PDA

View Full Version : C - Chịu dìm như Đức Kitô để cùng được vinh hiển



Dan Lee
01-08-2011, 04:09 PM
Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa - năm A

CHỊU DÌM NHƯ ĐỨC KITÔ ĐỂ ĐƯỢC CÙNG VINH HIỂN VỚI NGÀI

Is 42, 1-4. 6-7; Cv 10, 34-38; Mt 3, 13-17

Hôm nay, Chúa Giêsu làm cái chuyện hết sức “ngược đời”. Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa của Gioan.

Chúng ta kỷ niệm việc Chúa Giêsu được Gioan làm phép rửa trong nước sông Giođan. Chúng ta thấy rằng không hề mang một lỗi lầm nào nhưng Chúa Giêsu vẫn tự buộc mình phải theo nghi thức này, như Ngài đã từng bắt mình phải tuân theo những điều khoản khác của Lề luật. Là con người, Người tuân theo những điều luật hướng dẫn và ràng buộc đời sống của dân Israel, những người được Thiên Chúa tuyển chọn để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả hăng hái thi hành sứ mạng ngôn sứ và khơi gợi lòng ăn năn sám hối như một cách chuẩn bị gần để chào đón Vương quốc của Đấng Mêsia đang đến.

Trên bờ sông Gio-đan. ! Con sông này, tất cả đã khởi đầu trên bờ của nó ! Một con sông độc nhất vô nhị trên thế gian, kể cả nói về mặt địa lý. Tiếng "Gio-đan”, trong ngôn ngữ Do Thái có nghĩa là "người đi xuống", từ gốc "yarad" "đi xuống Con sông Gio-đan, thực tế là con sông độc nhất phải xuống quá thấp ! Nó bắt nguồn trên đồi Héc-môn, cao 520 mét, dài 220 cây số, chấm dứt ở Biển Chết, ở sâu 394m dưới mực nước biển. Thật là quá thấp ! Chỗ thấp nhất trên hành tinh này ! Hành động này của Chúa Giêsu diễn tả rằng Thiên Chúa đã hạ mình xuống để gặp gỡ con người tội lỗi. Chúa Giêsu ... sinh ra, chịu khổ hình thập giá chết, táng trong mồ xuống nơi luyện hình ... một cuộc đi xuống thật lạ lùng, một sự khiêm hạ sâu thẳm !

Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan cho chúng ta thấy Người muốn cứu chuộc nhân loại bằng cách nào. Người đã dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, cũng có nghĩa là dìm mình trong vũ trụ của các tội nhân, dưới tận đáy khiêm nhường. Lúc Chúa Giêsu chịu dìm dưới dòng nước sông Giođan, nghĩa là trong vũ trụ của các tội nhân, dưới tận đáy khiêm nhượng, thì Chúa Cha đến gặp Người và đặt Người làm “Kitô và Chúa” (Cv 2, 33) : ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Khi chấp nhận liên đới với kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu tỏ ra muốn phản đối quan niệm của vị Tẩy giả về Nước trời và về cuộc giáng lâm của Đấng Messia: thay vì xuất hiện như Thẩm phán cánh chung đến quét sạch sân lúa trong cơn Hỏa nộ, Chúa Giêsu lại tự hủy trong dòng nước Giođan. Trình thuật Mt như thế kín đáo ám chỉ cuộc Tử nạn, qua việc đồng hóa Chúa Giêsu với người Tôi tớ của Thiên Chúa (Is 42, 1; Mt 3,17), đấng đã gánh lấy mọi yếu hèn của ta (Is 53,4; Mt 8,17). Chính trình thuật Tử nạn của Chúa Giêsu (27, 45-56) cũng chứa đựng nhiều yếu tố của cảnh này, như chúng ta sẽ thấy về sau khi nghiên cứu cuộc Khổ nạn.

Người đứng về phía các tội nhân mà Người đến tha thứ và cứu vớt. Người mong biến đổi nhân loại, nhưng là từ bên trong, bằng cách chia sẻ thân phận nghèo hèn và khốn khổ của họ hơn là từ bên ngoài, hơn là bằng xét xử phán đoán. Người từ chối thống trị chinh phục với vũ lực bắt buộc người ta phải thừa nhận Người, từ đầu sứ vụ, Người cho thấy chỉ muốn cứu nhân loại bằng cách tự huỷ mình cho đến chết và chết trên thập giá

Chúa Giêsu muốn liên đới với con người trong nỗi khốn cùng và sự yếu hèn của họ. Người muốn đợi chúng ta chính nơi đó. Vì thế đừng luống công làm ra vẻ quan trọng, tự đắc, cho mình xứng đáng với tình yêu của Người. Chính trong đáy vực sâu tội lỗi mà Người gặp gỡ và phục hồi ta.

Thánh Augustinô nói: Chúa ước ao chịu phép rửa để qua sự khiêm nhường Người có thể nói rõ điều gì là cần thiết cho chúng ta.

Ai chịu thanh tẩy là đi vào đời sống nghĩa tử với Chúa Giêsu: người ấy được làm con cái Thiên Chúa theo cách riêng của mình và cũng nhận được Thần khí Chúa Cha và Chúa Con.

