PDA

View Full Version : DĐ - Đâu là giá trị thật



Dan Lee
01-21-2011, 11:32 PM
ĐÂU LÀ GIÁ TRỊ THẬT?

Mấy hôm nay dư luận râm ran về chuyện tự đánh bóng, tự đề cao của một số nhân vật trong xã hội và chuyện đánh giá của người dân đối với họ. Trong một xã hội mà mọi người đều là anh hùng, là đỉnh cao thì chuyện ai cao hơn ai cũng là điều bình thường thôi mà. Hơn kém gì thì cũng đã cao, đã anh hùng.

Cái gì làm cho con người có giá trị, dường như không ai quan tâm lắm. Giáo dục Việt nam lâu nay dạy cho người ta tìm kết quả hơn tìm nỗ lực, tìm lời khen hơn tìm hành động, tìm nhãn mác hơn tìm giá trị thật của chính mình.

Điều ấy cũng dễ hiểu. Nếu hỏi một học sinh, kể cả sinh viên đại học, cái gì làm cho con người có giá trị, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là bằng cấp, nghề nghiệp và vị trí xã hội. Vị trí ấy được qui định do tiền bạc hay chỗ ngồi và quyền lực.

Như thế có nghĩa là trong xã hội này không có chỗ cho người không có bằng cấp, không có tiền và không có địa vị. Kết quả là người ta chạy đi tìm bằng cấp thay vì tìm kiến thức, tìm tiền bạc thay vì tìm xây dựng cuộc đời, tìm địa vị thay vì tìm phục vụ.

Đầu và cuối các học kỳ, các trường học đều giương khẩu hiệu: “Sinh viên không quay cóp khi làm bài”. Ở các trường sư phạm còn có thêm mấy từ “sinh viên sư phạm không gian lận”. Báo chí thỉnh thoảng đăng tin “Tài xế taxi trả lại hành lý bỏ quên cho khách”, “Học sinh trường A, B… trả lại tiền nhặt được”. Thấy thế, đồng nghiệp tôi có người bảo: “Xã hội bắt đầu khá lên”.

Thế nhưng có đúng là khá lên không? Chẳng lẽ giá trị con người chỉ có chừng ấy? Người ta hô hào “Năm nay sinh viên quyết tâm không quay cóp”, nghĩa là người ta thừa nhận thực trạng gian lận ấy đã tràn lan. Thỉnh thoảng báo chí đăng chuyện trả lại của rơi, nghĩa là chuyện trả lại của rơi là điều hiếm khi xảy ra nên mới đặc biệt đến thế?

Chịu khó ngồi suy nghĩ, chúng ta sẽ bật cười nếu có khẩu hiệu: “Sinh viên quyết tâm đi ra bằng cửa chính, không phải cửa sổ”, hoặc chúng ta sẽ ngất xỉu nếu báo đăng tin: “Sáng nay có một học sinh ngồi im lặng chép bài”. Sao lại bật cười hay ngất xỉu? Vì khi đưa tin như thế, người ta thừa nhận chuyện ấy là bất bình thường. Vậy người ta ở các nước văn minh nghĩ gì khi đọc khẩu hiệu hay tin tức của chúng ta về chuyện quay cóp, trả lại của rơi?

Giá trị con người được đặt chưa đúng chỗ và tiêu chí định giá cũng chưa hợp lý. Chúa Giêsu dạy cho môn đệ Người giá trị và tiêu chí khác thế gian lắm. Khi Người gọi các môn đệ đầu tiên, Người đã cho con người thấy tiêu chí định giá là chính nhân vị của họ. Nhân vị ấy Thiên Chúa trao cho con người cùng với sự hiện hữu của họ trên đời này. Chúa Giêsu trả lại cho con người nhân vị và phẩm giá bằng cái Chết và sự Phục Sinh của Người.

Theo tin từ Tòa Thánh, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được chọn là quan thầy của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 tại Madrid sau khi việc phong chân phước của ngài được dự trù vào ngày 1 tháng 5 sắp tới, thì tất cả cử tọa hiện diện đã tiếp nhận lời tuyên bố này một lòng cảm xúc sâu xa và một tràng pháo tay thật lâu dài.

Tại sao con người, đặc biệt là giới trẻ, yêu thương và kính trọng vị Cha chung đến như thế? Ngài có địa vị cao quí trong lòng nhân loại vì ngài đã sống theo Đức Kytô và dấn thân cho Hội Thánh và cho xã hội.

Việc giáo dục cho con người nhận ra giá trị thật của mình và sống đúng với nhân phẩm mình không phải là điều dễ dàng, nhất là trong một xã hội mà mọi thứ đều đảo lộn trật tự. Sống trong xã hội như thế, ngay cả người Công giáo cũng chịu ảnh hưởng. Cứ cho người trẻ xác định vị thứ của các giá trị, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của xã hội vật chất và loại trừ Thiên Chúa không phải là nhỏ.

Điều đắng cay là đối với những người trẻ được đào luyện lương tâm để nhận ra giá trị thật của mình, lắm khi họ hoang mang vì chính những người họ tin tưởng lại không sống đúng như họ mong đợi. Người trẻ nghĩ gì khi thấy những người đàn anh của họ sống cho công lý, cho sự thật và hòa bình lại bị phân biệt đối xử? Người trẻ nghĩ gì khi những nỗ lực vì một xã hội sống theo lý tưởng Tin Mừng lại gặp nhiều trắc trở?

Sẽ không có phát triển và tiến bộ nếu các giá trị không được đặt lại cho đúng chỗ. Và sẽ là vô ích khi đòi bình đẳng nếu nhân vị và phẩm giá con người chưa được nhìn nhận đúng như Đức Giêsu Kytô đã đem lại cho con người. Mọi nỗ lực đề cao người này người nọ cũng là vô ích nếu họ chưa “sống và hành động theo tiêu chí và đòi hỏi của Tin Mừng”.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã khởi xướng phong trào Đại Hội Giới Trẻ thế giới, xin cho chúng con nhận ra đâu là giá trị thật của cuộc đời mình để có thể sống hết mình cho Đức Giêsu Kytô là Chúa và cũng là người bạn của giới trẻ.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs