PDA

View Full Version : DĐ - Dấu lạ của Thiên Chúa



Dan Lee
03-16-2011, 06:49 AM
Dấu lạ của Thiên Chúa

Thứ Tư Tuần thứ 1 Mùa Chay

Lời Chúa: Lc 11,29-3v

29Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. 30Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. 32Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.


Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này (Lc 11,30)

Suy niệm:

1. "Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập Giá.” Thánh Phaolô, người tự xưng là Do Thái hơn cả Do Thái đã nêu bật não trạng của dân tộc ngài.

Người Do Thái xưa kia luôn đòi các Luật sĩ làm dấu lạ để minh chứng lời mình tuyên bố, và dĩ nhiên họ đòi dấu lạ nơi những ai tự xưng mình là tiên tri.

Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi sự chờ đợi này. Trong suốt giai đoạn hoạt động công khai, Ngài không chỉ bị thách đố làm dấu lạ, mà ngay khi giữ chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Ngài đã bị cám dỗ thực hiện dấu lạ, như biến đá thành bánh, gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền thờ để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa. Cuộc thách đố này còn kéo dài cả khi Ngài bị đóng đinh Thập Giá, lúc này Ngài bị thách thức :"Nếu ông là con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập giá.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, những Luật sĩ và Biệt phái đến xin Chúa Giêsu cho họ thấy một dấu lạ không hẳn là những đối thủ của Ngài. Nhưng điều Ngài muốn họ phải tẩy sạch khỏi não trạng là những định kiến qua đó họ vẽ sẵn một khuôn mặt, một hình ảnh Đấng Cứu Thế và họ đòi buộc Chúa Giêsu phải mang lấy và phải hành động rập theo khuôn mặt ấy.

Nhưng ngược lại quan niệm của họ về một Đấng Cứu Thế oai hùng, đánh đuổi ngoại xâm và tái lập một nước Do Thái hùng mạnh, Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế qua một dấu lạ nhỏ bé khiêm tốn, yếu đuối: như tiên tri Giona nằm trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ nằm trong lòng đất ba ngày ba đêm. Nhìn từ bên ngoài, đây là một dấu lạ thua thiệt, dấu hiệu của sự thất bại, nhưng Thiên Chúa đã dùng dấu hiệu đó để áp dụng định luật: nhu thắng cương, nhược thắng cường.

Tìm những dấu lạ, tìm những dấu chỉ thời đại để củng cố niềm tin và sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc sống không phải là một điều sai lầm, nhưng còn là điều mà các Kitô hữu trưởng thành cần phải làm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lạc lối nếu dõi theo vết xe cũ của Luật sĩ và Biệt phái giữ khư khư những định kiến và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện theo những khuôn mặt, hình ảnh chúng ta đã vẽ sẵn.

Vì thế, chúng ta phải chú tâm tìm những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa theo ý muốn của Ngài, chứ không phải theo quan niệm của chúng ta, nghĩa là chúng ta phải tìm gặp sự hiện diện của Ngài trong thân xác một người bị chết treo trên Thập giá như một tên tử tội và được chôn táng trong mồ như một người bại trận.

2. Cả hai bài đọc Cựu Ước và Tân Ước nhắc đến dấu chỉ của Giona


- Ngày xưa ngôn sứ Giona đã kêu gọi dân thành Ninivê tội lỗi lo ăn năn sám hối. Mọi người trong thành, từ vua quan đến dân chúng lớn nhỏ, đều đáp lại lời kêu gọi ấy. Chúa thấy lòng thành của họ nên đã tha thứ và không phạt họ.

- Khi nhắc lại chuyện Giona, Chúa Giêsu cảnh cáo những người Do Thái thời của Ngài: "Dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giona giảng, mà đây thì còn có Đấng hơn ông Giona nữa"

Như thế Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối. Sám hối gồm 4 điều:


- Biết mình có tội

- Buồn

- Tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa

- Quay về với tình thương ấy.

Thiếu một trong bốn điều trên đây thì không phải là sám hối thật.

Trong chuyện Giona, hình ảnh dân thành Ninivê tội lỗi lại dễ thương hơn hình ảnh Giona ngôn sứ. Ông không muốn tuân theo lệnh Chúa. Ông chỉ muốn dân Ninivê bị phạt. Khi dân thành này sám hối và được tha thứ ông đã giận Chúa. Chúa dùng tấm gương của họ để kêu gọi Giona sám hối. Thật là lạ lùng: người giảng sám hối lại sám hối sau người nghe giảng. Là những người giảng cho người ta sám hối trong Mùa Chay này, người Kitô hữu chúng ta suy nghĩ sao về chuyện này?

Người cha rất đau khổ vì đứa con trai theo bạn bè phung phá hết tiền của. Cùng đường chàng ta viết thư thống thiết xin lỗi cha và ngỏ ý xin cha thương xót. Người cha gửi cho cậu một bức điện tín chỉ có một chữ "về" và ký tên cũng chỉ một chữ "Cha."

Tin Mừng của Chúa cũng là một bức điện tín gửi cho thế giới tội lỗi này, với một chữ viết "về" và một chữ ký "Cha."

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Mùa Chay luôn mời gọi chúng con trở về với Chúa. Trở về vì chúng con đang lạc xa tình Chúa. Trở về vì chúng con không còn ở bên Chúa. Chúng con đã bỏ Chúa, bỏ anh em để sống trong tội lỗi. Xin Chúa giúp chúng con biết tìm về chính mình là hình ảnh của Chúa, để chúng con sống liên kết với Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa, bởi tính tự cao tự đại, bởi thói đạo đức giả hình, những người Biệt phái năm xưa đã không thể trở về với Chúa. Lòng tự cao tự đại đã đưa họ ra xa nguồn ơn cứu độ. Thói đạo đức giả hình đã biến lòng họ chai đá trong việc làm của mình. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống đơn sơ, khiêm nhường để chúng con luôn hoà nhã với mọi người, luôn khiêm nhu vâng lời để được Chúa chúc lành cho tuổi thơ chúng con. Xin cho chúng con luôn thành tâm đến với Chúa để nhận lãnh nguồn thánh ân đổi mới cuộc đời. Xin giúp chúng con biết sống chân thật với Chúa và với nhau để được sống tươi vui trong tình thương của Chúa và mọi người.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con. Xin giúp chúng con biết trở về sau những lần vấp ngã, và canh tân đời sống trong tinh thần Phúc Âm của Chúa. Amen


Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền