PDA

View Full Version : N - Những sai lầm của thần học gia Hans Kung



Dan Lee
12-22-2010, 09:43 PM
Những sai lầm của thần học gia Hans Kung



http://danchuausa.net/images8/HansKung.jpg

Lm Hans Kung nguyên là một nhà thần học Công giáo thuộc phe cấp tiến, người Thụy Sĩ, đã nổi tiếng từ thập niên 60s. Trước Công Ðồng Vatican II, ông đã viết cuốn “Công Ðồng: Cải Tổ và Tái Kết” (The Council: Reform and Reunion) xuất bản hai năm trước khi Công Ðồng nhóm họp, đòi giảm bớt quyền hành của các thánh bộ ở Vatican. Trong thời kỳ của Công Ðồng, thay vì nhận lời mời của thần học gia Karl Rahner tham gia ủy ban soạn thảo tài liệu về tín lý, ông đã viết cuốn “Giáo Hội” (The Church, 1967, do nhà xuất bản Sheed & Ward) để nói lên điều mà ông cho là tự hiểu về bản chất của giáo hội Công giáo.

Ðể nói lên sự đối kháng của ông đối với tông huấn Humanae Vitae của ÐGH Phaolô VI, ban hành năm 1968, ông đã viết cuốn “Bất khả ngộ? Một sự thẩm vấn” (Infallible? An Inquiry, Doubleday, 1971), thách đố năng quyền của Ðức Thánh Cha.

Nhưng cuốn sách đã gây tai hại nhiều nhất là cuốn “Về việc là một Kitô hữu” (On Being a Christian, 1974, E. Quinn dịch năm 1976, Doubleday). Sau đó, Kung lại viết những bài chống báng ÐGH Gioan Phaolô II, nên tháng 12, 1979, ông đã bị thánh bộ Ðức Tin ra án phạt “cấm khẩu” (không còn được coi là một nhà thần học Công giáo hay dạy học với tư cách này).

Những điểm sai lầm chính trong cuốn On Being a Christian phải được kể là:

- Thứ nhất, Kung tin rằng “Chúa Giêsu đã không lập giáo hội khi Ngài còn ở thế gian” (Trg. 285-286). Quan điểm đó của Kung chỉ giới hạn trong những câu “Ðức Giêsu tự coi mình... như chỉ được sai đến với con cái Israel... việc sai đi truyền giáo trong câu: (Mt 28:19) là hậu lễ vượt qua (post-paschal.)”

- Thứ hai, “Chúa Giêsu không bao giờ đòi hỏi phải trở thành “hội viên” (hay chịu Phép Rửa Tội) của một giáo hội như một điều kiện để được vào nước Trời.” (Trg. 285).

- Thứ ba, khác với việc ăn chay của thánh Gioan Baotixita và các môn đệ của ngài, “với Ðức Giêsu... dấu chỉ này mang hình thức của những hội hè được diễn ra trong bầu khí vui vẻ, theo đó dân chúng cử hành ‘quyền hội viên’ của họ trong vương quốc tương lai.” (Trg. 323). Kung cho rằng ngày tận thế đã gần kề. Ngay cả bữa Tiệc Ly cũng chỉ là thêm một bữa tiệc như vậy nữa trong việc cử hành.” (Ibid.) Chúa Giêsu chỉ “vui vẻ” với các bạn của Ngài mà thôi, và các bạn của Ngài đã tiếp tục làm việc này sau khi Ngài đã về trời.

Những quan điểm trên của Kung đã rất cực đoan, nhưng có nhiều học giả Công giáo đã chạy theo những quan điểm này, tùy theo tầm mức họ muốn. Thí dụ như Richard McBrian, trong cuốn Catholicism (Winston Press, 1981, trg. 570-577), đồng ý với Kung rằng Chúa Giêsu đã không trực tiếp lập giáo hội cũng như các bí tích.

Trả lời

Trả lời quan điểm thứ nhất của ông Kung về việc Chúa Giêsu đã không trực tiếp lập giáo hội cũng như các Bí Tích. Công Ðồng Trento đã xác định: chính Chúa Giêsu đã thiết lập bảy Bí Tích. Hơn nữa, Công Ðồng này còn thêm rằng Chúa Giêsu lập Bí Tích Hòa Giải khi Ngài nói với các thánh Tông Ðồ: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Linh, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha tội.” (Jn 20:22 ff).

Cũng vậy, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Truyền Chức Thánh khi Ngài nói trong bữa Tiệc Ly: “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta.” Lk 22:19; 1Cor 11:24). Công Ðồng còn xác định thêm rằng Chúa đã lập các Bí Tích Xức Dầu và Hôn Phối.

Kung cũng như nhiều “học gỉa” khác đã nhận định ngược lại. Họ cho rằng Chúa Giêsu chỉ loan truyền thiên quốc, tụ tập các môn đệ, ban cho họ Thánh Linh. Và sau này Giáo Hội đã được phát triển cùng với chức linh mục.

Gốc rễ của quan niệm này khởi đi từ việc những người đó tin rằng Ðức Giêsu đã thiếu hiểu biết (ignorant). Ngài đã không hiểu ngay cả công việc của chính Ngài, cũng như về một nền tảng (blueprint) cho tương lai. Họ đã không nói rằng Ngài, như Ngôi Hai Thiên Chúa đã thiếu hiểu biết, nhưng chỉ một vài điều đã thiếu sót trong trí khôn nhân tính của Ngài.

Có người còn cho rằng Ðức Giêsu đã chẳng nói thêm gì sau khi Ngài phục sinh. (Chính việc sống lại của Chúa cũng bị những người này đặt nghi vấn!). Trong trường hợp này, Chúa đã truyền thông với các thánh tông đồ cũng như những người khác bằng cách mà các nhà thần bí học (mystical theologians) đã gọi là sự “diễn đạt nội tại” (interior locution).

Nhưng những phản đối vẫn tiếp tục. Người ta đã cho rằng các tông đồ chỉ hiểu huấn lệnh “rao giảng cho muôn dân” (Mt 28:19) sau này mà thôi; nếu không, huấn lệnh này đã chẳng bao giờ được ban ra mà chỉ là một “định thức tập thể” (community formulation), hay nói khác đi, một sự “gỉa tạo!”

Những người chống đối đã không hiểu bản chất đích thực của sự diễn đạt nội tại, theo đó, người được thông đạt hiểu ngay tại chỗ, nhưng sau đó mới tự hỏi là điều được thông đạt có phải đến từ chính Chúa hay không.

Những kẻ chống đối đã quên rằng Phúc Âm đã nhiều lần trình bày các thánh tông đồ như những người “chậm hiểu”. Họ đã không hiểu được việc Chúa nói lại nhiều lần về cái chết của Ngài, và vì vậy họ đã gần mất đức tin khi Chúa thọ nạn. Ngay cả khi các phụ nữ loan tin rằng Ngài đã sống lại, họ vẫn cảm thấy khó hiểu và nghi ngờ. Tại những giờ phút cuối cùng với Chúa mà các thánh tông đồ vẫn “chậm hiểu.” Trước giây phút Chúa về trời, có người vẫn còn hỏi: “Lạy Chúa có phải lúc này là là lúc Chúa khôi phục lại vương quốc Do Thái?” (Atcs 1:6).

Ðối với mầu nhiệm nước trời, người ta không thể trách những người ngư phủ chất phác của miền Galilêa là đã qúa chậm hiểu. Ngay cả trong những người thông minh nhất mực thời hiện đại vẫn có kẻ tỏ ra chậm hiểu. Một thí dụ điển hình: LM dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin, người đang được cả thế giới ngưỡng mộ về những tư tưởng của ông, đã dựng nên một bức tranh lộng lẫy cho nhân loại, mà ông nghĩ, sẽ xảy ra ngay trước trước khi Chúa lại đến. Ông phỏng đoán rằng mọi dân tộc sẽ chung sống trong một vương quốc tập thể tràn ngập yêu thương và có thể có thần giao cách cảm (telepathy). (Pierre Teilhard de Chardin, The future of Man, Harper & Row, 1964, trg. 184). Nhưng nếu đọc Phúc Âm thánh Luca (18:8), người ta sẽ thấy chính Chúa Giêsu đã nói: “Nhưng khi Con Người đến, liệu Ngài có tìm thấy được lòng tin trên trái đất?” Thánh Phaolô trong 2Thess. 2:3 đã tiên đoán rằng sẻ có sự bỏ đạo (apostasy) ghê gớm trước khi Chúa đến. Những tiên đoán đáng sợ tương tự như vậy trong Mt. 24:12; và trong 2Timothy 3:1-4.

