PDA

View Full Version : G - Gia Đình Tốt Lành Thánh Thiện



Dan Lee
12-28-2010, 07:28 PM
Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất, năm A

Gia Đình Tốt Lành Thánh Thiện

Gia Đình là nền tảng của xã hội, là một Giáo Hội thu hẹp. Mừng Lễ Thánh Gia, Giáo Hội muốn mời gọi mọi gia đình kitô hữu hướng nhìn vào Gia Đình Nazareth: nơi đó có Thánh Giuse là người cha khiêm nhường công chính, có Đức Maria là người mẹ hiền hoà thánh đức, có Chúa Giêsu là người con vâng lời dễ thương.

Vào cuối thế kỷ XIX, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII mong muốn chọn một vị Thánh nào đó, làm Bổn Mạng, làm gương mẫu chung cho các gia đình Công Giáo. Nhiều ý kiến khắp nơi với nhiều đề nghị khác nhau, âm thầm góp ý cho Ngài danh sách Những Vị Thánh mà ĐGH có thể chọn lựa:


+ Thánh Gioakim và Thánh Anna: phụ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

+ Thánh Louis XIV, Vua nước Pháp: bậc quân vương đạo đức, gia trưởng thánh thiện.

+ Thánh Elizabeth Hungary: vị hoàng hậu thủ tiết, sống tốt lành chăm sóc giáo dục con cái trọn hảo.

Dù nhận được nhiều ý kiến tư vấn, ĐGH Lêô XIII vẫn cầu nguyện liên lỷ xin Thánh Linh Chúa soi sáng. Một ngày nọ, Ngài công bố cho toàn Giáo Hội được biết: Ngài quyết định chọn Thánh Gia Thất Nazareth, gia đình gương mẫu Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu làm bổn mạng chung cho các gia đình kitô hữu khắp hoàn cầu.

A. Thánh Gia Nazareth: gia đình gương mẫu hoàn toàn.

Đọc những trang Tin Mừng nói về cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu, ta có thể nhận ra nhiều nét chấm phá đặc biệt, giúp Thánh Gia Nazareth nên gương sáng cho các gia đình Công Giáo:


1. Một gia đình biết tuân giữ Luật Chúa đầy đủ.


+ sinh con trẻ Giêsu được 40 ngày, Giuse và Maria tiến dâng Chúa theo Luật dạy (Lc 2:23).

+ Hằng năm, Thánh Gia hành hương lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua (Lc 2:41).

+ cả gia đình Nazareth đến Hội Đường hàng tuần vào ngày Sabbat, nghe Sách Thánh và học hỏi Lề Luật (Lc 4:16).


2. Một gia đình nuôi dưỡng bầu khí thánh đức (cầu nguyện) và bác ái ( liên đới, lắng nghe ).


+ Thánh Giuse sống liêm chính, lắng nghe, thực thi lời Chúa dạy (Mt 1:24 và 2:21).

+ Mẹ Maria biết chọn Ý Chúa làm kim chỉ nam (Lc 1:38) liên kết thương yêu mọi người (Lc 1:40 và Ga 2:1).

+ Chúa Giêsu ý thức bổn phận làm Con (Lc 2:49) và vâng phục cha mẹ (Lc 2:51).


3. Một gia đình lao động cầu cù, mưu sinh liêm khiết.


+ Thánh Giuse làm nghề thợ mộc, nuôi nấng gia đình thánh.

+ Mẹ Maria chu toàn nội trợ, hết lòng gắn bó chăm sóc Con yêu (Lc 2:45.48).

+ Chúa Giêsu âm thầm phụ giúp dưỡng phụ Giuse trong xưởng mộc.

Nhìn chung, Thánh Gia Nazareth là một gia đình thánh thiện, gương mẫu vì không những cả ba thành viên trong gia đình đều là Đấng Thánh cao qúy, hơn nữa: cuộc sống gia đình ấy là một cộng đồng tốt lành, một cộng đồng đức tin sống động.

B. Gia Đình Kitô Hữu: vườn ươm hạt giống tốt và trường dạy yêu thương.


1.Gia Đình là trường học đầu tiên của đứa trẻ, cho nên: nó là một người con ngoan hiền hay mất dạy, một công dân tốt lành hay ngang ngược sau này; đều tùy thuộc vào nền giáo dục gia đình. Bởi lẽ, mở mắt chào đời, đứa bé chỉ thấy Mái Nhà là trường học, nơi nó nhận được mọi sự chỉ bảo và Cha Mẹ lúc ấy là những Thầy,Cô trên hết và trước hết, uốn nắn trẻ từng ngày. Như thế, ta có thể xác quyết: Gia Đình là vườn ươm hạt giống tuổi thơ nên tươi tốt.


