PDA

View Full Version : T - Thẩm quyền



Dan Lee
02-18-2011, 06:30 PM
Thẩm quyền


Vấn đề chấp vấn thẩm quyền quả là rắc rối cho dân nghèo. Dân thường không biết hoặc biết mà không dám chất vấn khi bị nhân viên công quyền hà hiếp, áp bức. Ấm ức nhịn mà không dám đối diện với kẻ lạm quyền vì sợ thua, gặp phiền toái, trả thù vặt về sau. Kiến thức về quyền hành hạn hẹp và yếu thế dẫn đến việc lo ngại, sợ sệt khi phải đụng chạm đến công quyền.

Biệt Phái, các Kinh Sư, phái Pharisêu, Kí Lục nhiều lần chất vấn Đức Kitô về quyền. Kinh thánh ghi rất rõ vấn đề chất vấn quyền hành Đức Kitô bắt nguồn từ các nhà lãnh đạo, kẻ nắm quyền bính trong tay. Không phải họ đặt vấn đề một mà nhiều lần.Không phải một mà nhiều nhóm khác nhau. Đức Giêsu xua đuổi bọn buôn bán trong đền thờ. Các Thượng Tế và Kì Mục không dám lên tiếng chất vấn vì sợ đám đông. Chờ cơ hội, lúc vắng người, họ gặp Ngài trong đền thờ, tiến lại chất vấn.

Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy Mc 11,28.

Chất vấn Ngài không thành công, họ tìm cách bêu xấu, đặt điều, bịa chuyện khi Ngài chữa kẻ bị quỉ câm. Nhóm Pharisêu phao tin, xuyên tạc, nhằm gây hoang mang, nhục mạ và hạ uy tín Đức Kitô.

Ông ấy dựa vào thế quỷ vương mà trừ quỷ Mat 9,34; 12,24

Thất bại trong việc chất vấn thẩm quyền Chúa, họ đổi chiến thuật, quay sang tấn công môn đệ Chúa khi thầy trò, vào ngày sabat, đi ngang cánh đồng bứt lúa nhai cho đỡ đói. Hẳn họ có ý chê trách, thầy sao trò vậy.

Các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabat. Mt 12,1

Về phía đại chúng, khi nói về quyền hành Đức Kitô. Họ đã không chất vấn, tranh tụng, đặt vấn đề mà hết lời ca tụng, ngợi khen. Họ kinh ngạc, tâm phục, khẩu phục. Sau khi nghe Ngài giảng

Đám đông sửng sốt về lời giảng dậy của người, vì người giảng dậy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ Mat 7,28-29

Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay, ý đẹp thốt ra từ miệng Người Lc 4,22

Dân chúng nhận ra giáo lí của Ngài tốt hảo, trọn lành. Theo họ Đức Kitô giảng dạy con đường dẫn đến trọn lành, sự sống trường sinh.

Thứ nhất giáo lí Ngài dậy thì mới mẻ.

Thứ Hai giáo huấn của Ngài đầy quyền năng. Ra lệnh cho thần ô uế mà chúng phải tuân theo.

Thứ ba không như các tiên tri hay ngôn sứ khác phải vay mượn ý tưởng, ngôn từ để giải thích, hỗ trợ cho giáo huấn của họ. Các Ngôn Sứ, Kinh sư dựa vào luật để giải thích như Luật xưa dậy……. truyền thống cho rằng. Đức Kitô, đầy uy quyền, dậy. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết.

Thứ tư phương pháp giảng dậy bình dân. Ngài dậy trong đền thờ, nơi bãi biển, cạnh sườn đồi, trong bữa tiệc.

Thứ năm ngôn từ Ngài dùng đơn giản, toàn lời hay ý đẹp. Người nghe thực hành điều giảng dậy thấy tâm hồn thanh thản, lòng thơ thới, hân hoan.

Thứ sáu hình ảnh dùng trong dụ ngôn quen thuộc gần gũi với đại chúng.

Thứ bảy Ngài dậy dân chúng cầu nguyện cùng Cha Ngài cũng là Chúa của họ. Như chúng ta thấy trong Kinh Lậy Cha.

Thứ tám Ngài cho biết ngày phán xét Ngài xuất hiện như vị thẩm phán, xét xử toàn thể nhân loại. Mt 7,23

Đạo lí của Ngài là nguồn sống duy nhất ban hạnh phúc, sự sống trường sinh, giúp mọi người trở thành con cái Chúa.

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời c.44

Khác biệt

Có hai loại quyền hành rõ rệt. Một là quyền bẩm sinh, vĩnh cửu. Thời gian vô hạn. Hai là quyền ủy thác do cá nhân hay cộng đoàn trao ban, để thi hành thay cộng đoàn.

Quyền vĩnh cửu căn bản ai cũng có như quyền làm người, quyền sống, tự do tín ngưỡng, quyền được bảo vệ. Xúc phạm đến các quyền căn bản trên là lạm quyền. Giải thích cách nào cũng đều là lạm quyền. Sống tự do hay tù tội, người đó vẫn có quyền làm người. Cai tù có chửi bới thậm tệ, coi thường, đối xử độc ác người đó vẫn không mất quyền làm người. Quyền căn bản của con người bị xúc phạm, coi thường, chà đạp nhưng quyền làm người không bao giờ mất.

Quyền tạm thời, có giới hạn thời gian. Có ngày nhận quyền; sớm muộn cũng có ngày mất quyền. Mất vì quyền đó được trao vào tay kẻ khác. Đây là trường hợp của các quyền dân cử, đại diện dân. Hết nhiệm kì, thất cử, mất quyền. Quyền do đại chúng tin tưởng ủy thác; mất tin tưởng, dân biểu tình đòi lại quyền. Không trả lại biến thành độc tài. Dù là nhóm hay đảng cũng thế thôi.

Đầy quyền năng

Đức Kitô là Đấng đầy quyền năng. Ngài thể hiện quyền qua cách đối xử với đại chúng, với các nhà lãnh đạo. Qua giáo huấn, phép lạ Ngài thực hiện cho thấy Ngài là Đấng đầy quyền năng. Ma quỉ phủ phục khi gặp Ngài. Có lần chúng rên la: ông tới để tiêu diệt chúng tôi. Ngài có quyền trên bệnh tật, thiên nhiên. Quyền hoá bánh ra nhiều. Ra lệnh cho gió ngưng thổi, sóng ngưng vỗ. Ngài có quyền trên sự chết. Ngài có quyền ban sự sống trường sinh. Người trộm trên thập giá xin và Ngài ban sự sống trường sinh cho anh ta. Quyền của Ngài tồn tại muôn đời vì là Đấng tự bản chất có quyền mà không phải do ai uỷ thác.


Lm Vũ đình Tường