PDA

View Full Version : L - Lịch phụng vụ và Tình Chúa Thương Xót



Dan Lee
04-28-2011, 12:06 AM
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 05-2011



Theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội, Tháng Năm là Tháng Hoa dâng kính Mẹ Maria. Trong Tháng này chúng ta sẽ mừng các Chúa Nhật 2,3,4,5 và 6 mùa Phục Sinh. Ngoài ra chúng ta cũng có dịp mừng hai lễ kính Đức Mẹ: Lễ Đức Mẹ Fatima (ngày 13/5) và lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Isave (31/5)

CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH (n gày 1/5): (CHÚA NHẬT KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA). Bài Đọc 1 (Cv. 2:42-47) ghi lại đời sống đức tin của Giáo Hội tiên khởi tại Giêrusalem: Mọi người đều đoàn kết yêu thương, chia sẻ của cải cho nhau. Bài Đọc 2 (1 Phêrô 1:3-9): Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta hãy luôn “kiên vững trong Đức Tin qua mọi đau khổ và trăm chiều thử thách.” Bài Phúc Âm (Gioan 20: 19-31) ghi lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ và củng cố đức tin cho các ông, đặc biệt cho Tôma, và Chúa nói “phúc cho những ai không thấy mà tin.” Xin xem thêm bài “Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót.”

CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH: Bài Đọc 1 (Cv 2:14,22-33) ghi lại bài giảng của Thánh Phêrô cho đám đông về việc Chúa Giêsu đã sống lại thật. Bài Đọc 2 (1 Phêrô 1:17-21): Chúng ta đã được “cứu chuộc, không phải bằng vàng bạc hay hư nát; nhưng bằng máu châu báu Chúa Kitô,” Đấng đã chết để cứu độ chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 24:13-35) ghi lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi về quê hương Emmaus và củng cố Đức Tin cho các ông, và các ông đã vội vã trở về Giêrusalem để thuật lại mọi việc cho các Tông Đồ nghe để thêm lòng tin vào việc “Chúa Giêsu đã sống lại thật.”

Hôm nay cũng là ngày Vinh Danh Các Bà Mẹ: Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Bà Mẹ còn sống được khỏe mạnh và noi gương khiêm tốn của Mẹ Maria, sống dịu hiền với chồng, với con, và chung tay xây dựng gia đình đạo đức và hạnh phúc. Xin cho các Bà Mẹ đã qua đời được sớm về hưởng nhan Thánh Chúa.

CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH: Bài Đọc 1 (Cv.2:14,36-41) tiếp tục ghi lại bài giảng của thánh Phêrô, và đám đông đã được lòng tin vào Chúa Phục Sinh và “lĩnh nhận phép Rửa và gia nhập Giáo Hội Chúa.” Bài Đọc 2 (1 Phêrô 2:20-25): Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu đã “chịu bao nhiêu đau khổ, sỉ nhục để cứu chuộc chúng ta…” Chúng ta cũng hãy “nhẫn nhục chịu mọi đau khổ” trong cuộc sống. Bài Phúc Âm (Gioan 10:1-10): Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta biết “Chính Chúa là cửa dẫn vào Đoàn Chiên thật của Chúa” là Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã lập nên để hướng dẫn chúng ta đi theo “nẻo chính đường ngay” để về quê hương thật là Nước Trời.

CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH: Bài Đọc 1 (Cv 6:1-7) ghi lại việc các Tông Đồ chọn 7 vị Phó Tế đầu tiên để giúp các Tông Đồ phục vụ Dân Chúa, trong số đó có Thánh Stêphanô, vị Tử Đạo đầu tiên trong Giáo Hội. Bài Đọc 2 (1 Phêrô 2: 4-9): Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta là chúng ta đã được Chúa thương gọi và “tuyển chọn vào hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, là dân riêng của Chúa…” chúng ta hãy sống xứng đáng. Bài Phúc Âm (Gioan 14:1-12): Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Lòng chúng ta đừng xao xuyến, nhưng hãy vững tin nơi Chúa là Cha chúng ta luôn hiện diện giữa chúng ta.

CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH: Bài Đọc 1 (Cv 8:5-8, 14-17) ghi lại công việc truyền giáo của Thánh Philipphê, Phêrô và Gioan tại xứ Samaria. Các Ngài đặt tay trên các tín hữu và ban ơn Chúa Thánh Thần trên họ. Bài Đọc 2 (1 Phêrô 3:15-18): Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta là Chúa Giêsu đã chết để đền bù tội lỗi chúng ta. Chúng ta đã được trở nên con cái Chúa qua phép Rửa và được thánh hiến nhờ ơn Chúa Thánh Thần; chúng ta hãy luôn sống xứng đáng các tín hữu của Chúa. Bài Phúc Âm (Gioan 14:15-21) ghi lại lời Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần trên chúng ta, thánh hiến chúng ta; chúng ta hãy yêu mến Chúa và giữ các giới răn của Chúa.
Xin Chúa, nhờ lời Đức Mẹ và các Thánh chuyển cầu, chúc lành và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn.
Amen! Alleluia! Alleluia!


--------------------------------------


CHÚA NHẬT ‘TÌNH CHÚA THƯƠNG XÓT’

(DIVINE MERCY SUNDAY)

(CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH)



Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Thánh Bộ Phượng Tự đã ra quyết định chọn ngày Chúa Nhật II Phục Sinh là ngày Chúa Nhật “Tình Chúa Thương Xót” (giống như Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhât “Chúa Chiên Lành” “Good Shepherd Sunday”), để các tín hữu trên toàn thế giới dùng Chúa Nhật này suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với mọi người và toàn thể nhân loại. Tin tưởng ở lòng Chúa Thương Xót, chúng ta sẽ luôn vững lòng trông cậy, phó thác nơi Chúa khi gặp những thử thách, những biến cố khủng khiếp xảy ra cho mỗi ngừơi, mỗi gia đình chúng ta và thế giới.

Việc tôn sùng “Lòng Thương Xót Chúa” (Devotion to the Divine Mercy) đã được Chúa tỏ ra cho Nữ Tu Maria Faustina Kowalska (1905-1938) vào năm 1931 và bà đã hết lòng cổ động trong Giáo Hội (Xin xem: DIVINE MERCY IN MY SOUL, DIARY OF SAINT M. F. KOWALSKA). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn Bà lên bậc hiển Thánh ngày 30 tháng 4 năm 2000. Sau đây là một số đoạn Đức Thánh Cha đã viết về Chúa Nhật “Tình Chúa Thương Xót”:

“Cũng như Thánh Faustina, chúng ta cũng tuyên xưng rằng ngoài Tình Chúa Thương Xót, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại. Chúng ta cùng hết lòng tin tưởng kêu lên Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa”. Lời tuyên xưng hết lòng tin tưởng nơi tình thương toàn năng của Chúa, đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta, một thời đại mà nhân loại đang phải trải qua những hoảng sợ trước bao nhiêu những xuất hiện của sự dữ. Kêu cầu đến lòng thương xót của Chúa rất cần thiết để tự đáy tâm hồn đầy khổ đau, lo lắng, và bất ổn của chúng ta, luôn nổi lên một nguồn cậy trông vững chắc … Với con mắt linh hồn, chúng ta ước ao được nhìn vào con mắt của Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, để nhận ra nơi sâu thẳm trong cái nhìn của Chúa, phản ảnh đời sống sâu xa của Chúa; nơi đó chúng ta cũng nhận ra ân sủng mà chúng ta thường nhận được và Chúa vẫn tái ban hàng ngày cho chúng ta mãi mãi cho đến tận thế …’’

Chính Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi và là Thánh Thần Chân Lý, dẫn chúng ta trên đường đến với lòng Thương Xót của Chúa. Chúa Thánh Thần làm cho thế giới nhận ra tội lỗi, sự công chính, và “sự phán xét”(John16:8). Chúa Thánh Thần cũng cho chúng ta hiểu được ơn cứu rỗi trọn vẹn nơi Chúa Kytô. Càng nhìn nhận ra tội, càng dễ nhớ đến Thánh Giá Chúa Kytô. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta, qua Thánh Giá Chúa Kytô, nhìn nhận tội lỗi của mình, từng tội lỗi một với trọn vẹn sự dữ chứa chấp trong đó. Cũng qua thập giá Chúa Kytô, Chúa Thánh Thần cho chúng ta nhìn ra tội lỗi trong ánh sáng mầu nhiệm “Tình Chúa Thương Xót”: Đó là tình yêu của Chúa chứa đầy lòng thương xót và tha thứ; nhờ đó, sự nhận ra tội lỗi của mình đem lại lòng vững tin rằng tội có thể được xóa bỏ và con người được phục hồi trở lại tình trạng người con yêu thương của Chúa. Thánh Giá là một sự “hạ mình” sâu thẳm nhất của Thiên Chúa xuống tới nhân loại. Thánh Giá là sự hoàn tất cuối cùng của Tình Yêu muôn thuở của Chúa đối với những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người.

“Lạy Cha là Đấng Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh Hồn và bản tính Thiên Chúa của con yêu dấu của Cha, Chúa Giêsu Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và tội lỗi của toàn thế giới; nhờ những đau khổ trong cuộc khổ nạn của Người, xin thương xót chúng con và cả thế giới …”

Ngày nay, hơn lúc nào hết, thế giới cần đến lòng thương xót của Chúa. Ở mọi lục địa, từ sâu thẳm của những khổ đau của nhân loại, lời kêu xin lòng thương xót của Chúa hằng vọng lên khắp nơi. Nơi nào ghen ghét và lòng khát vọng trả thù ngự trị, nơi đó chiến tranh lại đem đến đau khổ và chết chóc cho những người vô tội; và nơi đó lòng Chúa xót thương lại cần thiết để đem lại sự ổn định cho tâm hồn và con tim nhân loại, và đem lại an bình. Nơi nào thiếu tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, nơi đó lại càng cần lòng thương xót Chúa; vì trong ánh sáng của tình thương xót của Chúa, chúng ta nhận ra giá trị tuyệt vời của mỗi con người.

Tình Thương Xót của Chúa rất cần thiết để những bất công trên thế giới được chấm dứt và ánh sáng chân lý được ngời sáng …

“Con xin cảm tạ Chúa, gần một năm trước đây đã ban ơn cho con để con tuyên bố cho toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh là ngày lễ Tình Thương Xót của Chúa”.

(ĐGH Gioan Phaolô II, “Chúa Nhật Tình Thương Xót Chúa” năm 2001).

“Trong ngày lễ “Tình Thương Xót”, lòng thẳm sâu của Tình Ta nhân từ xót thương mở ra. Ta tuôn đổ cả một đại dương ơn phúc cho những tâm hồn nào đến múc nguồn thương xót của Ta. Những ai ngày đó đi xưng tội, đi dâng lễ và rước lễ; sẽ nhận được sự tha thứ hoàn toàn mọi tội lỗi và mọi hình phạt”. (Trích nhật ký của Thánh Faustina).

(Mercy Sunday is the octave of Easter Sunday. We read in Scriptures that the octave of the feast is ‘the last and greatest day of the feast.’ (John 7:37).

God wants the whole world to know about His great mercy and to honor it on this special day. He promised: ‘On that day, the very dephts of my tender mercy are open. I pour out a whole ocean of graces upon those who approach the fount of my mercy. The soul that will go to confession (this can be satisfied during Lent) and receive Holy Communion, shall obtain complete forgiveness of sins and punishment. On that day, all the Divine floodgates, through which graces flow, are open.’ (Diary of St. Faustina, 699).

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: Xin Chúa thương đến nhân loại khổ đau; vì trong thế giới chúng ta hôm nay còn nhiều hận thù và chia rẽ; xin cho nhân quyền, phẩm giá, sự sống, và tự do, nhất là tự do tôn giáo được tôn trọng ở khắp nơi; xin cho Hòa Bình và Hạnh Phúc thật sự trở lại Miền Trung Đông và nơi nơi trên thế giới.

Xin Chúa Thương Xót Chúng con!

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)