PDA

View Full Version : T - Trăn trối



Dan Lee
04-20-2011, 09:58 PM
Trăn trối


Nói đến động từ trăn trối là nói đến người sắp chết. Nỗi buồn lan tỏa. Màu tím đượm sầu. Im lặng trĩu nặng. Sâu lắng. Xúc động. Khi chứng kiến một người hấp hối, người ta không khỏi ngậm ngùi, mức độ ngậm ngùi tăng theo tỷ lệ thuận với mức độ thân thích. Có những giọt nước mắt không thể kiềm chế nên chúng tự do trào ra và lăn dài, cõi lòng đau nhói.

Chết là nỗi đau khổ nhất, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, và “dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8). Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá cũng bị coi là thất bại ê chề! Chết là thất bại lớn nhất của nhân loại. Hầu hết con người đều sợ chết, nhưng vẫn có những con người không tham sống, không sợ chết, dám liều thân vì chính nghĩa. Và người sắp chết luôn nói thật.

Trước khi chết, nếu còn gì cần nhắn nhủ, người ta sẽ trăn trối bằng cả tấm lòng. Người nghèo thì chỉ có di ngôn, người giàu thì làm di chúc (chia của cải, đất đai cho con cháu). Đức Kitô quá nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo đúng nghĩa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20; Lc 9:58), đến chết cũng bị lột trần. Không chỉ nghèo về vật chất mà Ngài còn “trắng tay” cả về tình cảm: 11 người trong 12 người thân tín nhất của Ngài cũng đang tâm bỏ rơi Ngài. Ngài “trở nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy ngoài đường thì ai cũng tránh xa” (Tv 31:12). Nghèo tột cùng trong nỗi cô đơn cùng cực. Ngài nghèo tới mức không còn thể nghèo hơn. Còn ai nghèo hơn Ngài không?

Vì quá nghèo như thế nên Ngài không có của cải để di chúc, mà chỉ có di ngôn: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12), là luật sống mà Ngài gọi là “điều răn mới” (Ga 13:24) và là dấu chỉ để thiên hạ nhận biết ai là môn đệ của Ngài (Ga 13:35). Ngài không bông đùa, không nói suông, không bóng gió. Phúc âm theo thánh sử Gioan đã nhắc đến động từ “yêu thương” 14 lần, điều đó càng chứng tỏ yêu thương là điều rất cần thiết, như điều kiện ắt có và đủ. “Luật yêu thương nhau” chính là di ngôn trăn trối của Chúa Giêsu cho mỗi chúng ta trước khi Ngài bị giết chết.

Trong tình yêu chân thật, khoảng cách nhỏ nhất cũng là quá xa, và khoảng cách xa nhất cũng có thể bắc cầu (Hans Nouwens). Tình yêu thương không có biên giới. Cụ thi hào Nguyễn Du đã cảm nhận: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Biết cách chấp nhận thì lòng thanh thản. Còn nhạc sĩ Vũ Thành An, khi chưa làm phó tế vĩnh viễn, đã viết trong một Bài Không Tên: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa”. Cuộc đời là thế, và Chúa Giêsu đã chịu tình cảnh thế thái nhân tình như vậy. Tuy nhiên, Ngài không cần chúng ta khóc thương Ngài, như Ngài nói với các phụ nữ Giêrusalem: “Đừng khóc thương Tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Chúa chỉ muốn chúng ta noi gương Ngài mà yêu thương nhau thật lòng.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chỉ là hạt bụi li ti mà làm bận mắt Ngài. Xin giúp chúng con biết thực hiện đúng di ngôn của Ngài để ích lợi cho chính chúng con, chứ chẳng ích lợi gì cho Ngài. Xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận thực tế – dù phũ phàng, biết đón nhận đau khổ là niềm hãnh diện về Thập giá (Gl 6:14).

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU



Thứ Năm Tuần Thánh – 2011



Chia tay hoàng hôn

Chia ly là điều buồn, càng xa và càng khó gặp nhau thì nỗi buồn càng tăng. Buồn khôn tả. Buồn đến chết được. Còn gì buồn hơn lời “chia tay hoàng hôn”? Giây phút chia ly càng gần thì nỗi lưu luyến càng tăng. Có người nói trong nghẹn ngào nước mắt, có người không nói nên lời, chỉ biết nước mắt thay lời muốn nói. Nhưng sinh ly tử biệt là điệu ru buồn thảm nhất!

