PDA

View Full Version : T - Thần Hoá



Dan Lee
03-17-2011, 01:05 PM
THẦN HOÁ


Chủ đề bài Tin Mừng Chúa nhật II Mùa Chay (Mt 17, 1-9) có người gọi đó là “Đức Giê-su hiển dung”, có người gọi là “Đức Giê-su biến hình”. Hiển dung là bày tỏ cái diện mạo thực (chân dung) ra một cách rõ ràng. Còn biến hình là thay đổi hình dạng. Khi ba môn đệ theo Đức Giê-su lên núi Ta-bo, thì các ngài vẫn thấy Thầy của mình với dung mạo bình thường như các ngài đã được chứng kiến, được “thực mục sở thị” trong suốt ba năm theo Thầy đi khắp đó đây. Nhưng đến khi Thầy cầu nguyện thì “... Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2).

Sự kiện Chúa Giê-su biến đổi hình dạng đã khiến các môn đệ – trong đó có thánh Phê-rô – hoảng sợ. Sự hoảng sợ lần này khác với lần được chứng kiến “Đức Giê-su đi trên mặt biển” (Mt 14,22-32). Lần trước, thánh nhân cho là mình gặp ma, thì lần này thánh nhân đã tin là Thầy mình đích thị là Thiên Chúa, và chỉ có như thế Thầy mình mới hội kiến, đàm đạo với ông Mô-sê và ông Ê-li-a được. Từ hình dạng con người trần thế biến sang chân dung Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô muốn cho mọi người – thông qua các môn đệ thân tín của Người – hiểu rõ được Người chính là Con Thiên Chúa (“Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! " – Lc 9, 36), là Thiên Chúa thật. Từ đó, giúp củng cố đức tin cho các môn đệ, cho mọi người; đồng thời, cũng chính là giúp biến đổi con người các môn đệ và nói chung là biến đổi con người các Ki-tô hữu.

Một câu hỏi được đặt ra: như vậy con người cũng có thể thay đổi hình dạng được như Đức Ki-tô chăng ? Nếu chỉ là thay hình đổi dạng thì con người ở thế kỷ XXI này có thể và dư sức làm được. Ôi chao ! Nào là giải phẫu thẩm mỹ, cấy da, ghép thịt, cắt mắt, kẻ môi, nhuộm tóc, rồi thì tô son trét phấn, tắm sữa đắp kem…, ấy là chưa kể thời trang nọ, mô đen kia, thậm chí còn thay đổi cả giới tính nữa… Nhiều, nhiều lắm những cách thức tối tân để thay hình đổi dạng... ; nhưng cho dù con người có thay đổi được cả giới tính đi chăng nữa, thì trước sau con người vẫn là… loài người, không hơn không kém.

Tuy rằng con người không thể nào biến đổi chân dung thành Thiên Chúa được, nhưng vẫn có thể biến đổi chân tướng nên giống với Thiên Chúa. Nói cách khác, con người vẫn rất có thể và rất nên biến đổi cõi lòng, biến đổi tâm hồn của mình, để trở nên như một với Đức Giê-su Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Có một minh hoạ rất thật, rất cụ thể, rất sống động cho sự biến đổi này, đó chính là thánh Phao-lô với biến cố Đa-mát (Cv 22, 6).

Trải qua biến cố Đa-mát, hình dạng thánh Phao-lô vẫn không có gì thay đổi, nhưng chân tướng của ngài đã biến đổi hoàn toàn. Thánh Phao-lô là một con người mắc bệnh mù nội tâm, rồi bị mù cả thể lý khi biến cố Đa-mát xảy ra (“bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi….Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát” – Cv 22, 6…11); nhưng cũng chính nhờ biên cố Đa-mát mà thánh nhân đã được chũa lành bệnh mù nội tâm cùng lúc với mù thể lý, khiến thánh nhân từ một con người chuyên lùng giết những kẻ theo Giê-su biến thành một người theo Giê-su đến cùng, rao giảng và làm chứng nhân sống động nhất cho Tin Mừng Cứu Độ. Thánh nhân đã cảm nhận được bản thân trở nên giống, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, đến nỗi phải thốt lên : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2:20).

Như vậy, vấn đề đặt ra cho chúng ta không phải là thay hình đổi dạng bên ngoài, mà chính là làm sao biến đổi được cõi lòng bên trong, canh tân được đời sống tâm linh. Bởi vì và trên hết, trong Mùa Chay, chúng ta “hãy xé lòng, chớ đừng xé áo” (Ge 2, 13 – Bài đọc I – Lễ Tro). Xé áo có thể thay hình đổi dạng, nhưng chỉ có xé lòng mới biến đổi được chân tướng con người thật của mình. Đừng xé áo để mặc áo mới cho hợp thời trang, cho đúng mốt thời đại, mà cần phải xé lòng ra để rũ bỏ hết những tì ố, những xấu xa, tội lỗi, đồng thời đón nhận “luồng ánh sáng chói lọi” là chính Đức Giê-su Ki-tô đến để thanh tẩy tâm hồn, chữa lành cho bệnh mù nội tâm mà chúng ta thường hay mắc phải. Chính biến cố Đa-mát đối với thánh Phao-lô đã minh chứng rất cụ thể, rất sống động cho hành động xé lòng chớ không xé áo.

