Log in

View Full Version : DĐ - Đức Mẹ là gương nhân đức



Dan Lee
04-28-2011, 06:06 PM
ĐỨC MẸ LÀ GƯƠNG NHÂN ĐỨC

Năm nay Tháng Hoa lại về đúng vào CN II/PS, cũng là CN kính LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA. Nói về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người thì bao la không cùng, nhưng biểu hiện cụ thể nhất, tập trung nhất là nơi Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa, Người đã giáng trần làm Con Đức Mẹ Maria để thi hành sứ vụ Cứu Độ nhân loại. Vậy cũng có thể nói: Chính Đức Mẹ là chứng nhân sinh động nhất minh hoạ cho lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời Mẹ cũng là cây cầu nối hữu hiệu nhất giúp những ai muốn tìm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Đến với Chúa, chúng ta cần phải có đức tin vững mạnh đã đành, nhưng đến với Mẹ, chúng ta cũng rất cần có đức tin, bởi: “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67).

Nói đến đức tin là nói đến vấn đề cốt tuỷ của tôn giáo. Bất cứ một tôn giáo nào cũng đều coi đức tin làm trọng, bởi thế mới gọi những người theo tôn giáo ấy là tín hữu, tín đồ. Có tin thì mới yêu, có yêu thì mới theo và dốc một lòng vì tôn giáo mình tin theo để sống đạo một cách tốt lành, đó cũng là lẽ thường tình. Với Ki-tô giáo cũng vậy, khi một tín hữu đón nhận bí tích Thánh Tẩy thì câu hỏi đầu tiên đặt ra cho họ sẽ là: “Ông (bà, anh chị em) xin điều gì nơi Giáo Hội?” và câu trả lời đương nhiên là “Thưa: Đức tin”. Ngay trong bài Tin Mừng hôm nay (tường thuật biến cố sau Phục Sinh: "Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ" – Ga 20, 19-31) cũng đã nói về đức tin của các Tông đồ tiên khởi. Các ngài đã đi theo Thầy ròng rã 3 năm trời, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, được nghe biết bao nhiêu Lời dạy dỗ khuyên răn, chứng kiến biết bao nhiêu việc làm và nhất là được thấy nhãn tiền bao nhiêu phép lạ, vậy mà đến giờ phút này vẫn còn “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37), để đến nỗi Đức Ki-tô phải quở trách: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" (Lc 24, 38-39). Chưa hết, cuối cùng vẫn còn một Tô-ma "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (Ga 20, 25). Phải đợi tới 8 ngày sau, Thầy lại hiện ra một lần nữa và bảo Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (Ga 20, 27), lúc đó ngài mới thực sự tin tưởng Thầy mình đã Phục Sinh.

Thánh Au-gus-ti-nô đã dạy: “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người, thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” và sách GLHTCG (số 142) cũng khẳng định: "Nhờ mạc khải, ‘do tình yêu vô biên, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với con người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ, để mời gọi cho họ hiệp thông với Người’ (DV 2). Đức tin là lời đáp trả thích đáng của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa". Đúng vậy, muốn đến với Thiên Chúa, muốn đến với lòng thương xót của Thiên Chúa, chỉ có một con đường duy nhất là con đường đức tin. Tuy nhiên, nếu chỉ là tuyên xưng đức tin trên môi miệng, thì ai cũng có thể làm được và làm một cách trơn tru, nhưng khi đứng trước nghịch cảnh cần phải biểu lộ lòng tin của mình một cách công khai thì lại thấy khó khăn vô cùng. Cũng vì thế, Đức Ki-tô mới dạy : "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi… Vậy ai tin nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thưc hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá" – Mt 7, 21...24) và thánh Gia-cô-bê Tông đồ đã chẳng nói: ”Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Nói đến đức tin là nói đến một trong 3 nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến) mà bất cứ một Ki-tô hữu nào cũng thuộc nằm lòng. Thuộc nhưng có thể hiện được, thực hành được trong cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Vì thế, nên nhân dịp ngày đầu tháng hoa lại trùng vào CN II/PS – kính LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, xin được chia sẻ đôi điều về rèn luyện nhân đức theo tấm gương vĩ đại vô song : Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa

Vâng, "Đức Bà là gương nhân đức" bởi "Đức Bà là toà Đấng Khôn Ngoan" (Kinh cầu Đức Bà). Đức Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước vô cùng, làm ngai toà của Ngôi Lời nhập thể, là ngai toà Thiên Chúa, ngai toà Đấng Khôn Ngoan. Muốn học về tấm gương nhân đức của Đức Mẹ, thì trước hết phải tin và yêu Mẹ (GH 67) trên hết mọi sự ở thế gian này, vì càng yêu mến Đức Mẹ thì người tín hữu càng yêu mến và càng làm đẹp lòng Thiên Chúa. Người tín hữu sẽ thăng tiến trên đường thánh thiện hoàn hảo tương xứng với mức độ tình yêu Mẹ Maria thăng tiến trong tâm hồn mình. Không còn con đường nào ngắn hơn, dễ dàng hơn, đảm bảo hơn để chiếm được đức ái hoàn hảo cho bằng con đường yêu mến Mẹ Maria. Chính nơi Đức Mẹ thể hiện rõ nét nhất, sinh động nhất 3 nhân đức đối thần : Tin – Cậy – Mến:

Tuy rằng ngay từ sơ sinh, Đức Mẹ đã dâng mình trong Đền Thờ là thực hiện theo truyền thống của Do-thái, nhưng theo "Phụng vụ chư thánh" (trong ngày kính "Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ – 22/8" – tr. 281) thì "Tại Đền thánh Giê-ru-sa-lem, Đức Mẹ đã thực hiện biết bao hy sinh với một tâm hồn quảng đại, 12 năm suy gẫm và cầu nguyện chính là thời gian chuẩn bị cho chức vụ Mẹ Thiên Chúa. Theo thánh Hiê-rô-ni-mô, chương trình ngày sống của Đức Mẹ trong Đền Thờ được phác hoạ như sau: Từ hừng đông đến 9g sáng – Mẹ cầu nguyện ; từ 9g sáng đến 3g chiều – Mẹ làm việc chân tay; sau đó Mẹ lại cầu nguyện và suy gẫm Thánh Kinh và siêng năng đọc Thánh vịnh". Như vậy đủ chứng tỏ Đức Mẹ đã Tin vào Thiên Chúa như thế nào, và chính nhờ vậy mà Mẹ yêu Mến và Cậy nhờ vào Thiên Chúa bằng hành động phó dâng trót cả cuộc đời trong tay Chúa.

Trong ba nhân đức đối thần thì tập trung nhất, quan trọng nhất vẫn là đức Mến ("Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" – 1Cr 13, 13), bởi đó cũng chính là điều răn đứng hàng đầu mà Đức Ki-tô thường dạy: mến Chúa yêu người ("yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình" – Mt 22, 37). Và cứ nhìn vào tấm gương chói lọi là Mẹ Maria chúng ta cũng thấy đó là điều hiển nhiên, không thể chối cãi. Điều này, một lần nữa lại cho biết tầm quan trọng của đức Mến: Đức Mến vừa là nhân đức đối thần, vừa đối nhân. Nói đến nhân đức đối nhân thì có nhiều (từ nhân bản đến luân lý), nhưng điển hình nhất là 4 nhân đức : Khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ. Sách GLHTCG (số 1805) giải thích rõ: "Con người mến chuộng điều chính trực ư ? Thì chính Khôn Ngoan sản sinh ra các nhân đức: Quả vậy, Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, khôn ngoan, công bình và can đảm (Kn 8, 7)". Thánh Au-gus-ti-nô trong "Những thói quen của Hội thánh Công Giáo" (1,25,46) cũng dạy: "Sống tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình. Chúng ta dành cho Người một tình yêu trọn vẹn (nhờ tiết độ), không gì lay chuyển nổi (nhờ can đảm), chỉ vâng phục một mình Người (nhờ công bình), luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của mưu mô và gian dối (nhờ khôn ngoan). Rõ ràng cả 4 nhân đức đối nhân cũng đều có khởi điểm (xuất phát) và đích điểm (quy tụ) là đức Mến.

