PDA

View Full Version : S - Sống Bằng Yêu Thương



Dan Lee
02-14-2011, 08:58 PM
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

SỐNG BẰNG YÊU THƯƠNG

"Hãy yêu thương kẻ thù" (Mt 5,44)

DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Ở đời này, và cả ở đời sau, không có gì quan trọng cho bằng tình yêu. Hạnh phúc chính là yêu và được yêu lại. Nhưng chắc gì chúng ta đã hiểu đúng về tình yêu. Trong Thánh Lễ này, Lời Chúa sẽ dạy chúng ta điều quan trọng đó. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu và thực thi yêu thương trong cuộc sống chúng ta.

GỢI Ý SÁM HỐI


* Chúng ta yêu thương một số người, nhưng đồng thời cũng ghét bỏ nhiều người khác.
* Chúng ta muốn người ta yêu thương mình, nhưng mình lại không yêu thương người khác.
* Đặc biệt chúng ta nuôi dưỡng lòng ganh ghét, hận thù, là điều hoàn toàn đi ngược lại lời dạy của Chúa.

LỜI CHÚA
Bài đọc I (Lv 19,1-2.17-18) :

Sách Lêvi là một bộ sưu tập những khoản luật rất cổ xưa, trong đó các chương từ 17 đến 25 (đoạn được trích đọc hôm nay nằm trong phần này) được gọi là "Bộ luật về sự thánh thiện".

Vấn đề căn bản được đặt ra trong bộ luật này là : Thiên Chúa là thánh, con người là tội lỗi. Vậy làm thế nào con người tội lỗi như chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa thánh thiện được ?

Câu trả lời tuy rất đơn giản nhưng lại rất sâu sắc : Hãy sống yêu thương như chính Thiên Chúa đã yêu thương. Sách Lêvi diễn tả cuộc sống yêu thương theo hai phương diện :


1. Phương diện tiêu cực là "Ngươi sẽ không thù ghét anh em ngươi… Ngươi sẽ không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi".
2. Phương diện tích cực là "Ngươi hãy yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi".

Chúng ta hãy chú ý : đối tượng của lòng yêu thương là "anh em ngươi, con cái dân ngươi, đồng loại ngươi". Những kiểu nói đó đều chỉ về dân Israel. Điều này có nghĩa là lòng yêu thương trong Cựu Ước còn giới hạn nơi những người Israel với nhau.

Đáp ca (Tv 102) :

Thánh vịnh này ca tụng tình thương của Thiên Chúa, thể hiện qua những nét : ban ân huệ, tha thứ, cứu chữa, chuộc mạng, thương xót và nhân ái. Ngài yêu thương loài người như Cha thương con cái.

Tin Mừng (Mt 5,38-48) :

Đức Giêsu đã nói ở phần đầu bài giảng trên núi là giáo huấn của Ngài hoàn thiện Luật cũ. Trong bài đọc I, chúng ta đã thấy Luật về sự thánh dạy phải yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.


* Theo tinh thần Cựu Ước, người ta có quyền trả đũa "Mắt đền mắt, răng thế răng". Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.
* Theo tinh thần Cựu Ước, người ta chỉ yêu thương người đồng bào. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì hãy yêu thương thù địch và lấy ơn để báo oán.

Lý do của lòng yêu thương bao la ấy là chúng ta phải noi gương Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, "Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương".

Như thế, giáo huấn về yêu thương của Đức Giêsu thể hiện đúng nguyên tắc mà Luật về sự thánh trong sách Lêvi đã đề ra : "Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh".

Bài đọc II (1 Cr 3,16-23) (Chủ đề phụ) :

Ôn lại những đoạn được trích đọc các Chúa nhựt trước : Tín hữu Côrintô tự hào mình khôn ngoan nên chia rẽ nhau, nhóm thì theo Phaolô, nhóm khác theo Apollô, nhóm khác nữa theo Kêpha (tức Phêrô).

Thánh Phaolô nói cho họ biết rằng tất cả là Đền thờ của Thiên Chúa, một thể thống nhất liên kết với nhau. Do đó họ không nên dựa vào sự khôn ngoan để kình chống nhau, làm hại đến tính thống nhất của giáo đoàn.

GỢI Ý GIẢNG

Thế nào là thánh ?

Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nghe được hai lời kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa : "Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh" (bài đọc I) ; "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành" (Bài Tin Mừng).

Thánh là thế nào ?

Người ta thường hình dung vị thánh là một người khổ hạnh, xa lánh thế gian, chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện… Vì hình dung như thế, người ta ngưỡng mộ các vị thánh nhưng không thích làm thánh.

Bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay hình dung vị thánh một cách rất dễ thương, dễ thích : Thánh là người cố gắng giống Chúa. Mà vì Chúa là tình yêu cho nên thánh là người sống yêu thương, chẳng những yêu thương những người thân cận với mình, mà còn yêu thương cả những kẻ thù ghét mình.

Một vị thánh như thế, ai mà không thích ? Hình ảnh một vị thánh như thế, ai mà không muốn trở thành ? Và những người thánh như thế, xã hội nào mà không cần đến ?

