chúng ta như với 2 môn đệ ngày xưa: khi vui và lúc buồn, khi chán chường và lúc hân hoan. Chúng ta không nhận ra ngài, vì con mắt đức tin của chúng ta mờ tối hoặc lòng của chúng ta đang nặng trĩu muôn sự đời? Chúa sống lại vẫn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, qua lời của ngài và nhất là qua bí tích thánh thể tình yêu.

Chúa Nhật 4 phục sinh: (15.5.2011) Chúa chiên.

Khi rao giảng nước trời, Chúa dùng nhiều hình ảnh quen thuộc của đời thường để minh họa cho lời của ngài. Hôm nay, Chúa dùng hình ảnh chủ chiên và đàn chiên để diển tả mối tương quan thân tình, gắn bó và trách nhiệm giữa đàn chiên và chủ chăn. Chúa là chủ chiên qui tụ chúng ta trong giáo hội của ngài, để chúng ta được dưỡng nuôi, gìn giữ, chăm sóc và dạy bảo bởi các chủ chăn tốt: 1 đức tin, 1 lòng mến, 1 Chúa. Các chủ chăn trong giáo hội là những người được tham dự vào chức vụ chủ chăn của Chúa, phải biết yêu thương, có tấm lòng gần gủi, tận tụy và dám hi sinh cho đàn chiên. Nhưng chính Chúa là điểm phát xuất và cũng là cùng đích cho cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Xin cho các chủ chăn là người mục tử tốt theo gương của Chúa. Xin cho đàn chiên biết nghe theo tiếng nói của chủ chăn, để mọi người được sống dồi dào trong tình yêu của Chúa.

Chúa Nhật 5 phục sinh: (22.5.2011) Tìm Chúa.

Ðược biết Chúa, nhất là được nhìn thấy Chúa: đó là ước muốn chính đáng và sâu xa của chúng ta, vì chúng ta luôn khắc khoải khám phá ra gương mặt của Chúa. Chúa đã bày tỏ cho con người biết về ngài là đấng cao cả, vô biên vô tận, cho nên con người càng tò mò muốn biết về ngài. Trong cựu ước, hình ảnh của Thiên Chúa quyền năng đã tỏ vinh quang của ngài trên núi Sinai, mà ông Mosê không dám nhìn. Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã đáp lại khát vọng tìm kiếm của con người, khi ngài nói: “Ai thấy thầy, là xem thấy cha thầy”. Hình ảnh của 1 Thiên Chúa bộc lộ đơn sơ qua gương mặt của con người Giêsu: nhân từ, hiền hậu, gần gũi, khoan dung. Gương mặt của Thiên Chúa nhỏ bé và bình dị thế sao? Tại sao chúng ta không nhìn theo hướng mà ngài đã chỉ lối? Sự quen thuộc có thể làm chúng ta không nhận ra Chúa trong người lân cận của mình, cho nên chúng ta cứ mãi đi tìm Chúa ở nơi nao!

Chúa Nhật 6 phục sinh: (29.5.2011) Thần linh Chúa.

Trước khi về trời, Chúa phục sinh hứa ban cho chúng ta đấng bảo trợ, để ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế: Chúa thánh thần, Thần chân lí. Nhờ ngài, chúng ta sẽ làm chứng cho Chúa. Sự hiện diện của ngài thay thế sự có mặt hữu hình của Chúa và bảo đảm cho chúng ta không bị bỏ rơi. Nhưng điều kiện để có Chúa ở cùng chúng ta là yêu mến nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Giữa 1 thế giới bị phân hóa, ÐGH Gioan Phaolô 2 mời gọi chúng ta cùng nhau xây dựng 1 nền văn minh tình thương. Giữa 1 thế giới khoa học, ÐGH Benêđictô kêu gọi chúng ta hãy sống yêu thương trong sự thật. Giữa 1 xã hội đổi mới mau lẹ, chúng ta hãy xây dựng 1 giáo hội mầu nhiệm tình yêu của Chúa, hiệp thông với Chúa và tha nhân trong tình yêu và sứ vụ truyền đạo bằng đời sống yêu thương. Nhưng làm sao thực hiện được những lời mời gọi này, nếu chúng ta không cậy dựa vào đấng bảo trợ, Thần chân lí?

Lm. Nguyễn Thông.