PDA

View Full Version : T - Tiến Trình Đức Tin



Dan Lee
04-20-2011, 08:50 PM
TIẾN TRÌNH ĐỨC TIN


Một trong những đòi hỏi quan trọng nhất của việc đi theo Chúa, đó là Đức Tin.
Chắc chắn đức tin không phải là một mớ giáo lý mà ta đã học, cũng không phải là một sự chinh phục, mà là một ân ban. Nhờ ân ban ấy, con người có được một lối sống tin tưởng, chủ động theo Chúa. Lối sống đó là soi mình dưới bóng Chúa qua từng biến cố của cuộc đời. Nghĩa là biết đáp ứng bằng đức tin trong mọi tình huống.

Những tiến trình thường gặp

Gặp khó khăn. Khi khó khăn, ta mới cậy dựa và tìm đến Đấng phù trợ ta. Mục đích của Chúa trong bước đầu này là để cho người theo Chúa biết vận dụng đức tin.

Gặp khủng hoảng. Đó là lúc ta rơi vào bước đường cùng, rơi vào cảnh tuyệt vọng, các nhà tu đức gọi đây là đêm tối của đức tin. Mục đích để cho người theo Chúa phải dẹp bỏ cái tôi hoàn toàn, hầu không còn tự mãn tự kiêu, không còn bám vào mình hay vào bất cứ thứ gì chóng qua nữa. Ta phải chết đi cho con người cũ để đón nhận con người mới hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô.

Khi khặp khủng hoảng, hoặc ta nghi ngờ, chửi rủa, chống đối, bỏ Chúa, hoặc ta cúi đầu vâng theo và chọn Chúa. Tất cả tuỳ thuộc vào lúc này.

Hình ảnh Phaolô té ngựa thật đẹp. Hay như một người bị té từ trên núi xuống, tuy có nắm được một cành cây bên vách núi, nhưng ngàn cân treo trên sợi tóc. Thật khủng hoảng. Nhưng khủng hoảng hơn là phải buông tay khỏi cành cây thì mới được Chúa cứu thoát.

Gặp được Chúa. Khi ta buông bỏ mọi sự, đã trở về con người nguyên tuyền thuở ban đầu, Thiên Chúa sẽ tỏ lộ cho biết lý do tại sao Ngài để cho người theo Chúa phải gặp khó khăn. Nói khác đi, Chúa cho biết đường lối, chương trình và ý muốn của Ngài cho người đi theo. Đây là lúc rất quan trọng, tất cả tuỳ thuộc vào quyết định của ta: theo Chúa hay từ chối.

Huấn luyện. Chấp nhận theo Chúa, thì phải đáp ứng việc huấn luyện của Ngài, trước hết bằng việc ăn năn sám hối và tin cậy hoàn toàn. Việc làm này dẫn ta đến một thái độ sống là không trách móc than vãn vì biết rõ thân phận thật của mình, thân phận học trò, thânphận tôi tớ ; không chán nản thất vọng vì những điều Chúa để cho xảy đến trong cuộc sống. Trái lại, là biết cám ơn Chúa về những điều đó. Hình ảnh đẹp là Mẹ Maria, khi đã chấp nhận xin vâng thì luôn để cho Chúa hoạt động trong đời mình.

Quyền năng Chúa tỏ bày. Chúa thể hiện quyền năng của Ngài trong đời sống của người theo Chúa, bằng cách giúp cho họ chiến thắng được cám dỗ, hay một tội lỗi nào đó mà xưa nay họ chưa bỏ được... Dù việc Chúa được thực hiện bằng cách nào, điều quan trọng trong giai đoạn này vẫn là: người theo Chúa không còn lý luận đúng sai, không còn hơn thiệt, mà hoàn toàn phó thác vào Chúa. Đức tin của họ không còn phải là lý thuyết mà là một cảm nghiệm không thể thiếu được trong cuộc đời.

Chúa cho biết số phận của những người đi theo. Chúa nói: "môn đệ không hơn thầy được" (Mt 10,24). Hơn ở đây có nghĩa là không thể không chịu một số phận hẩm hiu như Chúa được. Ta cũng sẽ bị khai trừ, bị bắt bớ, bị đòn vọt và cuối cùng bị giết chết. Nhưng hãy nhớ: “Nếu ta đã cùng chết với Chúa Kitô thì cũng sẽ được sống lại với Người”(Rm 6,8).

Đau khổ và chết chóc ư ? Ta đừng sợ người đời, vì Chúa nói: "Người ta chỉ có thể giết được thể xác của các con, nhưng không thể làm gì được linh hồn của chúng con" (Mt 10,28).

Với đức tin chúng ta phải xác tín rằng, mọi sự đều nằm trong chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng đã quả quyết rằng: "Mọi sợi tóc trên đầu các con đều đã được đếm cả rồi”(Lc 12,7). Xác tín như thế, người theo Chúa sẽ luôn được bình an nơi tâm hồn.

Đời sống của người có đức tin

Trong ngoài thống nhất

Có hai người bộ hành đi đường xa. Đêm đến họ phải vào một cái miếu để ngủ nhờ. Đây là một ngôi miếu nổi tiếng có nhiều ma. Bầu không khí lạnh lẽo đến rợn người, làm cho hai người khách bộ hành cảm thấy sợ khi đã vào trong miếu.

Trong hoàn cảnh này người không Công giáo nói với người bạn Công giáo rằng: Anh làm ơn cho tôi mượn cây thánh giá đang đeo ở cổ anh đi. Tôi sợ quá! Hy vọng rằng cây Thánh giá của anh sẽ làm cho tôi bớt sợ.

Người Công giáo đã gỡ thánh giá ra và đeo vào cổ cho người bạn. Và hai người tiếp tục ngủ.
Trời về khuya, yêu tinh xuất hiện, nó rờ vào cổ của người Công giáo, tính sát hại người này, bỗng nó thốt lên: người này tuy không mang trên mình một dấu hiệu Kitô nào. Nhưng bên trong nó có ông Kitô.

Đến người không Công giáo, yêu tinh chạm đến cây thánh giá người này đeo ở cổ, nó thốt lên: Mang thánh giá ở cổ à, nhưng nó đâu có ông Giêsu. Thánh giá hả, không thành vấn đề, vì người này có ngoài mà không có trong. (sưu tầm)

Là người theo Chúa Kitô, chúng ta mang trong mình nhiều ảnh tượng của Ngài. Lý tưởng là nên một với Ngài. Nhưng có nên một không, liệu tâm hồn ta có phải là tâm hồn đầy Chúa? Đời sống ta có phải là một biểu lộ những gì chúng ta tuyên xưng? Hay ta chỉ có cái vỏ Công giáo hào nhoáng bên ngoài, mà bên trong chúng ta chất chứa toàn là những cặn bã, thối tha?

“Của Xêda trả về xêda, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” (Mt 12,17), ta đừng hiểu sai hay lợi dụng câu trên mà chia cuộc đời ta làm nhiều mảnh, nhiều ô, nhiều khoang: ở chợ, ở phố, ở trường, ở công viên, ở nhà thờ, rồi ta hành xử bằng nhiều khuôn mặt khác nhau:


Khuôn mặt rất hiền từ khi đi lễ và tham dự các việc đạo đức.
Khuôn mặt rất tức tối khi gặp chuyện không vui ở cuối nhà thờ.
Khuôn mặt rất hung dữ khi gặp điều không vừa lòng lúc ở nhà.
Khuôn mặt thật hung ác khi gặp dân bụi đời, côn đồ lúc ngoài đường.
Khuôn mặt rất khiêm nhường khi gặp thầy cô giáo.
Khuôn mặt rất hân hoan khi nhận quà.
Khuôn mặt rất phấn khởi khi đi hội hè, phố chợ.
Khuôn mặt rất nhẫn nại khi nhờ vả người khác.

Cuộc sống như thế thì ta quả là những con rối, là những khuôn mặt cải lương đóng các vai diễn trên sân khấu.

Ta phải sống với con người thật của mình. Thật từ trong tâm trong tim và cái thật chân thành ấy toát ra bên ngoài bằng cuộc sống quân bình, thống nhất đời sống. Nói như thánh Phaolô thì tuyệt với: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

THANH THANH