PDA

View Full Version : C - Chờ Chúa đến



Dan Lee
11-26-2010, 05:09 PM
Chúa nhật 1 Mùa Vọng - năm A

CHỜ CHÚA ĐẾN

Is 2, 1-5; Rm 13, 11-14a; Mt 24, 37-44


Nhớ lại những ngày còn bé. Niềm vui lớn trong thời tuổi thơ đó là cứ chờ Mẹ đi chợ về. Tại sao vậy ? Chờ Mẹ đi chợ về vì biết chắc rằng thế nào cũng có cái bánh học bọc chè cho con yêu của Mẹ. Nhà thì nghèo, đồng tiền dành cho bữa chợ hết sức eo hẹp nhưng chưa bao giờ bà quên mang chút quà về cho con cái của bà.

Hay là, thi thoảng bà Dì gửi về cho thùng thuốc M.79 D thì y như rằng sau khi nhận hàng nước ngoài về ấy thì bà sẽ mua quần áo mới cho con. Ngày xưa làm gì mà có cái chuyện gửi tiền trực tiếp như bây giờ. 1 thùng thuốc M.79 D khi nhận đem ra chợ thuốc bán đồng giá với 100 USD. Thời bao cấp 100 USD thật là lớn. Lãnh thuốc xong bà đổi ra tiền và bắt đầu sắm sửa cho con. Phần bà, bà chẳng bao giờ vun vén gì cho riêng mình cả. Ngay đến những ngày gần nhắm mắt xuôi tay cũng thế, tất cả cũng chỉ để dành cho con. Với bà, con cái ăn ngon mặc đẹp và có đủ học phí để đi học là được.

Nhớ lắm những kỷ niệm khi Mẹ đi chợ về, khi Mẹ đi nhận quà về … Mỗi lần đi như thế là mỗi lần hy vọng, mỗi lần chờ mong. Niềm hy vọng, niềm chờ mong ấy luôn luôn có một kết quả hết sức to lớn vì biết rằng Mẹ của mình thương mình. Dù nghèo tiền nghèo bạc đi chăng nữa nhưng tình thương ấy không bao giờ thiếu và rồi vẫn có quà bánh, quần áo mới dành cho con.

Cái kinh nghiệm, cái cảm nghiệm về sự chờ mong ấy chắc có lẽ không phải của riêng ai. Cảm nghiệm ấy là của nhiều người vì mỗi người, ai ai cũng có một bà mẹ để khi bà mẹ đi chợ về, con cái đều có quà để thỏa mãn lòng mong đợi của những đứa con.

Những ai yêu nhau mà ít được gần nhau hay không có điều kiện gần nhau thì rất mong được gặp nhau dẫu rằng cuộc gặp ấy chỉ qua cái điện thoại, qua cái màn hình vi tính. Ai yêu nhau, ai nhớ nhau sẽ cảm nghiệm chuyện này một cách rõ rệt. Cứ đến giờ đó là cái giờ hai người hẹn nhau trên điện thoại, hẹn nhau trên chiếc màn hình vi tính thì y như rằng hai người mong sao cho cái giờ đó mau đến để được gặp nhau.

Đó là những sự mong đợi hết sức bình thường của con người về vật chất, về tinh thần. Những mong đợi ấy làm cho con người cảm thấy mong có gì đó để mà sống vì lẽ tình cảm người ta dành cho nhau qua cú điện thoại, tình cảm của người mẹ gửi đến cho con chút quà chút bánh.

Kitô hữu, ngoài những cái mong đợi hết sức bình thường ấy còn có một điều mong đợi đó là đợi Chúa đến vì lẽ cả cuộc đời đặt niềm tin vào Thiên Chúa của mình.

Nhiều ngôn sứ loan báo về Đấng Cứu Độ trần gian sẽ đến. Ngôn sứ vừa loan báo vừa mong đợi vì lẽ khi Chúa đến thì họ cũng sinh viên được cứu độ. Có vị thì được thị kiến này thị kiến nọ để loan báo về Thiên Chúa, về Đấng Cứu Độ trần gian và về thành Thánh Giêrusalem thiên quốc. Ai được Thiên Chúa cho thấy như thế thì họ quả là hạnh phúc vì niềm mong nỗi nhớ, sự mong chờ của họ đã thành hiện thực.

Isaia, một ngôn sứ lớn đã được thấy Giuđa và Giêrusalem.

Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa

đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,

vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,

nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa,

lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp,

để Người dạy ta biết lối của Người,

và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.

Vì từ Xion, thánh luật ban xuống,

từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền.

Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

Hãy đến đây, nhà Giacóp hỡi,

ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa Chúa soi đường!

Thực sự ra mà nói, niềm hy vọng mà Isaia thấy về một núi của Đức Chúa núi mà ở đó người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến không phải là niềm hy vọng của Isaia hay của một sứ nào đó mà là niềm mong đợi của tất cả những ai tin cậy vào Chúa.

