PDA

View Full Version : C - Có Chúa hiện diện



Dan Lee
04-10-2011, 04:49 PM
CHỦ NHẬT THỨ V MÙA CHAY

CÓ CHÚA HIỆN DIỆN

“Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết” (Ga.11,21)

Trong mối tương quan và nhịp sinh hoạt của người Công Giáo, hình ảnh của Đức Thánh Cha, Hồng Y, Giám Mục hay Linh Mục rất quan trọng, vì mọi người đều được dạy và biết các ngài là những người kế vị các thánh Tông Đồ, là hiện thân của Đức Kitô. Thế nên, mỗi khi được các ngài nhận lời mời ghé thăm, cử hành các nghi thức phụng tự như: Làm phép, khánh thành, khai mạc năm thánh, ban các bí tích, ban lời giáo huấn…. Tất cả từ người đứng đầu cho tới giáo dân bình thường đều cảm thấy hãnh diện, vui sướng và hạnh phúc... Để đón tiếp các ngài, thường thì người ta phải chuẩn bị trước một thời gian, sắp đặt mọi sự thật chu đáo, nào là y phục chỉnh tề, băng rôn, cờ xí đủ màu được bố trí từ trong nhà thờ cho tới ngoài khuôn viên, âm thanh, ánh sáng hoàn chỉnh, cắt đặt mỗi người, mỗi bộ phận đảm trách một phần việc việc, sao cho thật ăn khớp và hoàn chỉnh…

Ngoài xã hội nơi các đơn vị hành chính, công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện…Họ cho rằng hình ảnh và sự hiện diện của các quan triều dễ đem đến cho họ những vị thế, mối lợi… đặc biệt là tăng thêm tên tuổi cho thương hiệu và những ưu đãi trong quá trình hoạt động, kinh doanh…. Vì thế, người ta có thể bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ trong việc mời mọc và đón tiếp mỗi khi có thể. Khi đón tiếp các quan triều, người ta thường ghi lại những tấm hình, trước là để lưu niệm, sau nữa là người ta cho phóng những tấm hình thật lớn đem treo nơi phòng khách để mọi người chiêm ngắm và như tấm bùa hộ mệnh…

Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ Chúa nhật thứ V Mùa Chay, thánh sử Gioan trình thuật cho ta nhịp sinh hoạt và mối tương quan giữa Đức Kitô và ba chị em gia đình Bêtania, hay nói đúng hơn là lời mời của gia đình nhà chị em Mácta, Maria và Ladarô và sự hiện diện của Đức Kitô. Có thể nói ba chị em gia đình Bêtania, nhất là hai người chị Mácta và Maria. Hai chị em này đã nhận ra nơi Đức Kitô có một năng lực siêu phàm, một lòng thương cảm vô bờ bến, nơi Ngài họ tin sẽ được an ủi, chữa lành… Hơn thế nữa, họ đã nhận ra nơi một Con người mang tên Giêsu, xuất thân từ làng quê Nararét nơi chẳng có gì là cao sang, tiếng tăm kia, ấy thế lại là Đấng Messia, là con Thiên Chúa qua lời tuyên tín của chị Mácta: “ Thưa Thầy! Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian ”(Ga.11,27)

Tin cộng với lòng yêu mến Đức Kitô một cách mãnh liệt. Vì thế, khi gia cảnh có chuyện chẳng lành, cụ thể là người em trai Ladarô bỗng dưng ngã bệnh và bệnh nặng, ngoài việc lo cho người thân, hai chị em Mácta và Maria đã vội vã nhờ người đến và báo cho Đức Kitô “Thưa Thầy! Người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga.11,3). Việc báo tin cũng đồng nghĩa với sự tha thiết mời Đức Kitô ghé thăm và hiện diện với biến cố của gia đình. Sau khi anh Ladarô chết, trước mặt Đức Kitô, cả hai chị em đều thưa với Ngài: “ Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng ban cho Thầy ”(Ga.11,21). Một lời nửa như trách móc, nửa xác tín vai trò của Đức Kitô đối với con người cũng như đối với Thiên Chúa.

Tuy hơi trễ theo chương trình và ý muốn của Thiên Chúa. Đức Kitô đã đáp ứng lời mời, Ngài đã đến và ở giữa họ. Một hình ảnh rất đẹp và rất ấn tượng nơi Đức Kitô khi Ngài thổn thức và đồng cảm trước nỗi đau, nỗi mất mát và tuyệt vọng của gia đình Bêtania qua cái chết của anh Ladarô, như Tin Mừng trình thuật: “ Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu? " Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Đức Giê-su liền khóc” (Ga.11,33-35). Đức Kitô đã khóc không chỉ một lần, nhưng đến ba lần trong một thời điểm.

