PDA

View Full Version : H - Hạnh phúc thật



Dan Lee
01-27-2011, 07:19 AM
HẠNH PHÚC THẬT

Trong cuộc sống, từ việc học hành thi cử đến các công việc thuộc các lãnh vực hoạt động khác, nhất là những cuộc thi đấu, tranh tài…, thường có những bảng điều lệ vừa có tính hướng dẫn, vừa có tính quy định những thể thức, luật lệ, tổ chức, thậm chí còn có cả những giải thưởng để khích lệ sĩ tử, đấu sĩ. Phần thưởng có khi chỉ là một tấm bằng, tấm huy chương, một giấy khen, kèm theo những món quà mà có khi là bằng tiền mặt (với những món tiền kếch sù).

Đức Ki-tô vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi. Người không chỉ thi hành sứ vụ bằng cách đơn thuần chết treo trên thập giá, mà còn là giảng dạy, khuyên bảo, răn đe, đồng thời sống đúng như những gì Người đã rao giảng, để làm mẫu gương cho những người đã biết lắng nghe còn biết thực hành theo Lời Người dạy.

Bài TM hôm nay (CN IV/TN-A) thuật lại: Khi thấy đám đông đi theo, Đức Ki-tô lên núi, ngồi xuống, các môn đệ ở gần bên, và Người bắt đầu dạy họ về 8 mối phúc để có thể đạt được phần thưởng Nước Trời (Mt 5, 1-12).

Ngày xưa, khi Hán Cao Tổ (Lưu Bang) khởi nghiệp cũng đưa ra một Ước pháp 3 chương, và nói chung các lãnh tụ giải phóng đất nước khi lên ngôi trị vì, thường có những bản Ước pháp (Hiến chương) hướng dẫn và quy định giềng mối quốc gia. Tám mối phúc chính là bản Hiến Chương Nước Trời, cũng giống như trong một quốc gia thì Hiến pháp là một văn bản gốc, trong đó quy định những thể chế, tổ chức, luật lệ, nhằm giúp hướng dẫn người dân sống tốt vai trò của mình, đồng thời là những quy định chặt chẽ để tổ chức bộ máy hoạt động quốc gia (chính trị, xã hội, kinh tế…) cho vững mạnh. Như vậy, bản Hiến chưong Nước Trời chính là những hướng dẫn, những quy định, nhằm giúp công dân Nước Trời sống tốt vai trò của mình để đạt đuợc hạnh phúc đích thực.

Hạnh phúc là gì? Theo từ nguyên thì đó là “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Nếu chỉ tìm hiểu về ý nghĩa thì chỉ cần một động tác nhỏ (mở tự điển) là xong, nhưng để có được hạnh phúc đích thực thì chuyện không còn là đơn giản nữa. Nói về hạnh phúc thì mỗi người một cách, mỗi người một quan niệm.

Có người thì nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi có được vợ đẹp con khôn, gia đình êm ấm”, người thì nói “Tôi hạnh phúc vì tôi có được đầy đủ cả tiền bạc và danh vọng”, cũng có người nói “Tôi hạnh phúc vì tôi chẳng vướng vòng danh lợi, chẳng luỵ chuyện phu thê, ngày 3 bữa vỗ bụng rau bình bịch” (“Ngày 3 bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,/ Đêm 5 canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” – Nguyễn Công Trứ), Có người thì cho rằng hạnh phúc là sống thụ hưởng, sống hôm nay không cần biết đến ngày mai (hiện sinh), lại cũng có người cho hạnh phúc là sống thanh tịnh vô vi, không màng đến thế sự (Lão tử).

Quan niệm về hạnh phúc cũng đa dạng, phong phú lắm, không dễ gì tìm được một điểm chung. Đa số những quan niệm đó đều nhắm vào hiện thực cuộc sống trần thế, và chính những hiện thực cuộc sống ấy đem lại cho chủ thể “trạng thái sung sướng” trong lãnh vực tinh thần. Nói cách cụ thể hơn, cái hạnh phúc hệ tại cuộc sống trần thế có thế đụng chạm, cầm nắm được (vật chất), nhưng khi có được nó rồi thì tinh thần mãn nguyện, sung sướng.

Còn hạnh phúc trong bản Hiến chương Nước Trời thì sao? Cứ theo tâm lý thông thường của người đời, trong 8 mối phúc thì có tới 3 mối phúc chẳng ai ham. Chẳng ai ham nghèo khó (dù cho đó có là tâm hồn nghèo khó đi chăng nữa), ham sầu khổ, ham bị bách hại. 5 mối phúc còn lại (hiền lành, khao khát đức công chính, thương người, trong sạch, xây dựng hoà bình) thì tuy không bị thiệt hại nặng cho bản thân, nhưng còn hạnh phúc thì cũng thấy mơ hồ, xa vời quá, nên cũng chẳng ham (hoặc ít ham). Cũng đã có người chia những Lời dạy của Đức Ki-tô ra thành 2 vế để phân tích và cho rằng “hạnh phúc thật mà Đức Ki-tô loan báo không ở vế đầu của câu nói mà ở vế sau”.