Chúa Giêsu không chỉ trong cảnh sinh ly tử biệt bình thường mà còn đối mặt với nhục hình và cái chết thảm thương. Người ta vui mừng thì Ngài đau khổ. Nhưng khi người ta khóc thì Ngài rất “cứng rắn”. Sau khi chịu nhiều đau khổ cùng cực, cả tinh thần và thể lý, Ngài vẫn bình thản nói những lời cuối đầy yêu thương tha thiết – gọi là “bảy viên ngọc quý”, hoặc thường quen gọi là “bảy lời cuối” của Chúa Giêsu trên Thập giá.

1. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không hiểu việc họ làm” (Lc 23:24).

Cả đời Chúa Giêsu dạy yêu thương. Yêu thương thì phải tha thứ. Nói yêu thương mà không tha thứ là nói dối, tự lừa dối chính mình. Ngài đã không dạy suông mà Ngài còn làm gương: Không phê phán người phụ nữ ngoại tình, thăm hỏi phụ nữ Samari, vui với trẻ em, không đòi hỏi được phục vụ, chữa khỏi nhiều bệnh tật, nâng đỡ người yếu kém, cho người đói được ăn no, giúp đỡ người nghèo hèn, hạ mình rửa chân cho người khác, tha thứ kẻ lầm lỗi, tha thứ cho chính những kẻ đã đang tâm bán đứng Ngài và giết chết Ngài.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương tha nhân vô điều kiện, không chỉ mở rộng tấm lòng mà còn mở rộng cả đôi tay, biết NÓI và biết LÀM như Ngài. Đây đó còn biết bao người khốn khổ về tinh thần và thể lý, thiếu thốn ngay cả những điều kiện sống cơ bản nhất, xin Chúa thương xót họ cách đặc biệt.

2. “Ngay hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng cùng Tôi” (Lc 23:43).

Không ai may mắn và hạnh phúc như tử tội Dimas, kẻ chịu đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Dima là một tội-nhân-thánh-thiện, là người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ và được đặt chân vào Thiên quốc. Sớm muộn gì thì ai cũng “lĩnh lương” đồng đều: Một đồng, nhưng là một đồng vô giá.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết quên mình, bằng lòng với những gì mình có để không ghen tương đố kỵ người khác, và biết chân nhận rằng tất cả đều là hồng ân Chúa ban, ngay cả những gì chúng con sở hữu cũng có liên đới người khác: Vật chất, điều tốt và điều xấu, thậm chí là tội lỗi.

3. “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ” (Ga 19:26).

Tình Mẫu Tử luôn thiêng liêng mặc vẻ bí ẩn, không dễ gì hiểu hết. Nhóm Mười Hai chỉ còn Gioan sát cánh bên Mẹ và cùng Mẹ đứng ngậm ngùi dưới chân Thập tự chứng kiến Chúa Giêsu hấp hối. Mẹ thương con mà không thể làm gì hơn, nhìn con mà Mẹ chết lặng. Con cũng thương Mẹ lắm, vì “lá xanh rụng trước” mà chữ hiếu chưa tròn. Ngài không muốn Mẹ buồn nhiều nên xin Mẹ nhận Gioan làm con để thay Ngài an ủi và chăm sóc Mẹ. Lòng Mẹ và lòng Con đều trăm mối tơ vò, đều tan nát. Thánh Gioan thật diễm phúc, nhưng trọng trách rất cao.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết quan tâm và sống chan hòa với mọi người trong đại gia đình nhân loại, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp, địa vị. Xin giúp chúng con luôn biết sẵn sàng chia sẻ mọi sự với mọi người, nhất là những người gặp khó khăn nhất.

4. “Cha ơi! Sao Cha bỏ rơi con?” (Mt 27:46).

Khi vui người vỗ tay vào, khi buồn chẳng thấy ma nào hỏi han! Đó là chuyện thường tình trong thế giới loài người. Chúa Giêsu cũng đồng cam số phận như chúng ta. Paul Claudel nhận định: “Chúa xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau”. Ở Chúa Giêsu, tất cả những nỗi đau khổ, nhục nhã, cô đơn,… đều tới mức tột đỉnh. Chúng ta không thể nào chịu nổi, và Ngài biết rõ như vậy. Lời Ngài thốt lên tưởng chừng tuyệt vọng đó lại chính là lời động viên chúng ta phải nỗ lực không ngừng, như thánh Phaolô khuyên: “Dù hoang mang nhưng đừng tuyệt vọng” (x. 2 Cr 4:8).

Lạy Chúa, xin dạy chúng con kiên vững đức tin trong mọi hoàn cảnh, không nản chí sờn lòng, luôn cầu nguyện thành tâm và liên lỉ. Xin giúp chúng con giữ vững hy vọng ngay trong những lúc thất vọng nhất để đồng lao cộng khổ với Ngài, lập công cho chính chúng con và cứu rỗi các linh hồn.

5. “Tôi khát” (Ga 19:28).

Nhịn ăn nhịn uống từ sau Bữa Tiệc Ly tối hôm trước cho đến chiều hôm sau, sức kiệt hơi tàn, Chúa Giêsu kêu “khát” thì người ta lại cho Ngài nếm giấm chua! Ngài khát đến kiệt sức về thể lý, nhưng điều khiến Ngài “khát” đến tột cùng là động thái đáp lại Tình Ngài đã dành cho chúng ta một cách trọn vẹn và vô điều kiện, ngay khi chúng ta hoàn toàn bất xứng: Tội nhân!

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sẵn sàng và mau mắn theo tiếng gọi của trái tim là yêu mến Ngài hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Xin giúp chúng con biết khao khát yêu thương và thể hiện tình yêu ấy qua tha nhân.

6. “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30).

Có khởi đầu thì có kết thúc. Mọi sự đều qua đi, chỉ có tình yêu là bền vững. Ngay chính ba đức đối thần (tin, cậy, mến) thì cuối cùng cũng chỉ còn đức mến. Yêu mến hoặc yêu thương không chỉ quan yếu ở đời này mà còn quan yếu cả trên Nước Trời, khi tất cả chúng ta đã thuộc trọn về Chúa. Chúa Giêsu hoàn tất công trình cứu độ, Ngài cũng muốn chúng ta hoàn tất công việc thường nhật, dù là những việc nhỏ nhất, việc đạo hay việc đời, hoàn tất trong ý thức trách nhiệm chứ không làm chiếu lệ cho qua lần. Đó là bổn phận sống với chính mình và với tha nhân. Lm Pierre xác định: “Con người chỉ được cứu độ khi trở thành người cứu độ”.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống đúng bổn phận từng ngày và hoàn tất bằng chính nỗ lực của chính mình chứ không ỷ lại mà cậy vào người khác, nhất là đừng bao giờ lợi dụng công sức của người khác để nhận là công lao của mình.

7. “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Giây phút cuối còn trên cõi đời, Chúa Giêsu không hề lưu luyến thế gian, Ngài tín thác và hạnh phúc trao phó linh hồn cho Chúa Cha. Ngài thanh thản về cùng Chúa Cha sau khi sứ vụ cứu độ đã được Ngài hoàn tất vẻ vang. Đó là bài học Ngài dạy chúng ta về niềm tín thác nơi Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, tín thác trong mọi sự, tín thác vô điều kiện, tín thác như Abraham ra đi theo tiếng Chúa gọi dù tay trắng và sẵn sàng hiến tế chính đứa con yêu duấ của mình. Chắc chắn rằng “ai tín thác vào Ngài sẽ không phải thất vọng” (x. Rm 10:11; 1 Pr 2:16).

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tín thác và dấn thân phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân, không ngần ngại “vác tù và hàng tổng” vì Danh Chúa, để Ngài càng LỚN lên thì chúng con càng NHỎ lại.

Chúng con thật lòng cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng con nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, cảm tạ Đức Kitô đã đến, đã chịu chết và phục sinh “để cho chúng con được sống và được sống dồi dào” (Ga 10:10), và cảm tạ Chúa Thánh Thần đã soi lòng mở trí chúng con. Amen.

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
Tam nhật Vượt Qua – 2011