Sự hiện diện của Đức Kitô nơi gia đình Bêtania hay đúng nghĩa hơn là trước cái chết đang chế ngự anh Ladarô. Trước những tiếc thương của hai chị em Mácta và Maria cũng như của những người Do Thái, Đức Kitô đã “cải tử hoàn sinh” cho anh Ladarô. Điều này, trước tiên là tỏ hiện vinh quang, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa qua Con Người của Đức Kitô đối với nhân loại, tiên báo sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài, kế đến là đem lại niềm vui cho gia đình Bêtania, kiện toàn lòng tin cho các thánh Tông Đồ và những người Do Thái cùng thời với Đức Kitô nói riêng và cho toàn nhân loại nói chung. Đặc biệt qua sự kiện anh Ladarô chết và sống lại, Thiên Chúa nhắn gởi đến cho toàn nhân loại một thông điệp rằng: Đức Kitô, Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, Ngài có quyền trên cả sự chết.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người nhân loại là sự chết, dù là ai, quyền quý hay cơ hàn, giàu hay nghèo, già hay trẻ, sống đời tu hay đời thường… Ai, ai cũng sợ cái chết, dẫu biết rằng không một ai có thể thoát khỏi định luật “ có sinh thì có tử ”hoặc “ sinh, lão, bệnh, tử”. Sự chết không chỉ là kết thúc chuỗi ngày nơi dương thế của con người, nhưng đôi khi sự chết lại ẩn khuất nơi con người khi đang sống do những đau đớn nơi thân xác vì bệnh hoạn; chết vì khổ đau trong tâm hồn do lời ăn tiếng nói của người thân, bè bạn và mọi mối tương quan…;chết vì khó khăn, thử thách trong việc mưu kế sinh nhai như thất nghiệp, nợ nần…;nhất là ta như đang chết dần, chết mòn vì những lỗi lầm thiếu sót của chính mình, chết trong vũng lầy của tội lỗi…Khi ta rơi vào những hoàn cảnh như thế, ta luôn ao ước và cảm thấy như được quan tâm, được an ủi và hạnh phúc mỗi khi được các bậc vị vọng đạo cũng như đời ghé thăm, dẫu đang khổ đau, dẫu gia cảnh đang gặp những sóng gió, ta cảm thấy phần nào như được vơi đi, như thêm luồng sinh khí mới để ta tiếp tục vui sống.

Là người Kitô hữu trên bước đường lữ hành về quê trời, hơn nữa ta đang sống trong mùa chay, mùa chuẩn bị tâm hồn đón nhận hồng phúc, sự sống mới từ mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Đối với những con người trần thế, tuy có quyền chức hơn ta nhưng cũng chỉ là thụ tạo do Thiên Chúa sinh dựng, ấy thế mà ta luôn ao ước, chờ đợi họ ghé thăm. Trong mối tương quan giữa ta và Thiên Chúa, thì Lời Chúa hôm nay như một lời nhắc nhở và như một động lực giúp ta nhận ra một chân lý, chân lý đó là: Với thân phận kiếp người, ta có một người Cha vượt trên hết các vị vua quan, vị vọng nơi trần thế, Ngài luôn yêu thương, chờ đợi và quan tâm đến tất cả những nhu cầu của ta ngay đời này và cả đời sau, Đấng làm chủ cả mạng sống của ta, kế đến ta có một người bạn đường luôn sát cánh với ta là Đức Kitô. Có Ngài kề bên, dẫu ta có đang chết hoặc đã chết ta cũng được ngài cho sống lại như lời thánh Phaolô đã xác tín: “ Nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em ” (Rm.8,11).

Vâng! Để có được phép lạ cả thể qua sự kiện anh Ladarô đã chết và chôn trong mồ bốn ngày được sống lại (anh Ladarô đã chết thật chứ không chết lâm sàng, để rồi sau đó có thể tự sống lại, hoặc do sự trợ giúp của y khoa…. như cách diễn đạt của y khoa ngày nay, nhất là đối với người vô thần). Kinh Thánh nói rất rõ: “ Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đức Giê-su nói: "Đem phiến đá này đi." Cô Mácta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày ”(Ga.11,39). Sự sống lại của anh Ladarô, trước tiên là khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô, đồng thời nhờ sự cộng tác chặt chẽ của gia đình Bêtania, qua việc yêu mến và tin tưởng vào Đức Kitô, luôn báo cho Ngài biết tất cả những sự kiện, những ưu tư và mối lo của gia đình, gác bỏ tất cả để ra nghênh đón Đức Kitô, kế đến là tình yêu gia đình cũng như tình đồng loại được tỏ hiện qua sự quan tâm, săn sóc dành cho nhau…

Thiết tưởng với ta là người mang niềm tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô, ta không thể nào không học hỏi nơi gia đình Bêtania luôn sống và tỏ hiện tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa bằng việc báo và trao cho Ngài tất cả nhưng ưu tư, lắng lo của đời mình, luôn rộng cửa mời Ngài đến và ngự giữa gia đình, cộng đoàn, giáo xứ…Học nơi gia đình Bêtania sự quan tâm, săn sóc, chịu đựng lẫn nhau, giúp nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đặc biệt là nhắc nhở và mời gọi nhau đến với Đức Kitô, cùng với nhau tham dự Thánh Lễ, rước Mình Thánh Chúa, chầu Thánh Thể, nguyện kinh Thương Xót, kinh Mân Côi, cùng nhau thực thi việc bác ái…. như chị Mácta “ Nói xong, cô đi gọi em là Maria, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” (Ga.11,28). Tin chắc rằng với đời sống như thế và nhờ ơn trợ giúp của Thiên Chúa, thì hạnh phúc hiện tại và hạnh phúc Nước Trời sẽ ở giữa và ở trong ta ngay bây giờ và mãi về sau.

Lạy Chúa Giêsu! Xin hãy đến và ở lại với con, khi gia đình Bêtania xin Chúa như thế, Chúa đã bằng lòng đến với họ. Cũng thế, con cũng xin thưa với Ngài Lạy Chúa là Thiên Chúa của con xin đến và ở lại với gia đình con, ít là trong chính giây phút này, để chúng con không cảm thấy cô độc, vì có Chúa luôn đồng hành chia sẻ, ủi an, và thực hiện mọi công việc của Chúa nơi đời sống chúng con. Amen.

Sài Gòn ngày 08/04/2011
Antôn Lương Văn Liêm