PDA

View Full Version : K - Không ai làm tôi hai chủ



Dan Lee
02-23-2011, 08:39 PM
KHÔNG AI ĐƯỢC LÀM TÔI HAI CHỦ


Đối với người xưa câu "không ai được làm tôi hai chủ" có ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Từ ngữ là "tôi" trong nguyên ngữ Hi lạp là nô lệ, làm nô lệ cho, và từ "chủ" để chỉ quyền sở hữu tuyệt đối. Ý nghĩa câu này sẽ rõ hơn nếu chúng ta dịch: không ai có thể làm nô lệ cho hai ông chủ.

Để hiểu ý nghĩa, có hai điều chúng ta cần nhớ về người nô lệ thời xưa. Trước hết, nô lệ trong quan điểm luật pháp, không phải là một con người mà là một đồ vật. Nô lệ tuyệt đối không có gì cả, chủ có thể xử dụng nô lệ thế nào cũng được. Đối với luật pháp, nô lệ là một dụng cụ sống, ông chủ có thể bán, đánh, quẳng ra ngoài hoặc giết đi, vì ông ta sở hữu người nô lệ y như sở hữu một đồ vật. Thứ đến, nô lệ thời xưa không có chút thời giờ nào là của riêng. Mỗi giây phút của đời sống nô lệ đều thuộc chủ. Trong những điều kiện ngày nay, người ta phải làm việc trong một số giờ qui định, ngoài ra là thì giờ của riêng mình. Ngoài giờ làm việc trong sở, người thơ ký có thể chơi vĩ cầm cho một dàn nhạc hòa tấu, anh ta có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống qua âm nhạc. Một người làm ở xưởng đóng tàu vào ban ngày, có thể làm chủ quán ban đêm, và có thể chính trong công việc này anh ta thật sự vui thích, biểu lộ được hết cá tính của mình. Nhưng đây là một điều hoàn toàn ngược lại đối với một nô lệ. Tất cả thì giờ của đời nô lệ đều nằm trong quyền xử dụng của chủ.

Đây chính là mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa , ta không có quyền gì cả. Thiên Chúa là chủ tuyệt đối. Không bao giờ chúng ta được hỏi: tôi muốn làm gì? Nhưng luôn luôn hỏi: Chúa muốn tôi làm gì? Chúng ta không có thời giờ nào của riêng mình cho nên không thể lúc thì nói: tôi sẽ làm điều Chúa muốn tôi làm, còn khi khác lại nói: tôi sẽ làm điều tôi thích. Không có giây phút nào người kitô hữu thôi là kitô hữu, Không có lúc nào có thể buông lơi các tiêu chuẩn của đời sống kitô hữu . Sống cho Chúa bán thời gian tùy hứng là điều không thể chấp nhận được. Sống đời kitô hữu là làm việc trọn thời gian. Không có chỗ nào trong Kinh Thánh đòi hỏi phục vụ Chúa độc quyền và rõ ràng hơn ở đây.

Chúa Giêsu tiếp tục dạy:"Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và tièn tài". Nguyên ngữ là mamôn, chỉ của cải vật chất. Nguyên nghĩa của nó không phải là một chữ mang ý nghĩa xấu. Các rabi Do thái vẫn dạy: "Hãy quí trọng mamôn của người khác như của chính ngươi", nghĩa là mọi người phải coi tài sản vật chất của người khác quí trọng như tài sản của mình. Nhưng từ ngữ mamôn cũng có ý nghĩa lịch sử kỳ thú và đặc sắc. Nó từ một gốc có nghĩa là phó thác. Mamôn là vật ký thác ở ngân hàng. Mamôn là tài sản được giao cho người nào đó bảo quản giúp. Nhưng dần dần mamôn không còn là vật ký thác nữa mà là cái gì con người ký thác lòng tin cậy của mình vào đó. Cuối cùng Mamôn được viết hoa và được coi như một ông Thần: Thần tài.