Qua việc chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta Bí tích Rửa tội Kitô giáo. Bí tích này được Chúa Giêsu trực tiếp thiết lập với những yếu tố cơ bản mà sau này sẽ được xác định thêm, và được thiết định như một luật phổ quát kể từ ngày Người lên trời. Trước khi rời khỏi các môn đệ để về Trời, lời mời gọi trao gửi cho các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn còn đó : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”

Để thanh tẩy bản tính nhân loại và giải thoát nó khỏi đau khổ thê thảm do thứ tội mà chúng ta mang lấy từ khi mới sinh gây nên, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Bí tích Rửa tội như một phương thế hết sức đặc biệt. Nước thiên nhiên biểu thị việc rửa sạch thì nước rửa tội hoạt động một cách thật sự, biểu thị điều mà công dụng của nước và đi xa hơn một bước nữa đó là thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ tội lỗi.

Thánh Lêô Cả nói: “Nhờ Bí tích Thánh tẩy, các con đã được biến đổi trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Ngài hô hào chúng ta: Các con đừng bao giờ xua đuổi vị thương khách bằng hành vi tội lỗi của các con, cũng đừng bao giờ khuất phục quyền lực của quỷ dữ: vì giá chuộc các con là chính máu Đức Kitô”.

Lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta nhận được đức tin và ân sủng. Ngày chúng ta được rửa tội là ngày quan trọng nhất trong đời chúng ta. Như đất khô cằn không sản sinh hoa trái nếu không có mưa xuống, thì cũng vậy chúng ta tựa như cây khô héo chỉ có thể trổ sinh hoa trái sự sống nếu chúng ta tự do lãnh nhận cơn mưa ân sủng tuôn đổ dồi dào từ trời cao. Trước khi rửa tội, chúng ta ở bên ngoài cánh cổng Thiên đàng bị khóa chặt, không thể nào sản sinh được hoa trái thiêng liêng.

Bí tích Rửa tội khai sinh chúng ta trong đời sống Kitô hữu. Đó thật sự là một cuộc sinh ra trong đời sống siêu nhiên. Đó là đời sống mới mà các môn đệ đã rao giảng và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô : “Thật Tôi bảo thật ông, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt, cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí”.

Hoa trái của đời sống mới này là con người được thần hóa thật sự, nhờ đó họ được ban cho sức mạnh đơm bông kết trái siêu nhiên. Thật không may, phẩm giá của người đã được rửa tội thường bị che phủ bởi những hoàn cảnh thường ngày của đời sống, vì thế cũng như các thánh chúng ta phải nỗ lực hết mình để sống xứng đáng với phẩm giá ấy bằng bất cứ giá nào.

Phẩm giá cao trọng nhất của chúng ta, phẩm giá của con cái Chúa, được ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội, là kết quả của việc chúng ta tái sinh. Nếu như việc sinh hạ con người đưa đến hệ quả là quan hệ "cha" và "con", thì cũng thế những ai được Thiên Chúa sinh ra thật sự là con cái của Người. Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.

Phép lạ của cuộc tái sinh xảy ra ngay khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, qua ân sủng Chúa Thánh Thần đổ xuống trên linh hồn. Nước rửa tội được làm phép trong đêm Phục Sinh và trong lời cầu chúng ta nguyện xin: Cũng như Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria và ban cho lòng Mẹ khả năng sinh hạ Đức Kitô thế nào, thì Ngài cũng ngự xuống trên Hội Thánh và ban cho cung lòng Hội Thánh (nghi thức rửa tội) khả năng tái sinh con cái Chúa như vậy.

Thực tại sâu xa ứng với kiểu nói đầy hình ảnh này là người vừa mới rửa tội được tái sinh trong sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa, và do vậy trở thành "con" của Người: Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô.

Khi lãnh Bi tích Rửa Tội, mỗi kitô hữu là chi thể của Chúa Giêsu và Hội Thánh. Ý định của Thiên Chúa thánh hóa và cứu rỗi nhân loại, không phải từng người riêng rẽ, tách biệt khỏi những người khác hay không hợp thành một dân, nhờ đó họ có thể nhận biết thánh ý Người trong chân lý và phục vụ nó trong sự thánh thiện. Bí tích Rửa tội là cánh cửa qua đó chúng ta được gia nhập vào Hội Thánh.

Nếu chúng ta cùng chịu dìm như Đức Kitô chúng ta sẽ được vượt qua tội lỗi, qua cái chết và sống đời sống mới như Ngài. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi nên thánh. Mỗi người chúng ta trong từng bậc sống và điều kiện của mình hãy nên thánh mỗi ngày. Xin Chúa Giêsu đã thánh hóa chúng ta qua Bí tích Thanh Tẩy thì cũng thương xóa cho chúng ta tất cả những lỗi phạm vì yếu đuối của phận người để ngày sau chúng ta cùng được vinh phúc Thiên Đàng như Ngài đã hứa.

Anmai, CSsR