PDA

View Full Version : C - Chủ nhân đích thực



Dan Lee
02-23-2011, 09:08 PM
CHỦ NHÂN ĐÍCH THỰC

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 6, 24-34) cũng giống như bài TM Tân niên – mùng một Tết Tân Mão (“Tin tưởng vào Chúa quan phòng” – Mt 6, 25-34), chỉ thêm có một số 24 (“Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của”). Năm ngoái, khi chia sẻ về đề tài này (bài “Đầu năm khai bút”) tôi bị bí, đầu năm nay (bài “Xuân Thanh bình”) cũng lại bí rị (xc. tr. Các tác giả <Thanhlinh.net>), hôm nay lại được chia sẻ, không biết ra sao?

Nếu chỉ căn cứ vào Lời dạy của Đức Ki-tô “đừng lo cho cái ăn cái mặc” (Mt 6, 25-32) , thì bí rị là cái chắc, bởi mãi mãi vấn đề cơm áo gạo tiền vẫn là một vấn đề thiết thân của con người. Thiếu nó, sự sống cũng đi tong. Cứ nhìn cảnh đồng bào bị bão lụt nhà cửa tiêu tan, của cải không còn, muốn gầy dựng lại cơ nghiệp cũng phải một thời gian dài, ngay trước mắt chỉ có thể trông chờ vào sự cứu trợ; cũng đủ biết cơm áo gạo tiền cần thiết cho cuộc sống trần thế như thế nào. Như vậy thì Lời dạy của Đức Ki-tô "Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (Mt 6, 25) có gì là nghịch lý không? Người không dạy cứ nằm há miệng chờ sung, mà chỉ khuyên đừng lo lắng (“Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” – Mt 6, 27), bởi Người biết rõ con người khi lo lắng về sự gì (về của cải vật chất, chẳng hạn), thường tập trung tinh thần vào đó mà xao lãng những việc làm cần thiết khác (thu tích của cải Nước Trời).

Vậy thì tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa không có nghĩa là cứ nằm há mệng chờ sung. Chim trời không gieo, không gặt, không thu tích, nhưng liệu không tự làm tổ, không biết kiếm mồi, thì có chỗ trú ngụ, có cái ăn không? Đến ngay như hoa cỏ ngoài đồng chỉ là thực vật vô tri vô giác, nhưng đặt giả thử để chúng ở trên phiến đá khô, bên vệ đường hay trong lùm gai, thì liệu có ra hoa đẹp hơn cả áo của vua Sa-lô-môn được không? Ít ra thì cũng phải được gieo vào miếng đất màu mỡ và phải tự hút lấy chất bổ dưỡng từ đất, chuyển sang thành nhựa, mới có thể sống và ra hoa đẹp được. Con người cũng vậy thôi, muốn có cái ăn, cái mặc thì phải biết kiếm tìm và làm vịêc (“Có làm thì mới có ăn,/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho” – ca dao VN). Có lẽ cũng vì thế nên Đức Ki-tô mới chốt lại “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Nói cách cụ thể, Đức Ki-tô không muốn vì lo lắng thái quá, con người sẽ dồn hết sức lực vào vịêc kiếm tìm, thu tích của cải trần thế, để rồi coi nó như một chủ nhân ông quyền lực và làm tôi mọi, làm đầy tớ nó lúc nào không biết.

Vâng, quả thực mãnh lực của đồng tiền không thể lường được, nó có một sức mạnh vạn năng, có thể đổi nguy thành an, đổi trắng thành đen, hoặc ngược lại... Gẫm lại, nó chính là chủ nhân ông của cái gọi là thế thái nhân tình. Chẳng thế mà Nguyễn Công Trứ – một con người có nghị lực và đầy khí phách – đã phải thốt lên "Thế thái nhân tình gớm chết thay! / Nhạt nồng trong chiếc túi vơi đầy./ Hễ không điều lợi khôn thành dại,/ Đã có đồng tiền dở hoá hay./ Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,/ Hẳn hoi không hết một bàn tay./ Suy ra cho kỹ chi hơn nữa,/ Bạc quá vôi, mà mỏng quá mây". Thế thái nhân tình biểu hiện rõ rệt ngay trong cái túi tiền : Túi đầy thì nồng nàn, túi vơi thì nhạt nhẽo ("Nhạt nồng trong chiếc túi vơi đầy"). Cái túi đầy những tiền bạc ấy khoác ở trên vai thì "vai mang bị bạc kè kè,/ Nói láo nói lếu chúng nghe rầm rầm" (ca dao VN), nhưng nếu là túi rỗng, túi vơi thì còn khuya! Thật đúng "Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân... ", "Có tiền mua tiên cũng được", "Nén bạc đâm toạc tờ giấy", "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", "Có tiền có bạc chán vạn kẻ hầu,/ Có bấc có dầu chán vạn người khêu". Muốn có được túi đầy thì không dễ gì tự làm ra được, mà phải biết đi vơ vét, bòn rút, thậm chí trộm cướp của người khác ("Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,/ Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" – Kiều – Nguyễn Du). Câu "sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi" nghe ra thì chua chát, nhưng thực tế lại thấy nó lột tả được chân tướng sự việc. Đúng vậy, thế thái nhân tình là thế! Hễ "giàu sơn lâm" tất "lắm kẻ tìm" mà "khó giữa chợ" ắt "ít người hỏi".
Có một sự ngẫu nhiên trong ngôn ngữ đã nói lên được bản chất của đồng tiền: Đầu tiên, bạc đi với vàng (vàng bạc) chỉ là 2 thứ kim loại do con người tìm ra và sử dụng như một thước đo giá trị vật chất, rồi đi đến chỗ coi nó như một thứ để trao đổi của cải, hàng hoá, giống như tiền (nên mới gọi "tiền bạc"). Càng về sau, con người càng coi trọng, thì nó lại càng trở nên như một thứ ông chủ để quay lại đối xử bạc bẽo với người cần đến nó. "Tiền bạc" lúc đó trở thành một thứ tiền "bạc quá vôi, mà mỏng quá mây" là vậy. Danh từ "bạc" (kim loại) trở thành tĩnh từ "bạc" (phai lạt, bạc bẽo), thú vị thật! Đáng lẽ tiền của chỉ là một công cụ trao đổi mua bán, là đầy tớ đắc lực của con người, thì nay nó đã trở nên một chủ nhân ông quyền thế áp đảo con người, bôi đen cuộc đời. Thì ra "hoàng kim hắc thế tâm" (vàng bạc bôi đen lòng người) là thế đó. Ôi chao ! Tiền bạc ơi! Sao mi ghê gớm thế?

