PDA

View Full Version : T - Từ một lần gặp gỡ (24): Theo Thầy lên Giê-ru-sa-lem – cuộc đào luyện thứ nhất



Dan Lee
03-25-2011, 07:33 AM
Từ một lần gặp gỡ (24): Theo Thầy lên Giê-ru-sa-lem – cuộc đào luyện thứ nhất

Các bạn trẻ thân mến,

Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển con người. Từ ngữ đào tạo hay đào luyện hết sức quen thuộc với giới trẻ. Đơn giản vì đây là giai đoạn mà ta vừa bước vào đời như một người lớn, nhưng đồng thời cũng là thời gian học để đảm nhận cuộc sống như một người lớn. Trong hành trình tiến lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đã đào luyện các môn đệ qua ba lần tiên báo về thương khó và phục sinh của Ngài. Song song với ba lần được nghe lời tiên báo, các môn đệ tỏ ra những điểm yếu của mình và Chúa Giê-su đã bổ túc cho các ông. Đâu là điểm yếu của các môn đệ?

Chúa Giê-su đã hỏi các môn đệ về căn tính của Ngài: “người ta nói Thầy là ai?” và rồi “các con nói Thầy là ai?” Các môn đệ cũng tỏ ra biết đôi chút về Thầy của mình, khi Phê-rô đại diện trả lời rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Chúa Giê-su thấy các môn đệ đạt được một mức độ nào đó trong sự hiểu biết về Ngài, nên với dịp này, Chúa cho họ biết thêm về điều sẽ gắn liền với “Đấng Ki-tô” theo cách hiểu của các ông: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31). Tới đây thì trình độ của môn đệ đã chạm đến mức trần, không thể hiểu nổi nữa, và dĩ nhiên cần phải được học thêm.

Trình độ của các môn đệ được đại diện bởi thái độ của Phê-rô: “Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.” Đây là phản ứng và cũng là trình độ mà con người thường có trước ý định của Thiên Chúa. Và đối với Đức Giê-su, đây là một điểm còn yếu kém của môn đệ, cần phải được uốn nắn và đào luyện.

Nếu nhìn ở khía cạnh con người, Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ một tiêu chuẩn kỳ quặc. Nếu thấy Thầy đang lao vào đường nguy hiểm thì trò nỡ lòng nào đứng nhìn mà không ngăn cản. Vậy mà, khi Phê-rô ngăn cản, Đức Giê-su lại quở trách quá nặng lời: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy.” Phê-rô đã dùng tiêu chuẩn thường có của một con người để áp dụng cho công việc của Thiên Chúa. Vì thế, bài học ở cấp độ này mà Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ là “hãy đi đàng sau Thầy”.

Các bạn trẻ thân mến,
Thái độ của Phê-rô – đi trước để chỉ đường cho Thầy – cũng thường xảy ra nơi chúng ta. Với tư cách là những người trẻ năng động, hăng say với đầy sáng kiến, đôi lúc chúng ta không chấp nhận được những con đường có vẻ kỳ quặc của Thiên Chúa. Và phản ứng đầu tiên dễ thấy là bốc đồng và không chấp nhận. Nhưng Chúa vẫn mời chúng ta hãy “đi đàng sau” Thầy để học với Thầy. Tuổi trẻ là tuổi của học hỏi, vì thế không có gì lạ khi Giê-su mời chúng ta học với Ngài. Đây không chỉ là một bài học của tri thức, nhưng còn là bài học của đời sống. Đến khi nào bài học này được áp dụng trong cuộc sống, chúng ta mới nghiệm thấy sức nặng của bài học, nhưng đồng thời cũng là giá trị của bài học.

Lối dạy của Chúa Giê-su không khiến các môn đệ phải luôn thinh lặng và chỉ biết ngồi nghe. Chúa cũng khuyến khích các ông nói lên ý kiến của các ông. Người trẻ hôm nay cần có ý kiến riêng của mình, vì đây là tiếng nói biểu lộ tâm thức, suy nghĩ và ưu tư của thế hệ người trẻ hôm nay. Đây là một điều tích cực mà chính Chúa Giê-su đã gợi ý để các môn đệ có dịp thổ lộ. Tuy nhiên, qua bài học của Phê-rô, chúng ta cũng chấp nhận để cho ý kiến của mình được chỉnh sửa, dù cho đôi lúc, sự chỉnh sửa ấy vượt khỏi khả năng hiểu của chúng ta. Đơn giản bởi vì đây là những điều thầy biết mà trò chưa biết; do đó trò mới cần phải học! Khi nói lên tiếng nói của mình, chúng ta không thờ ơ với cuộc sống và với thời đại. Khi sẵn sàng lắng nghe sửa dạy, chúng ta sẵn sàng dấn thân xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

Chúa Giê-su dạy các ông phải biết nhìn xa hơn chỗ đứng hiện tại. Khi nghe tiên báo cuộc khổ nạn, các môn đệ đã hoảng sợ đến nỗi không nghe được hết câu, đến chỗ loan báo phục sinh. Nếu không chấp nhận thiệt thòi, thì khó chạy đến cuối đường của thành công. Cuộc sống hôm nay ít đề cao sự dấn thân hy sinh. Nhưng làm sao ta có thể thấy được vinh quang, nếu cuộc sống hiện tại không có dấu vết của sự hy sinh! Nếu không dám mạo hiểm bước ra khỏi sự chắc chắn tạm thời, làm sao ta có thể nhận ra tiềm năng lâu dài đang ẩn chứa trong cuộc sống!

Thực ra, sự hy sinh và mạo hiểm đó chỉ thật sự có ý nghĩa nếu ta có những xác tín cá nhân. Giê-su đã hỏi các môn đệ về suy nghĩ của người khác, để biết rằng các ông không dửng dưng với cuộc sống chung quanh. Nhưng Ngài cũng hỏi trực tiếp đến suy nghĩ của các ông, Ngài nhắm đến sự xác tín cá nhân: “các con nói Thầy là ai?”. Dù con người sống trong xã hội, nhưng không thể chỉ bị lèo lái bởi xã hội. Đúng hơn, ai cũng có phần của mình, đóng góp để hình thành xã hội. Nếu chỉ chạy theo phong trào mà không có lập trường và xác tín riêng, người ta không khác gì một con rối trên sân khấu xã hội bị điều khiển bởi các phong trào. Các phong trào ấy có thể là thời trang, công nghệ, hay ngay cả phong trào tôn giáo… Giê-su mời mỗi người chúng ta hãy tự mình trả lời về cuộc sống: không phải là “người khác nói”, nhưng là “chính con nói”...!

Sống trong Mùa Chay, chúng ta được đào luyện cùng với thầy Giê-su đang hành trình tiến lên Giê-ru-sa-lem, nơi mà Ngài sẽ hoàn tất công trình cứu độ. Cùng với Ngài chúng ta được mời gọi mở ra hơn với ý định của Thiên Chúa. Một đàng chúng ta nói lên xác tín riêng của mình, đàng khác điều đó cũng không cản trở chúng ta đón nhận những bài học mới từ Ngài và từ cuộc sống, dù cho hiện tại chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa của những bài học lớn lao ấy.

Xin Chúa chúc lành cho tuổi trẻ của chúng ta, để tuổi trẻ thực sự là giai đoạn chuẩn bị cho chúng ta đảm nhận cuộc sống một cách trưởng thành!



Hà Thanh Bình