PDA

View Full Version : DĐ - Để được vào nước trời



Dan Lee
03-04-2011, 04:35 PM
ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI )
(Suy Niệm Lời Chúa CN 9 TN A)




Thiên Chúa chúc phúc cho người vâng nghe mệnh lệnh của Ngài. “Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay” (Deut 11,27).

Phúc ấy chính là được “sống với Thiên Chúa”. Tình trạng “sống với Thiên Chúa” được Chúa Giêsu gọi là “ Vào Nước Trời”. "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Cách nào đó, Chúa Giêsu nhắc lại ý nghĩa mà sách Đệ Nhị Luật đã ghi từ ngàn năm trước, nhưng không chỉ dừng lại ở việc: “vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa” mà còn phải bước tiếp đến việc “thi hành ý muốn của Cha Thầy” mới được chúc phúc, mới được vào Nước Trời.

Người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” được Chúa Giêsu khen là người khôn, biết xây nhà trên đá, bền vững. Ấy chính Ngôi Nhà vĩnh cửu trong Nước Trời. Và ngược lại, đối với những người chỉ nghe, chỉ nói cho người khác nghe, chỉ viết cho người khác đọc, chỉ giải thích cho người khác hiểu về ý muốn của Thiên Chúa, mà chính mình không thi hành những điều ấy, thì bị Thiên Chúa quở mắng là người ngu, xây nhà trên cát, sẽ tường xiêu, vách đổ. Ấy chính ngôi nhà chỉ một thoáng trên trần gian.

Ngôi nhà trên đá là ngôi nhà đặt nền tảng trên viên đá góc tường là Chúa Giêsu, nhân chứng của Nước Trời. Gọi là Nhân Chứng Nước Trời, vì Chúa Giêsu từ trời xuống, mang thánh ý của Thiên Chúa đến trần gian, và trình bày thánh ý ấy cho nhân loại để nhân loại thực hành mà được vào Nước Trời. Như vậy việc đem lời Chúa Giêsu dạy mà thực hành trong cuộc sống đạo phải là việc ưu tiên cấp thiết của mỗi tín hữu để được vào Nước Trời.

Hẳn là Chúa Giêsu biết rõ tâm ý của mỗi người khi đón nhận Lời Ngài.
Có người nghe Lời Chúa Giêsu, nhưng không thực hành theo thánh ý của Thiên Chúa, lại dùng làm tư tưởng chỉ đạo cho mưu đồ trần gian của mình. Ý tưởng đại đoàn kết chẳng hạn. Trong khi Chúa muốn chúng ta đoàn kết hiệp nhất với nhau nên thánh thiện, nên công chính, cho công lý cho hòa bình, thì người ta dùng tiêu chí đoàn kết để thực hiện thành công những mưu đồ.
Có người nghe Lời Chúa, thuộc Lời Chúa để làm thầy người khác. Chỗ nào cũng tỏ ra là mình am hiểu lời Chúa, lề luật Chúa và sẵn sàng giải thích Lời Chúa, luật Chúa cho anh em giống như những thầy biệt phái xưa, mà không hề sống Lời Chúa để biến đổi đời mình nên công chính.
Đáng tiếc hơn cả là có những người mang trọng trách “giữ và dạy người ta giữ”, thì chỉ “dạy người ta giữ” mà mình không hề “giữ”. Đến khi vỡ chuyện mình không giữ mảy may Lời Chúa, thì lời dạy của mình trở nên trơ trẻn trước mắt mọi người.

Không ai dám tặng cho nhau lời khen là người khôn. Không ai dám trách ai là người ngu. Nhưng trước mắt Thiên Chúa, Chúa hiểu rõ mỗi chúng ta đang sống trong tình trạng nào. Chúng ta có thể lừa dối nhau bằng một đời sống tưởng như là đạo đức, nhưng trong sổ sách của Thiên Chúa, thì hẳn là, ai thực hiện ý Cha trên trời, thì đã có tên trong danh bạ Nước Trời. Duy chỉ một mình Thiên Chúa biết rõ danh sách ấy.

Liên tiếp những tuần qua, Lời Chúa xoáy mạnh vào thực tế cuộc sống đạo của mỗi chúng ta, như một cuộc đảo chính chế độ vụ hình thức, vị luật, nệ lệ… Khởi xướng từ bản hiến chương Nước Trời đưa tinh thần nghèo khó lên vị trí kim chỉ nam Nước Trời, đến việc làm muối, làm ánh sáng cho đời. Tiếp theo là kiện toàn lề luật yêu thương cách tích cực hơn, rồi đổi mới cái nhìn về cuộc sống trần thế trong tinh thần tín thác. Đến hôm nay, Lời Chúa mời gọi đổi mới cách sống đạo: sống đạo vì tin hơn là vì luật. Và vì Tin, mà thực hiện ý Thiên Chúa cách toàn vẹn, để nên công chính, để được Nước Trời. "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Thánh Phaolô xác quyết: “Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai”. (Rm 3,21,22).