Thế mà một người thông thái như de Chardin và bao nhiêu người trí thức khác của hôm nay vẫn “không chịu hiểu.” Như vậy, làm sao chúng ta trách được những người dân chài xứ Galilêa? Phần đông trong các trường hợp thiếu nhận thức này có thể giải thích được rằng những người đó đã có sẵn một khuôn mẫu tư tưởng mà không một tư tưởng khác biệt nào có thể len vào được.

Các thánh tông đồ thực sự đã nhận sứ mạng “rao giảng cho muôn dân” từ chính Chúa Kitô, và Ngài đã thiết lập giáo hội trần thế.

Thứ hai, Kung cho rằng Chúa Giêsu đã chẳng bao giờ đòi hỏi phải có “thẻ hội viên” (membership) mới được vào nước trời. Phải chăng ông ta đã quên đoạn Phúc Âm của thánh Matthêô 28:19, với những lời cuối của Chúa: “Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần. Dạy họ hãy làm những điều mà Thầy đã dạy các con.” Ngay cả những người ít thông thái nhất của xứ Galilêa cũng hiểu được lệnh truyền phải “làm phép rửa” của Chúa. Chính vì vậy mà thánh Phêrô trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đã trả lời dân chúng về việc họ phải làm: “Hãy ăn năn và nhận phép Rửa Tội... để được tha thứ tội lỗi.” Acts 2:37-38. Những câu tương tự xác định sứ mệnh của các thánh tông đồ đã được ghi lại trong Acts 2:42; 5:13.

Kế đến là việc Kung cho rằng Phép Thánh Thể chẳng qua chỉ là một phần của “những bữa ăn kéo dài,” chỉ để cho vui, trong sự “buông thả của thế gian” (uninhibited worldliness) và “bất qui đến tội lỗi” (criminal irregularity).

Trước hết, bữa Tiệc Ly rõ ràng là một nghi thức theo phong tục lễ Vượt Qua của người Do Thái, như thánh Luca ghi nhận (22:11): Ðang trong bữa ăn Chúa Giêsu đã cầm bánh và nói: “Ðây là mình Ta,” và rượu: “Ðây là máu Ta.” Người ta không hành động và phát ngôn trong sự trang trọng như vậy ở một bữa tiệc vui buông thả của thế gian.

Cũng trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói: “Qủa thật, Ta bảo các con, một trong các con sẽ phản bội Ta.” (Mt 26:20; Mk 14:17). Lẽ nào Chúa lại nói những lời nghiêm trọng ấy trong một bữa ăn vô trật tự ? Hơn nữa, biết mình sắp bị bắt, bị tra tấn và xử tử trên thập giá, không lẽ Chúa lại còn hứng thú trong bữa “nhậu” đến nỗi bảo các môn đệ: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta?”

Chính Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ phải dạy dỗ muôn dân. Ngài hứa rằng Thiên Chúa sẽ che chở cho những điều họ dạy. Ngài thành lập nghi thức gia nhập giáo hội của Ngài, bí tích Rửa Tội, và Ngài bảo họ tiếp tục phép Mình Thánh Chúa. Ngài bảo họ phải gìn giữ giáo huấn về quyền bính: “Nếu nó đã không nghe giáo hội, hãy kể nó như người ngoại và người thu thuế.” (Mt 18:17). Ngài đã trao cho họ quyền bính: “Kẻ nào nghe các con là nghe Ta và kẻ nào không nghe các con là không nghe Ta; và kẻ nào không nghe Ta là không nghe Ðấng đã sai Ta.” (Lk 10:16). Cũng chính Ngài đã dạy: “Bất cứ sự gì các con cầm buộc dưới đất, sẽ bị cầm buộc trên trời; và bất cứ sự gì các con tháo gỡ dưới đất thì cũng được tháo gỡ trên trời.” (Mt 18:18).

Sự kiện giáo hội thời sơ khai đã không có các “thánh bộ”, “văn phòng” như ngày nay, không có nghĩa giáo hội không có quyền bính. Hãy đọc Thessalonica 5:12, và Acts 14:23.

