PDA

View Full Version : H - Hoan Hô - Đả Đảo



Dan Lee
04-13-2011, 07:04 AM
HOAN HÔ – ĐẢ ĐẢO


Chúa nhật Lễ Lá Giáo Hội tưởng niệm Chúa Giê-su Ki-tô vào thành Giê-ru-sa-lem để hoàn tất Mầu nhiệm Vượt Qua. Ngày lễ hôm nay gồm 2 phần chính: Phần đầu là cuộc rước kiệu lá kính nhớ Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a (Mt 21, 1-10); phần thứ hai làThánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Có một nhận định xem ra có vẻ khó hiểu và khắc nghiệt: “Giữa Chúa nhật Lễ Lá và Thứ sáu Tuần Thánh phản ánh cả cuộc đời Ki-tô hữu”. Tuy nhiên, bình tâm mà suy xét sẽ thấy tuy khó hiểu và khắc nghiệt, nhưng lại rất chính xác. Nói cách cụ thể thì Chúa nhật Lễ Lá và Thứ sáu Tuần Thánh phản ánh đúng thực chất tâm trạng con người (nói chung), và cách riêng là các Ki-tô hữu. Chúa nhật Lễ Lá dân chúng Do thái hoan hô, chúc tụng Chúa Ki-tô rất nồng nhiệt, bằng những lời lẽ tưởng chừng như chân thành nhất (“Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21, 9); vậy mà chỉ mấy ngày sau, cũng chính những người hoan hô ấy lại hò reo: "Đóng đinh nó vào thập giá!" Thậm chí khi Tổng trấn Phi-la-tô thấy không cứu vãn được tình thế, đã lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!" thì đám đông còn gào thét như thách thức: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! " (Mt 27, 24-25). Thế đấy! Thì ra giữa hoan hô và đả đảo chỉ là một khoảng cách rất mong manh, mong manh còn hơn cả một “sợi tóc” (xc. “Sợi Tóc” – Thạch Lam).

Truyện ngắn “Sợi Tóc” của Thạch Lam (trong Tự Lực Văn Đoàn – tiền chiến) kể câu chuyện của một nhân vật tên Thành tự thuật tâm trạng mình trong một lần định chôm ví tiền của bạn. Từ ý định nảy sinh khi thấy bạn để nhiều tiền trong ví (bóp), đến những toan tính, những kế hoạch tiến hành, và cả đến những dự phòng rủi ro khi bị phát giác, đều được Thạch Lam miêu tả rất tinh tế và tỉ mỉ. Cuối cùng thì Thành không thực hiện ý đồ ăn cắp, và ngạc nhiên tự hỏi “tại sao mình vẫn còn là người lương thiện ?”. Thành nghĩ: “Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ là cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ”. Tác giả kết luận: “ranh giới giữa cái ‘thiện’ và cái ‘ác’ chỉ là một ‘sợi tóc’ mong manh, không hơn không kém”. Quả thật ranh giới giữa cái thiện và cái ác ở cuộc đời này rất mong manh, mong manh như một sợi tóc. Đến như khoảng cách giữa hoan hô và đả đảo thì cũng chẳng khác gì. Hôm nay hoan hô, ngày mai đả đảo; sáng mới hoan hô, chiều đã đả đảo; thậm chí vừa mới hoan hô đấy, lại đả đảo liền, lập trường cứ xoay như chong chóng. Lại phải chua xót nhắc lại ở đây: nhân tình thế thái là thế, xưa hay nay cũng vậy thôi.

Nhận đinh trên xem ra có vẻ khắc nghiệt thực sự. Khổ một nỗi, nhận định ấy lại không xa sự thực chút nào, thế mới chết một cửa tứ. Vâng, tôi vừa mới "hoan hô" một ông tổng thống, nhưng khi nghe phía đối lập phản đối, hạ bệ ông ta, tôi lại thấy cũng đúng, và cũng "đả đảo" liền. Đấy mới chỉ là nói về những sự kiện hữu hình xảy ra trên bình diện xã hội loài người, riêng về mặt tâm linh thì còn hơn thế nữa kia. Trong khi tôi vừa ở toà hoà giải ăn năn sám hối về những lỗi phạm của mình, mới chỉ bước khỏi toà vài bước nếu gặp chuyện trái ý thì ngay lập tức nổi đoá văng tục liền (dù có thể chưa văng thành lời nói trên miệng, thì cũng thầm thĩ trong lòng!), vừa mới rước lễ trong thánh lễ, ra khỏi nhà thờ gặp phải một "người bạn quấy rầy" thì lập tức biểu lộ "nộ khí xung thiên" ngay.

Ôi chao ! Nhiều, nhiều lắm những cảnh tôi vừa mới tuyên xưng đức tin, tôn vinh Thiên Chúa, thì ngay lập tức tôi đã chối bỏ và thậm chí còn đóng đinh Chúa vào thập giá. Như thế thì chẳng phải cái ranh giới giữa hoan hô và đả đảo còn mong manh hơn cả sợi tóc đó sao? Cứ nhìn vào các Tông đồ tiên khởi thì đủ biết : Vì sao các ngài đi theo Đức Ki-tô ? Vì tin tưởng Người chính là vị cứu tinh cho cuộc đời của mình. Cụ thể như Phê-rô khi nghe Đức Ki-tô hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" thì tuyên xưng liền: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16, 16) và khi nghe Thầy tiên báo sẽ chối Thầy, thì ngay lập tức khẳng định chắc nịch : "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy". Thực ra, cũng không chỉ có một mình Phê-rô đâu, mà "Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mt 26, 35). Như vậy thì chẳng phải là hoan hô đó sao? Nhưng đến khi Thầy gặp nạn thì "Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết" (Mt 26, 56), còn Phê-rô lẽo đẽo theo sau và chỉ cần một tớ gái nhà Cai-pha vặn hỏi đã vội vàng "Tôi thề là không biết người ấy." (Mt 26, 74). Bỏ trốn hết, chối Thầy như vậy thì có khác gì đả đảo?