Như vậy, việc đem Lời Chúa ra mà thực hành, vừa là một cuộc đổi đời nên công chính, vừa là chứng nhân hùng hồn của Nước Trời, được Chúa khen tặng là người khôn xây nhà mình trên đá, và được vào Nước Trời.

Nhìn vào thực tế cuộc sống đạo hôm nay, các tín hữu giáo dân đang sống giữa đời thường, thú thật mà nói, cũng không thiếu những cách sống phải xem xét lại cho đúng với Lời Chúa dạy hôm nay.

Hai bà hàng xóm có đạo chửi nhau vì chuyện thằng con bà này đánh thằng con bà kia vì không cho bạn chơi bên vườn nhà nó…. Ban đầu thì phàn nàn nhỏ nhỏ thôi, chỉ một hồi ngắn ngắn, ầm lên xỉa xói nhau vang cả xóm. Tôi nghe có những câu chửi ngộ nghĩnh: “Đạo gì mày, đạo cái mồm, mày có biết nhà thờ nhà thánh gì đâu”. Bà kia choảng lại: “còn mày, sáng đọc kinh, trưa lạy Chúa, tối đi lễ mà lấn đất cho con Tư nó kiện. Thua kiện rồi đó. Ngày nào cũng vặn cân bẻ móc, buôn gian bán lận thì Chúa nào tha cho mầy!”

Ấy là chuyện sống đạo giữa làng xóm, còn chuyện trong nhà thì: Cô ấy có chức gì trong hội bà mẹ, cô ấy là một thành viên legio, cô ấy tập hát, tập múa, cô ấy làm đủ chuyện ở bên ngoài, ở nhà thờ, thật sôi nổi. Nhưng mỗi lần về đến nhà, cô xem thường ông chồng ít học, không biết ăn nói, không thoáng…Khi có hai người ở nhà là bà con nghe tiếng qua tiếng lại, lúc râm ran nửa đêm, lúc ầm ĩ buổi sáng… Có lần bà người lương bên cạnh nhà, nghe cô ấy nói to: “Ông viết đơn ly dị đi, tui ký liền”. Ông chồng nhỏ nhẹ nói “ Bà đi lễ đọc kinh, làm đủ việc nhà thờ nhà thánh, mà chi dzậy”.

Không dám xét đoán ai, nhưng quả là những chuyện đau cái đầu: đau đầu nhau, đau đầu giáo hội, và đau đầu Chúa nữa, vì Lời Chúa không được đem ra thực hành trong cuộc sống để nên công chính. Thật đáng tiếc.

Còn nhớ trước năm 1975, các xứ đạo hầu hết là những người toàn tòng, thì sau 1975, một số xứ toàn tòng giảm đi nhân số vì di tản, vì tìm đất sống mới, và thay vào đó là một số lương dân. Đến nay, thì ở thành phố, lẫn thôn quê, người công giáo bên vách nhà lương dân, hay nhà cán bộ đã trở nên chuyện quá thường tình. Đây là một cơ hội truyền giáo lý tưởng nhưng cũng có thể là một thách thức đối với đời sống đức tin công giáo.

Ông Sáu A, xóm tôi, khi còn là người lương, hay nói: “người theo đạo ở đây thì đông, mà người sống đạo thì không được mấy người”. Khi gần được rửa tội, ông nói với Cha FX : “Thưa Cha, con theo đạo, chứ con không theo người có đạo đâu”. Đến khi ông và gia đình được rửa tội năm 1992, và sống đạo được một thời gian, ông lại trình với Cha FX. “Con xin lỗi cha, bây giờ con mới hiểu, con không dám trách ai nữa đâu, cố gắng sống cho vui lòng Chúa, cho đẹp ý Chúa là mừng rồi”.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đang ít nhiều vướng vấp kiểu sống giả hình. Xin cho chúng con một xác tín vững chắc là chỉ có cách thực hiện đúng Lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng, chúng con mới bảo đảm được trở nên công chính và được vào Nước Trời để sống với Thiên Chúa ngàn thu. A men.


PM. Cao Huy Hoàng 03-3-2011