PDA

View Full Version : N - Nhớ các chị, xin lỗi



Dan Lee
11-26-2010, 10:28 PM
NHỚ CÁC CHỊ

Thế mà đã 25 năm từ ngày chị Ba lặng lẽ vào cõi vĩnh hằng – ngày 15/12/1985. Chị mất khi còn trẻ, mới 32, chị “vội” đi trước và bỏ lại 5 con thơ, bỏ cả cha mẹ già và các em. Lá xanh rụng xuống để lá vàng khóc lá xanh rơi… Thời gian nhanh quá! Khi đó, mọi người đang nô đức chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng sinh thì gia đình mình lại mang nỗi buồn khôn tả.
Trước đó 15 ngày, gia đình tổ chức tiệc mừng chị Tư khấn trọng (một nghi lễ của đạo Công giáo), chị vẫn khỏe, vẫn đi chợ mua đồ về chuẩn bị tiệc mừng. Vậy mà tiệc xong, sau 1 tuần, chị phải đi cấp cứu. Từ lúc vô bệnh viện, chị bất tỉnh, không ai được ở gần chị, không ai nhìn thấy chị, và không ai nói được gì với chị.
Anh rể và em đi đi về về. Chị mang thai, người ta hút thai ra để cứu mẹ mà cũng không thắng nổi tử thần. Em rửa tội cho cháu và đem cháu về quê an táng. Được vài ngày, trên đường đi học thì em gặp xe đưa chị về… Cu Mập hồi đó không chịu ai tắm cho và không chịu ăn, anh rể phải gọi em đến cho cháu ăn – vì nó không chịu ai khác. Bây giờ nó đã lớn, có vợ con rồi. Chị vất vả với chồng con mà chưa được chút thảnh thơi, các con chị đã trưởng thành nhưng không thể bù đắp gì hơn – vì chị đã vĩnh viễn xa chúng quá lâu rồi, ngay khi chúng còn nhỏ dại!
Ngày ấy hoàn cảnh khó khăn, ai cũng nghèo, chiếc giường đặt chị nằm cũng sơ sài, chiếc quan tài cũng quá giản dị. Cha mẹ đặt cho chị tên Huệ cũng hợp với chị. Chị luôn tươi cười, rộng rãi, xởi lởi. Mỗi lần cu Mập từ nhà ngoại về khóc với mẹ, chị cười và biết điều gì xảy ra. Rồi gặp tôi, chị lại cười và nói: “Cu Mập về khóc, chị chỉ nói: Lại nghịch đồ nên cậu mắng phải không?”. Chị luôn hiểu vấn đề như thế chứ không bênh con mà trách tôi!
Một sự trùng hợp: Sau hơn 1 năm lâm trọng bệnh, chị Tư lại vĩnh viễn ra đi lúc 6:50 ngày 15/12/2009. Hai chị em từ giã cõi đời cùng ngày cùng tháng. Một ngẫu nhiên kỳ lạ! Chị Tư luôn đau nhức vì chứng ung thư đã di căn, xót lòng mà tôi không làm được gì, vẫn đành lòng thúc thủ. Tết 2009, chị Tư về “ăn tết” với tôi và gia đình chú Út 10 ngày. Vừa về quê một lúc, chị trao cho tôi và chú Út “kỷ vật” Mẹ để lại, tôi lặng người mà không nói nên lời. Tôi biết điều gì sắp xảy ra! Thú thật, tôi còn dở lắm: Vì chị em không hợp nhau về tư tưởng, nói chuyện luôn “khắc khẩu” nên tôi ít ghé thăm throng thời gian chị Tư nằm bệnh. Tôi cũng không biết làm sao hơn! Và rồi, điều gì đến cũng đã đến, điều tôi lo sợ đã thực sự xảy ra. Vậy là mọi người đã bỏ tôi đi hết rồi!
Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, tôi rất nhớ các chị dù tôi không nói ra, nhưng lòng tôi là khoảng cô đơn khôn tả…

Lạy Chúa, con vẫn xác tín đó là Thánh Ý Chúa, vì một sợi tóc trên đầu cũng không ngoài tầm kiểm soát của Ngài. Con xin tín thác nơi Ngài, vì có “Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6).

TRẦM THIÊN THU
Giỗ lần 25 chị Ba và giỗ đầu chị Tư


***************


XIN LỖI

­Trung tuần tháng 12/2009, trong đám tang của chị tôi tại Tu viện Mến Thánh Giá Thủ đức, tôi thấy có một nghi thức đặc biệt được cử hành bên quan tài trong đêm cuối cùng tại Tu viện. Tạm gọi “người nhỏ”, “người vừa” và “người lớn” – lớn, nhỏ theo nghĩa tuổi đời và tuổi tu.
Trước tiên, trong khi Chị Tổng phụ trách (Bề trên) đọc những lời tâm tình thì những người nhỏ đi vòng quanh quan tài rồi dâng hoa hồng, rồi những người vừa đi vòng quanh quan tài và dâng nến, sau đó những người lớn đi vòng quanh quan tài và dâng hương (nhang).
Cuối cùng, tấ cả cùng lạy nhau 3 lạy để xin lỗi nhau. Theo tôi, đây là một nghi thức nhân bản đầy ý nghĩa và xúc động, thiết nghĩ cần được “nhân bản” trong các đám tang. Người chết không thể làm được gì nữa, chỉ còn nhờ người sống. Khi sống, chính mình cũng có lúc không đủ can đảm xin lỗi nhau. Vâng, dù sao thì “muộn vẫn hơn không”.
Nhân vô thập toàn, con người là vậy. Cuộc sống giữa trần gian, với đầy đủ thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), khó tránh khỏi những phút xao lòng mà tham-sân-si. Đức Kitô đã dạy: “Nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23). Quả thật, không đơn giản!
Con người rất yếu đuối, điều mình muốn mà mình không làm, điều mình không muốn thì mình lại làm (Rm. 7, 15). Vì vậy con người luôn rất cần sám hối. Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được (Kinh Vực Sâu). Thật hạnh phúc khi có Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài mãi mãi yêu đến vô cùng. Sám hối – xin lỗi – tha thứ, đó là “bộ ba” liên kết chặt chẽ. Sám hối thì phải xin lỗi, xin lỗi thì cần tha thứ. Trong văn hóa Tây phương, lời “cảm ơn” và “xin lỗi” rất thường xuyên được sử dụng, người Việt Nam ta có vẻ còn rất “vô tư”! S. Gosson đã so sánh:

Một lời xin lỗi vụng về

Luôn luôn vẫn tốt hơn là lặng im
Mùa Chay thường về trùng hợp với mùa Xuân, gợi nhớ bao điều… Mùa Chay là mùa sám hối, mùa Xuân là mùa đoàn tụ và cũng là lúc bỏ qua lỗi lầm của nhau để ăn Tết. Đây là mùa cứu độ, xin lỗi Chúa và mọi người. Ai cũng có những lúc thất vọng nhưng cố gắng không tuyệt vọng, như Thánh Phaolô dạy. Vâng, con tin!

Dù tội có đỏ như son

Hay là thắm tựa máu hồng – đừng lo!

Vững tin Ngài vẫn thứ tha

Sẽ thanh tẩy trắng như là tuyết, bông

TRẦM THIÊN THU