Đó chỉ là sự câu nệ về cú pháp, chớ thực ra đây chỉ là Lời dạy của một Người Thầy dùng “điều kiện cách” mà thôi. Cụm từ “phúc thay” là nhận định và lời chúc của Thầy về điều kiện được nêu ra tiếp liền theo đó, để khi làm được như vậy thì sẽ được phần thưởng tốt lành. Vd: Phúc thay (nhận định, lời chúc phúc) ai hiền lành (điều kiện) sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp (phần thưởng). Câu này cũng có thể viết : “Ai hiền lành thì thực là có phúc, vì sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (“Thứ nhất: Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy” – Kinh “Phúc thật tám mối”).

Vấn đề cần xét tới ở đây là những quy định, những điều kiện được đua ra trong cả 8 mối phúc đều là những điều kiện về tinh thần, về phương cách sống (tinh thần nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nhân đức, thương người, trong sạch, bị bách hại), và nếu sống được như vậy thì chắc chắn sẽ được phần thưởng. Phần thưởng đó không là giấy khen, bằng khen, hay những món tiền…, mà là những phần thuởng về tinh thần, về cuộc sống mai hậu. Nếu anh coi đó là những mơ hồ, ảo tưởng, thì anh vẫn chưa tin vào Người Thầy chí thánh của anh, vẫn chưa tin vào lòng nhân hậu, tình bác ái bao la của Thiên Chúa (Người còn ban, còn cho một cách nhưng không, vô điều kiện nữa kia).

Cho nên có thể nói rằng, để có được “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”, thì tiên vàn anh phải có niềm tin vào Người Thầy của anh chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, là Đấng Cứu Độ trần gian. Nói cách khác, tám mối phúc là những cách thế biểu lộ niềm tin, là những con đường sống đức tin, bởi chỉ có đức tin mới là cứu cánh tuyệt đối cho mọi phương cách chiếm hữu Nước Trời.

Sống đức tin ư? Đúng vậy! Anh có tin, anh mới thực hành được Lời Chúa dạy, nhất là những điều thiệt hại nặng nề đến bản thân anh (“bị sầu khổ, bị bách hại…”). Thánh Phao-lô Tông đồ đã từng nhấn mạnh “Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa vào lòng tin. Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3, 27-28), và ”Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy” (Gl 2, 17).

Một điều hiển nhiên đối với Thánh nhân là khi ngài chưa tin vào Đức Giê-su Ki-tô thì ngài là người rất năng nổ trong việc lùng bắt những người theo Ki-tô; nhưng sau biến cố Damas, được sáng mắt (nhờ được chính Đức Giê-su Ki-tô chữa lành bệnh mù nội tâm), ngài đã tin vào Đức Ki-tô như lời ngài khẳng định: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).

Tin và thể hiện bằng hành động, bằng chính cuộc sống, đến độ “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thánh nhân đã rất nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng Lời Chúa, làm nhân chứng sống cho Tin Mừng cứu độ, để trở nên một tông đồ kiệt xuất như một vì sao Bê-lem đem Ánh Sáng đến cho dân ngoại. Phải chăng chính Thánh Tông đồ dân ngoại đã là một mẫu gương sáng chói cho việc “sống đức tin”? Ấy cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26).

Nói tóm lại, sống trên đời ai ai cũng mong muốn có hạnh phúc. Ai mà chẳng muốn luôn được sống trong “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Để ý một chút sẽ thấy chỉ có được trạng thái ấy khi đã hoàn toàn đạt được ý nguyện, mà ý nguyện là gì, nếu không phải đó là những mong mỏi, những ao ước, những hy vọng đề ra trong cuộc sống, để con người nỗ lực vươn tới. Sẽ có một phản biện “Thế những người chủ trương sống thanh tịnh vô vi (không làm, không hành động), hoặc chủ trương sống hôm nay không cần biết đến ngày mai (hiện sinh), họ có nỗ lực chăng?” Câu trả lời luôn luôn là có, bởi “có thực mới vực được đạo”. Sống thanh tịnh vô vi, nhưng không thể vô thực vô ẩm (không ăn không uống) được, Mà muốn có đồ ăn thức uống, vẫn phải nỗ lực kiếm tìm, chớ không thể há miệng chờ sung.

Còn những người theo thuyết hiện sinh, sống hôm nay không biết đến ngày mai, nhưng nếu giả thử không có một chút cơm áo gạo tiền, thì liệu có sống thụ hưởng được không? Vì thế, vẫn cần phải có một nỗ lực để sống và nhất là để bảo vệ chủ thuyết mình đã theo. Người Ki-tô hữu với cuộc sống trần thế, cũng không ngoại lệ, cũng phải lo cơm áo gạo tiền để mà sống trước đã, nhiên hậu mới nói đến những ý nguyện, những ước vọng tương lai được xây dựng được hoài bão bằng một nỗ lực không ngừng. Có thể khẳng định sự nỗ lực ấy luôn được thúc đẩy bằng một niềm tin, và càng tin tưởng thì lại càng gắng sức, càng hy vọng vào hạnh phúc đích thực lại càng nỗ lực cầu nguyện và hành động, để đạt được ý nguyện. Vâng, muốn chiếm hữu được Nước Trời thì phải nỗ lực, phải không ngừng gắng sức sống theo Hiến chương Nước Trời với một đức tin vững vàng và một nỗ lực kiên trì vươn tới.

Chỉ có thế và chỉ có thể như thế được thôi, anh mới xứng đáng được làm môn đệ của Ông Chủ Nước Trời (Thiên Chúa) đã đưa ra bản Ước pháp 8 chương khi Người thi hành sứ vụ Cứu Độ nhân loại. Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.