Cứ kể để minh hoạ cho cảnh coi tiền của là chủ nhân ông ở thời đại ngày nay thì nhan nhản, mà ngay cả ở thời đại cách đây 2000 năm cũng không thiếu. Như người thanh niên giàu có thà rằng từ giã Đức Giê-su – nguời mà anh ta muốn theo để được nhận làm môn đệ – chớ không thể từ bỏ tiền của, đến ngay như cả đám đông người Pha-ri-sêu cũng vậy thôi (“Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu. Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” – Lc 16, 14-15). Ấy thế là chỉ cắm cúi lo tích trữ của cải vật chất, xây thêm kho lẫm, đúc lại nhà cửa, sắm sửa đồ dùng, kiến tạo tiện nghi, toàn những thứ tối tân nhất, hiện đại nhất! Lòng tham vốn là một “cái túi không đáy” nên càng giàu có lại càng tham lam. Và cũng chính vì thế, nên “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa" (Mc 10, 25).

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt 2 loại : một loại làm ra tiền của bằng chính mồ hôi nước mắt bản thân (giàu chính đáng) và một loại làm giàu bằng bất cứ giá nào (giàu bất chính). Dù sao chăng nữa, thì việc làm ra tiền của (thậm chí trở nên giàu có nữa) cũng không phải là một cái tội, nếu việc làm đường đường chính chính, ngay thẳng thật thà. Chỉ khi nào vì muốn làm giàu mà hại đến người khác, trộm cướp, lừa đảo, giết người…, ấy mới là có tội và đáng bị lên án. Thực ra, Đức Giê-su Ki-tô chỉ muốn cho chúng ta hiểu là đừng lưu luyến những gì thuộc về thế gian, mà hãy khao khát những gì thuộc về Nước Thiên Chúa (“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” – Mt 6, 19-20). Nói khác hơn, Người muốn dạy chúng ta cần phải coi tiền của chỉ là phương tiện để duy trì sự sống của con người ở trần thế, chớ không thể là cứu cánh đem lại hạnh phúc đích thực cho mai sau. Con người khi được Thiên Chúa trao cho quyền làm chủ trần thế ("Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” – St 1, 28), thì cũng có nghĩa là phải làm chủ được bản thân, làm chủ được tiền của. Con người cần phải biết coi trọng bản thân – công trình tạo dựng của Thiên Chúa – coi tiền của chỉ là phương tiện để bảo dưỡng thân xác. Tuyệt đối không coi trọng tiền của như một ông chủ để biến mình thành nô lệ ("Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” – Mt 6, 24).

Nói tóm lại, tự bản chất, của cải cũng chỉ là do con người làm ra để phục vụ cho cuộc sống con người, tiền bạc do con người đặt ra làm phương tiện trao đổi, mua bán cũng là để phục vụ con người. Tiền của không phải là không cần thiết, mà còn phải nói là nó rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng như thế không có nghĩa tiền của là chủ nhân ông trong cuộc sống con người, mà chính con người phải làm chủ nó. Vâng, “Thà ít của cải mà sống công chính / hơn nhiều huê lợi mà thiếu công minh” (Cn 16, 8), ”Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” (Mt 16, 26). Như vậy là đã rõ, chủ nhân đích thực của con người là ai, là tiền của hay là Thiên Chúa? Hỏi tức là trả lời và trả lời được thì tất nhiên phải biết chọn lưa, không thể cùng lúc tôn thờ cả hai, vừa làm tôi tiền của lại vừa làm tôi Thiên Chúa được.

JM. Lam Thy ĐVD.