Chúng ta bước vào Chúa nhật thứ I mùa Vọng. Ai cũng biết mùa Vọng là mùa mà mọi người mong đợi Chúa đến. Thật ra, chúng ta không phải như dân Do Thái ngày xưa. Chúng ta hạnh phúc hơn dân Do Thái ngày xưa vì thật sự là Chúa đã đến rồi. Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm rồi. Hiện giờ, chúng ta đang mong đợi, vẫn mong đợi đó là việc Chúa quang lâm, Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài.

Chúa quang lâm hay nói cách khác là ngày Cánh Chung. Ngày Cánh Chung ấy sẽ đến nhưng không ai biết được ngày đó là ngày nào, ngày đó ra làm sao. Ngày đó là ngày nào, ngày đó ra làm sao thì duy nhất chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi.

Nhiều người xôn xao ngày nào là ngày tận thế, ngày nào là ngày cùng tận. Cũng đúng thôi vì đó là nỗi bận tâm của con người. Nhưng, ngày tận thế, ngày cùng tận nhất của mỗi người chính là cái ngày mà Chúa đến mời gọi mỗi người về trình diện với Ngài.

Ngày ấy Chúa nói như thế nào ? Thánh Matthêu vừa ghi lại cho chúng ta biết ngày ấy. Ngày ấy là cái ngày mà không ai biết được. Ngày ấy đến vào giờ phút anh em không ngờ, vào giờ mà anh em không biết.

Chúa Giêsu ví von thật dễ thương, thật gần với con người là ngày ấy đến với anh em như là kẻ trộm vậy. Ai trong chúng ta có thể biết được ngày nào kẻ trộm đến nhà mình ? Không bao giờ biết cả nhưng đến lúc trộm đến là trộm đến thôi. Điều này hết sức bình thường trong cuộc sống. Ngày mà Chúa đến hết sức thình lình. Chúa Giêsu còn minh chứng cái chuyện ngày xửa ngày xưa vào thời ông Nôê. Ngày mà nước lũ dâng lên lại là cái ngày mà không ai được biết cả. Ngày hôm nay, người ta cũng ăn uống, dựng vợ, gả chồng hết sức bình thường và bất chợt lũ đến. Lũ lớn đến thì chết hết mọi người, duy chỉ có những người nào thân thuộc với gia đình ông Nôê hay được báo trước ngày lụt thì mới thoát khỏi cơn đại họa ấy mà thôi.

Hết sức bình thường cuộc sống quanh ta. Ngày nào cũng có người sinh ra trong bệnh viện nhưng ngày nào cũng có đám tang cả. Nếu như ta có dịp ở các nghĩa trang, gần nhất là Bình Hưng Hòa, ở đó ta sẽ chứng kiến ngày chung tận của người được Chúa mời gọi. Ngày mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta chúng ta không được biết, chỉ duy một mình Chúa biết mà thôi.

Thật hết sức ý nghĩa khi chúng ta bước vào Mùa Vọng. Sống tâm tình mùa Vọng chính là sống tâm tình rõ nét nhất của sự chờ đợi Chúa quang lâm. Sống tâm tình mùa Vọng ấy như thế nào mới có ý nghĩa thật sự.

Tâm tình ấy chúng ta vừa nghe Thánh Phaolô mời gọi hết sức dễ thương : Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.

Thế đấy ! Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy ăn ở đúng đắn như những người sống giữa ban ngày, mặc lấy tâm tình của Đức Kitô Giêsu và không chạy theo trần gian để thỏa mãn các dục vọng.

Tâm tình của thánh Đaminh Saviô về sự chờ đợi Chúa đến thật là hay ! Chuyện kể là đang chơi đá bóng trong sân nhà thờ. Cha Xứ gọi Đaminh và các bạn lại và nói là Chúa sắp đến. Nếu như Chúa đến thì các bạn sẽ làm gì ? Sau khi nghe lời ấy, tất cả các em xin vào nhà thờ để cầu nguyện, xin đi xưng tội. Riêng chỉ mình Đaminh thưa với Cha Xứ là xin cho Đaminh chơi bóng tiếp tục vì lúc nào Đaminh cũng sẵn sàng chờ Chúa đến rồi !

Tâm tình của Đaminh Saviô thật dễ thương. Có lẽ Đaminh Saviô đã mặc lấy tâm tình của Đức Kitô trong cuộc đời của Đaminh, Đaminh đã luôn mong đợi Chúa đến với mình nên dù ăn, dù ngủ và dù đang đá banh Đaminh vẫn sẵn sàng.
Nguyện xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta để từng giây từng phút trong cuộc đời ta luôn sẵn sàng chờ Chúa đến trong cuộc đời chúng ta. Hơn nữa, xin Chúa cho chúng ta luôn mặc lấy tâm tình của Chúa để bất cứ lúc nào ta cũng hành động, cư xử tốt đẹp với anh chị em đồng loại xung quanh ta như thể Chúa đang hiện diện nơi những anh chị em ấy.

Anmai, CSsR