Mắt đền mắt, răng thế răng"

Toàn văn của khoản luật trả đũa được ghi trong sách Xuất hành (Xh 21,24) như sau : "Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng". Mục đích của khoản luật này là tuy cho phép trả đũa nhưng giới hạn sự trả đũa đúng mức bị gây hại : kẻ thù làm mình hư một mắt, mình có thể trả đũa làm cho nó hư lại một mắt (không được hai) ; nó đánh mình bầm, mình có thể đánh nó bầm lại (không được hơn)…

Một điều đáng buồn là ngay trong thời đại Tân Ước này, nhiều người chẳng những chưa giữ được giới hạn tối thiểu của luật Cựu Ước mà còn tệ hơn thế nhiều. Họ sống theo luật "Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại". Hãy nhìn tình hình xung đột bên Trung Đông giữa Palestine và Israel : một người của bên này bị bắn tỉa chết là liền sau đó một làng của bên kia bị máy bay bên này ném bom. Trên bình diện nhỏ hơn : hai đứa trẻ đánh nhau kéo theo hai gia đình xung đột với nhau ; khi hai người cãi nhau, người này chửi một câu thì người kia đáp lại ba câu ; người này nói "Cha mầy" thì người kia đáp lại "Tổ tiên sư mầy"…

Làm thế nào để chấm dứt xung đột ? Cách giải quyết "Mắt đền mắt răng đền răng" rất khó dừng lại ở giới hạn hợp lý mà thường có khuynh hướng leo thang trả đũa. Còn nếu giải quyết bằng cách "Hòn đất ném đi hòn chì ném lại" thì xung đột càng leo thang nhanh hơn.

Đến đây chúng ta mới thấy giáo huấn của Đức Giêsu rất khôn ngoan. Xung đột chỉ chấm dứt được khi một bên chịu nhường nhịn. Nhường nhịn không có nghĩa là mình yếu, mình thua, nhưng là mình đang cố gắng nên thánh như Thiên Chúa ở trên trời là Đấng thánh.

Yêu thương kẻ thù không phải là thiện cảm, mà là thiện chí

Martin Luther King là một mục sư da đen, người đã đấu tranh để người da đen không còn bị người da trắng ngược đãi. Ông có một cách hiểu rất dễ chấp nhận về lời Chúa Giêsu dạy "Hãy yêu thương kẻ thù", như sau :

"Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ Agapè được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nới tâm hồn con người. Khi vươn lên một đỉnh tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ. Chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu dạy "Anh em hãy yêu thương kẻ thù". Phần tôi, tôi sung sướng vì Ngài đã không nói "Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em" bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người đã ném bom vào gia đình tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người" (Trích bởi Fiches dominuicales, Năm A, trang 201)

Mảnh suy tư


* Khi đọc lịch sử người ta rất buồn, không phải buồn vì những tội ác mà những kẻ ác đã phạm, cho bằng vì những sự trừng phạt mà người lành phải gánh chịu ; và một cộng đoàn trở nên hung ác không phải do những tội ác thỉnh thoảng xảy ra cho bằng do thói quen xử dụng hình phạt. (Oscar Wilde)
* Tha thứ giống như cái gì ? Giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát.

Lời cầu nguyện cuối ngày

Lạy Chúa
mỗi ngày khi chúng con đi ngủ là đi vào một cái chết nho nhỏ
để chịu một cuộc phán xét nho nhỏ về một ngày vừa qua.
Ước gì khi đó từng điều lầm lỗi của chúng con đều đã được tha thứ,
và từng điều không thánh thiện của chúng con đều đã được thánh hóa.
Xin đừng để còn một điều gì đi theo chúng con vào giấc ngủ mà chưa được tha thứ và thánh hóa.
Có như thế chúng con mới luôn sẵn sàng cho cuộc tái sinh vào cõi đời đời,
chúng con dám nhìn về phía trước với ánh mắt chan chứa tình yêu và hy vọng
và có thể đứng vững trước mặt Chúa là Đấng vừa là quan tòa vừa là Đấng cứu độ chúng con, một quan tòa thánh thiện và một đấng cứu độ yêu thương. (Đức Giám Mục Appleton)

Chuyện minh hoạ

a/ Trả thù

Một thanh niên trong làng bị lăng mạ cách thậm tệ. Anh vội vàng đến mục sư kể cho ông nghe và muốn đi trả thù ngay.


- Tốt hơn, con nên về nhà.
- Nhưng con bị nhục mạ.
- Vậy thì con càng nên về nhà ngay lúc này. Sự nhục mạ cũng giống như bùn.
- Đúng thế. Con sẽ làm sạch nó.
- Này con, có một điều con có thể học hỏi tốt ngay bây giờ và sau này : Bùn được gạt sạch dễ dàng khi nó khô.

b/ Tiêu diệt kẻ thù

Một hoàng đế Trung hoa tuyên bố sẽ tiêu diệt hết các kẻ thù. Nhưng ít lâu sau, thần dân thấy nhà vua đi lại, ăn uống với kẻ thù trước kia.


- Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù ?
- Đúng, ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta.

LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Chúng ta hãy cầu xin Chúa dùng tình yêu Đức Kitô mà thiêu đốt lòng chúng ta. Và chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời cầu xin tha thiết sau đây :


1- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh luôn luôn dùng tiếng nói tình thương để giới thiệu Đức Kitô là Đấng Thiên sai, là Người Tôi Tớ đau khổ và là Con Thiên Chúa.

2- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ánh sáng Chúa Kitô được chiếu tỏa trên mọi dân tộc và mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

3- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi kitô hữu đã lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, luôn luôn theo sự hướng dẫn của Ngài mà bền tâm theo tiếng gọi trọn lành của Chúa.

4- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật hôm nay trở nên nguồn mạch tình thương và ơn cứu độ cho tất cả mọi người trong xứ đạo chúng ta.

CT : Lạy Chúa, Ngài hằng ban phát mọi ơn lành. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện mà soi dẫn cho biết những gì là ngay chính, và giúp cho đủ sức thi hành những việc ấy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái