PDA

View Full Version : T - Tiếng gọi yêu thương cả kẻ thù



Dan Lee
02-15-2011, 09:37 PM
TIẾNG GỌI YÊU THƯƠNG CẢ KẺ THÙ



“Phải nhìn rõ mặt kẻ thù”, "phải phân biệt rõ đâu là bạn, đâu là thù; bạn thì trân trọng, thù thì dứt khoát phải thanh toán", "yêu bạn, ghét thù” : Lẽ thường ở đời là thế. Nhưng Lời Chúa hôm nay lại dạy ngược lại : không được trả thù (Bài đọc I ), "phải yêu kẻ thù (Bài Tin Mừng). Điều này có vẻ điên rồ, "nhưng hãy trở nên điên rồ để được khôn ngoan thật (Bài đọc 2).

I. ƠN GỌI NÊN THÁNH VÀ TIẾNG GỌI YÊU THƯƠNG CẢ KẺ THÙ

1. Yêu kẻ thù để tha thứ cho họ là điều vô cùng khó khăn. Có những người đến chết vẫn không quên kẻ thù để rồi mối thù đó được truyền qua từ dời này sang đời khác. Chuyện tình "Roméo và Juliette” của Shakespeare, hoặc tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường là những câu chuyện nổi tiếng nằm trong bầu khí hận thù truyền kiếp: không trả được mối thù thì đấy là một mối nhục không những cho một cá nhân mà còn nhục cho cả dòng họ? Trả thù, đấy là đòi hỏi của Lẽ công bằng, của lòng tự trọng ! Chính vì thế, tha thứ được coi như là hèn nhát, là đồng loã với tội ác, là để mặc cho kẻ ác tung hoành. Và nếu vậy thì lời Chúa hôm nay thật khó chấp nhận.

2. Thế nhưng người xưa cũng có nhận xét rằng : “oan oan tương báo", nếu cứ lấy ác báo ác thì sự ác sẽ không bao giờ chấm dứt. Chính vì thế, cần có sự tha thứ. Tuy nhiên tha thứ là một chuyện, còn yêu kẻ thù là chuyện khác. Người ta có thể tha thứ, có thể không thanh toán kẻ thù, nhưng không bao giờ yêu kẻ thù cả.

Trái lại, Lời Chúa hôm nay dạy rằng: không những phải tha thứ, mà còn phải yêu mến thật trong lòng và làm ơn cho kẻ thù nữa. Và lí do sâu xa không phải chỉ là để chấm dứt những mối hận thù triền miên từ đời này sang đời khác, mà là vì các tín hữu ý thức mình đã thuộc về Thiên Chúa. Mình phải là thánh giống như Thiên Chúa là Đấng Thánh : "Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Chúa các ngươi thờ, Ta là Đấng Thánh. Ngươi không được để lòng ghét người anh em ... ngươi không được trả thù ..."

Các tín hữu phải yêu kẻ thù vì ơn gọi nên thánh của mình. Mỗi người được mời gọi trở thành thánh. Và họ nên thánh, trước hết không phải do những hành vi tốt lành, không phải do đời sống luân lí của mình, mà là vì họ được Chúa chọn. Họ đã thuộc về Chúa, được lây nhiễm sự thánh thiện của Ngài. Mà sự thánh thiện của Thiên Chúa lại biểu lộ ra nơi tình yêu không biên giới, nơi lòng thương xót vô bờ : "ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, Ta sẽ không đền trong cơn thịnh nộ" (Hs 11,9).

Thiên Chúa biểu lộ sự thánh thiện của Ngài khi Ngài sẵn lòng tha thứ cho con người là những kẻ vẫn hằng xúc phạm đến Ngài. Ngài sẵn sàng chết để cứu con người là những kẻ vẫn hằng nhục mạ Ngài. Sự thánh thiện của Thiên Chúa đồng nghĩa với yêu thương vô bờ, yêu cả bạn lẫn thù, yêu tận cùng và mãi mãi, yêu để tha thứ đến 70 lần 7, tha thứ không bao giờ thôi.

Các tín hữu đã là thánh nên họ phải biết thể hiện sự thánh thiện của mình trong tình yêu thứ tha luôn mãi như thế.

II. TÌNH YÊU VÀ CHÂN LÍ

Tuy nhiên, yêu kẻ thù không có nghĩa là đồng loã với sự ác. Tình yêu phải đi dôi với sự Thiện và Chân lí. Tình yêu không chấp nhận sự xấu xa, giả dối. Trả thù là để giúp cho "kẻ thù” của mình trở nên tốt hơn, chứ không phải để dung túng cho những hành vi xấu xa của họ. Cho nên, tha thứ không có nghĩa là lúc nào cũng phải đưa cả hai má cho kẻ thù tát, không phải lúc nào cũng tặng luôn áo ngoài cho kẻ đã cướp mất áo trong của ta! Trong bản văn của Tin Mừng Mátthêu, chủ từ của những động từ "vả má trái", “đưa cả áo ngoài", "đi cả hai dậm” được thánh Mátthêu hữu ý dùng ở số ít là để nói lên một áp dụng cụ thể trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó thôi. Trong một hoàn cảnh khác, người ta có thể trả thù theo một cách kháe