Lịch sử từ ngữ đó diễn tả sống động cách thức tài sản vật chất chiếm đoạt một vị trí mà nó không được phép chiếm trong cuộc sống. Ban đầu, tài sản là những thứ được giao phó cho người khác bảo quản, nhưng cuối cùng nó biến thành những điều con người đặt lòng tin cậy. Để chỉ thần tượng của một người, không có cách mô tả nào hay hơn bảo rằng thần tượng là quyền lực người tin cậy. Khi người ta đặt lòng tin cậy nơi vật chất thì nó trở thành thần tượng chứ không còn là phương tiện nữa. Lời phán này của Chúa đòi buộc chúng ta phải hướng suy nghĩ đến vị trí đúng đắn của tài sản vật chất trong đời sống. Trong lời dạy của Chúa Giêsu có ba nguyên tắc quan trọng liên quan đến tài sản.

1. Phân tích đến cùng thì mọi sự đều tùy thuộc Thiên Chúa :

Kinh Thánh nói rất rõ:

Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,

làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.

(Tv 23,1)

Vì thú rừng là của Ta hết thảy,

Cả ngàn muôn loài vật núi đồi,

Mọi thứ chim trời, Ta đều biết rõ,

Động vật nơi hoang dã thuộc về Ta.

Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay

Vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ...
(Tv 49, 10,12)

Trong lời dạy của Chúa Giêsu : chủ là người trao nén bạc cho đầy tớ (Mt 25,15), và chủ vườn là người trao vườn nho cho người làm thuê (Mt 21,33). Nguyên tắc này có những hậu quả rộng rãi. Con người có thể mua bán sắp xếp, điều chỉnh sự vật nhưng không thể tạo ra sự vật. Quyền sở hữu tối hậu trên sự vật là thuộc về Thiên Chúa . Con người không thể bảo một vật gì trên trần gian là "của mình", mà chỉ được nói"cái này thuộc về Chúa và Ngài cho tôi xử dụng nó". Do đó xuất hiện nguyên tắc căn bản này: không có gì trên trần gian thuộc về tôi, nên tôi cũng không được phép xử dụng thế nào tùy ý, mà phải nói rằng: cái này thuộc về Chúa và tôi xử dụng nó theo ý Ngài.

2. Nguyên tắc căn bản thứ hai:
Con người luôn luôn quan trọng hơn sự vật: nếu tài sản, tiền bạc, của cải được thâu góp, tích lũy qua sự lạm dụng đối xử với con người như với đồ vật thì tất cả của cải và sự giàu có đều sai. Ở đâu và khi nào nguyên tắc bị lãng quên, khinh thường thì những hậu quả nghiêm trọng chắc không tránh khỏi.

3. Nguyên tắc thứ ba:
Của cải luôn luôn ở hàng thứ yếu: Kinh Thánh không nói:"Tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác" nhưng dạy"Lòng tham tiền là cội rễ của mọi điều ác" (1Tim 6,10). Trong của cải vật chất có thể có điều "có tiền mua tiên cũng được", người ta cho rằng vì mình giàu nên có thể mua tất cả, có thể cứu mình ra khỏi mọi cảnh ngộ. Của cải thành thước đo, trở thành mong ước độc nhất, trở thành vũ khí duy nhất giúp người ta đối phó với cuộc đời. Nếu muốn có của cải để sống danh dự, để giúp đỡ gia đình và đồng bào thì đó là điều tốt. Nhưng nếu muốn giàu chỉ là để sung sướng càng thêm sung sướng, xa xỉ thêm phần xa xỉ, nếu của cải trở thành nguồn sống, trở thành mục đích đời sống thì nó không còn là phương tiện tốt nữa mà nó đã soán đạt địa vị chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.

Từ những suy nghĩ này xuất hiện một vấn đề: sự sở hữu của cải, tiền bạc, tài sản vật chất không phải là tội mà là một trách nhiệm nặng nề. Nếu người nào có nhiều của cải thì vấn đề là không phải ca tụng người đo, mà phải đặt vấn đề cầu nguyện để người ấy biết xử dụng của cải này theo ý muốn của Chúa.

Sưu tầm