PDA

View Full Version : T - Từ một lần gặp gỡ (14): Ngài Biết Tôi



Dan Lee
01-13-2011, 11:25 PM
Từ một lần gặp gỡ (14): Ngài Biết Tôi


Các bạn trẻ thân mến,

Cõi lòng con người là một mầu nhiệm. Đó là một nơi hoàn toàn riêng tư mà không ai có thể chạm tới được nếu không được sự cho phép của người trong cuộc. Mặt khác, đôi lúc chính người trong cuộc cũng ước mong có một ai đó chạm đến để hiểu thấu lòng mình. Quả là không dễ để cùng chung chia một tấm lòng, một suy nghĩ, một nỗi niềm. Chính vì sự không dễ ấy mà người ta ngạc nhiên và trân trọng giây phút gặp gỡ và cảm thông.

Đối với Nathanael, không bao giờ ông quên được giây phút đầu tiên gặp Đức Giê-su. Ông đã ngạc nhiên đến sửng sờ khi Đức Giê-su đọc được cõi lòng của ông (x. Ga 1,45-51). Phi-lip-phê là người đã có kinh nghiệm gặp Đức Giê-su trước và ông muốn người bạn của ông cũng có được kinh nghiệm ấy. Vì thế, Phi-lip-phê đã đến gặp Nathanael để giới thiệu về Giê-su, người Nazareth. Nathanael đã không giấu lòng mình về sự coi thường của ông đối với làng quê Nazareth không mấy tiếng tăm: “từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được!” Như thế, lòng cảm mến mà Nathanael dành cho Đức Giê-su không phát xuất từ một tình cảm có trước. Khi gặp Đức Giê-su, Nathanael đã phải đổi hẳn cách nhìn.

Nathanael đã phải thốt lên: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa”. Ông thốt lên điều đó không với một lý do nào khác hơn là sự khâm phục và niềm vui sướng vì Đức Giê-su đã hiểu và biết ông. Đức Giê-su nói: “trước khi Phi-lip-phê gọi anh, khi anh còn ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. Nathanael đã làm gì ở dưới cây vả? Ai mà biết được ngoài chính ông! Vì điều đó ở trong cõi lòng của ông, ai mà đụng đến được. Vậy mà giờ đây Giê-su đã chạm đến. Thực ra, Giê-su đã không nói chi tiết điều gì đã xảy ra với ông dưới cây vả, nhưng cõi lòng luôn là nơi nhạy cảm, chỉ cần một vết chạm nhẹ cũng đủ để cảm nhận người ta hiểu mình đến mức nào.

Một khi đã có gặp gỡ và cảm thông, người ta sẽ dễ dàng thay đổi thành kiến vốn có trước về nhau. Nathanael đã không ngại xem thường những ai xuất thân từ Nazareth, và cũng lại chính ông lớn tiếng thốt lên lời cảm phục của mình về một người Nazareth. Điều gì đã làm nên sự thay đổi này? Chắc hẳn không phải vì lời thuyết phục của Phi-lip-phê, cũng không phải từ suy luận của chính Nathanael. Mấu chốt vẫn là sự gặp gỡ. Qua kinh nghiệm này, Nathanael biết được thế nào là giá trị của tương quan: người với người. Nếu chỉ suy luận về nhau, người ta sẽ gặp thấy một thành kiến. Nếu đến gặp mặt nhau, người ta sẽ thấy một con người!

Về kinh nghiệm được Thiên Chúa thấu suốt tâm can, vua Đa-vít cảm nhận trong Thánh Vịnh 139 rằng:
(1) Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
(2) biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
(3) đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
(4) Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.
(13) Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
(14) Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi. (Tv 139, 1-4.13-14)

Các bạn trẻ thân mến,
Thật hạnh phúc vì được Thiên Chúa là Cha, và được Ngài thấu suốt tâm can để san sẻ nỗi niềm trong kiếp sống làm người. Bạn có từng chạy đến than thở cùng Thiên Chúa để xin Ngài hiểu và giúp đỡ? Có lẽ chúng ta dễ dàng chạy đến với Chúa để kể cho Ngài nghe hơn là để nghe Ngài nói! Đôi khi chúng ta quên mất rằng cuộc trò chuyện cần có lúc nói và cũng có lúc nghe. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn nghe, và Ngài sẽ nói khi chúng ta sẵn sàng nghe Ngài. Nathanael đã không thể biến đổi và bước theo Đức Giê-su nếu ông không để cho Ngài nói về ông. Một khi chúng ta để cho Giê-su nói với mình và về mình, chúng ta sẽ được Ngài chạm đến cõi lòng để cảm thông và chữa lành.
Giê-su đã nhìn thấy Nathanael khi ông còn dưới cây vả của riêng ông. Giê-su cũng nhìn thấy mỗi chúng ta dưới gốc cây vả nào đó của riêng mình. Ngài nhìn thấy và Ngài chờ đợi, chờ đợi ta đến với Ngài. Giê-su đọc thấy cõi lòng chúng ta không như một người moi móc thông tin, ngược lại Ngài hiểu và tôn trọng những gì riêng tư nhất, như một người bạn hiểu được tâm tư của một người bạn.

Với tuổi trẻ, chúng ta đang trên bước đường xây dựng tương lai cho chính mình. Hẳn chúng ta cần có một người bạn đồng hành luôn hiểu và cảm thông. Không ai khác hiểu chúng ta hơn Giê-su. Ngài sẽ cùng đồng hành với chúng ta trên từng bước hành trình. Ước gì ta dám đến với Ngài, dù đôi khi Ngài đã bị ta gán cho một thành kiến trước. Ước gì ta biết ngạc nhiên khi gặp Ngài, vì Ngài biết ta hơn cả chính ta biết mình. Ước gì cuộc sống thường ngày trở nên nơi thật đẹp để chúng ta gặp gỡ Giê-su.

Hà Thanh Bình