PDA

View Full Version : T - Thầy Đã Nêu Gương



Dan Lee
04-20-2011, 10:05 PM
Thầy Đã Nêu Gương

Trong bài Tin Mừng của Thánh lễ Tiệc ly hôm nay, chúng ta có nghe Chúa Giêsu nói một câu: “Thầy đã nêu gương cho anh em”. Gương đó là gì, thì qua tường thuật Tin Mừng chúng ta cũng đã được biết. Đó là: Chúa rửa chân cho các môn đệ. Tại sao việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ lại là một mẫu gương cho các tông đồ xưa phải noi theo và chúng ta ngày nay phải bắt chước?

Để thấy rõ được tấm gương đó, trước hết, chúng ta cần trở về với văn hóa, phong tục của người Do Thái lúc bấy giờ. Với người Do Thái xưa kia, rửa chân là công việc của người tôi tớ làm cho ông chủ, cũng như cho bạn bè, quan khách của ông chủ. Và không chỉ nô lệ làm cho chủ, mà các môn đệ của các rabbi Do Thái cũng được dạy làm việc này một cách cẩn thận cho thầy của họ. Việc làm này dường như thường xuyên phải thực hiện, vì hai ngàn năm trước, khi mà đường sá còn hoang vu, gồ ghề, nhất là vùng đất Palestin, vào mùa nắng nóng, có những con đường bụi cát dày hai, ba phân; và thời đó người ta cũng không có dày ống cao, không có vớ để mang; dép chỉ là một miếng gỗ làm đế và vài cái dây quấn quanh bàn chân. Vì thế, khi ra đường thì hai bàn chân rất dễ lấm bụi. Cho nên, để ông chủ được sạch sẽ mỗi khi ra đường về, cũng như để khách đến nhà chủ vui chơi, dự tiệc được sạch sẽ và cảm giác thoải mái, thì người nô lệ múc một chậu nước và cầm khăn lau đứng trước cửa để làm công việc rửa chân. (theo William Barlay)

Trong một nền văn hóa như thế, lẽ ra, khi bước vào một đại tiệc Vượt Qua, nhất là bữa tiệc diễn ra chỉ sau vài ngày dân chúng hoan hô, nghênh đón Đức Giêsu vào thành như Thái Tử nhà Đa-vít, thì các môn đệ càng phải lo rửa chân cho Thầy mình hơn người nô lệ lo rửa chân cho ông chủ mới phải! Thế nhưng, giữa lúc đó, khi mà Đức Giêsu nói lại cho họ biết ngày giờ đau khổ của Người gần kề, thì có lẽ các ông nhớ lại sự cạnh tranh giữa các ông xem ai là người lớn nhất lúc mà Chúa công bố cuộc khổ nạn lần thứ hai (x. Mc 9,30-34). Có lẽ các ông cho rằng Thầy đã từng bất bại trước cả ma quỷ, thì sức mạnh ác nhân sẽ chẳng thể làm gì được Người, nên các ông chuẩn bị trong tư thế những người sẽ chiến thắng cùng Thầy, để rồi quên bổn phận của một đồ đệ là lo lấy nước rửa chân cho Thầy, mà ngồi đó mơ tưởng vị trí lớn bé. Họ quên đi rằng, mình chỉ là một thụ tạo đang trước Đấng tạo hóa, mình đang là một thần dân đứng trước Thái Tử hòa bình, mình đang là một “học trò tối dạ” đứng trước một minh sư hơn cả “vạn thế sư biểu”. Các tông đồ đâu biết: các ông so với Đức Giêsu thì các ông còn thấp kém bội phần so với một nô lệ đối với một ông chủ, thua kém muôn trùng so với một môn đệ đối với một rabbi. Thế nhưng, các ông đã quên đi văn hóa, tập tục của mình; quên đi cả gốc gác thân thế của mình, mà chỉ biết đấu tranh đòi cho mình sẽ là người chỉ “đứng sau Đức Giêsu mà thôi” (x. Mc 10, 35-37), tức là mình không phải là người phải rửa chân, mà là người được rửa chân. Mình là ông lớn, là bậc thầy, chứ không phải là nô lệ, học trò! Giữa lúc đó, Chúa Giêsu đã quên đi phẩm vị Thiên Chúa của mình, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ - thụ tạo thấp hèn. Chúa không làm việc đó như một hành động phản ứng tức thì trong sự tức bực các môn đệ không lo rửa chân cho Người - các ngươi không làm cho Ta thì Ta làm cho các ngươi; Ta làm cho các người biết mà lấy làm hổ thẹn. Không phải thế! Chúa đã từng không “đòi cho được duy trì trong địa vị là Thiên Chúa” nói như thánh Phaolô (x. Pl 2,6), thì hành động rửa chân cho các môn đệ có thể nói là một hành động Người chờ đợi, chờ đợi để đi dần đến chỗ “yêu thương họ cho đến cùng”, như câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay nói.

Nếu Đức Giêsu không rửa chân cho các môn đệ trong một tâm tình thật sự khiêm hạ, trong thái độ xóa mình, thì làm sao trong nay mai Người có thể sẽ chịu chết trên cây thánh giá một cách nhục nhã, đau thương!? Trong tình yêu, trước những công việc càng khó khăn và hèn mọn mà người ta vẫn dám làm thì họ mới chứng minh được mình có một tình yêu lớn lao và chân thành dành cho người mình yêu. Chúa là Đấng vĩ đại. Đấng vĩ đại không thể yêu bằng một tình yêu nhỏ mọn và giới hạn được! Người phải là Đấng yêu đến tột cùng và yêu đến vô biên. Có lẽ chính vì thế mà Người không muốn dừng lại tình yêu nơi việc rửa chân mà thôi, mà theo như các tác giả Nhất lãm, thì liền sau đó, Người còn lấy chính thịt máu mình, sự sống của Thần Linh, để làm cho các môn đệ, cho nhân loại nên thần linh, nên cao trọng hơn cả ông chủ trần gian, hơn cả một rabbi (việc rửa chân hẳn phải diễn ra trước khi Thầy trò dùng tiệc thì nó mới đúng tập tục thời đó). Yêu đến tận cùng là yêu không còn dành lại cái gì cho mình: trao ban trót sự sống – chết vì yêu. Yêu đến vô biên là: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể để ở lại với loài người cho đến tận thế, như niềm tin chúng ta tuyên xưng. Nếu như Đức Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa nhập thể, là “lời” mà Thiên Chúa đã dùng để sáng tạo toàn thể vũ trụ này, thì việc Người hiện diện thực sự nơi bí tích Thánh Thể chẳng có gì là khó khăn đối với Người!

Đức Giêsu là Thiên Chúa mà còn sống bằng một tình yêu phục vụ, thì chúng ta là những Kitô hữu không thể chứng tỏ bản chất của mình khi chúng ta không sống theo mẫu gương tình yêu phục vụ của Chúa. Nếu như thế, thì hôm nay, ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh lễ tôi tưởng niệm Chúa Giêsu lập chức linh mục và bí tích Thánh Thể, phải là ngày đặc biệt để cho tôi – là linh mục hay tín hữu – suy nghĩ về cách thế để tôi có thể biểu lộ “yêu cho đến cùng” theo gương Thầy Giêsu. Tôi không thể yêu đến độ hy sinh mạng sống vì người mình yêu nếu hằng ngày tôi không dám hy sinh một chút nóng nảy, một chút giận hờn, một chút tự ái, một chút danh dự, một chút thời gian, một chút sức khỏe, một chút tài năng, một chút của cải, một chút thèm khát nhục dục, một chút bất công... Một khi đã quen hy sinh những cái nhỏ, thì rồi tôi mới hy vọng hy sinh được điều lớn lao hơn. Hành trình dày khởi đi từ bước nhỏ, nói theo kiểu Lão Tử; tòa nhà cao bắt đầu từ những viên gạch nhỏ bé dưới thấp, chuyện ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Muốn yêu nhiều, yêu lớn phải khởi đi từ những yêu thương nhỏ bé và đơn sơ.

Mong sao lời cầu nguyện sau đây của cha Galot sẽ là lời cầu nguyện và lẽ sống của chúng ta:


Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con một tâm hồn

theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh.

Một tâm hồn trong trắng,

cố tránh những ô uế nhỏ mọn

để luôn xứng đáng với Chúa.

Một tâm hồn khiêm hạ

tìm kiếm chỗ nhỏ bé,

nhưng luôn luôn muốn bày tỏ

một tình yêu lớn lao.

Một tâm hồn đơn sơ

không biết đến những phức tạp của ích kỷ,

và tìm hiến dâng mà không đời lại.

Một tâm hồn lặng lẽ,

hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình

không được người khác biết đến.

Một tâm hồn nghèo khó,

chỉ làm giàu cho mình

nhờ chiếm được chính Chúa.

Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,

quan tâm đến những nhu cầu

và ước muốn của họ.

Một tâm hồn luôn kết hợp với Chúa,

và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.

Anthony Hoàng