Nếu phân tích sâu về những nhân đức này nơi Đức Maria thì trong một bài viết ngắn gọn không thể bao biện. Chỉ xin trích dẫn lời Mẹ dạy Thánh nữ Faustina Kowalska trong cuốn nhật ký "Lòng Thương Xót Chúa nơi Linh Hồn Tôi" (Thông điệp về Lòng Thương Xót Chúa): "Hỡi con gái của Mẹ, Thiên Chúa muốn Mẹ là Mẹ của con cách đặc biệt và riêng biệt, nhưng Mẹ cũng muốn rằng con là con Mẹ một cách đặc biệt" (số 1414). "Hỡi con gái yêu dấu của Mẹ, Mẹ ước muốn con thực tập ba nhân đức mà Mẹ ưa thích nhất và Thiên Chúa cũng lấy làm hài lòng nhất. Nhân đức thứ nhất là khiêm nhường, khiêm nhường và một lần nữa là khiêm nhường, nhân đức thứ hai là trinh khiết, nhân đức thứ ba là yêu mến Thiên Chúa. Là con gái của Mẹ, con phải đặc biệt chiếu tỏa những nhân đức này" (số 1415).

Vì khiêm nhường nên trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Mẹ chỉ một lòng tuân phục thánh ý của Thiên Chúa. Trong gia đình Nazareth thì Mẹ là một người vợ, một người mẹ hiền thục, bao dung, gương mẫu trong vâng phục. Chỉ cần xét lời Mẹ trong tiệc cưới Cana cũng đủ rõ: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." (Ga 2, 5). Nếu Mẹ không khiêm nhường thì với cương vị một người mẹ theo quan điểm trần gian, liệu Mẹ có hành xử như vậy không? Về nhân đức khiết tịnh của Đức Mẹ thì xin trích dẫn "Tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh" được Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín năm 649, như sau: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ” (DS 503). Đến nhân đức yêu mến Thiên Chúa, thì như đã nói ở trên, Đức Mẹ vẫn luôn luôn và mãi mãi là mẫu gương tuyệt hảo. Vì yêu mến Thiên Chúa hết lòng nên Mẹ mới vâng nghe Lời Thiên Chúa thông qua Sứ thần Truyền tin mà xin vâng, đồng thời còn khiêm nhường nhận mình là nữ tì của Thiên Chúa. Ấy là chưa kể Mẹ đã vâng nghe Lời Thiên Chúa (qua lời trối trăng của chính Người Con của Mẹ: Đức Giê-su Ki-tô), mà thương yêu tất cả mọi tín hữu và coi họ như những đứa con do mình sinh ra.

Ba nhân đức mà Đức Mẹ khuyên bảo Thánh nữ Faustina, phải chăng cũng là những lời dạy bảo chí tình chí nghĩa của Mẹ đối với đàn con Ki-tô hữu còn đang trên hành trình tiến về quê Trời để được cùng Mẹ hưởng phúc vinh muôn đời? Hiểu được như thế thì người Ki-tô hữu còn đợi gì mà không dọn sạch tâm hồn và dốc một lòng học theo mẫu gương nhân đức của Mẹ? Thực sự chỉ có như vậy và chỉ đến lúc đó chúng ta mới vui mừng, hãnh dịên được "nhờ Mẹ, con đến với Chúa" (Ad Jesum per Mariam), đến với lòng thương xót của Chúa, để được hân hoan thưa với Người: "Lạy Chúa! Con tín thác nơi Ngài". Amen

JM. Lam Thy ĐVD.