PDA

View Full Version : L - Làm chứng



Dan Lee
01-08-2011, 05:22 PM
Làm chứng


Câu chuyện đã xảy ra cách đây khá lâu. Ngôi thánh đường nhỏ bé trong một thị xã của vùng Trung Tây Hoa Kỳ đã xưa cũ, cần phải được sửa chữa lại, nhất là ngọn tháp. Cây thánh giá trên đỉnh ngọn tháp này phải được hàn lại cho chắc chắn để chịu đựng nổi sức gió thổi và sự xoi mòn của nắng mưa sương tuyết. Nhưng giàn ráo không thể bắc lên cao cho tới cây thánh giá được, chỉ gần tới mà thôi. Có một công nhân lực lưỡng, cao ráo, vai u thịt bắp, sẵn sàng đứng chịu cho người thợ hàn leo lên vai của anh để làm việc. Việc làm này thật nguy hiểm cho tính mạng của cả hai người!

Từ bên dưới, đám đông nhìn lên nín thở. Sau cùng, công việc hàn lại cây thánh giá cũng hoàn tất. Người thợ hàn bò xuống khỏi đôi vai nở rộng và khỏe mạnh của anh công nhân. Rồi anh công nhân cũng chậm rãi leo xuống khỏi giàn ráo. Khi vừa xuống tới đất, anh nằm bật ngửa ra nền nhà. Đôi vai và hai cánh tay vạm vỡ của anh đầy những vết phỏng.

Cái gì đã xảy ra? Trong khi người thợ hàn lại cây thánh giá, những giọt kim loại nóng bỏng đã nhiễu xuống đôi vai và hai cánh tay của anh công nhân đang cố gắng giữ chặt lấy người thợ hàn. Mặc dù đau đớn và xót xa cực độ, nhưng anh đã không dám nhúc nhích. Bất cứ một phản ứng nào cũng có thể làm cho người thợ hàn ngã xuống và chết tại chỗ. Phải mất vài tuần lễ những vết phỏng mới được lành hoàn toàn.

Qua phép rửa tội, chúng ta cũng được gọi để làm chứng minh cho Tin Mừng. Làm chứng nhân cho chân lý đòi hỏi phải hy sinh, và đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình như Gioan tẩy giả đã làm. Làm môn đệ của Đức Kitô phải thường xuyên đấu tranh với những khuynh hướng xấu nơi bản tính của con người, chống lại sự dữ, tội lỗi và ma quỉ. Đó là cuộc tử đạo kéo dài suốt đời người.

Trong cuốn “Tiếng Chim Ca”, cha Anthony De Mello, S.J. đã dùng dụ ngôn “Tiệm Bán Chân Lý” để nói lên cái giá phải trả của những người môn đệ theo Chúa Giêsu:
Tôi hoa mắt lên khi thấy tên cửa tiệm: “Tiệm Bán Chân Lý”. Cô bán hàng rất lễ phép: tôi muốn mua loại chân lý nào đây, toàn diện hay từng phần – phiếm diện? Chân lý toàn diện, dĩ nhiên rồi. Đối với tôi, nhất định không có lừa bịp, không có khống chế, không có giải thích quanh co. Tôi muốn chân lý của tôi phải thuần khiết và minh bạch. Cô bán hàng vẫy tay ra hiệu chỉ cho tôi phía đằng kia tiệm sách.

Cậu bán sách ở đó lấy ngón tay chỉ cái nhãn hiệu có ghi giá cả. Cậu ta nói: “Thưa ông, giá rất đắt”. Tôi hỏi: “Giá bao nhiêu?” Vì tôi cương quyết mua cho bằng được cái chân lý toàn diện, cho dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Cậu trả lời: “Thưa ông, giá của sự an toàn của ông đấy “. Tôi ra khỏi tiệm với con tim nặng trĩu. Tôi đang cần sự an toàn cho những niềm xác tín bất khoan nhượng của tôi.

Vì làm chứng nhân cho chân lý nên thánh Gioan Tẩy giả đã bị chém đầu, Chúa Giêsu đã phải chết trên cây thập giá. Phải trả bằng giá của mạng sống, vì thế Chúa Cha đã phán: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.

Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đã được Thiên Chúa nhận làm con cái của Ngài rồi. Nhưng ước gì trong đời sống chứng nhân của người Kitô hữu chúng ta cũng cảm nghiệm được tiếng Thiên Chúa Cha phán riêng với chúng ta rằng: “Nầy là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”.