Ngày xưa thì như thế, còn ngày nay hẳn là còn hơn thế nữa là cái chắc. Ở Việt Nam tuy có gần 130.000 người chấp nhận cái chết chớ không chịu đả đảo Ki-tô (bước qua, đạp lên thánh giá, bỏ đạo), nhưng con số người sẵn sàng đạp lên thánh giá (chớ đừng nói chỉ bước qua), sẵn sàng gỡ bỏ bàn thờ để chưng hình lãnh tụ (đả đảo Giê-su, hoan hô lãnh tụ), sẵn sàng ghi vào sơ yếu lý lịch là "không tôn giáo"... thì không hiểu còn đông gấp bao nhiêu lần? Ngay đến cả những người bề ngoài thi rất siêng năng đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, nhưng chỉ cần một người nghèo khó (một hành khất chẳng hạn) đến "quấy rầy" thì ngay lập tức "Không có gì hết! Cút đi chỗ khác!" Than ôi ! "Ngày xưa Ta khát..., Ta đói... " thì ngươi đã đối xử như vậy đó! Vậy thì ai hoan hô, ai đả đảo? Hoan hô và đả đảo có cách xa nhau không?

Có thể sẽ có phản biện: "Anh chỉ được cái hay bi thảm hoá vấn đề. Mà làm sao anh biết được người ta ngoài miệng thì hoan hô, trong lòng thì đả đảo?" Ngu mỗ thực sự không dám bi thảm hoá vấn đề đâu, bởi ngay chính trong con người của mình cũng chẳng ít lần không chỉ đả đảo Chúa suông thôi đâu, mà còn đóng đinh Chúa nữa là khác. Chỉ là tôi đã khéo che giấu, khiến mọi người không nhận ra đó thôi. Vâng, có thể anh chị khéo léo che đậy khiến người đời khó lòng mà biết được anh chị đang tung hô hay đang đả đảo Chúa, nhưng liệu anh chị có che giấu nổi trước nhan Thiên Chúa không? Cũng xin nhấn mạnh ở đây vấn đề đóng đinh Chúa, không nhất thiết là cứ phải thật sự trực tiếp bắt trói Chúa, cầm búa đóng đinh vào tay chân Chúa đâu. Cũng chẳng có cái vụ bắt bước qua hoặc đạp lên thánh giá, mà hình thức bách đạo còn tinh vi khủng khiếp hơn nhiếu. Cứ thử gẫm suy cho thấu đáo mà xem, có đúng là chúng ta gây chia rẽ bất hoà với anh em nhiều hơn là xây dựng, đoàn kết nhau không? Có phải là chúng ta đố kỵ ghen ghét nhiều hơn là yêu thương đùm bọc nhau không? Những cái mà chúng ta cư xử với anh em như vậy chẳng phải là chúng ta đã làm cho Chúa đấy sao? Đấy, vấn đề là ở chỗ đó.

Chúa nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh và kỷ niệm việc Chúa Giê-su được hoan hô, nhưng đồng thời Chúa nhật Lễ Lá cũng còn gọi là Chúa nhật Chịu Nạn (Chúa Giê-su bị đả đảo). Trong một Chúa nhật tưởng niệm hai mặt trái ngược nhau của cuộc đời. Hoan hô đó, đả đảo đó. Vừa mới "Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời." (Mt 21, 9), thì tiếp liền theo đó, đã "Đóng đinh nó vào thập giá! " (Mt 27, 23). Ôi ! Lạy Chúa ! Con vẫn nhớ như in trong lòng Lời Chúa "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu!" (Mt 7, 21). Vậy mà con vẫn cứ hoài "ngôn hành bất nhất", miệng thì không ngớt tung hô Chúa, nhưng trong lòng thì lạnh tanh, chẳng một chút cảm xúc. Thậm chí, ngoài miệng nói một đàng, trong lòng nghĩ một nẻo ("Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không đao" – "Kiều" – Nguyễn Du). Con vừa mới hoan hô, tung hô Chúa nơi thánh đường, về tới khu xóm con đã hiềm khích, đố kỵ, ghen ghét với người này nguời khác, thậm chí cả với người thân trong gia đình, như thế thì nào có khác gì con đả đảo Chúa? Ối ! Lạy Chúa! Xin cho con học và làm theo lời dạy của ĐTC Biển Đức XVI: "chúng ta học cách xoay cái nhìn ra khỏi cái ”tôi” của mình, để khám phá người ở cạnh chúng ta và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của bao nhiêu anh chị em chúng ta" (Sđ Mùa Chay 2011, số 3). Cúi xin Chúa ban Thần Khí cho con để con có đủ dũng khí "xoay cái nhìn ra khỏi cái ”tôi” của mình", ngõ hầu được ”tái sinh bởi nước và Thánh Linh”, và "tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh để làm môn đệ của Chúa" (Sđ Mùa Chay 2011 số 2) Ối ! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con! Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.