Kể ra thì con số những người dám “xé lòng” đã là con số khá nhiều, đó là các vị Tông đồ tiên khởi, và biết bao nhiêu vị hiển thánh – nhất là các thánh Tử vì Đạo – hiện đang được diễm phúc vui hưởng thành quả của hành động “xé lòng” trên Thiên quốc. Tuy nhiên, con số người chỉ thích “xé áo” vẫn là những con số nhiều hơn, áp đảo cả con số những kẻ biết “xé lòng”. Người ta chỉ thích xé áo để khoác vào người bộ áo sặc sỡ thế trần. “Cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng khổ một nỗi khoác áo thầy tu sẽ có nhiều điều lợi lộc cả về vật chất (khất thực, quyên góp tiền của, trốn lính...) lẫn tinh thần (tín đồ o bế, xã hội trọng vọng). Chính cái tư tưởng thích xé áo đưa đến hành động thay hình đổi dạng đang là cái mốt thịnh hành nhất hiện nay (à la mode), lại một lần nữa minh hoạ sự quyến rũ của xác thịt, và nếu con người chỉ thích xé áo mà không chịu xé lòng thì chắc chắn đã sa vào mưu thâm chước độc của ma quỷ, đã sa chước cám dỗ rồi vậy.

Mùa Chay chính là thời gian để chúng ta chọn lựa một hành động thiết thực : hoặc xé áo, hoặc xé lòng. Muốn xé áo thì dễ thôi, chúng ta chỉ cần một động tác nhỏ là khoác lên mình bộ vó kiêu căng tự phụ, bộ áo lười nhác ích kỷ, không thèm đếm xỉa đến mọi người xung quanh. Tuy nhiên, để xé lòng thì không dễ dàng đâu, bởi phải quyết tâm không khua chiêng gõ mõ khi cầu nguyện, không méo miệng ngoẹo đầu rầu rĩ khi ăn chay, không biểu ngữ khoa trương khi làm từ thiện, không sáo rỗng màu mè khi an ủi anh em, không hứa lèo hứa cuội khi hoà giải, không mặc áo thày tu khi mình không phải là tu sĩ, không đánh trống bỏ dùi, tiền hậu bất nhất khi đòi đi theo Thầy Chí Thánh. Chỉ có như vậy, kèm theo sự sám hối chân thành, mới thực sự hoán cải, đổi mới con người của mình, để được biến đổi toàn diện (biến hình) theo Chúa. Vâng, “Qua những việc thực hành truyền thống như ăn chay, làm phúc, cầu nguyện, là những biểu hiệu của sự dấn thân hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta sống tình thương của Chúa Kitô một cách quyết liệt hơn” (Sđ Mùa Chay, 3).

Đúng là rất khó khăn để có thể làm được như thế. Khó, nhưng không phải là không thực hiện được, khi chúng ta biết cậy dựa vào Thần Khí, “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1, 7). ĐTC Biển Đức XVI cũng đã nhấn mạnh vấn đề này trong Sứ điệp Mùa Chay 2011 (số 3): “Tóm lại, hành trình Mùa Chay, trong đó chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thánh Giá, chính là ”trở nên đồng hình đồng dạng với cái chết của Chúa Ki-tô” (Pl 3,10), để thực hiện sự hoán cải sâu xa trong đời sống chúng ta, để cho hoạt động của Chúa Thánh Linh tác động, như thánh Phao-lô trên đường Đa-mát; quyết liệt qui hướng cuộc sống chúng ta theo thánh ý Chúa; giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ, vượt thắng bản năng muốn thống trị người khác và cởi mở đối với tình thương của Chúa Ki-tô. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta, chân thành kiểm điểm cuộc sống để đón nhận ơn thánh canh tân của Bí tích Thống Hối và quyết liệt tiến về cùng Chúa Ki-tô”.

Quả thực “Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt chúng ta vinh quang của Chúa Ki-tô, báo trước cuộc phục sinh và loan báo sự thần hóa con người” (Sđ Mùa Chay 2011, số 2). Biến cố Hiển Dung tiên báo cuộc Phục Sinh vinh hiển của Chúa Ki-tô là hoàn toàn xác thực, nhưng tại sao lại là sự “thần hoá con người”? Ấy cũng bởi vì “Cộng đoàn Ki-tô ý thức mình được dẫn lên núi cao (Mt 17,1) như các Tông Đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, để tái đón nhận, trong Chúa Ki-tô, trong tư cách là con cái trong Chúa Con, món quà Ân Sủng của Chúa Ki-tô: ”Này là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Hãy nghe lời Người” (câu 5).

Đó là một lời mời gọi hãy tránh xa sự ồn ào của cuộc sống thường nhật để ngụp lặn trong sự hiện diện của Thiên Chúa: Ngài muốn thông truyền cho chúng ta hằng ngày một Lời thấu vào tận thẳm sâu tinh thần chúng ta, trong đó ta phân biệt thiện và ác (xc Dt 4,12) và củng cố ý chí theo Chúa” (Sđ Mùa Chay 2011, số 2). Vâng, được mời gọi cùng đi lên núi cao để được ngụp lặn trong hào quang vinh hiển của Thiên Chúa, ngõ hầu hoán cải, biến đổi toàn diện con người của mình sao cho ”trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (Pl 3,10), như vậy thì chẳng phải là một cuộc thần hoá con người của mỗi Ki-tô hữu đó sao? Trong tâm tình dìm mình vào mùa Chay thánh, thiển nghĩ không chỉ riêng mình tôi, mà là tất cả những anh em chung một niềm tin với tôi, đang đồng hành cùng tôi, đều ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.