Cuối cùng, Kung cho rằng Chúa Giêsu “tự cho mình... là chỉ có sứ mệnh đối với con cái Israel.” Qủa thật đây là một ý tưởng đã khiến cho một người thông thái như Kung trở thành kẻ chậm hiểu nhất trong những người chậm hiểu. Trong khi đang rao giảng trong vùng đất của “dân ngoại,” một phụ nữ Canaan đã xin Chúa chữa bệnh cho con bà, Ngài đã trả lời: “Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc của nhà Isreal...” Bà nài nỉ, Chúa tiếp: “Không nên lấy bánh của các con cái mà quăng cho đàn chó.” Bà đã khôn ngoan trả lời: “Vâng, thưa Ngài, nhưng đàn chó cũng được ăn những mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ chúng nó.” Chúa đã khen bà là khôn ngoan: “Này bà, lòng tin của bà rất lớn: Bà muốn sao hãy được như vậy.” (Mt 15:21-28).

Chúng ta không khờ đến nỗi không hiểu được rằng Chúa chỉ thử thách người phụ nữ để khơi động niềm tin của bà. Ngài đã không gọi bà là chó, và trong sự khôn ngoan thưa chuyện với Chúa qua đức tin của bà, Ngài đã không thử bà nữa và chữa bệnh cho con bà.

Trước đó, Chúa còn chữa bệnh cho gia nhân của một viên quan (centurion), một “kẻ ngoại” khác, ngài đã ca tụng ông ta rằng: “Ta đã chưa hề gặp được lòng tin lớn như thế trong con cái Israel.” (Mt 8:10).

Còn về đoạn Phúc Âm: “Các con đừng đến các làng dân ngoại (Gentiles), cũng đừng vào các thành của người Samaritanô. Nhưng hãy đến với những chiên lạc của nhà Israel.” (Mt 10:5). Ðây chỉ là lời hướng dẫn về một chuyến đi rao giảng đặc biệt (chỉ có một lần) và là lần đầu. Ngài đã không bảo họ phải luôn luôn tránh xa những làng dân ngoại hay dân Samaritanô. Chính Ngài đã giảng cho dân Samaritanô (Jn 4:7-30); và ít là một lần, Ngài đã giảng cho dân Hi Lạp, thành Decapolis, thuộc miền Ðông của lãnh thổ Do Thái (Mk 7:31).

Tóm Lại

Cchúng ta có qúa nhiều dẫn chứng để cho thấy đã có một giáo hội; đã có tập thể của các thánh tông đồ và không ai khác ngoài các ngài; đã có một nghi thức gia nhập hội thánh được gọi là Phép Rửa Tội; đã có một bữa tiệc thánh được gọi là Phép Thánh Thể; và đã có một quyền bính trong giáo hội để dạy, để giữ, để buộc, để gỡ. Tất cả những diều này được thể hiện không phải qua sự “gỉa tạo” nhưng qua hành động và huấn lệnh của chính Ðấng Thiên Sai. Các thánh tông đồ có thể chậm hiểu ở một vài điểm, nhưng chúng ta đã có nhiều dữ kiện, những dữ kiện cần thiết cho cuộc sống vĩnh cửu sau này.

Chỉ tiếc rằng những sai lầm của Hans Kung thay vì được cải đổi thì lại bị một số người thêm rơm, đổ dầu. Những người đó có thể là đồ đệ của ông và những học trò của họ đang tản mác khắp thế giới. Cũng có thể là những kẻ thù chỉ rình được dịp là viện cớ tấn công giáo hội. Cũng có thể là những người học cao hiểu rộng, nhưng đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng nhất: kiêu ngạo. Ðôi khi, một vài người trong họ đã tạo được cuộc tranh luận, nhưng thường không có thực chất, thiếu chiều kích, rất dễ bị nhận diện và bác bỏ.

Riêng Kung, ông này đã bị chính thày mình là Ðức Cố Hồng Y và thần học gia Yves Congar mắng rằng “nói năng như kẻ đua đòi làm cách mạng, thay vì một nhà cải cách.” Và Karl Rahner, một trong những nhà thần học lỗi lạc đã nói rằng Kung chỉ nên được đối xử như một “thần học gia Tin Lành cấp tiến” (James J. Bacik, Contemporary Theologians, the Thomas More, 1989, trg. 100). Qủa thật, hai vị trưởng thượng kể trên đã nói thay cho toàn thể giáo hội.

Người Kitô hữu hôm nay, đã và đang đi vào những thập niên mới, thế kỷ mới, và thiên niên kỷ mới, cần tỉnh táo để phân biệt chính, tà. Chấp nhận và noi theo lời dạy dỗ chân chính của giáo hội Mẹ là không bao giờ bị lầm đường. Ðó cũng là dấu chỉ đích thực cho những ai đáng được hưởng phần thưởng Nước Trời.

Lm Nguyễn Văn Tùng