+ Ngày birthday 50 tuổi, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã viết trong Nhật Ký: “Con cám ơn cha mẹ đã sinh con làm người đến nay được 50 năm. Chúa đã cho con nhiều chức vụ trong Giáo Hội: được đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, được học nhiều sách vở, kiến thức. Nhưng, không có trường học nào dạy dỗ và làm ích cho con bằng thời gian con ngồi bên chân cha mẹ”.

+ Năm 1987, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về thăm quê hương Ba Lan, xứ sở Ngài. Việc đầu tiên Ngài trở lại tổ quốc mình là đi viếng mộ Song Thân tri ân công sinh dưỡng và dâng lễ kỷ niệm Kim Khánh, Ngân Khánh Hôn Phối cho các gia đình công giáo đồng hương. Hành động ấy, ĐGH muốn đề cao bậc sống hôn nhân gia đình: không có gia đình thì sẽ thiếu Thầy Tu, không có cả Linh Mục và Giáo Hoàng.

+ Trong tác phẩm Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã nhấn mạnh: “Gia Đình là Chủng Viện đầu tiên là trường Sư Phạm thứ nhất của đứa trẻ”. Vì theo Đức Hồng Y: đi tu làm một linh mục tốt, giám mục tốt là do ảnh hưởng giáo dục chủng viện thứ nhất / nếu có ra đời làm công dân tốt, chắc chắn phải được trui luyện từ lò sư phạm đầu tiên là Gia Đình.


2.Bên cạnh sự nghiệp giáo dục, Gia Đình phải là nơi nung nấu tình yêu thương và sự đồng cảm: vui buồn có nhau, sớm tối bao bọc nâng đỡ nhau. Bình thường, việc Cha Mẹ thương yêu con cái, hy sinh mọi sự cho con là bản năng bẩm sinh, lẽ đương nhiên. “Nước mắt chảy xuôi / Có sinh con và nuôi nấng con, mới hiểu tấm lòng người mẹ”. Tuy nhiên, con cái có hiểu thấu cha mẹ, có hiếu thảo chân thực với cha mẹ hay không, thì Chưa Chắc, not sure. Thực tế cho thấy: khi cần gia tài cha mẹ, con cái ra vẻ quan tâm chăm sóc; lắm lúc cha mẹ già nua nghèo nàn lẩm cẩm, con gửi song thân vào viện dưỡng lão, không hề đi lại thăm viếng, an ủi thường xuyên.


Chuyện thương tâm xảy ra trong một gia đình người Việt hải ngoại: Bà Năm có con trai vượt biên 1975, anh làm đơn bảo lãnh cha mẹ và các em đoàn tụ sang Mỹ. Khi làm hồ sơ xuất cảnh, bà kẹt lại người con út nghiện sí ke ma túy còn ở trong khám Chí Hoà.

Đến Hoa Kỳ, cuộc sống sung túc không đủ làm cho bà Năm vui vẻ, mạnh khoẻ vì đêm ngày nơi xứ người, bà đi ra đi vào thương nhớ cậu qúi tử còn sót lại quê nhà. Được chút tiền già trợ cấp mỗi tháng, bà gửi về nhờ người thân thăm nuôi con. Một ngày nọ, đứa con ấy mãn hạn tù. Bà năn nỉ cậu con cả làm hồ sơ bảo lãnh em, các con khác ngăn cản ví cậu út ấy đã dính vào băng đảng quê nhà, sang Mỹ nguy hiểm. Buồn rầu, bà Năm kiên nhẫn học English, thi đậu quốc tịch, trực tiếp bảo lãnh qúi tử sang đoàn tụ.

Nơi xứ người, cậu út vui sống với mẹ, không chí thú học hỏi làm ăn lương thiện, lại kết thân với băng nhóm tiểu sát tử Cali. Quậy phá quá cỡ, phải vào nhà tù Mỹ dài hạn.

Nhờ các anh nó lái xe đi thăm nuôi, không ai hưởng ứng, bà Năm đành đón xe bus thân già lặn lội thương con. Trời mùa Đông giá rét, bà ngất xỉu dọc đường và chết bất ngờ.