2. Như thế, có nhiều cung cách thế hiện tình yêu tha thứ. Tha thứ có khi là "nhu”, có khi là “cương” để tạo sức ép giúp cho kẻ thù của mình nên tốt và hạnh phúc hơn. Chính vì lẽ đó, trong cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu đã không hề đưa luôn má kia cho tên lính đã tát tai Ngài, mặc dù trên thập giá, Ngài vẫn tha thiết nói lên lời tha thủ bất hủ. Cho nên, có nhiều cách thể hiện sự tha thứ. Điều tiên quyết là phải yêu đi đã: "Hãy yêu đi, rồi làm gì thì hãy làm” (Augustinô). Một khi đã biết yêu kẻ thù thì ta sẽ biết thông cảm với họ và sẽ nhận ra chính xác lúc nào cần “nhu” lúc nào cần "cương” để nâng đỡ, phục vụ họ một cách chân thành, khiêm tốn và có hiệu quả đúng với đòi hỏi của Tình yêu và Chân lí.

YÊU KẺ THÙ LÀ BẢN CHẤT CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

1. Ở đây, cũng nên nhìn nhận giá trị của luật cũ Môsê "Mắt đền mắt, răng đền răng". Vào thời Cựu ước, đây là một tiến bộ lớn. Điều luật này nhằm bảo vệ những người nghèo khó, cô thân cô thế trước những tàn bạo của kẻ mạnh: người ta chỉ được phép trả thù có giới hạn: một đền một mà thôi.

Trước đó thì dã man và rùng rợn hơn nhiều : "ông Laméc nói với các bà vợ : Hãy lắng tai nghe lời ta vì một vết thương, ta đã giết một người; vì bị sây sát, ta đã giết một đứa trẻ ! Cain dược báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bay mươi bảy !" (St 4,23-24).

Ngày nay, cách trả thù man rợ như thế không phải đã chấm dứt. Những cuộc thảm sát trong hai cuộc thế chiến, trong cuộc chiến Campuchia, trong những hoạt động của Mafia cho thấy luật "mắt đền mắt, răng dền răng" vẫn có giá trị nhân đạo của nó.

2. Nhưng tình yêu, sự thánh thiện của Thiên Chúa, không cho phép dừng lại ở chỗ này. Quả vậy nếu cứ đúng theo luật trên của Môsê, thì toàn thể nhân loại đã bị huỷ diệt từ lâu vì những xúc phạm lớn lao đối với Thiên Chúa. Rất may là sự thánh thiện của Thiên Chúa không chỉ là công bằng mà còn là nhân hậu, thứ tha. Được Thiên Chúa thứ tha cũng có nghĩa là được mang lấy sự thánh thiện của Thiên Chúa vào trong bản chất của mình, để đến lượt mình, các tín hữu cũng phải thể hiện sự thánh thiện sâu xa cốt cán của mình bằng khả năng biết thứ tha, biết yêu thương kẻ thù. Họ phải coi đó là sự khôn ngoan của mình, cho dù trước mắt thế gian, đó là sự điên rồ, dại dột. Đến nỗi nói được rằng: Là Kitô hữu mà không biết yêu kẻ thù thì không còn là Kitô hữu đích danh. Họ đã đánh mất bản chất thâm sâu của mình rồi. Rất đáng nhớ suy tư này của M.Quoist: Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.

Kết luận

Thánh Lễ ta đang dâng là bằng chứng cửa Tình yêu thương xót thứ tha. Con Thiên Chúa đã chết và đã nên lương thực cho chúng ta là những kẻ vẫn thường bội bạc với Ngài. Được nên một với Ngài trong bí tích Thánh Thể, ta cũng không thể làm khác Ngài. Xin tình yêu nhân hậu của Chúa toả sáng trong mọi cung cách, mọi hành vi của ta. Amen .

LỜI NGUYỆN TÍN HŨU

Chủ Tế : Anh chị em thân mến,

Lời Chúa hôm nay dạy ta phải yêu thương kẻ thù như Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Trong tinh thần đó, ta hãy dâng lời cầu xin :

Ý NGUYỆN :

1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi tín hữu luôn biết tha thứ cho nhau.

2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người, mọi dân tộc biết giải quyết mọi xung đột bằng con đường hoà giải

3. Chúng ta cầu xin cho ta biết làm ơn cho chính những kẻ muốn làm hại ta.

Lạy Cha chí thánh, xin sai Thánh Thần Chúa biến đổi trái tim chúng con, để chúng con biết yêu thương nhau bằng chính trái tim của Cha. Chúng con cáu xin nhờ Đức Kitô, Con Cha, Chúa chúng con.


Sưu tầm