Người con út trong tù, nghe tin, hối hận cắn rứt. Hết hạn thi hành án, cậu quyết tâm làm lại cuộc đời, sống lương thiện hơn. Có ai ngờ, băng nhóm cậu chơi thân trước kia, đã tìm cách ám sát cậu: họ không muốn cậu sống, vì biết tin tức của chúng quá nhiều.

C. Sống Phúc Âm hôm nay: Gia Đình đối diện và giải quyết đau khổ theo thánh ý Chúa.

Nhớ lại bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy Thánh Gia Nazareth đối diện thập giá khi Vua Hêrôđê mưu toan tìm giết Chúa Hài Nhi, khiến Thánh Giuse và Mẹ Maria phải vượt biên trốn sang Ai Cập. Họ định cư lâu dài tại đó, cho đến khi được thiên sứ mộng báo Nhà Vua đã băng hà, Gia Đình Thánh mới hồi cư về xứ sở mình. Đời sống gia đình là thế: đôi khi phải chấp nhận thử thách và giải quyết mọi sự theo Thánh Ý Chúa soi sáng.

1. Chấp nhận thử thách.


a. Cuộc sống Thánh Gia Nazareth nhiều lúc lắm gian nan khốn khổ:


+ nghèo túng: sinh con trong giá rét, không quán trọ, thiếu tiện nghi tối thiểu.

+ sống mất an ninh: bồng con mới sinh, chạy trốn cực nhọc kẻ hãm hại mình.

+ bơ vơ: bôn ba xứ lạ, không nghề nghiệp, vào ngõ cụt tương lai.

+ lạc loài: con mới lớn bị lạc mất, phải bôn ba vất vả nhiều ngày tìm kiếm con.


b. Gia đình hải ngoại hôm nay, cũng không thiếu cay đắng trăm chiều:


+ đạo đức: con cái khô khan, quen thân với người khác đạo, thích sống chung trước hôn nhân, xem thường việc giữ đạo, mất niềm tin nơi Giáo Hội.

+ kinh tế: cha mẹ cực khổ suốt ngày, lo cho con ăn học vất vả, đồ dùng xài trước trả góp sau, mất việc làm thì nhà bay, sống kiếp thuê nhà mướn chỗ…

+ tình cảm: đồng tiền chi phối mọi sinh hoạt, vợ chồng con cái ít có thời gian quây quần gặp gõ, hạnh phúc nhạt phai với tháng ngày…

2. Giải quyết khó khăn theo Thánh Ý Chúa hướng dẫn.


a. Thánh Gia Nazareth luôn tìm Ý Chúa trước mọi bế tắc cuộc sống:


+ biết Maria mang thai trước khi về sống chung, Giuse không xử sự theo thói đời, nhưng chỉ thinh lặng tìm hiểu vấn đề trong Thánh Ý Chúa.

+ biết con trẻ Giêsu làm khổ mình phải đi tìm kiếm suốt ba ngày đàng, Mẹ Maria không giận hờn la mắng, cố gắng thông cảm công việc sứ vụ cao cả Con làm.

Cả hai người, bậc làm cha làm mẹ, đều Nhận biết Ý Thiên Chúa trong mỗi sự kiện.


b. Gia đình trẻ hôm nay, cũng thế, “hãy tìm đến chúa trong mọi trái ý cuộc đời”.


+ không muốn con cái thờ ơ mất đức tin Công Giáo: cố gắng tạo giúp con học giáo lý đầy đủ, khuyến khích con tham gia mọi sinh hoạt đoàn thể giáo xứ…

+ không thích con ăn chơi hư hỏng: uốn nắn con trong giáo dục học tập tốt, liên kết chúng vào mọi sinh hoạt văn hoá lễ nghi truyền thống, tôn trọng luân thường đạo lý…

C. Lời Nguyện kết thúc.


Lạy Chúa Giêsu!

Cảm tạ Chúa đã sinh xuống làm người, sống trong một gia đình tốt lành thánh thiện.

Nhìn lên Thánh Gia: chúng con thấy hình ảnh một Gia Đình sống hiền hoà đạo đức, một Gia Đình biết yêu thương và kính trọng, một Gia Đình chăm lao động, cảm thông.

Xin Chúa giúp chúng con đi theo chân Thánh Gia Nazareth xưa, luôn ru vào Gia Đình mình những Giai Điệu Thuận Hoà Dễ Thương bằng sự tha thứ và hy sinh quảng đại cho nhau, với tình yêu mến thiết tha. AMEN.

Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.